Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 24/05/2024, 14:00 PM

Bát Nhã Tâm Kinh là gì?

Trong Phật giáo Bắc tông, chúng ta có thông lệ mỗi khi tụng một thời Kinh nào đều mở đầu bằng thần chú Đại Bi và cuối cùng kết thúc bằng Tâm Kinh Bát nhã. Hầu hết các Phật tử đến chùa, không ai là không thuộc Bát nhã, do đó nó được xem như một Kinh quan trọng vậy.

Bài Kinh này được Ngài Huyền Trang đời nhà Đường dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào năm 649 Tây lịch.

Toàn bài gồm có 262 chữ.

Bát nhã Tâm Kinh là nói tắt, nếu nói cho đủ là Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm Kinh (Maha Prajnàpàramitàhrdaya Sùtra).

Ma ha có nghĩa là lớn, Bát nhã là trí tuệ, Ba la mật đa là đến bờ bên kia, Tâm (Hrdaya) là cốt lõi hay tinh yếu, chứ không phải tâm ý (citta).

Đại ý Kinh này nói về trí huệ rộng lớn có thể đưa hành giả sang bờ bên kia, tức bờ giải thoát.

Kinh này là Kinh nhật tụng của Phật tử tại gia cũng như xuất gia, và đã có rất nhiều sách giảng giải về ý nghĩa Kinh này.

Vì thế ở đây sẽ không đi sâu vào chi tiết, mà chỉ hạn chế bình luận những điểm chính yếu của Kinh và sau đó so sánh nó với Kinh Tứ Niệm Xứ.

Ứng dụng “trí tuệ Bát Nhã” để tu

00

Toàn bộ Kinh có 262 chữ, nhưng đại ý của Kinh nằm gọn trong 25 chữ đầu:

"Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách".

Nghĩa là có một vị Bồ Tát tên là Quán Tự Tại khi thực hành sâu về Trí hụê Bát nhã thì Ngài soi thấy 5 uẩn đều "không", và từ đó thoát mọi khổ nạn.

Chữ "không" ở đây thường được giảng theo nhiều nghĩa, có sách nói "không" là không thiệt, có chỗ để nguyên chữ không, có chỗ nói tánh nó là không.

Chữ "không" ở đây nên được hiểu là không có tự tánh (vide de nature propre), chứ không phải "không thiệt" hay là "không" đối với "có".

Chữ "không" (sùnyatà, emptiness, vide) này rất quan trọng, nó được xem như nền tảng của hệ thống giáo lý Đại Thừa.

Tiếp theo sau câu "Quán Tự Tại... nhất thiết khổ ách", đến câu "Xá Lợi tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị ".

Dịch nghĩa là Xá Lợi tử, Sắc chẳng khác không. Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

Trong phần Bát nhã Tâm Kinh ở đây chỉ bình luận hai câu đầu này thôi vì nó tóm lược tất cả những ý nghĩa quan trọng của Kinh.

Còn những phần sau chỉ giảng giải thêm về tánh Không, về những diệu dụng của nó, tôi thấy không đem lại nhiều lợi ích cho người sơ cơ học đạo, mà ngược lại có thể biến họ thành những biện luận sư về tánh Không.

Kinh Bát nhã dạy chúng ta nếu muốn thoát khỏi mọi khổ nạn, đạt đến an vui, tự tại của Niết Bàn, thì phải thực hành Trí huệ Bát nhã, tức là quán chiếu làm sao để thấy rõ năm uẩn không có tự tánh.

Nhưng phải quán chiếu thế nào?

Cách thức tu tập ra sao?

Theo tôi thấy thì Kinh này không chỉ dạy cách thức tu tập.

Người đọc Kinh này rồi, không thể đem ra áp dụng tu tập liền được nếu không hiểu rõ nghĩa Kinh.

Họ cần phải nghiên cứu tìm tòi, suy luận về những lý duyên sinh, bất nhị, tương tức, từ đó mới có thể hiểu được tánh Không của ngũ uẩn.

Nhưng hiểu rồi thì đó cũng chỉ là trên phương diện kiến thức hay ý thức mà thôi, chứ không phải thực chứng hay trực nghiệm.

Những người hiểu được "5 uẩn giai không" có thể có rất nhiều, nhưng người thực nghiệm được "5 uẩn giai không" thì rất hiếm.

Lại có nhiều người lấy câu " Sắc tức là Không" của Kinh Bát nhã ra làm một triết lý đạo đức.

Vì hiểu Kinh Phật dạy rằng tất cả đều Không, nên họ bảo rằng: "cái xe hơi này tôi chạy thả ga, nếu hư thì bỏ, hoặc nếu có mất, thì tôi cũng không buồn, vì (tôi coi) nó là Không".

Họ lấy lý Không này mà bảo mọi người đừng chấp vào tất cả mọi sự, rồi từ đó nẩy ra hai hạng người: một hạng bất chấp tất cả, phóng túng, muốn làm gì thì làm; một hạng khác thì ngược lại, yếm thế, chán đời, không làm gì cả, vì tất cả là Không, có làm cũng chả được lợi ích gì.

Vì lý do này Kinh Bát nhã cần phải được giảng dạy cẩn thận và tế nhị.

Trong Kinh câu "Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc" quan trọng và cần được giảng nhiều hơn câu "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc".

Trước khi nói tại sao, tôi xin đưa ra vài thí dụ thông thường để bạn đọc hiểu rõ hai câu trên.

Lấy thí dụ cái bàn.

Cái bàn không thể tự nhiên mà có, nó có đó là do sự kết hợp của những yếu tố "không phải là bàn" như gỗ, cây, cưa, đinh, người thợ mộc, tiều phu, rừng, đất, nước, mưa, mặt trời, v.v...

Nếu thiếu một trong những yếu tố đó thì cái bàn không thể có được.

Sự có mặt của cái bàn tùy thuộc và liên quan mật thiết với những cái "không bàn".

Do đó ta có thể nói cái bàn chẳng khác gì cái "không bàn", những cái "không bàn" khi đủ nhân duyên hội hợp lại thành cái bàn, nên ta nói những cái "không bàn" chẳng khác gì cái bàn.

Chữ "bất dị" (không khác) trong câu "Sắc bất dị không" muốn nói lên sự liên quan mật thiết của tất cả sự vật (tương quan).

Cái này có vì cái kia có, cái kia có vì cái này có; cái này không thể có nếu không có cái kia, và ngược lại cũng vậy.

Một thí dụ khác nói về bất dị: em bé 10 tuổi và ông già 70 tuổi.

Em bé 10 tuổi theo thời gian lớn lên rồi già đi thành ông già 70.

Em bé và ông già không phải là hai người mà cũng không hẳn là một người.

Em bé theo thời gian trở thành ông già, có em bé nên mới có ông già, nên em bé chẳng khác gì ông già (bất dị).

Nhưng em bé 10 tuổi xưa kia tóc xanh đen, nhỏ người, ngây thơ, còn ông già 70 tuổi hôm nay tóc bạc, cao gầy, nhiều kinh nghiệm; hai hình dáng, hai tâm tư khác nhau, ta không thể nói em bé chính là ông già, hay em bé và ông già là một được (bất nhất).

Vì nếu là một tại sao lại có hai danh từ, em bé và ông già?

Tại sao lại có hai hình dáng khác nhau?

Tất cả sự vật đều biến chuyển không ngừng từng giây phút, từng sát na.

Từ một vật A chuyển thành vật B, ta không thể nói B khác A, mà cũng không thể nói B là A được.

Đây chính là lý Bất dị, Bất nhất trong Bát Bất Trung Đạo của Bồ Tát Long Thọ (Nagarjuna).

Có nhiều vị nói Bát nhã thuộc pháp môn "bất nhị", theo tôi nghĩ Bất nhị gồm có Bất dị và Bất nhất.

Vì lý do này, thay vì nói theo trong Kinh: 

"Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc", tôi sẽ nói là:

"Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Sắc, Không tức thị Không".

Sắc chẳng khác gì không, nhưng Sắc vẫn là Sắc, Không vẫn là Không.

Nhờ biết được Sắc chẳng khác gì Không, nên ta thấy được tánh không của cái bàn, nhưng Sắc vẫn là Sắc, nên ta không từ bỏ cái bàn, mà ngược lại cũng thấy được diệu dụng của cái bàn.

"Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn sự môn trung bất xả nhứt pháp", tuy biết rằng không có cái gì có thể gọi là cái bàn được, nhưng nếu có người chỉ vào cái bàn mà hỏi ta đó là gì?

Ta cũng phải trả lời là cái bàn.

Đó là Trung-Đạo.

Trích trong: Thiền Tứ Niệm Xứ. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Hành trì giới luật

Kiến thức 15:57 16/06/2024

Giới chia ra làm hai phần, một là giới điều và hai là giới đức. Giới điều có điều khoản rõ ràng, trong đó có điều luật phải giữ gìn, nếu không giữ là vi phạm và bị xét xử. Đối với Phật tử tại gia, Phật ban cho năm giới điều.

Làm sao để vơi bớt ưu phiền trong cuộc sống?

Kiến thức 14:00 16/06/2024

Người xưa nói: "Bất viễn lự, tức cận ưu" nghĩa là không có trí tuệ nhìn xa nghĩ sâu thì sẽ gặp những chuyện buồn trong thời gian gần. Làm sao để cắt đứt gốc rễ ưu phiền, giảm bớt âu lo để sống vui hơn, nhẹ nhàng hơn...

Dùng khổ để trừ ác nghiệp

Kiến thức 13:07 16/06/2024

“Đau khổ này là một bài học cho ta. Bài học này dạy rằng nếu không muốn khổ nữa thì phải từ bỏ nguyên nhân của nó là các hành vi phi đạo đức”.

Nghĩa sâu của vô thường

Kiến thức 12:15 16/06/2024

Lý vô thường không phải làm cho con người bi quan, khi rõ tất cả là vô thường thì chúng ta không mê lầm, sống trở lại nguồn gốc chân thật mà chúng ta đã bỏ quên.

Xem thêm