Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 14/08/2022, 11:54 AM

Bếp lửa yêu thương

Mỗi tháng vài lần, các cô chú lại tập hợp về hẻm 463 Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, TP Thủ Đức (TPHCM) khiến con hẻm thêm nhộn nhịp. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chảy ròng trên khuôn mặt nhưng trên môi mọi người luôn nở nụ cười.

 Chung tay góp sức

Với tiêu chí đặt sự công khai, minh bạch lên hàng đầu, nhóm từ thiện Bếp hồng Thủ Đức đã tồn tại thời gian khá dài. Người có tiền ủng hộ tiền; người có sức thì góp công; người có sẵn hàng hóa thì hỗ trợ nguyên liệu, dụng cụ như rau củ quả, gạo, dầu ăn hay lò, bếp, tủ nấu. Ai cũng có thể phát tâm vận động, quyên góp cho hoạt động của nhóm một cách “tùy tâm, tùy duyên”.

Giữa tuần qua, các cô chú lại nấu cơm chay tặng bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện trên địa bàn TP Thủ Đức. Đưa tay gạt mồ hôi tươm đầy trên mặt, bà Võ Thị Bích Nam cho biết: “Để nấu 600 phần cơm, chúng tôi đã cùng nhau sơ chế thực phẩm, lặt rau… từ chiều hôm trước. Gần chục người trong nhóm và mấy chị em ở gần đây cũng qua phụ, mỗi người một tay. Gần 23 giờ mới xong, chúng tôi nghỉ ngơi chút rồi 2 giờ sáng lại lục đục thức dậy nấu cơm, chế biến thức ăn. Bữa nào mở bếp là cả nhóm phải làm cấp tập vậy đó, để bà con có được bữa cơm nóng sốt, thơm ngon, đầy đủ các món canh, xào...”.

Con hẻm 463 Kha Vạn Cân rộng, sạch sẽ, thoáng mát, thuận tiện để các cô chú bày biện, nấu nướng. Chú Nguyễn Hùng Dũng, Chủ tịch Chi hội Chữ thập đỏ Đức Nhân Tâm, cho hay: “Chi hội vốn trực thuộc Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh. Sau đó, chúng tôi dời địa điểm về TP Thủ Đức nên tổ chức bếp nấu tại đây luôn. Trước đây, bếp nấu khá thường xuyên, nhưng sau dịch bệnh, việc vận động kinh phí khó khăn hơn nên chúng tôi thu xếp nấu ăn mỗi tháng vài lần. Cứ có đủ tiền là bếp đỏ lửa, anh chị em lúc nào cũng sẵn sàng. Mọi kinh phí hỗ trợ, chi phí thực hiện đều được công khai, minh bạch. Nhờ vậy, nhóm được các nhà hảo tâm tin tưởng, đều đặn gửi tiền, hàng hóa hỗ trợ. Gần đây còn có nhiều anh chị em ở các quận, huyện khác và một số sinh viên, công nhân ở trọ quanh khu vực này đến chung tay. Người lặt rau, cắt gọt củ quả; người nấu canh, xào thức ăn; người được phân công liên hệ với các bệnh viện để giao cơm đến tận tay bệnh nhân nghèo”.

Trân trọng gửi trao

Trời bắt đầu hửng nắng, các phần cơm cũng đã được đóng gói hoàn tất. Mọi người trong nhóm thoăn thoắt mang các phần cơm đặt sau xe gắn máy để mang đến các bệnh viện. Theo kế hoạch,

600 phần cơm chay sẽ được trao đến các bệnh nhân ở Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, Bệnh viện TP Thủ Đức…

Bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Quân dân y miền Đông nhận phần cơm nghĩa tình

Bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Quân dân y miền Đông nhận phần cơm nghĩa tình

Nhớ bữa cơm rau muống Sài Gòn

Tại địa điểm cung cấp bữa ăn tình thương thuộc Phòng công tác xã hội - Bệnh viện Quân dân y miền Đông có một quầy lưu động với bàn inox sạch sẽ, tươm tất đặt ở gần khu vực khám bệnh. Được thông báo trước nên khá đông bệnh nhân, thân nhân người bệnh đã chờ đợi trong trật tự.

Cầm 2 phần cơm trên tay, bà Nguyễn Thị Nguyệt, 56 tuổi, xúc động nói: “Tôi ở tận Cần Giờ. Chồng tôi bị đau bao tử, vô đây chữa trị hơn chục ngày rồi. Nhà xa quá nên tôi ở lại bệnh viện luôn để tiện chăm sóc chồng. Có cơm từ thiện, người khó như chúng tôi đỡ nhiều lắm!”.

Ông Nguyễn Văn Năm (64 tuổi, nhà ở huyện Củ Chi, đang điều trị nội trú ở bệnh viện) rụt rè: “Các anh chị cho tôi nhận 5 phần được không? Tôi nhận giùm cho cô bác nằm cùng phòng. Họ đang đợi bác sĩ khám bệnh nên không ra được”.

Nghe vậy, anh Nguyễn Đức Đạt, thành viên trong nhóm từ thiện, liền sắp xếp mấy phần cơm vào bao nhựa và nói: “Được chớ chú, và nhờ chú vào thông báo các bệnh nhân khác đến đây nhận cơm của nhóm Bếp hồng Thủ Đức luôn nha. Nay tụi cháu đem tới đây mấy trăm phần cơm lận”.

Ngưng tay, anh Đạt tâm sự: “Tôi biết chú Nguyễn Hùng Dũng, Chủ tịch Chi hội Chữ thập đỏ Đức Nhân Tâm, qua các lần đi làm từ thiện. Khi biết chú Dũng tổ chức bếp ăn từ thiện, vợ chồng tôi tham gia ngay, mong tham gia phần nào việc chung, chia sẻ với nỗi đau, cảnh khó khăn của người khác. Nhờ vậy, vợ chồng tôi thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”.

Gần một giờ trôi qua, 600 phần cơm đã đến tận tay những bệnh nhân nghèo đang gặp muôn phần khó khăn trong cuộc sống. Phần cơm chay trị giá không cao, nhưng gói ghém đủ đầy tình cảm, nghĩa tình của các cô chú đang tham gia bếp ăn thiện nguyện.

Giữa trưa nắng nóng gay gắt, chia tay chúng tôi ở cổng bệnh viện, các cô chú lại quày quả trở về nhà chú Nguyễn Hùng Dũng để nhận cơm phát cho người lang thang, cơ nhỡ ở khu vực gần đó. Xen lẫn với cái nóng và những giọt mồ hôi là niềm vui, niềm hạnh phúc của những con người nguyện đem sức nhỏ cống hiến cho đời.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người

Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024

Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.

Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90

Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024

Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng. 

5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ

Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024

Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.

Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời

Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024

Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.

Xem thêm