Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 04/04/2022, 08:39 AM

Biểu hiện của truyền thống dân chủ trong tiến trình lịch sử dân tộc

Tính tự trị của làng xã vốn có nguồn gốc lịch sử xa xưa, nhưng việc thực hiện chế độ quân điền và sự xuất hiện thêm các quan hệ cộng đồng trong làng xã làm cho nó càng được củng cố.

18-1

1. TRUYỀN THỐNG DÂN CHỦ THỂ HIỆN QUA TÍNH TỰ TRỊ CỦA LÀNG 

1.1. Nền tảng hình thành tự trị của làng

Đó chính là sự cố kết chặt chẽ, không thể tách rời khỏi thực thể làng của các bộ phận, tổ chức, cá nhân trong làng. Làng là tập hợp của một đơn vị cư trú, một tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội, tổ chức quân sự. Sự đan xen nghề nghiệp: Nông, công, thương và mối quan hệ đa dạng phường hội, họ hàng, xóm, giáp; sự dung hợp các hệ tư tưởng và tôn giáo… đã tạo cho làng cổ truyền một cơ sở vững chắc. Mỗi cá nhân đồng thời là thành viên của nhiều tổ chức, phe giáp và là thành viên của cộng đồng làng, là bộ phận hữu cơ luôn gắn bó chặt chẽ với tổ chức làng. Tâm lý cộng đồng là một trong những đặc trưng của văn hoá làng [1]. Kết cấu đa dạng và chặt chẽ của làng đã tạo ra một định hướng hành vi hành động của cá thể và toàn thể, đã tạo ra một sự thống nhất tương đối, đồng thời có sự tự điều chỉnh và ổn định. Chính sự liên kết bền vững này là “nội lực” cho làng xã có thể duy trì được tính tự trị của mình. Nó tạo cho làng xã “sức mạnh” để chống lại mọi sự thâm nhập từ bên ngoài.

1.2. Yếu tố đảm bảo sự tồn tại tính tự trị của làng

Tính tự trị của làng xã vốn có nguồn gốc lịch sử xa xưa, nhưng việc thực hiện chế độ quân điền và sự xuất hiện thêm các quan hệ cộng đồng trong làng xã làm cho nó càng được củng cố. Việc chia ruộng đất đòi hỏi phải có tổ chức đại diện các giáp, các họ cùng với hội đồng chức dịch bảo đảm sự phân chia cho hợp lý, tương đối công bằng. Việc phân chia này lại có lệ riêng của làng, có khi không theo đúng thể lệ quân điền của nhà nước. Chế độ quân điền Gia Long đề ra 3 năm một lần chia, nhưng không ít làng xã lại kéo dài đến 4 năm. Ngoài phần ruộng chia cho dân, làng còn để ruộng cho giáp, cho chùa, cho đình, cho Hội Tư văn, cho các chức dịch từ xã trưởng cho đến mõ – mà nhà nước Trung ương không kiểm soát nổi. Như vậy, tính tự trị của làng xã được duy trì một phần là do chế độ quân điền. Đây không phải là tàn dư dân chủ của Công xã nguyên thuỷ còn lại, mà trên cơ sở sử dụng quân điền và cách phân chia ruộng đất công trong thời phong kiến sản sinh ra. Tính tự trị tương đối của làng xã lại được củng cố thêm trong việc lập hương ước, nhưng từ thời Lê sơ về sau thì hương ước ngày càng nhiều. Theo Hồng Đức thiện chính thư thì cuối thế kỷ XV, hương ước thành văn bản đã phổ biến, đôi nơi chính quyền khuyên “Không nên lập khoán ước riêng và nếu muốn lập khoán ước thì phải nhờ các bậc Nho giả viết và phải trình lên quan chức nha môn xem xét” [2]. Rõ ràng đến thế kỷ XV, hương ước các làng đã được viết thành văn bản. Hương ước có văn bản thì lệ làng được định hình cụ thể thêm và mạnh mẽ thêm. Ở các thế kỷ sau thì việc lập hương ước thành văn bản phổ biến hơn. Các hương ước của những làng gọi là “Danh hương” như Mộ Trạch ở Hải Dương; Quỳnh Đôi, Nho Lâm ở Nghệ An; Đông Ngạc ở Từ Liêm; Kim Đôi ở Bắc Ninh đều mới được hình thành văn bản từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều làng vẫn tiếp tục bổ sung thêm trong hương ước nhiều luật lệ mới.

Hương ước là luật lệ làng, bắt buộc các thành viên phải tuân thủ. Hương ước gắn bó các thành viên trong một cộng đồng tương đối chặt chẽ và tự nguyện, lệ thuộc lẫn nhau, phục tùng làng xã. Có khi ruộng công không còn mấy, chỉ còn một ít ruộng đình, ruộng chùa, ruộng họ nhưng cộng đồng làng xã vẫn chặt chẽ trong các quan hệ dòng họ, tín ngưỡng, phường hội và trong những quy định của hương ước. Những quy định trên có ý nghĩa như là hình thức tổ chức xã hội trong làng xã.

1.3. Biểu hiện của tính tự trị làng xã

– Tính tự trị của làng thể hiện trong mối quan hệ giữa làng với làng: Làng xã là một thực thể thống nhất. Nó có đầy đủ các bộ phận để hoạt động, để “sống” và tự bảo vệ mình khỏi xâm nhập từ bên ngoài. Nguyễn Đổng Chi cho rằng “Làng là một cơ thể trọn vẹn, gần như một con người, nhưng lại là một con người phi giai cấp. Trong cơ thể người trọn vẹn đó không những có ẩn giấu một linh hồn, một tâm lý ý thức cộng đồng, mà còn có một cá tính riêng, nghĩa là một đặc sắc riêng về tính cách” [3]. Đúng vậy, mỗi làng không những có một địa vực riêng mà còn có một tín ngưỡng riêng, luật lệ riêng, nhiều nét văn hoá khác nhau…

Về văn hoá tín ngưỡng: Đình là nơi sinh hoạt văn hoá của cả làng. Thường mỗi làng có một ngôi đình, thờ một vị Thành hoàng. Dân gian đã có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Cùng đó mỗi làng có một lễ hội khác nhau. Thời gian và cách thức tổ chức lễ hội phụ thuộc vào mỗi vị thánh làng thờ. Mỗi làng xã có cá tính khác nhau. Thậm chí nhờ vào tính cách đặc trưng đó của làng, người ta có thể nhận biết được làng. Chúng ta đã từng nghe những câu tục ngữ như:“Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim”, “Văn chương Xuân Mỹ, lý sự Thuỷ Khê”, …

Về lệ tục của làng: Thể hiện rõ nhất qua hương ước làng. Mỗi làng đều có hương ước riêng. Vì hương ước là để quản lý làng xã, nên khi làng xã có biến đổi, hương ước cũng phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Những lần sửa đổi này nhiều khi làng xã không trình báo lên chính quyền phong kiến cấp trên, càng làm tăng tính khác biệt giữa hương ước của các làng xã [4].

– Tính tự trị của làng xã thể hiện qua mối quan hệ giữa làng với nước:

Qua tính chất bộ máy quản lý làng xã: Mỗi làng xã có hai cơ quan quản lý. Đó là Cơ quan của nhà nước, đứng đầu là các xã quan (xã trưởng, sau này là các lý dịch: Lý trưởng, phó lý, hương thân, hương hào, khán thủ, hương trưởng) và Hội đồng kỳ mục của làng xã đứng đầu là các tiên thứ chỉ (thường là quan lại về hưu, người cao tuổi trong làng…).

Từ thế kỷ XI, Khúc Hạo bắt đầu đặt xã quan, đánh dấu bước khởi đầu nhà nước chính thức can thiệp vào đời sống làng xã. Từ đó đến giữa thế kỷ XVIII, các vua liên tục đặt các chức xã quan (xã trưởng, xã xử, xã tư). Thực ra, trong khoảng 500 năm đó, các xã quan chỉ tồn tại gián đoạn và nhìn chung là bị nhà nước coi nhẹ nên không chiếm địa vị quan trọng. Lúc đầu các xã quan được xếp vào hạng ngũ phẩm trở lên hoặc lục phẩm trở xuống. Sau đến đời nhà Lê đổi các xã quan thành xã trưởng, xã trưởng được chọn trong các Nho sinh và Sinh đồ. Sau đó 10 năm, đời Cảnh Trị (1663-1672), các xã quan lại một lần nữa bị hạ thấp tầm quan trọng khi xã trưởng chỉ còn được chọn trong “các con em nhà lương thiện” không có văn bằng chức phẩm gì. Từ giữa thế kỷ XVIII, các xã quan bị bãi bỏ, việc đặt xã trưởng do dân bầu. Như vậy, việc làng xã chấp nhận xã quan vào hàng ngũ cai trị trong làng có nghĩa là làng xã không còn tính tự trị độc lập. Nhưng các xã quan chỉ thực hiện một số công việc cụ thể liên quan với nhà nước. Vai trò quản lý làng xã vẫn nằm chủ yếu trong bộ máy quản lý truyền thống của làng. Cho nên làng xã so với nhà nước vẫn có một sự tự do nào đó, không còn tự trị độc lập, cũng không phụ thuộc hoàn toàn. Đó chính là sự tự trị tương đối của làng xã [5].

Từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, tính chất tự trị của làng xã càng trở nên rõ rệt hơn. Sự can thiệp của nhà nước vào làng xã không mạnh mẽ như trước vì nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đi vào con đường suy yếu, bế tắc. Nó tạo ra một sự thoả hiệp nửa vời nhưng có hiệu quả giữa nhà nước và các làng xã.

Về phẩm trật của lý dịch: xã quan từ được xếp hàm tứ ngũ lục phẩm ở thế kỷ XVIII, xuống tòng cửu phẩm đầu thế kỷ XIX, phẩm cấp cuối cùng trong hàng quan lại. Đến đời Minh Mạng, xã quan không được ban phẩm hàm. Điều đó có nghĩa là sự can thiệp của nhà nước vào làng xã (thông qua xã quan) bị suy yếu, đồng nghĩa với việc làng xã tăng cường tính chất tự trị tự quản.

Hội đồng chức dịch chỉ đóng vai trò là bộ phận trung gian giữa làng xã và nhà nước. “Lý trưởng là người mối giới giữa chính phủ với làng xã. Lý trưởng phải giữ các công văn địa bạ, các sở thuế của làng và các lệnh truyền của chính phủ” [6]. Hội đồng kỳ mục có tính tự trị, tự quản cao hơn, chi phối cả hội đồng chức dịch. Như vậy, bộ máy quản lý làng xã gồm cả lý dịch vẫn biểu hiện như một bộ máy tự quản của làng xã. Thậm chí có khi sự có mặt của lý dịch lại làm tăng thêm tính tự trị của làng xã như trên vừa nói. Có thể khẳng định, tính tự trị tự quản của làng xã một phần thể hiện ở tính chất bộ máy quản lý. Một khi tính tự trị của làng xã còn mạnh mẽ thì không thể xoá bỏ bộ máy quản lý đó.

Qua hương ước: Làng xã từ xa xưa đã có các lệ làng. Hương ước ra đời là văn bản hoá lệ làng, khẳng định thêm một lần nữa tính tự quản của làng xã. “Nước có luật lệ của nước, làng có hương ước riêng” hay “Nhà nước có pháp luật quy định, còn dân có những điều ước riêng”… Ngay từ phần mở đầu của hương ước đã khẳng định vị trí độc lập tương đối của làng với nhà nước.

Xét về nội dung của hương ước, những điều khoản ghi trong hương ước nhiều khi khác xa so với luật pháp nhà nước. “Những điều khoản của hương ước đã được cụ thể hoá, căn cứ vào đặc điểm của từng làng, để cuối cùng chỉ còn là những “bóng hình” mờ nhạt của luật nước”. Tinh thần của luật nước được thể hiện trong hương ước chỉ qua những quy định về việc thực hiện các nghĩa vụ về sưu thuế, phu dịch hay việc chia cấp ruộng đất công, bầu cử bộ máy chính quyền nhà nước ở làng… Những mặt này do nhà nước cố tình áp đặt vào hương ước. Còn lại hầu hết các điều khoản của hương ước chỉ liên quan tới đời sống của làng. Những điều quy định này là những cái “thâm căn cố đế” khó có thể lay chuyển được. Ví dụ như trong “Cải lương hương chính” năm 1921, thực dân Pháp muốn qua đợt cải lương hương chính này để nắm làng xã. Một phần chúng đã thành công như tăng cường quyền lực của bộ máy quản lý nhà nước ở làng xã, quy định cách lập hương ước (gồm hai phần chính trị và tục lệ)… còn các vấn đề chia ruộng đất công, tổ chức cưới xin, ma chay, thờ cúng… thì chúng đành cho “từng làng giải quyết”, làm thế nào cho giảm tổn phí thì làm. Chúng không thể nào can thiệp vào được [7].

19-1

Hương ước ra đời là kết quả của sự thoả hiệp giữa tính tự trị của làng xã và tính áp chế của chính quyền nhà nước. Có thể nói nó thể hiện rất rõ tính tự trị của làng xã đối với nhà nước. Hầu hết làng xã truyền thống ở Bắc và Trung Bộ đều có hương ước để quản lý làng mình thật chặt chẽ. Làng xã thay đổi thì hương ước sẽ được sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với tình hình mới.

2. TRUYỀN THỐNG DÂN CHỦ TRONG CÁC VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ 

Theo tư tưởng Ðông phương, nhà vua đại diện cho mệnh trời để chăm lo muôn dân. Còn dân là nền tảng quốc gia. Xuyên qua đời sống của dân chúng mà thiên mạng được phán xét để có thay đổi. Nếu thay đổi không thực hiện được mà dân chúng bị áp bức, cơ cực, toàn dân sẽ vùng dậy lật đổ nhà vua, thiết lập một thể chế khác phù hợp với nguyện vọng chung. Ý niệm về dân bản vị trong tư tưởng cổ thời ở Việt Nam đã bám rễ sâu trong các tầng lớp dân chúng và rất phổ biến. Bình thường, chỉ có ngôi vua mới truyền lại trong hoàng tộc, còn các chức tước khác, mọi người trong dân chúng đều có thể thủ đắc nhờ ở khả năng của mình một cách công bình. Như thế, ở Việt Nam vào thời quân chủ cực thịnh, người dân bình thường vẫn có thể tham gia việc nước.

Chế độ quân chủ nước ta còn khuyến khích mọi người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Từ đời nhà Lý, mỗi triều đại đều có lập cơ quan giám sát, có nhiệm vụ nêu lên những sai lầm của nhà vua hoặc của triều đình. Hơn nữa, quan chức các cấp và ngay cả dân chúng, ai ai cũng có thể làm báo cáo đưa lên nhà vua để trình bày những nhận xét, phê phán, hoặc những yêu sách của mình.

Một đặc tính khác là nhà vua tuy ngự trị ở ngôi vị cao nhất, nhưng lúc nào cũng quí trọng giới trí thức. Vua nhà Trần chấp nhận sự từ quan của Chu Văn An như một phản kháng hợp lý mà không hề phạt vạ ông. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, việc quan tâm tới người dân là một trong những chuẩn mực và hệ giá trị cao nhất đối với người lãnh đạo đất nước. “Báo quốc” (giữ nước) và “Hộ dân” (giúp dân) là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà cầm quyền.

Ở đền Trần, Nam Định, nơi thờ phụng các vị vua nổi tiếng nhà Trần, ngay tại cổng Ngũ Môn còn ghi khắc đôi câu đối :

Báo quốc hộ dân, ngoại tặc chí kim do bạch phát

Nhân hoà đức trị, nội bang tự cổ tạ hoàng ân

(Giữ nước, giúp dân, đến nay giặc ngoại xâm đầu còn bạc trắng vì khiếp sợ

Lấy đức trị nước, từ xưa dân trong nước khắp nơi đều tạ ơn vua).

Tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, chăm lo tới đời sống của người dân luôn là tư tưởng chính thống, chủ đạo, là quy chuẩn quan trọng nhất, là “Sách lược ngàn năm” dựng nước và giữ nước của dân tộc, là cẩm nang điều hành đất nước cho mọi ông vua, mọi triều đại ở Việt Nam. Điều này cũng đã được ghi nhớ và đúc kết lại thành một nguyên tắc cai quản đất nước :

“Dân vi bang bản thiên niên sách

Công tại nhân tâm vạn cổ trường”.

(Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm

Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở)

(câu đối ở Đền Trần – Nam Định)

Vì vậy, Nguyễn Trãi nhắc nhở những nhà lãnh đạo đất nước rằng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có nghĩa người dân mới là quan trọng nhất đối với một quốc gia. Những triều đại được coi là thịnh trị là triều đại mà mọi người dân đều được sung túc, thóc gạo đầy bồ, dân tình phấn khởi, “của rơi ngoài đường không ai thèm nhặt”. Những triều đại bị coi là suy đồi là những triều đại không chăm lo được cho dân, đất nước nghèo đói, mất mùa, quan lại tham nhũng. Những nhà lãnh đạo không quan tâm được tới dân, tàn ác với dân bị gọi là loại “vua quỷ” ( Lê Uy Mục), ăn chơi trác táng trên mồ hôi xương máu của dân là “vua lợn” (Lê Tương Dực)…

Quan điểm “Lấy dân làm gốc”, được ghi nhận rõ ràng nhất ngay từ triều Lý. Lấy dân làm gốc được ghi nhận trong những văn bản pháp luật chung. Trong bộ “Ban sách Hình thư” công bố năm 1042, vai trò chăm lo đến đời sống của người dân trăm họ đã được khẳng định rõ. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” đã ghi rõ: “Trước kia có kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình thường câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư sửa định luật lệnh châm chước cho hợp, chia ra môn loại, biên ra điều khoản, làm sách hình luật của một triều đại để cho người xem dễ hiểu, lời văn rõ ràng, không mập mờ, tùy tiện. Sách làm xong xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện”.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta thấy quan điểm chung của nhà nước lúc nào cũng phải nhấn mạnh “chỉnh đốn pháp luật sao cho giảm bớt nỗi khổ của dân, xóa bớt bất công trong thiên hạ”. Vua nhà Lý nhiều lúc còn tỏ ra thương xót cho cả những kẻ tù tội đôi lúc chỉ vì miếng cơm manh áo, lại chưa được giáo hóa mà trót lầm lỡ và yêu cầu thuộc hạ phải gửi áo ấm cho họ trong mùa đông. Nhân có hoà thì nước mới thái bình, chính sách có đáp ứng được với tâm tư, nguyện vọng của người dân thì dân mới phấn khởi, lòng dân mới yên, đất nước mới ổn định và phát triển. Bởi vậy, mỗi khi triều đình ban hành các chính sách lớn, thường vẫn cắt cử các quan viên đi tới tận từng thôn xóm, làng mạc để quan sát, nghe ngóng dân tình, hỏi ý kiến các vị bô lão và người dân thu thập ý kiến trước khi ban hành. Trong quá trình thực thi một chính sách cũng như vậy, nếu chính sách nào không hợp lòng dân sẽ lập tức được tu sửa, điều chỉnh thậm chí bãi bỏ.

Trong những thời điểm đất nước lâm nguy, cần đến những quyết sách lớn, Nhà nước bao giờ cũng phải thăm dò, tìm hiểu ý kiến của người dân. Để tránh thói độc đoán, quan liêu, xa dân, nhiều ông vua còn thường xuyên “vi hành”, mặc giả lái buôn, Nho sĩ, Văn nhân, thâm nhập vào đời sống xã hội. Vua Trần Nhân Tông có lần vi hành tận một làng xa xôi – làng Mõ, Kiến Thụy Hải Phòng còn để mặc cho dân binh trong làng trói lại dẫn ra giữa sân đình. Đến khi mọi người nhận ra, quỳ rạp dưới chân, ông vẫn không giận mà còn khen về tinh thần cảnh giác. Lịch sử cũng còn ghi rõ về nội dung Hội nghị Diên Hồng nổi tiếng, lấy ý kiến của các vị bô lão trong việc chống giặc Nguyên – Mông. Dựa vào dân, quan tâm đến cuộc sống của người dân là bí quyết để gây dựng mối đoàn kết toàn dân.

Trách nhiệm về mặt pháp lý và đạo đức của người cầm quyền phải chăm lo cho đời sống của người dân luôn được khẳng định. Bên cạnh việc quan tâm chung đến đời sống của mọi cư dân, trong xã hội, luật Hồng Đức còn khẳng định có bốn loại người mà chính quyền địa phương và cộng đồng làng xã phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho họ. Đó là người già không nơi nương tựa, phụ nữ cô độc, trẻ mồ côi, người tàn tật. Một viên Tri huyện có thể sẽ bị bãi nhiệm, thậm chí bị phạt tội nặng nếu trong địa hạt mà mình cai trị đã để cho dân tình đói khổ, bị lũ lụt, phải tha phương cầu thực, hoặc để phong hoá suy đồi… Có thể thấy các triều đại phong kiến Việt Nam luôn chú trọng đến vai trò của nhân dân và coi trọng tính dân chủ thông qua các chính sách, tư tưởng và luật pháp.

3. TRUYỀN THỐNG DÂN CHỦ TRONG TÔN GIÁO 

Lịch sử nước ta đã chứng kiến sự du nhập và phát triển của nhiều tôn giáo khác nhau, nổi lên gồm: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Cùng với đó, từ thời Lý – Trần đã xuất hiện quan điểm về “Tam giáo đồng nguyên”. Phật – Đạo – Nho đều được đưa vào nội dung của các kỳ thi Tam giáo.

Dân tộc Việt Nam không quá thiên trọng về nam và khinh thường nữ theo quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” như Trung Quốc để tạo nên mối bất hòa, mặc cảm, ẩn ức giữa trai gái, đưa đến sự đố kị, tương quan bất ổn.

Dân tộc Việt Nam không quá thiên trọng về nam và khinh thường nữ theo quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” như Trung Quốc để tạo nên mối bất hòa, mặc cảm, ẩn ức giữa trai gái, đưa đến sự đố kị, tương quan bất ổn.

Một nét nổi bật khác trong văn hóa “Tam giáo đồng nguyên” thời Lý là sự tồn tại và phát triển của Nho học. Mặc dù du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc, nhưng đến thời kỳ này vẫn giữ một vị trí khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa và nhu cầu phát triển văn hóa đất nước, Nho học dần có vị thế trong đời sống văn hóa triều Lý. Việc xây dựng Văn Miếu năm 1070 làm nơi dạy học cho các Hoàng Thái tử đã đưa văn hóa Nho gia dần đi vào đời sống. Đặc biệt là việc triều Lý mở khoa thi vào năm 1075 đã đặt nền móng cho sự phát triển của Nho giáo tại nước ta. Dù trong suốt chiều dài tồn tại 216 năm của triều Lý chỉ mở 3 khoa thi, chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc, nhưng có thể thấy Nho giáo đã đóng vai trò quan trọng trong “Tam giáo đồng nguyên”. Việc xuất hiện chữ Nôm trên văn bia cho thấy văn hóa Đại Việt đã tiếp nhận một cách có chọn lọc từ các nền văn minh lớn trên thế giới và trong khu vực [8].

Sự dung hợp giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đã tạo nên một nền văn minh Đại Việt rực rỡ và tinh hoa. Đó chính là sự kết hợp của gam màu văn hóa dân gian với văn hóa bác học cung đình. Nói về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ cho biết: “Sự kết hợp văn hóa Đại Việt thời Lý được xây dựng trên nền tảng của một tầng văn hóa bản địa, có tiếp xúc giao lưu hai chiều với các nền văn hóa Trung Hoa phương Bắc, văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á hải đảo phương Nam… thông qua chính sách “Tam giáo tịnh tồn” của Nhà nước phong kiến” [9]. Sự kết hợp đó đã tạo ra nét riêng biệt của văn hóa Đại Việt triều Lý, tạo tiền đề cho sự phát triển dưới các triều đại sau này. Dù đồng hành tồn tại, song trong “Tam giáo đồng nguyên” triều Lý, đạo Phật vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Dân vi bang bản thiên niên sách Công tại nhân tâm vạn cổ trường (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở) (câu đối ở Đền Trần- Nam Định)

Dân vi bang bản thiên niên sách Công tại nhân tâm vạn cổ trường (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở) (câu đối ở Đền Trần- Nam Định)

Qua các triều đại sau này, các tín ngưỡng, tôn giáo có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, không kỳ thị, tranh chấp và xung đột. Các tín ngưỡng truyền thống phản ánh đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, sự khoan dung, độ lượng, nhân ái của người Việt Nam và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những yếu tố để người Việt Nam dễ hòa đồng với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Trong nhiều cộng đồng dân cư có sự xen kẽ giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo. Ở nhiều nơi trong cùng một làng, xã có nhóm tín đồ của tôn giáo này sống đan xen với nhóm tín đồ của tôn giáo khác hoặc với những người không theo tôn giáo.

4. DÂN CHỦ TRONG QUAN HỆ XÃ HỘI VÀ VĂN HỌC DÂN GIAN 

Thứ nhất, về cá nhân

Dù là con gái hay con trai đều bình đẳng, không thiên trọng bên nào. Dân tộc Việt Nam không quá thiên trọng về nam và khinh thường nữ theo quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” như Trung Quốc để tạo nên mối bất hòa, mặc cảm, ẩn ức giữa trai gái, đưa đến sự đố kị, tương quan bất ổn. Thậm chí vị trí của người con gái còn được ghi nhận trong ca dao, tục ngữ:

“Ba đồng một mớ đàn ông

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha

Ba trăm một vị đàn bà

Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi”.

Thứ hai, trong quan hệ gia đình

Trên có ông bà, cha mẹ dưới có anh chị em và con cháu thường vui vẻ sum vầy dưới mái ấm gia đình trong tình thương yêu đùm bọc. Ở nước ta, có những gia đình tam, tứ, ngũ đại đồng đường. Được vậy là nhờ biết lấy mối tương quan liên hệ làm chính để điều hòa các đối cực mà sự giao thoa được cân đối, cân bằng, nên đã có được gia đạo trên kính dưới nhường, tôn ti trật tự. Trong gia đình Việt Nam cũng không có quan hệ một chiều. Câu tục ngữ: “Con hơn cha là nhà có phúc” đã chứng minh điều đó. Đạo làm cha mẹ là phải nỗ lực lo dựng vợ, gả chồng cho con cái khi chúng đã lớn khôn. Khi trai đã dựng vợ, gái đã gả chồng, nếu muốn cho chúng ở riêng để tập rèn cái tinh thần tự lập, thì cũng chỉ riêng phần vật chất, còn mặt tinh thần vẫn giữ mối liên hệ với đại gia đình để được hướng dẫn, trao truyền những kinh nghiệm sống.

5. Kết luận

Truyền thống dân chủ đã tồn tại trong xã hội Việt Nam từ ngàn xưa và qua từng thời kì, từng giai đoạn lịch sử đã được phát huy và biểu hiện ra nhiều mặt khác nhau. Truyền thống dân chủ không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực chính trị, trong những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Mà ngay từ đầu, dân chủ đã được thể hiện thậm chí còn lưu lại lâu dài đến nay trong văn hóa làng xã. Tính tự trị của làng xã thực sự là một nét biểu hiện rõ ràng và sâu sắc cho tính dân chủ trong xã hội Việt Nam. Dân chủ ở đây không chỉ đơn thuần là quyền làm chủ của nhân dân, quyền tự trị, mà là tính dân chủ tập thể, ở đó chỉ có quyền lợi của làng xã, của tập thể được đặt lên trên hết, còn vai trò của cá nhân hầu như không được thể hiện nhiều.

Bên cạnh truyền thống dân chủ trong lịch sử Việt Nam còn được thể hiện và ghi nhận lại trong nền văn hóa dân gian (những câu chuyện, ca dao,… dân gian) về các mối quan hệ xã hội; dân chủ cũng được thể hiện trong tôn giáo – tín ngưỡng,… Rõ ràng truyền thống dân chủ đã len lỏi và đi sâu vào từng ngóc ngách đời sống của xã hội nước ta và biểu hiện ra nhiều mặt để làm nên tính đa dạng, đa chiều của nó.

Chú thích:

[1] Phan Đại Doãn (2009), Từ làng đến nước một cách tiếp cận lịch sử, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.108

[2] Đào Duy Anh (2006), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa thông tin, tr.173

[3] Phan Đại Doãn, Sđd, tr.187

[4] Đào Duy Anh, Sđd, tr.234

[5] Trương Hữu Quýnh, Sđd, tr.267

[6] Dương Kinh Quốc (1988), Chính sách khai thác thuộc địa, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.182

[7] Dương Kinh Quốc, Sđd, tr.189

[8] Trương Hữu Quýnh, Sđd, tr.265

[9] Bảo tàng Nhân học (2006), Văn hóa Tam giáo đồng nguyên – mở ra kỉ nguyên văn minh, http://baotangnhanhoc.org/vi/bai-nghien-cu-lch-s/266-vn-hoa-tam-giao-ng-nguyen-m-ra-k-nguyen-vn-minh-i-vit.html

Tài liệu tham khảo:

  1. Đào Duy Anh (2006), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa thông tin.
  2. Nguyễn Hồng Phong (1998), Văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Văn hóa Thông tin.
  3. Văn Tạo (2012), Mười cuộc cải cách, đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm.
  4. Tạ Chí Đại Trường (2011), Những bài dã sử Việt, Nxb. Trí thức, Hà Nội.
  5. Trần Thị Vinh (2008), “Thiết chế bộ máy chính quyền nhà nước thời Lý (1010-1225)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 286, 10/2008.
  6. Trần Văn Giàu (1996), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến cách mạng Tháng tám, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2008), Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và công bằng xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  8. Viện Sử học, Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam (1981), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý-Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm

Tư liệu 15:42 27/03/2024

Lần đầu tiên, những câu chuyện chưa kể về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh,TP.HCM) được Hòa thượng Thích Giác Toàn, vị Giáo phẩm Trụ trì nơi đây chia sẻ sau hơn 40 năm tôn tạo và tu sửa, về hạnh nguyện cao cả và sự mầu nhiệm của Bồ-tát giữa thế gian này.

Hoà thượng Quảng Khâm từng nói khi nào vãng sanh Ngài sẽ thị hiện bệnh tướng

Tư liệu 13:57 21/03/2024

Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng.

Thắp sáng hiện hữu

Tư liệu 10:04 19/03/2024

Đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn do Jo Confino thực hiện với Thầy tại thất Da Cóc, Sơn Hạ vào năm 2012. Lúc ấy Jo là phóng viên của báo The Guardian, Vương quốc Anh.

Tư tưởng Phật giáo về xây dựng hòa bình

Tư liệu 21:21 18/03/2024

Thời gian cứ dần trôi, lịch sử lần sang trang mới nhưng đạo Phật vẫn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đạo đức xã hội loài người. Giáo pháp của Ngài đã tạo một dấu ấn vàng son cho lịch sử nhân loại.

Xem thêm