Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Bồ Đề Đạt Ma và những công án

Chuyện kể về những công án thiền của vị tổ sư thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ, sơ tổ của Thiền Tông Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma.

Bồ Đề Đạt Ma (346 - 495? – 536) là vị tổ thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ, cũng là sơ tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Ông là hoàng tử thứ 3 của vua Hương Chí, là đệ tử của Bát Nhã Đa La tôn giả. Ở Trung Hoa ông có gặp Lương Võ Đế nhưng vua Lương không khế hội, ông vượt Trường Giang sang Bắc Ngụy, đến ngụ ở chùa Thiếu Lâm, núi Thiếu Thất. Sau, ông truyền pháp cho sư Huệ Khả. Có sách chép ông mất vào ngày mồng 5 tháng 10, năm Thái Hòa 19 (495), thọ 150 tuổi.

bo de dat ma

Những công án thiền

Công án thiền là gì?

Công án nguyên nghĩa là một án công khai, quyết định phải trái trong quan phủ. Trong Thiền Tông, thuật ngữ quan trọng này chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt. Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến (biên tập viên chú thích).

A .-Tổ Bát Nhã Đa La là tổ thứ 27 của Thiền Tông Ấn Độ. Ông là sư phụ của Bồ Đề Đạt Ma, năm sanh và mất của ông không rõ. Các công án liên quan đến ông được liệt kê như sau.

a) Tổ Bất Như Mật Đa (tổ 26) hỏi ông :

- Ông còn nhớ chuyện quá khứ không?

-Dạ có! Con nhớ nhiều kiếp trước đã ở chung với thầy. Thầy có giảng kinh Ma Ha Bát Nhã, còn con thì giảng kinh Thậm Thâm Tu Đa La. Việc gập gỡ này là do túc duyên lúc trước. (Zen Light)

Công án này đề cập đến thời gian. Keizan có nói : - Hôm nay thấy là thấy từ vĩnh cửu, nếu ông nhìn lại vĩnh cửu thì thấy hôm nay. Khi chúng ta đạt tới cảnh giới này thì không có quá khứ, hiện tại, tương lai. Pháp vượt thời gian. Hiện tại chứa cả 3 thời.

b) Quốc vương Đông Ấn Độ thiết trai cung duỡng Bát Nhã Đa La, quốc vương hỏi:

- Thầy vì sao không tụng kinh?

- Bần đạo thở vào không ở trong ấm giới, thở ra chẳng tiếp chúng duyên, tùy thời tụng thứ kinh này, trăm ngàn vạn ức quyển. (Thiền dữ nhân sinh).

Ấm giới là chỉ ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng hành, thức) 12 xứ, 18 giới. Câu này nói nếu vì thọ trai mà phải tụng kinh thì chẳng phải là bị trói buộc ư? Cứ theo tâm không bị tập quán ô nhiễm mà hành động thì đó là tụng kinh vậy.

c) Tổ Bát Nhã Đa La hỏi Bồ Đề Đạt Ma:

-Ông có biết trong mọi vật, vật nào là vô tướng?

- Ở trong mọi vật, không khởi một niệm là vô tuớng.

-Ở trong mọi vật, vật nào là lớn nhất?

- Ở trong mọi vật, pháp tánh là lớn nhất.(Zen Light)

Tâm điểm của công án này là thực tại. Bát Nhã Đa La trắc nghiệm sự hiểu biết của Bồ Đề Đạt Ma bằng hai câu hỏi về thực tại. Bồ Đề Đạt Ma trả lời là không khởi một niệm và pháp tánh. Kết hợp hai ý này là có thực tại.

Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta biết cả vũ trụ nằm trên đầu một sợi lông. Thực tại là bây giờ, là làn gió, là lá bay, là tiếng chim hót, là dòng suối chảy. Chúng ta biết thực tại trong xương tủy ta.

B. Đoạn đối thoại giữa vua Lương và Bồ Đề Đạt Ma.

Võ Đế hỏi : -Từ khi trẫm lên ngôi, lập nhiều chùa chiền, in nhiều kinh sách, cấp dưỡng tăng ni, vậy có công đức gì không ?

-Không.

-Tại sao không?

- Vì những việc bệ hạ làm đó chỉ là quả báo nhỏ của thế tục, không phải là chân công đức.

- Vậy sao, còn chân công đức là thế nào?

-Chân công đức là trí tuệ tối viên mãn, tối dung thông; bản thể của nó là không tịch, bệ hạ không thể dùng phương pháp thế tục mà đạt được.

-Thế nào là thánh?

- Là hoàn toàn không, trong cái thế giới không đó, không có gì là thánh cả.

-Không có thánh sao, vậy người là ai?

-Không biết. (Thiền Chi Hoa)

Căn bản của công án này là chẳng có thánh gì cả. Phật pháp phân làm chân, tục nhị đế. Lương Võ Đế hỏi là hỏi nghĩa của chân đế. Đạt Ma đáp là tự chứng cảnh giới, vượt lên cả chân, tục nhị đế, là cảnh giới Niết bàn tuyệt đối. Do đó Lương Võ Đế không hiểu cũng chẳng có gì là lạ, vì trong cảnh giới “Chẳng có thánh gì cả” vượt ngoài tất cả phàm thánh, mê ngộ, phải trái, được mất là cảnh giới tự tại vô ngại. Do đó, căn bảncủa Thiền là truyền ngoài giáo lý, không thể dùng lời mà giảng cho hiểuthế nào là Thánh đế được.

C.-Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?

Đây là một câu hỏi, là một công án phổ thông trong Thiền học. Theo truyền thuyết đầu tiên câu hỏi này được một con chim sẻ bị nhốt trong lồng đặt ra khi thấy tổ Bồ Đề Đạt Ma đi qua. Chim sẻ hót :

-Ý tổ sư từ Tây sang. Xin chỉ một kế thoát lồng được chăng?

Và Đạt Ma trả lời :

- Từ Tây sang, tổ chỉ rằng im hơi, nín tiếng biết chăng, sẻ khờ?

Con chim sẻ hiểu ý Tổ, giả vờ nằm im không cựa quậy như đã chết. Chủ nhân mở lồng mang chim ra coi, chim thừa cơ vỗ cánh bay mất.

Sau đây là một số công án phổ thông nhất liên quan đến câu nói này.

1. Một ông tăng hỏi Dược Sơn:

- Đạt Ma tổ sư chưa qua Trung thổ, Trung thổ có ý tổ sư chăng ?

-Có.

-Nếu có, sao còn qua ?

-Vì có nên mới qua.(Thiền Cơ)

Ý tổ sư chỉ tự tánh, không đâu không có.

2. Một ông tăng hỏi Ngưỡng Sơn :

-Thế nào là ý tổ sư ?

Sư vẽ vòng tròn, ở trong viết chữ Phật. Ông tăng không nói được một lời.(Thiền sư khải ngộ pháp)

Ý tổ sư là ý chỉ của tổ Đạt Ma vượt biển tới Trung thổ. Ý chỉ này thực là tinh tuỷ của thiền «Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật » Ngưỡng Sơn dùng vòng tròn và chữ Phật để khai ngộ cho ông tăng. Nếu ông tăngchấp vào vòng tròn và chữ Phật, dùng đường lối suy luận mà tìm nghĩa thì vĩnh viễn không khai ngộ được.

3. Một ông tăng hỏi Đại Mai :-Thế nào là ý của tổ sư từ Tây sang ?

-Tây sang không ý .(Thiền sư khải ngộ pháp)

Ông tăng hỏi tinh yếu của Thiền là gì? Câu hỏi của ông chỉ rằng ông có vọng tưởng chấp rằng tự tánh có thể cầu được. Do đó Đạt Ma phủ định để phá chấp cho ông, khiến ông bỏ ý niệm mong cầu giải thoát màvào thẳng ngộ cảnh.

4. Một ông tăng hỏi Đạo Thường :

-Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang ?

Sư giơ thiền trượng lên hỏi:

-Hiểu không ?

-Không hiểu !

Sư hét lớn, đuổi đi.(Thiền sư khải ngộ pháp).

Thiên địa vạn vật, cho đến tất cả mọi hiện tượng nhà Phật đều gọi chung là tướng. Tướng là do nhiều điều kiện mà thành. Danh là phù hiệu của tướng. Kinh Kim Cương nói: Phàm có tướng đều là hư vọng. Tướng đều không thiệt, huống hồ là danh do tướng mà có, nhưng mà người thường dùng trí phân biệt mà nhận thức hiện tượng cho nên : hồng không thể đồng thời là lục, trắng không thể đồng thời là đen. Nếu có thể bỏ được sự phân biệt ta người, không còn phân biệt có không thì có thể tiến vào cảnh giới tuyệt đối. Cho nên kinh Kim Cương nói : «Nếu thấy các tướng không tướng thì thấy Như Lai ». Thiền sư giơ gậy lên hỏi có hiểu không ? Ông tăng đứng trên quan điểm người thường thấy gậy và mình không thể cùng một thể, nhưng đứng trên quan điểm của cảnh giới tuyệt đối thì gậy không phải là gậy mà là giả danh do con người gán cho, kỳ thực nó cùng vạn vật một thể, đều là tự tánh hiển lộ. Ông tăng không lìa danh tướng đương nhiên không thể ngộ tự tánh nên bị thiền sư đuổi đi.

5. Hồng Châu Pháp Hội hỏi Mã Tổ :-Ý tổ sư từ Tây sang là sao ?

-Ngươi lại gần đây ta bảo nhỏ cho nghe. Sư bước lại gần, tổ cho một tát tai và bảo :

-Sáu tai chẳng đồng mưu, ngày mai hẵng tới. Hôm sau, sư vừa vào pháp đường thưa :

-Thỉnh hòa thượng nói.

-Đi đi ! Đợi lão hán thượng đường sẽ chứng minh cho ngươi. Sư bèn ngộ, thưa :

-Tạ ơn đại chúng chứng minh. Sư đi nhiễu pháp đường một vòng rồi đi.(Thiền sư khải ngộ pháp) Ý Tây sang là chỉ Đạt Ma từ Tây thổ qua truyền ý chỉ gì ? Câu này giống như câu Đại ý Phật pháp là gì ? Đều là hỏi về tự tánh.

Để trả lời Mã Tổ cho một bạt tai, lại nói sáu tai chẳng đồng mưu, và ra lệnh cho ông ngày mai tới. Người không có 6 tai, vì vậy 6 tai ở đây là chỉ 6 căn, là 6 khí quan của con người. Khi 6 căn gặp 6 trần thì sinh ra chủng chủng kiến văn giác. Tác dụng này khiến tâm phân biệt cho hiện tuợng và tự tánh là 2. Nếu muốn nắm lấy tự tánh thì phải không cho 6 căn nương vào ngoại duyên, mà phải luyện cho thân tâm là một, do đó Mã Tổ mới nói 6 căn chẳng đồng mưu, cũng là chỉ Pháp Hội hãy còn vọng tâm.

Mã Tổ cho ông một tát tai là để giúp ông rời bỏ vọng tâm mong cầu. Pháp Hội vẫn chưa hiểu khổ tâm của Mã Tổ, hôm sau lại đến.Mã Tổ lại nói thác là đợi mình thượng đường sẽ chứng minh cho ông. Cuối cùng Pháp Hội đã hiểu mình còn vọng tâm mong cầu.

6. Đối với câu hỏi này có thiền sư trả lời :

-Đến độ lừa, ngựa, chó, dê, nhưng không độ các ông.(Niêm hoa vi tiếu) Vì sao độ súc sanh mà không độ con người ? Thực ra, câu đáp này hàm ý thiền sư đã thể nghiệm : «Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh ; mặt khác phát huy phải tự mình thể nghiệm. Không độ các ông vì các ôngphải tự độ. »

7. Một ông tăng hỏi Già Trí :

-Ý tổ sư từ Tây qua là gì ?

-Đợi ông ấy từ bên ấy qua, tôi sẽ bảo.(Thiền Cơ)

Thiền sư ám chỉ ông tăng tự thể nghiệm tự tánh.

8. Một ông tăng hỏi Đạo Ân :

-Ý tổ sư từ Tây sang là sao ?

-Năm Phổ Thông thứ 8 gập Lương Quái, cho đến nay vẫn chưa có tuyết.(Thiền ngoại thuyết thiền).

Câu trả lời ly kỳ có mục đích là cắt đứt sự suy nghĩ của ông tăng.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Nghiên cứu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Nghiên cứu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Nghiên cứu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Xem thêm