Bốn oai nghi của người xuất gia dưới góc nhìn y học - Nằm như cây cung
Mỗi ngày, trung bình chúng ta dành 8 giờ để làm việc, học tập (thường là ngồi), 8 giờ để ngủ nghỉ (tư thế nằm) và 8 giờ còn lại cho các sinh hoạt cá nhân khác. Như vậy có thể thấy hai oai nghi nằm và ngồi chiếm tổng thời lượng sinh hoạt trong ngày nhiều nhất.
Trong đó, việc nằm thường khó mà kiểm soát về tư thế hơn các oai nghi khác vì đó là khoảng thời gian cơ thể ngủ nghỉ và thiếu sự tỉnh thức. Vì vậy, nằm như thế nào để trong khi ngủ vẫn giữ được oai nghi và cũng phù hợp với khoa học là vấn đề tưởng dễ mà không dễ.
Các thống kê cho thấy hơn 60% số người được khảo sát ưa thích nằm nghiêng khi ngủ. Điều lý thú là tuổi càng cao người ta có khuynh hướng ngủ ở tư thế nằm nghiêng và ít nằm ở tư thế ngửa hơn. Ngủ nghiêng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Đầu tiên, nằm nghiêng giúp thúc đẩy sự liên kết cột sống khỏe mạnh hơn. Đây cũng là tư thế ngủ ít có nguy cơ gây đau lưng nhất, do đó ngủ nghiêng phù hợp cho những người bị đau lưng mạn tính.
Ngủ nghiêng cũng có thể làm giảm chứng ợ nóng và ngáy, nên đây là tư thế ngủ tốt hơn cho những người bị chứng ngưng thở khi ngủ hoặc bệnh lý trào ngược axit dạ dày. Hai mạch máu lớn nhất của cơ thể là động mạch chủ và tĩnh mạch chủ nằm sát về phía cột sống. Khi nằm nghiêng, sẽ giúp giảm sự đè ép trực tiếp từ các nội tạng trong bụng lên hai mạch máu này so với tư thế nằm ngửa. Qua đó giúp tăng cường sự lưu thông tuần hoàn của khí huyết trong cơ thể. Điều này giúp lý giải quan điểm theo y học cổ truyền: nằm nghiêng khi ngủ có tác dụng lưu thông khí huyết, trong khi đó tư thế nằm sấp hoặc nằm ngửa khiến cho khí huyết bị ngăn trở.
Khi nằm nghiêng, để tạo cảm giác thoải mái, ta có thể thêm chăn lót giữa hai đầu gối, để tránh cho hai chân bị khép quá mức gây mỏi cơ. Ngủ nghiêng cũng có thể làm giảm các triệu chứng đối với những người bị đau cổ. Đặc biệt, nằm nghiêng còn tốt cho tình trạng khó thở những người cao tuổi, người thừa cân béo phì, bị ngáy khi ngủ và phụ nữ có thai.
Về mặt cấu trúc giải phẫu của cơ thể, tư thế nằm nghiêng phải tốt hơn nghiêng trái trên nhiều phương diện. Tim đóng vai trò như máy bơm giúp đẩy máu đi khắp cơ thể. Tim lại nằm lệch về phía trái của lồng ngực. Nằm nghiêng phải giúp giảm sự đè ép lên tim giúp cải thiện sự tuần hoàn. Ngoài ra khi nằm nghiêng phải cũng tránh sự gia tăng áp lực đè ép các tạng trong ổ bụng. Bởi gan là tạng nặng nhất lại nằm ở hông phải, nên nếu nằm nghiêng trái thì gan sẽ đè lên các tạng khác.
Nằm nghiêng phải còn giúp xuôi chiều lưu thông của thức ăn và dịch axít từ dạ dày đi xuống ruột, do đó thức ăn không bị ứ đọng ở dạ dày gây đầy bụng, khó tiêu, ợ chua. Nằm nghiêng phải cũng phù hợp theo quan điểm đạo Phật. Đây là tư thế nằm cát tường, tạo ra sự yên lành, an ổn cho thân thể. Nằm nghiêng bên phải, hai chân gác lên nhau như sư tử là tư thế hội đủ oai nghi, tế hạnh của người tu.
Con người thường dành khoảng 1/3 cuộc đời cho việc ngủ và nghỉ ngơi. Nên cũng không có gì là quá đáng khi nói rằng vật dụng gắn bó nhiều nhất với cuộc sống hàng ngày của chúng ta chính là chiếc gối. Thế nhưng, chúng ta lại khá qua loa và thiếu quan tâm khi lựa chọn gối nằm.
Chiều cao của gối ảnh hưởng đến sự thoải mái và chất lượng giấc ngủ. Chiều cao gối là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng cột sống. Người tiêu dùng thường ưu tiên chọn các gối có độ mềm hơn bởi vì nó mang lại sự thoải mái cao hơn, mặc dù nhận thức về sự thoải mái có thể thay đổi sau một thời gian cơ thể thích nghi với một chiếc gối mới. Độ mềm mại của gối liên quan đến mức lún của gối khi nằm và sự thoải mái của cơ thể.
Trên thực tế, một chiếc gối cứng hơn thì ban đầu có vẻ ít thoải mái nhưng lại hữu ích để ổn định cột sống và giảm biến dạng cột sống không mong muốn. Khi nằm ngửa, bạn chỉ cần một chiếc gối có chiều cao vừa phải đủ đệm vào chỗ hõm vùng cổ gáy khi nằm ngửa. Các nghiên cứu khuyến nghị khi nằm ngửa thì chiều cao gối phù hợp nhất là 10 cm. Khi nằm nghiêng, bạn cần một chiếc gối cao hơn để đảm bảo cột sống cổ vẫn thẳng trục với thân người. Khi đó, chiều cao của gối thường bằng từ má (bên phía nằm nghiêng) cho đến bờ ngoài của vai (xem hình minh họa). Với một chiếc gối như vậy, cổ sẽ luôn thẳng hàng với cột sống khi bạn nằm nghiêng, giúp ngăn ngừa đau và nhức mỏi vùng cổ vai gáy sau khi thức dậy.
Nguồn: Báo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm