Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 13/05/2017, 19:35 PM

BR-VT: Hơn 1,5 vạn người tham dự Phật Đản tại Thiền tôn Phật Quang

Hòa chung trong niềm hân hoan của mọi người con Phật trên toàn thế giới và khắp mọi miền đất nước đón mừng ngày Phật Đản PL.2561 – DL.2017, từ ngày 14 - 15/04/Đinh Dậu (9 - 10/05/2017), tại Thiền tôn Phật Quang đã trang nghiêm cử hành Đại lễ Phật Đản, với sự tham dự của Chư tôn đức tăng, ni các tự viện trong và ngoài tỉnh và hơn 1,5 vạn lượt người: bao gồm phật tử, khách thập phương, các văn nghệ sĩ, các giới trí thức thuộc các tỉnh thành trong cả nước. 

Ngoài ra, còn có 1500 sinh viên thuộc các trường Đại học tại Tp.HCM, Đồng Nai, Thủ Đức về tham gia công quả phục vụ cho Đại lễ. 

Được biết, chương trình Đại lễ Phật Đản tại Thiền tôn Phật Quang đã diễn ra nhiều hoạt động từ ngày 14 – 15/04/Đinh Dậu, bao gồm: Tụng kinh cầu an, cầu siêu, lễ Phật, tọa thiền, tổ chức lễ quy y, thuyết Pháp, giao lưu nhân vật, văn nghệ, v.v… 
 
Đúng 8h00 sáng ngày 14/04/Đinh Dậu, tại chính điện, khóa lễ tụng kinh cầu an diễn ra với sự tham dự của đông đảo phật tử. Tiếp đó, ĐĐ.Thích Khải Bảo và ĐĐ.Thích Toàn Như thay mặt Thượng tọa trụ trì truyền Tam quy Ngũ giới cho gần 800 thiện nam tín nữ phát tâm quy y Tam Bảo chính thức trở thành phật tử.
 
Tại lễ đài Phật Đản, vào lúc 14h00, chương trình giao lưu với chủ đề "Trung nghĩa – Kiên cường" được diễn ra với Trung tướng, Tiến sĩ Châu Văn Mẫn – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tham dự buổi giao lưu có: TT.Thích Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang; ông Trà Quang Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ công tác tôn giáo phía Nam Ban Tôn giáo Chính phủ; cùng Chư tôn đức tăng ni các tự viện và đông đảo phật tử. 
 
18h30, ĐĐ.Thích Tánh Khoan đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể phật tử ngồi thiền 30 phút. Chương trình được tiếp nối là buổi thuyết pháp của TT.Thích Chân Quang với chủ đề “Triết lý âm dương”. 

Ta nghe thấy 2 từ “âm dương” rất nhiều trong rèn luyện sức khỏe, trong võ thuật, trong nhân quả, trong đạo lý và cuộc sống. Hiểu đơn giản thì âm là cái khuất kín, giấu lại bên trong; dương là cái bề ngoài, dễ thấy. Quan sát mọi thứ ta thấy chúng cũng có 2 mặt âm dương. Tức là có cái giấu bên trong và có cái lộ ra bên ngoài. Như con người, cái lộ ra ngoài là ngoại hình, cái giấu bên trong là nội tâm. Hay cái cây, phần dễ thấy là cái thân, phần khó thấy là bộ rễ. Còn căn nhà, phần nổi lên là dương, móng nhà là âm, v.v… 

Trong sự tương quan giữa âm và dương, ta phát hiện cái khó thấy mới quan trọng, cái dễ thấy không quan trọng. Nếu cái khuất kín bên trong chúng ta mà phong phú, mạnh mẽ thì ta là người tài giỏi, bản lĩnh. Ngược lại, cái bên trong yếu thì sự nghiệp không bền vững, bản lĩnh không sâu sắc. Âm dương là chìa khóa giúp ta hiểu được rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như: y dược, phong thủy, xem tướng, tài chính…

Tuy nhiên, lần này người hướng dẫn mọi người ứng dụng nó vào việc xây dựng và bảo vệ sức khỏe của mình. Theo công thức dịch lí của người xưa, một cấu trúc muốn phát triển bền vững thì phải bảo đảm tỉ lệ 5 âm 1 dương. Tức là, khi luyện tập cơ thể, ta luyện phần trên 1 thì luyện phần dưới 5. Ta thấy trong võ cổ truyền Việt Nam, võ sư luôn bắt môn đồ của mình phải đứng tấn để rèn luyện đôi chân bởi âm quan trọng nên chân là quan trọng nhất. Luyện cho chân cứng thì ta mới có lực. Do vậy, chân tấn chính là nền tảng của võ thuật. Âm dương khí công cũng có nguyên tắc, theo đó cái nổi lên là dương, trũng xuống là âm, giống như nước lúc nào cũng chảy từ cao xuống thấp. 

Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu biết khiêm hạ, lúc nào cũng thấy mình kém cỏi, lúc nào cũng tôn trọng người khác và nghĩ họ giỏi hơn mình, nghĩa là ta đang hạ mình xuống, làm cho mình âm để thấy người khác ở trên cao thì sẽ có 2 cái từ nơi khác chảy về với ta. Một là tình cảm yêu mến của người khác. Hai là tài năng và phước của mọi người. Cái thứ 2 ta khó thấy. Chỉ biết mọi người thương mình thôi. Nhưng tự động mọi người có tài năng, phước báo gì, dần dần mình cũng có những cái đấy. Đó là nguyên tắc âm dương trong nhân quả, đạo đức. Nên khi ta khiêm hạ, vô ngã thì hứng được hết phước của thiên hạ, của đất trời về với mình. 

Tập âm dương khí công theo nguyên lí 5 âm 1 dương là ta đang làm cho mình âm đi. Tức là âm hóa người mình. Ta dùng chữ âm hóa bởi hiện tại ta đang dương, đang phô bày, suy nghĩ loạn động. Khi âm hóa, làm mình trống rỗng thì năng lượng của vũ trụ lấp đầy, làm ta xuất hiện loại năng lượng, gọi là nội công. Nếu tập theo kiểu dương cương, dùng lực cơ để tập thì đó là lực dương. Khi về già, cơ bắp yếu và nhão thì lực đó cũng mất. Còn nếu âm hóa người mình, làm xuất hiện nội công thì về già vẫn khỏe. Vì vậy, ta tích cực âm hóa người mình bằng cách tập âm dương khí công. Ngoài ra, tập âm dương khí công còn mang lại cho ta nhiều lợi ích khác. Tập vài ngày ta sẽ ăn ngon, ngủ ngon. Tập vài tháng thì tinh thần tỉnh sáng. Tập 1 năm trở lên sẽ đẩy lùi những bệnh mãn tính, tiềm ẩn trong người. Tập hơn 4 năm thì bắt đầu xuất hiện nội lực. Tập qua 6 năm thì giúp ta trẻ hóa. 

Trong âm dương khí công, thở ra chính là âm bởi nó làm cho mình không đi, trống rỗng. Giống như ta bố thí tiền bạc cho người khác, chia sẻ tình yêu thương cho mọi người, dùng tài năng để cống hiến, phụng sự, không giữ cái gì cho mình thì trời đất sẽ đổ lại, lấp đầy các chỗ trống cho ta mãi. Hiểu điều này, ta bắt đầu biết yêu thích sự tử tế, thích bố thí, cúng dường, hi sinh, phụng sự. Ta yên tâm rằng trời đất, vũ trụ, thần thánh sẽ lấp đầy lại cho ta, thậm chí còn đầy hơn lúc trước. 

Khi ngồi thiền, ta cố gắng không suy nghĩ, biết rõ toàn thân, tức là âm. Lúc đó, trời đất sẽ đổ vào cho ta cái trí tuệ của thần thánh. Cái ta suy nghĩ chỉ là sự khôn ngoan của con người ở tầng thấp. Trí tuệ của thần thánh mới ở tầm cao. Buông lỏng toàn thân khi tập khí công chính là âm. Lúc này, nội lực của trời đất sẽ tràn vào, vừa cho thân, vừa cho tâm, giúp ta khỏe khoắn, làm việc hiệu quả, bớt căng thẳng.

Ngoài ra, nó cũng giúp ta kiềm chế bản thân, làm chủ được cảm xúc, rồi làm chủ được cả cuộc đời mình luôn. Ta nói làm điều thiện giúp đời, giúp đạo là âm, làm cái phước đổ về mình. Tuy nhiên, làm việc thiện mà đem khoe sẽ mất hết phước. Chỉ khi nào làm mà kín đáo, không chấp công thì phước mới dồi dào. Cho nên, Phật mới dạy các vị Bồ tát rằng: “Làm vô số việc công đức mà phải xem như không thì công đức mới đến vô tận, vô biên, để có thể trở thành Phật được.Vì Phật là công đức vô tận vô biên”. 

Chúng ta học theo hạnh Bồ tát thì cũng cố gắng làm phước nhưng đừng khoe khoang, đừng chấp công. Đó là đạo đức, cũng là âm dương. Ta thấy trong Thập đại đệ tử của Phật có Ngài La Hầu La là mật hạnh đệ nhất, cũng bởi Ngài chuyên làm những việc bí mật để bảo vệ Tăng đoàn. 

Qua đến sinh học, thực vật là âm - không di chuyển; động vật là âm - hay di chuyển. Nghĩa là cái gì yên tĩnh là âm, hay xao động là dương. Trái đất muốn tồn tại bền vững thì thực vật phải chiếm tỉ lệ lớn hơn động vật. Cho nên, muốn bảo vệ trái đất, ta phải tích cực trồng cây gây rừng, xây dựng hành tinh xanh. 

Bước vào vũ trụ, cõi vô hình lớn hơn cõi hữu hình. Einstein gọi cõi vô hình là “vật chất tối”, ám chỉ cõi trời, cõi địa ngục. Cách dùng từ vật lí này cho thấy niềm tin của ông về cõi âm. Ông tin rằng lượng vật chất tối lớn gấp nhiều lần vật chất mà ta thấy. Ý ông muốn nói trong vũ trụ, các cõi tâm linh rất lớn. Điều này ức Phật đã nói rất nhiều, rất lâu, đúng niềm tin của Einstein. Ngài nói cõi trời không phải 1 cõi mà chồng lên rất nhiều cõi. Hầu hết các tôn giáo khác chỉ biết đơn giản rằng chỉ có 1 cõi trời. Cõi trời mà Phật diễn tả có nhiều tầng. Mỗi tầng có những loại chư Thiên khác nhau. Chư Thiên nào có công đức càng lớn thì ở tầng càng cao. Điều này cho thấy Thiên tử lớn gấp vạn lần cõi thấp này. 

Chúng ta may mắn là con của Phật, được Ngài dạy cho biết trước những chân lí trong vũ trụ mà từ từ khoa học mới biết. Nhờ đó, ta điều chỉnh cuộc sống mình theo chân lí mà không phải hoài nghi, do dự hay làm bậy, làm ác. Vâng lời Phật, ta nép mình đi trong chính Pháp để thấy được ánh sáng, hạnh phúc, niềm vui, sự giác ngộ nơi cuối con đường.

Bài Pháp thoại đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về âm dương nói chung, âm dương khí công nói riêng và những ứng dụng rộng rãi của chúng trong các lĩnh vực của cuộc sống. Hiểu và áp dụng được những kiến thức này là ta đang nâng dần trí tuệ, sức khỏe, tinh thần của mình lên một tầm cao mới.

Lại thêm, những kiến thức căn bản này đã đặt nền móng, mở đầu cho sự nghiên cứu chuyên sâu về âm dương, cũng như âm dương khí công. Càng nghiên cứu, ta càng vỡ ra một điều rằng trí tuệ của đức Phật rất cao siêu khi nhiều điều khoa học chưa khám phá ra, nhưng đã được Ngài nói trước. Lúc đó, niềm tin với Phật pháp của ta càng lớn, ta yên tâm bước theo con đường Phật chỉ dạy để đi đến sự giác ngộ hoàn toàn.

Sau thời thuyết Pháp là chương trình văn nghệ chào mừng Đại lễ Phật Đản PL.2561 diễn ra đầy hương sắc, đầy cảm xúc, dâng lên cúng dường đức Phật nhân mùa Đản sinh và đây còn là một niềm vui tinh thần cho bà con phật tử về chùa dự lễ. 
 
Sáng ngày 15/04/Đinh Dậu, tại lễ đài Thiền Tôn Phật Quang, BTC đã cử hành chính thức Đại lễ Phật Đản PL.2561. Tiếp theo là thời Pháp thoại nói về “Ý nghĩa của lòng tôn kính Phật”. Thượng tọa khẳng định, ta có thể chưa hiểu hết về con người cũng như đạo lý của đức Phật nhưng căn bản nhất là phải có tình cảm tôn kính Phật. Tình cảm này mang lại cho ta 2 lợi ích rất lớn. 

Thứ nhất, nó giúp ta có công đức dày, đây là công đức nền tảng, bậc nhất, mở đường cho mọi công đức khác. 

Thứ hai, nó có giá trị gìn giữ đạo Phật được tồn tại lâu dài, bền vững. Bất kì tôn giáo nào, muốn tồn tại thì đệ tử phải tôn kính bậc đạo sư của mình. Lòng tôn kính càng cao thì tôn giáo càng phát triển. Cho nên, nếu tất cả đệ tử Phật đều có tình cảm tôn kính Phật tuyệt đối thì Phật pháp mới trường tồn. Chính vì điểm này mà những kẻ có dã tâm phá hoại Phật pháp luôn tìm cách làm sao cho người đệ tử Phật mất dần lòng tôn kính Phật. Chúng có thể giải thích lệch lạc về đạo lý khiến mọi người hiểu sai về đức Phật, hoặc chúng dùng hình Phật trang trí bừa bãi ở những nơi thấp kém nhằm tầm thường hóa hình ảnh của Ngài. 

Vì hai lí do trên mà khi đã nguyện tu hành, đi theo con đường giác ngộ đức Phật chỉ dạy thì công đức đầu tiên ta phải thiết lập là tình cảm yêu kính đối với Ngài. Trong cái quý có cái yêu, trong cái yêu có cái kính. Ta yêu Phật như người con yêu cha mẹ, kính Phật như người đệ tử dâng trọn tấm lòng với bậc Thánh cao tột. Tình cảm này không diễn tả bằng lời được, cũng không bắt buộc. Chỉ người có đạo đức, có trí tuệ mới thiết lập được niềm tôn kính Phật trong lòng mình. 

Để khởi lên được niềm tôn kính ấy, trước tiên ta phải hiểu Phật. Hiểu được trái tim đức Phật vô lượng, từ bi, yêu thương trải khắp Pháp giới thì ta càng yêu kính Ngài. Tiếp đến, khi thâm nhập được vào đạo lí tu hành, thực hành từng chút một cho tới lúc bắt đầu có kết quả thì kết quả đến đâu, lòng tôn kính Phật của ta dâng lên tới đó. Ngày nào đó, khi ta nhiếp tâm được trong thiền định, đạt được cảnh giới vi diệu của chánh niệm, tâm tỉnh sáng, an lạc thì lòng tôn kính của ta với Phật bắt đầu đạt được trạng thái tuyệt đối. Trạng thái thiền định này chỉ là kết quả nhỏ ban đầu nhưng đủ để cho ta có niềm tin tuyệt đối rằng con đường mình đi sẽ đưa đến bờ giác ngộ cao siêu. Lòng tôn kính Phật lúc đó cũng đạt giới hạn tuyệt đối luôn. 

Người đạt được lòng tôn kính Phật tuyệt đối chắc chắn phải chứng quả A La Hán. Giờ ta chưa đạt được điều này nhưng mai sau sẽ có. Lúc đó, ta nhận được hai loại quả báo. Một là được những vinh quang thế gian, hai là chứng quả giải thoát. Người nào thường lễ và tán thán Phật, làm các công đức về Phật pháp nhưng chưa phát nguyện tu hành để đắc đạo thì đạt được quả báo thứ nhất. 

Người siêng năng lễ, tán thán, thừa sự Phật, làm các công đức về Phật pháp chuyên sâu với lời phát nguyện đắc được Thánh quả giải thoát thì sẽ chứng quả báo thứ hai. 

Vào thời đức Phật, chúng sinh nào đã từng một lần được gặp Phật thì lòng họ yêu kính Ngài rất tự nhiên, giống như cây cỏ đón nhận ánh nắng mặt trời. Chúng ta có cái thiệt thòi rất lớn là không được gặp Phật, chỉ thấy Ngài qua hình tượng, nghe qua kinh và những buổi giảng Pháp. Tuy nhiên, những ai có trí tuệ, đạo đức cũng sẽ cảm nhận được một phần nào sự thiêng liêng, lòng từ bi, trí tuệ của đức Phật, rồi tự khởi lên niềm yêu kính với Ngài. Điều này giúp ta vượt hơn mọi điều quý giá của thế gian vì lòng yêu kính Phật đem đến cho ta tất cả mọi điều hạnh phúc, giác ngộ về sau. 

Ngoài ra, lòng tôn kính Phật vô biên còn giúp ta bảo vệ đạo tâm của mình và của huynh đệ, đồng thời bảo vệ Phật pháp cho muôn đời sau. Mà lòng tôn kính Phật vô biên chính là ta kính Phật trong từng ý nghĩ sâu xa, từng hành vi bên ngoài. Ví dụ, ở nơi có thờ Phật, ta hết sức giữ gìn sự trang nghiêm, không vui giỡn, nói bậy. 

Tiếp đến, ta phải gìn giữ đạo tâm và lòng tôn kính Phật cho những người xung quanh. Lúc nào cũng phải nhắc nhở, không để mọi người hời hợt hay biểu lộ sự bất kính với Ngài. Bởi một sự bất kính dù nhỏ cũng khiến họ phải chịu cái tội rất nặng nề. Hơn nữa, làm vậy là xúc phạm người phật tử. Hôm nay, trong ngày lễ Phật Đản thiêng liêng, chúng ta nhắc nhở, yêu cầu nhau phải giữ gìn sự tôn kính đối với đức Phật. Ta không cho phép bất kì hành vi nào xúc phạm, xem thường, thiếu tôn kính với Ngài. 

Thượng tọa đã yêu cầu các đệ tử phải thực hiện và lệnh này phải được truyền lại muôn đời sau. Lòng tôn kính Phật như hơi thở, như không khí, như ánh mặt trời, điều mà ta không thể thiếu mỗi ngày. Nó mang cho ta cái phước để giữ tâm hồn, hành vi, tránh không làm điều bậy bạ. 

Vì thế, ngày nào thiếu lễ kính Phật thì ngày đó ta sống mà như không còn sống, ăn cơm mà không xứng đáng với miếng cơm. Có thể ban đầu chưa hiểu được Phật nhưng ta cứ buộc lòng tôn kính Ngài. Dần dần, khi hiểu Ngài rồi thì lòng tôn kính đó lại càng nhiều hơn. Tình cảm này là điều gì đó thiêng liêng, sâu kín trong lòng ta. Dù khi thiền, tâm thanh tịnh, không động, nhưng sâu thẳm trong tiềm thức vẫn là lòng yêu kính Phật vô biên. 

Bằng các điển tích, điển cố trong kinh, cùng những kiến thức sâu dày tích lũy được từ quá trình tu tập, Thượng tọa đã phân tích, làm rõ cho các phật tử thấy được tầm quan trọng của lòng tôn kính Phật đối với cuộc đời và sự nghiệp tu hành của mỗi chúng sinh. Nhờ đó, mọi người biết cách tu tập, rèn luyện để khởi lên được niềm yêu kính tuyệt đối với đức Phật. Đồng thời, biết vun đắp, bảo vệ tình cảm đó của những người xung quanh, cùng nhau xây dựng một đạo Phật phát triển, hưng thịnh. 

Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Khánh Đản và nghi thức dâng hoa cúng dường thật trang nghiêm. Đại lễ Phật Đản PL.2561 – DL.2017 tại Thiền tôn Phật Quang đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm