Ca sĩ Uyên Trang: "Nghe giảng về luật nhân quả nên tôi ngộ ra nhiều điều"
Trong những năm vắng bóng, ca sĩ Uyên Trang - nổi tiếng với bài hit "Tình yêu và giọt nước mắt" - trải qua giai đoạn khó khăn vì bệnh tật, từng phải chữa tâm thần. Chị tiết lộ, nhờ nghe pháp, hiểu nhân quả, sống tích cực nên đã vượt qua biến cố nhẹ nhàng.
25 năm sự nghiệp và giai đoạn gục ngã vì bệnh tật.
- Vì sao chị chọn làm đêm nhạc riêng năm nay?
Liveshow đánh dấu 25 năm tôi đi hát. Đây cũng là thời điểm chín muồi nhất khi sức khỏe, tinh thần tôi hồi phục đến 80% so với lần sụp đổ hồi năm 2019.
Gần đây, những clip tôi đăng lên TikTok được khán giả rất quan tâm. Gần như hàng nghìn bình luận đều tích cực. Họ hỏi tôi ở đâu, vì sao mãi không quay lại...
Dù vậy, tôi không làm liveshow quá lớn, chỉ là một đêm nhạc ở phòng trà quy mô 250 người với 13 khách mời trong khoảng 3 tiếng. Đồng nghiệp thân thiết rất nhiều nhưng tôi không mời hết được.

Uyên Trang trên sân khấu. Ảnh: FBNV
- Đã lâu không gặp, hiện tại chị sống sao?
Một ngày của tôi rất bình thường. Trước cột mốc 2019, tôi hay sống như một người nổi tiếng, ra đường cũng nhìn trước ngó sau, bây giờ thoải mái dành thời gian đi ăn uống, xem phim với gia đình, bạn bè và người thân yêu.
Tôi ngủ rất muộn, trung bình 3h sáng. Mỗi ngày, người ta mở mắt ra nhìn thấy bạn trai còn tôi là... một em cún. Một ngày của tôi loay hoay làm đồ ăn cho bé cún, đặt đồ ăn cho mình, đọc tin tức, đọc sách...
Tôi từng tập yoga, chơi cầu lông cách đây mười mấy năm, giờ thì không.
- Vì sao vậy?
Tôi bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống. Khoảng năm 2009, một buổi sáng thức dậy, cả người tôi mất cảm giác, phải nhập viện cấp cứu. Tôi sợ mổ có rủi ro nên xin bác sĩ cho uống thuốc 1 tuần, nếu tình trạng không khả quan mới làm phẫu thuật.
Lúc đó, tôi đang quay phim Hương tình, mỗi lần đứng trước máy quay phải tháo nẹp cổ. Tôi cứ đứng thoại, đạo diễn cho máy zoom cận mặt mà cổ cứng đờ, không xoay được.
Sau đó, tôi kiên trì đi châm cứu, nắn chỉnh cột sống nên bệnh tình thuyên giảm. Dù vậy, tôi gần như không thể vận động mạnh nữa.
Chắc bạn cũng biết thoái hóa đốt sống cổ gây thiếu máu não, sau một thời gian dài dẫn tới tình trạng mất ngủ, đầu đau như bị ai đóng đinh vào.
Tôi đi hát thường xuyên quên lời. Mỗi lần ngồi nói chuyện tối đa 30 phút, sau đó mặt tôi nóng ran lên, mắt chảy nước ra, thành ra không làm gì được.
Sau 10 năm sống với tình trạng như vậy, tôi chính thức sụp đổ.
Bị ảo giác, phải điều trị tâm thần
- Hẳn là quãng thời gian rất khó khăn với chị.
Năm 2019, tôi vẫn nhớ mình yếu tới mức đi vài bước thôi cũng phải cố hết sức.
Tôi không ăn được dù chỉ một chút, phải mời bác sĩ đến nhà truyền nước biển. Bác sĩ cảnh báo việc truyền nước biển liên tục không tốt cho sức khỏe nhưng tôi bất chấp. Cứ vậy, tôi sống bằng nước một thời gian, khi tạm khỏe mới có thể ăn.
Có thể do não thiếu máu, tôi bắt đầu nảy sinh ảo giác. Tôi thấy những hình ảnh rất tâm linh ngồi cạnh mình nói chuyện rì rầm cả ngày. Họ không cho tôi ngủ.
Tôi sợ quá nên phải đi điều trị với bác sĩ tâm thần trong 1 năm. Bác sĩ cho tôi thuốc ngủ, thuốc an thần... hầu như đều là liều mạnh nhất.
Sau đó, tôi lại đâm ra sợ nghiện thuốc ngủ, không muốn cả đời mình lệ thuộc, phải uống thuốc mới ngủ được. Ngoài ra, giấc ngủ nhờ thuốc rất kỳ quặc. Lần nào dậy, tôi đều cảm giác như mình chưa ngủ.
Lúc nặng nhất, tôi chỉ khoảng 47kg. Đứng trước gương, tôi thấy mình gầy gò, cả người nổi gân xanh chằng chịt.
Khi ngồi nói chuyện với bạn như một người bình thường, tôi rất xúc động, không nghĩ mình có thể vượt qua giai đoạn khủng khiếp đó.

Suy nghĩ tích cực giúp Uyên Trang vượt biến cố nhẹ nhàng.
- Làm sao chị vượt qua được?
Có lẽ Trời cho tôi ý chí rất kiên cường. Tôi không chấp nhận mình gục ngã như vậy hoài, tự nhủ bản thân phải đứng lên, phải mạnh mẽ gấp bội.
Suốt thời gian đó, chẳng ai ở bên chăm sóc tôi cả. Thỉnh thoảng, tôi chỉ nhờ trợ lý mua thức ăn, dọn đồ hoặc hẹn bác sĩ; mấy đứa em cũng hay lui tới thăm.
Tôi sống tự lập từ nhỏ đến giờ, không bắt ai phải chăm mình hết. Hồi xưa, tôi hay bệnh vặt hoặc mấy lần ăn bậy trúng thực đều tự đi cấp cứu.
Tôi bắt đầu tập sống như một người bình thường. Lúc này, tôi mới báo tin về tình trạng cho ba mẹ. Ông bà xót con, kêu tôi về Đồng Nai sống với mình.
Vậy là tôi trút bỏ lớp áo "ca sĩ Uyên Trang" ở lại Sài Gòn, về nhà, biến thành đứa con nít trong vòng tay cha mẹ như ngày nào. 8h sáng, tôi nghe mẹ ra công viên cạnh bờ sông Đồng Nai đi bộ, tập thể dục; tối nào cũng 22h lên giường ngủ.
Tôi dành thời gian trò chuyện với ba mẹ, ăn cơm nhà, chơi với cháu (em Uyên Trang đã lập gia đình, sinh con) suốt 1 tháng mới trở lại công việc.
- Đã bao giờ chị tự hỏi: Vì sao mình lại chịu nhiều khổ sở đến thế?
Lúc đầu, tôi cũng nghĩ vậy. Tôi từng tự tin sống đàng hoàng thì không phải lo sợ gì. Sau này, tôi dành thời gian tìm hiểu, nghe giảng về luật nhân quả nên ngộ ra nhiều điều. Thay vì buồn bã, khó chịu, tôi chấp nhận mọi thứ xảy đến với đời mình. Việc của mình là tu tâm dưỡng tính, làm nhiều việc tốt hơn.
Nguồn: VietNamNet
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Tác giả Phan Việt: "Đời sống vốn dĩ là cuốn kinh lớn"
Phỏng vấn
Xuất gia nhưng vẫn tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại trường đại học ở Mỹ, từng là gương mặt văn chương mới được độc giả yêu mến nhưng rẽ hướng với dòng sách mới mà cô gọi là sách chia sẻ với mọi người về sống sáng.

Trò chuyện với dịch giả cuốn sách "Tâm tình với đất mẹ" của Thiền sư Nhất Hạnh
Phỏng vấn
Cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang đến góc nhìn riêng về môi trường sống, trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ "Mẹ Đất".

TS.BS Lê Quốc Tuấn nói về nghề y, chuẩn mực giữa bác sĩ, bệnh nhân
Phỏng vấn
TS.BS Lê Quốc Tuấn, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM nói, bác sĩ cần cả kiến thức tự nhiên lẫn xã hội để thành công trong điều trị, giao tiếp với bệnh nhân.

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc nói về đi đình chùa, cầu cúng đầu năm
Phỏng vấn
Theo TS Dương Hoàng Lộc, đến đình chùa, ngoài việc lễ lạy, cúng kính thì quan trọng hơn là dịp nhắc mình tử tế, khép mình trong suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, cách sống... để xứng đáng với tiền nhân, không hổ thẹn với thần Phật.
Xem thêm