Yên Tử - Một cõi phù vân, tâm linh huyền bí Là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam, Yên Tử đã có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những điểm hành hương lớn nhất của Việt Nam, thường được bắt đầu lễ hội từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Yên Tử là địa danh nổi tiếng tại Việt Nam qua câu ca dao quen thuộc: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”. Xuân đến, lòng người lại phơi phới cùng nhau đi trẩy hội, một lòng hành hương về Yên Tử - vùng đất phù vân, tâm linh huyền bí. Khách du xuân sẽ có dịp chiêm ngưỡng thiên nhiên đất trời giao hòa, tận hưởng bầu không khí trong lành, quên hết những âu lo phiền muộn của cuộc sống đời thường, thả lòng mình phiêu diêu bồng bềnh nơi cửa Phật. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các Tăng, Ni, Phật tử và triều đình các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Trên đỉnh Yên Tử từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng có một pho tượng đá mình bám đầy rong rêu, hình dáng giống một vị pháp sư đang cung kính lần tràng hạt, mặt hướng về phía Tây. Khi đứng nơi chùa Đồng trên đỉnh cao Yên Tử, bạn sẽ cảm nhận như được tan vào mây khói bồng bềnh, hư ảo cùng núi non đất trời, vạn vật cỏ cây. Về miền Trung viếng chùa Thiên Mụ Với nét cổ kính trầm mặc giữa không gian bao la, các ngôi chùa miền Trung luôn toát lên vẻ linh thiêng mang đậm bản sắc dân tộc. Trong ảnh là tháp Phước Duyên - Tháp chính trong chùa Thiên Mụ. Đến xứ Huế mộng mơ, xuôi dòng Hương Giang, viếng chùa Thiên Mụ thắp nén hương kính Phật, lắng nghe chuông chùa vang vọng... du khách sẽ thấy lòng tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những muộn phiền trong cuộc sống. Chùa Thiên Mụ không đơn thuần là chốn tâm linh mà còn là nơi vãn cảnh, từng được các triều vua xếp vào những cảnh đẹp xứ Huế. Đứng bên hàng rào thành chùa, nhìn về thượng nguồn, con sông Hương trông hùng vĩ nhưng vẫn thơ mộng vốn có. Dòng nước chia đôi bởi Hòn Chén rồi lại hợp dòng chảy lững lờ trước cổng chùa. Chùa Thiên Mụ không có nhiều tượng Phật như các chùa khác. Nhìn tổng quan, khuôn viên chùa như một cung điện, dinh thự của các bậc vua chúa, quan lại xứ Huế ngày xưa. Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, thanh tịnh và thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa đã thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những phiền muộn, lo âu. Mỗi lần đến Huế, nhiều du khách đều dành ít nhiều thời gian đến chốn tín ngưỡng-mơ mộng này để tĩnh tâm, vãn cảnh, ngắm dòng sông tĩnh lặng, nước trôi lững lờ. Và để chiều về, văng vẳng một tiếng chuông... Thiền viện Trúc Lâm Chùa Hộ Quốc - ngôi chùa lớn nhất tại Phú Quốc Đến Chùa Hộ Quốc, bạn sẽ có cảm giác rất nhẹ nhàng trong thân thể lẫn đầu óc. Mọi ưu tư phiền muộn của cuộc sống hối hả hằng ngày sẽ theo sóng, theo gió, theo từng tiếng gõ mõ bay đi mất. Vì thế vào dịp lễ Tết, các tăng ni, phật tử, du khách đến tham quan ngôi chùa này rất nhiều. Chùa Hộ Quốc nhìn từ bên trong, hướng mặt ra biển. Vì nằm ở trên núi nên không khí ở đây rất mát mẻ và trong lành. Xung quanh chùa trồng rất nhiều cây xanh càng làm cho không khí thêm tươi mát. Ngôi chùa như được bao bọc bởi rừng và biển, khung cảnh rất nên thơ. Phía trước mặt là mênh mông biển cả, nước biển trong xanh, sóng đánh lăn tăn vào bờ. Tượng Phật Ngọc đặt giữa khuôn viên chùa. Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng trong nước, bạn cũng có thể lựa chọn hành hương theo chương trình tour nước ngoài nếu muốn đi du lịch xa hơn. Tập trung nhiều nhất tín đồ đức Phật hành hương đầu năm là Myanmar, Nepal - Ấn Độ, Thái Lan, Bhutan…
Dù là nơi đâu, chuyến đi du lịch hành hương Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cũng chung một mục đích khơi vận may cho năm mới, cầu tài lộc bình an cho gia đình.