Các hiểu lầm phổ biến về đạo Phật
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nhiều người VN, dù theo đạo Phật, cũng không có sự hiểu biết tối thiểu về đạo Phật hoặc biết một cách rất mơ hồ, sai lạc, thậm chí nguy hại. Dưới đây là vài điều hiểu lầm rất phổ biến hiện nay.
1. Đức Phật là đấng thần linh không có thật
Với một tín đồ Phật giáo, điều này nghe có vẻ rất buồn cười, nhưng rất nhiều người hiện nay vẫn không biết Đức Phật là một người có thật. Ngài sinh vào khoảng năm 624 trước công nguyên, tên thật là Tất Đạt Đa, thuộc dòng họ Thích Ca, Thái Tử xứ Ca Tỳ La Vệ, do cha Ngài làm quốc vương. Lãnh thổ hiện nay thuộc về khu vực giáp ranh Nepal và Ấn Độ.
Đức Phật Thích Ca sống thọ đến 80 tuổi, nơi sinh, nơi mất và nơi ở của Phật Thích Ca hiện nay đều được các nhà khoa học tìm ra với các chứng tích lịch sử.
Đức Phật sinh ra bình thường như một con người, không phải thần thánh. Lớn lên, Ngài rời khỏi hoàng cung, đi tìm con đường giải thoát khỏi khổ đau trên thế gian.
Sau khi đắc đạo, trong 45 năm, Ngài thuyết pháp, truyền dạy, hướng dẫn mọi người hãy đi trên con đường giác ngộ đó để được giải thoát.
Việc thờ phượng Đức Phật dưới hình thức một tôn giáo là do người đời sau bày vẻ ra, thậm chí quên mất việc quan trọng chánh yếu là tự nổ lực tu tập, hành đạo, ứng dụng giáo pháp trong đời sống thực tế để giác ngộ và giải thoát.
Phật là một quả vị, hay có thể nói là một danh hiệu dành cho các vị giác ngộ tuyệt đối, vì vậy nên có nhiều vị được gọi là Phật. Có vị tồn tại trong lịch sử như Phật Thích Ca, có vị được biết đến chỉ trong kinh điển như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc và chưa ai gặp ngoài đời cả.
2. Mục tiêu của người tu là mong cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc
Mục tiêu của đạo Phật không phải là cõi thiên đường hay Cực Lạc, mà là thoát hết phiền não khổ đau. Tất nhiên đó là một công trình vĩ đại trải qua thời gian vô cùng lâu dài, chứ không thể trong một kiếp người vài chục năm đã đạt được ngay. Đức Phật cũng phải trải qua nhiều kiếp sống thực hành liên tiếp chứ chưa nói đến người bình thường.
Chính vì vậy, trong đạo Phật có một số vị chủ trương hướng dẫn cho Phật tử thực hành từng bước một. Bước đầu một người có thể tu tập để được tái sinh vào kiếp sau tại một nơi hạnh phúc hơn, sau đó tại nơi ấy họ sẽ tiếp tục tiến bộ để được thoát khổ hoàn toàn.
Tuy nhiên cũng có những vị không cần thông qua con đường ấy mà tập trung thực hành ngay tại đời sống con người cũng đạt được kết quả giác ngộ và giải thoát.
Trong lịch sử rất nhiều đệ tử của Đức Phật đều là người có thật và các vị xuất gia sau thời Phật đạt được giác ngộ ngay khi đang sống ở cõi người.
Vì vậy, có thể nói vãng sanh Tây Phương Cực Lạc không phải là mục đích cứu cánh của đạo Phật.
3. Cầu khẩn van xin đức Phật ban phát tài lộc
Ngày nay phần lớn các ngôi chùa đều có sự thờ cúng hương khói. Có những chùa, người tu hành ít, nhưng hoạt động cúng bái, lễ hội cho lữ khách thập phương diễn ra vô cùng sôi động. Rất nhiều người đến Lễ Phật với tâm mong cầu Đức Phật mang lại nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái. Thực ra đây là một quan niệm không đúng với lời dạy của Phật.
Đức Phật chỉ dạy giáo pháp hướng dẫn con người tự nổ lực tu tập thanh lọc tâm thức để giác ngộ giải thoát phiền não khổ đau. Đức Phật không có ban phước giáng họa hay đáp ứng những lời cầu khẩn van xin các điều mà Đức Phật khuyên nên bỏ.
Còn vấn đề cầu xin sức khoẻ, hạnh phúc và bình an thì sao? Sức khoẻ do đời sống điều độ không do đức Phật ban cho. Người thường đi chùa nhưng ăn uống không điều độ, tiêu thụ các món có hại thì làm sao mạnh khoẻ được. Khi có bệnh về thân thì đi khám bệnh uống thuốc, chứ tụng mấy biến chú đại bi, chú dược sư thì làm sao hết bệnh được. Nhà sư trong chùa cũng bệnh, cũng uống thuốc đó.
Hạnh phúc do thực hành bát chánh đạo trong đời sống, cũng không do đức Phật ban cho. Người thường đi chùa, nhưng khinh miệt chồng con không biết tu như mình, mình phải lén chồng con để đi chùa, làm sao có hạnh phúc được.
Còn muốn bình an thì giữ gìn ngũ giới, không sinh sự thì sự không sinh. Ăn ở hiền lành tạo phước thì được bình an. Người thường đi chùa nhưng tánh nóng, hay gây gỗ, đâm bị thóc thọc bị gạo, nhiều chuyện thị phi thì làm sao bình an.
4. Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật
Tụng kinh, niệm Phật là phương pháp tu hành phổ biến ở các chùa, nhất là ở miền quê. Trong đó mọi người cố gắng để tụng các bài kinh cho thuộc nằm lòng, đọc lên cho hay mà có khi chẳng tìm hiểu nghĩa.
Bên cạnh đó, việc liên tiếp đọc "Nam Mô A Di Đà Phật" cũng được coi là một công đức, điều này khiến giới trẻ cảm thấy hồ nghi và không hứng thú với đạo Phật. Tuy nhiên, tại chùa hay tại gia, khi thực hành niệm liên tục "Nam Mô A Di Đà Phật" cũng là phương pháp thực hành chánh niệm để đạt chánh định, chứ không phải vô ích, tránh sự hồ nghi. Chỉ khi nào người niệm như vậy để tính sổ công đức là mê tín.
Thực ra, chữ "niệm" ở đây có nghĩa là nhớ, giống như trong chữ tưởng niệm, hoài niệm. Niệm Phật hay thường xuyên nhớ đến Phật, tránh niệm Ma, tránh nghĩ đến điều sai quấy, để khỏi làm hay nói điều sai quấy cũng là phương pháp hiệu quả giúp tâm trí chúng ta bình an và sáng suốt. Như vậy, người tu hành có thể niệm trong tâm, gọi là tâm niệm, chứ không phải niệm to tiếng ồn ào, vang vang chánh điện để được khen tặng là niệm Phật giỏi.
5. Người tu hành theo Đạo Phật đều phải ăn chay
Ăn chay được khuyến khích do tâm tự nguyện để trưởng dưỡng tâm từ bi chứ không phải là qui định bắt buộc.
Trong đạo Phật chỉ cấm người tu hành sát sinh hại vật để thỏa mãn, còn việc ăn chay nếu có điều kiện thuận lợi nên thực hiện.
Thời xa xưa, nhà sư đi khất thức tha phương và người dân chưa quen ăn chay nên có khi cúng cho các vị tăng cả thịt cá, các thầy ăn đồ ấy không coi là phạm giới.
Ngày nay điều kiện kinh tế khá hơn, khắp nơi chùa chiền được lập nên, Phật tử chuẩn bị được đồ chay cho chùa chiền nên các nhà sư mới có thể ăn chay trường được.
Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi ốm bệnh, các nhà sư cũng cần bồi dưỡng để có sức khỏe chóng bình phục, tiếp tục việc tu hành. Và việc ăn chay không phải là điều kiện để vãng sanh hay là kỳ tích để đem khoe khắp xóm làng.
6. Người tu hành theo Đạo Phật đều phải thuộc lòng các bộ kinh mới gọi là tu
Nhiều người nói đến việc tu hành liền khoe ngay mình đã học thuộc bao nhiêu bộ kinh, đã tu qua những phẩm nào, đọc mỗi chữ lạy một lạy, đã mấy chục năm qua, nhưng đó không phải điều cốt yếu mà đức Phật chỉ dạy.
Giáo pháp quan trọng nhất, căn bản nhất trong đạo Phật chính là Luật Nhân Quả, Lý Vô Thường, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo.
Tìm hiểu đạo Phật mà chỉ thích những giáo lý cao siêu, con người càng dễ xa rời chân lý, lạc vào tà đạo, huyễn hoặc, mơ hồ. Có nhiều kinh điển do ngụy tạo hoặc chỉnh sửa không còn đúng với cốt tủy của đạo Phật nữa. Do đó, để khỏi bị lầm lạc, người tu cần phải nắm vững các giáo pháp căn bản nói trên trước khi tiến xa hơn.
7. Đạo Phật chỉ dành cho người già
Thường khi người ta thấy chỉ có phụ nữ và người già đến chùa, nam giới số ít hơn liền vội cho rằng đạo Phật chỉ dành cho người già, sắp lià đời, không thích hợp cho giới trẻ. Thật ra, đạo Phật dành cho bất cứ ai muốn chuyển hóa, thăng hoa đời sống để được hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, đặc biệt rất thích hợp cho giới trẻ.
Tuy nhiên ở nước ta lâu nay lại tồn tại quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, coi việc đến chùa, học Phật chỉ dành cho những người cao tuổi, không còn việc gì khác để làm. Quan niệm như thế thật quá sai lầm. Đừng đợi đến tuổi già, thân thể bệnh tật, tâm trí lu mờ mới tìm đến cảnh chùa. Khi đó quá muộn rồi. Muộn màng hơn nữa có người đợi chui vô hũ tro cốt, hay nằm trong quan tài mới chịu nghe tụng kinh niệm Phật. Đạo Phật rất thích hợp cho bất cứ tuổi tác nào, càng tìm đến với chánh pháp càng sớm, càng có nhiều thời gian tu tập. Tu mau kẽo trể chính là nghĩa này.
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
Không nên tin ngay tất cả những gì người xưa nói, tất cả những gì người có thế lực đạo cũng như đời nói, tất cả những gì người bề trên nói, tất cả những gì có nhiều người tin theo, hay có ghi trong sách vở.
Chỉ nên tin những gì có thể kiểm nghiệm được, đúng với chân lý, đúng với lẽ thực, thông qua trí tuệ sáng suốt, thấy có ích lợi cho bản thân và cho mọi người.
Bởi vậy, Đức Phật dạy ba môn học phát sinh trí tuệ, đó là: Văn-Tư-Tu. Nghĩa là con người hãy Văn: nghe giảng, đọc sách, nghiên tầm, học hỏi, rồi Tư: suy nghĩ, tư duy, quán chiếu cho chính chắn, thấu đáo, trước khi Tu: thực hành, tu tập theo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm