Cách đối diện với tâm trí

Đây là bài giảng của ngài Hòa thượng Thiền sư Myanmar Nhị tạng Sayadaw Thitzana và TT.Trí Tịnh, tại thời pháp khóa Thiền Minh Sát mùa Đông, ngày thứ 5, tại Hoa Kỳ. Phatgiao.org.vn đăng toàn bộ bài dịch của Phật tử Thy Lâm (Khánh Huệ Phương).

Cách đối diện với tâm trí 1
Thiền sư Sayadaw Thitzana. Ảnh: Chùa Phật Pháp

Cách mà các suy nghĩ (vitakka) khởi lên trong thiền có thể khiến chúng ta cảm thấy bối rối lúc ban đầu. Chúng ta có xu hướng chấp vào những hành (saṅkhāra) này và cho rằng chúng là “ta” hay “của ta.” Nhưng những suy nghĩ như “Tôi nghĩ” hay “Tôi là” chỉ là các hiện tượng (dhamma) đang sinh rồi diệt—vô thường (anicca) và vô ngã (anattā).

Trong khi hành thiền, đôi khi tâm trí có thể lạc vào các khái niệm và suy nghĩ về cái “tôi.” Có lúc bạn có thể tự hỏi: “Những suy nghĩ này muốn nói gì với tôi?” Nhưng thật ra, không có thông điệp thực sự nào ở đây - chỉ là các tiến trình tâm có điều kiện đang khởi lên và biến mất.

Hãy suy xét điều này: Dự phóng suy nghĩ vào tương lai là vô ích nếu nó tạo ra sự dính mắc (upādāna). Tương lai chỉ là một khái niệm trong tâm trí. Điều quan trọng là hiện tại (paccuppanna)—chính trong khoảnh khắc này, trí tuệ (paññā) mới sinh khởi.

Nó giống như cách bạn đối xử với những thứ không cần thiết hoặc vô dụng trong ngôi nhà của mình. Bạn có thể đã tích lũy rất nhiều thứ không có giá trị theo thời gian. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng ngôi nhà của mình đầy những thứ không thực sự cần thiết. Nếu cứ tiếp tục mua sắm mà không suy xét, ngôi nhà của bạn sẽ tràn ngập những thứ dư thừa. Rồi bạn sẽ phải giải quyết—bạn có thể tặng chúng cho cộng đồng, cho bạn bè, hoặc bỏ chúng vào thùng rác.

Tương tự, trong tâm trí của bạn, có rất nhiều suy nghĩ và các hành (saṅkhāra) không cần thiết tích lũy theo thời gian. Bạn phải quyết định xem mình sẽ làm gì với những trạng thái tâm này: giữ chúng, để chúng chồng chất, hay buông bỏ (vossagga). Việc bám víu vào những gánh nặng tâm lý (kilesa) là vô ích. Ngay cả khi bạn chú ý đến chúng, chúng cũng không mang lại lợi ích gì.

Giải pháp rất đơn giản: hãy buông bỏ (vossagga). Giống như việc dọn dẹp ngôi nhà của mình, bạn cũng cần phải dọn dẹp tâm trí. Hãy bỏ qua những trạng thái tâm không có gốc rễ và buông xả chúng. Thực hành sự không bám víu (anupādāna), và bạn sẽ tìm thấy sự an lạc (upasama) và nhẹ nhàng trong cuộc sống.

Khi những suy nghĩ khởi lên, đặc biệt trong những lúc khó khăn hoặc xáo trộn cảm xúc, điều quan trọng là phải có sự tỉnh giác (sampajañña) và chánh niệm (sati) mà không phản ứng bằng sự giận dữ hay sân hận (dosa). Đôi khi, cảm xúc tiêu cực có thể khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt—giống như bị giam cầm trong những bức tường thói quen (saṅkhāra) đã được định hình từ lâu.

Khi thực hành với thiện xảo (kusala), bằng cách chú ý đến những suy nghĩ với chánh niệm, chúng ta bắt đầu xây dựng mối quan hệ lành mạnh với những trải nghiệm nội tâm. Đây là giai đoạn quan trọng trong sự thực tập. Ở giai đoạn đầu của sự phát triển cảm xúc, điều cần thiết là bắt đầu nhận biết (sati) và quan sát.

Sự tỉnh giác (sampajañña) rất quan trọng, và khả năng buông bỏ (vossagga) cũng không kém phần thiết yếu. Hầu hết mọi người đều đấu tranh với những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức của mình. Nhưng trong thiền tập, chúng ta không nên đấu tranh hoặc đè nén (vinibandha) các suy nghĩ. Thay vào đó, hãy quan sát chúng với tâm xả (upekkhā), để chúng sinh rồi diệt một cách tự nhiên.

Khi bạn có thể hiện diện trọn vẹn trong trải nghiệm mà không chấp thủ hay sân hận (dosa), thì sân hận và bất mãn sẽ không còn chi phối bạn. Ngay cả những cảm xúc khó khăn cũng có thể trở thành thầy hoặc bạn nếu bạn tiếp xúc với chúng bằng chánh niệm và tâm từ (mettā).

Đây là một trải nghiệm lớn. Khi bạn đã quen với nó, bạn có thể an trú trong sự tỉnh giác đó, cảm nhận trọn vẹn và tin tưởng vào tiến trình. Điều quan trọng là giữ chánh niệm và đặt niềm tin vào giáo pháp (Dhamma), thay vì tìm kiếm sự nương tựa từ bên ngoài.

Ký ức—dù vui hay buồn—đều là những pháp (dhamma) khởi lên và diệt đi trong tâm. Những ký ức vui vẻ thường dẫn đến tham ái (taṇhā), tạo ra sự dính mắc và mong cầu. Ký ức buồn bã lại khơi dậy sân hận (dosa), gây ra sự căng thẳng, khổ đau (dukkha) và thậm chí là hận thù. Những hành (saṅkhāra) tiêu cực này có thể trở thành nguồn gốc của khổ nếu chúng ta chấp trước và mãi suy ngẫm về chúng.

Trong thiền, chúng ta cần quan sát các trạng thái tâm này với chánh niệm (sati) và sự tỉnh giác (sampajañña). Khi nhận biết chúng là những hiện tượng có điều kiện (saṅkhata), ta sẽ không bị cuốn theo câu chuyện mà chúng tạo ra. Một số ký ức thì nhẹ nhàng và dễ chịu, trong khi một số khác lại rất mạnh mẽ và áp đảo. Ngay cả những ký ức tích cực về trải nghiệm thiền định trước đây cũng có thể tạo ra sự dính mắc nếu ta mong muốn tái tạo lại chúng.

Điều cốt yếu là luôn quay về với hiện tại, quan sát mà không phán xét hay mong cầu. Khi ký ức khởi lên, hãy ghi nhận rõ ràng—dù đó là vui, buồn, hay trung tính. Thay vì nuôi dưỡng chúng bằng sự chú ý, chỉ cần nhận biết sự có mặt của chúng và quay về hiện tại. Buông xả (vossagga) chúng với tâm xả (upekkhā), hiểu rằng chúng đều là vô thường (anicca).

Đôi khi trong lúc thiền, ta có thể hồi tưởng lại những trải nghiệm trong quá khứ—những khoảnh khắc thiện lành như một khóa thiền hay chuyến hành hương về Bodh Gaya, nơi chứa đựng nhiều ý nghĩa và nguồn cảm hứng sâu sắc. Khi những ký ức này khởi lên, chúng thường mang lại tâm thiện (kusala citta) và cảm giác hỷ lạc (pīti), hay sự phấn chấn tinh thần.

Trong trường hợp này, không có vấn đề gì khi để những ký ức ấy xuất hiện. Chúng là một phần của thiện hành (kusala saṅkhāra) và có thể khích lệ chúng ta trên con đường tu tập. Tuy nhiên, ngay cả những niềm vui thiện lành này cũng cần được quan sát với chánh niệm (sati) và không nên chấp thủ (upādāna).

Cảm thấy vui khi trải nghiệm những ký ức này là điều tự nhiên, nhưng vẫn cần giữ tâm xả (upekkhā) và an trú trong hiện tại. Hãy để những trải nghiệm ấy truyền cảm hứng cho bạn, nhưng đừng để chúng làm phân tâm khỏi con đường tuệ quán (vipassanā).

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp nhiều lo lắng và bận tâm. Nhiều lo lắng chỉ là những suy nghĩ nhỏ nhặt (paritta), không đáng để bận tâm. Hãy quan sát chúng với chánh niệm (sati) và buông bỏ. Đây là cách chúng ta rèn luyện tâm xả (upekkhā) trước những phiền não nhỏ nhặt.

Tuy nhiên, khi lo lắng mang tính chất nghiêm trọng hơn, có nguyên nhân sâu xa hoặc rõ ràng, ta cần đối diện và tìm cách giải quyết. Phớt lờ những lo lắng này có thể không mang lại lợi ích. Trong những trường hợp ấy, cần tìm sự giúp đỡ hoặc trao đổi trực tiếp với người liên quan để giải tỏa. Đây là hành động đúng đắn và thiện lành (kusala kamma), dựa trên sự tỉnh giác (sampajañña).

Việc phân biệt giữa lo lắng nhỏ nhặt và những lo lắng quan trọng sẽ giúp tâm ta an tịnh hơn, giảm bớt sự xao động (uddhacca).

Cách đối diện với tâm trí 2
Khóa thiền diễn ra trong không gian thanh tịnh. Ảnh: Chùa Phật Pháp

Để tôi giải thích về Saṅkhāra-khandha (uẩn hành), tức là nhóm các tâm hành. Tôi gọi saṅkhāra là “điều kiện tâm” hay “trạng thái tâm”.

Hành (saṅkhāra) là những hoạt động và khuynh hướng tâm do các điều kiện bên ngoài và bên trong chi phối—giống như những dòng sông và làn sóng trên mặt hồ. Những dòng sông và làn sóng ấy luôn thay đổi và phụ thuộc vào các lực tác động. Cũng vậy, tâm thức—những suy nghĩ, ý định, và cảm xúc—cũng được hình thành và biến đổi theo các điều kiện trong tâm (saṅkhāra).

Có nhiều điều kiện ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe và sự an lạc của chúng ta. Điều quan trọng là phải có chánh niệm (sati) và sự nhận thức rõ ràng (sampajañña) về những điều kiện này.

Bạn cần quan sát tình trạng thân và tâm của mình, cũng như những yếu tố bên ngoài. Có nhiều khía cạnh để xem xét—sức khỏe thể chất, trạng thái cảm xúc, các thói quen tâm lý (saṅkhāra) và những tác động từ bên ngoài. Trong thực hành Pháp (Dhamma), ta không để tâm dính mắc hoặc phản ứng với chúng.

Giống như việc chăm sóc sức khỏe thể chất, việc bỏ qua sức khỏe tâm lý cũng có thể dẫn đến sự bất an (dukkha). Do đó, việc duy trì sự quân bình và hòa hợp trong mọi khía cạnh của cuộc sống là rất cần thiết để đạt được sự an lạc.

Hãy mở mắt ra và quan sát. Ví dụ, khi bạn suy ngẫm về tâm mình, nó giống như đang nhìn vào gương. Dù bạn thấy mình trong gương, nhưng tâm (citta) và não bộ không phải là một. Não chỉ là công cụ, nó không hiểu được những chuyển động sâu sắc của tâm.

Tâm giống như một đứa trẻ—đôi khi phản ứng, xúc động, và dễ tổn thương. Nếu bạn nổi giận với một đứa trẻ, đứa trẻ sẽ phản ứng lại. Nhưng đối với não, chuyện lại khác. Não giống như một con cún; nó không hiểu được cảm xúc như giận dữ hay thất vọng. Vậy nên, không có ích gì khi nổi giận với nó. Thay vào đó, hãy quan sát một cách có chánh niệm, như đang nhìn vào gương—không phán xét, không sân hận. Bằng cách này, bạn sẽ thấy rõ hơn và phát triển tuệ quán (vipassanā).

Đôi khi, mọi thứ trong cuộc sống không biến mất ngay lập tức. Ngay cả những người tu hành cũng cố gắng buông bỏ, nhưng không dễ dàng. Điều này là vì các hành (saṅkhāra)—những thói quen tâm lý—có sức bám rễ rất sâu. Bạn không có quyền kiểm soát tuyệt đối những trạng thái tâm này, vì chúng khởi lên do các nhân duyên đã tạo trong quá khứ.

Bạn không phải là người cai trị quá trình sinh tử; bạn chỉ là một chúng sinh (sattā) trong vòng luân hồi (saṃsāra). Những thói quen, tâm hành này không biến mất ngay vì bạn chưa có đủ nội lực để đoạn diệt chúng.

Chỉ có cách duy nhất là đối mặt với khổ (dukkha) bằng chánh niệm (sati). Đây chính là con đường bạn phải thực hành. Khi đối mặt với đau đớn, bạn sẽ phát triển được một “chiến lược” để giải thoát.

Trong thiền tập, chiến lược này giống như việc ngồi vững chãi trong trạng thái kiên định và mạnh mẽ. Với thực hành liên tục, chánh niệm sẽ ngày càng sâu sắc. Bạn sẽ thấy rõ đau đớn khởi lên, tăng cường độ, rồi biểu hiện hoàn toàn trước khi biến mất. Đây là một quá trình rất mạnh mẽ, giúp bạn thấy rõ bản chất vô thường (anicca) của mọi hiện tượng.

Chúng ta hiểu rằng bệnh tật và khổ đau (dukkha) là những phần không thể thiếu trong kinh nghiệm của con người, như Đức Phật đã dạy. Tuy nhiên, chính qua sự chánh niệm và lòng từ bi (karuṇā) mà chúng ta có thể đối diện với khổ đau một cách khéo léo, cả đối với bản thân và với người khác.

Thiền sư Sayadaw Thitzana

Có những lúc, sân hận (dosa) và ganh tỵ (issā) khởi lên khi đối diện với những hoàn cảnh hoặc con người nhất định. Tuy nhiên, bất cứ điều gì xảy ra, bạn không nên bám víu hay chìm đắm vào những cảm xúc tiêu cực đó. Đừng xem chúng là tuyệt đối hay cố định. Những trạng thái tiêu cực này là vô thường (anicca) và vô ngã (anattā)—chúng không phải là của tôi, không thuộc về ai cả và không có thực thể bền vững.

Chúng chỉ là những hành (saṅkhāra)—những hiện tượng tâm lý khởi lên từ tâm (citta), rồi cũng sẽ tự nhiên biến mất. Bạn không cần phản ứng tiêu cực khi chúng xuất hiện. Điều đó không cần thiết.

Hãy ghi nhớ những ví dụ mà tôi thường hay nói về không khí mà chúng ta hít thở. Không khí là yếu tố không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, không có nó chúng ta không thể tồn tại, nó rất quan trọng và cần thiết trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên dù thiết yếu nhưng không khí vẫn là vô thường và không bền vững, nó cũng đến và đi và không thuộc về bất cứ ai. Tương tự, thức cũng rất quan trọng, nó là một phần cốt yếu của cuộc sống, những suy nghĩ là một phần của thức, nhưng chúng ta không thể để tâm xao động và bất an bởi chúng.

Nếu bạn hiểu rõ giáo pháp, lời dạy rất đơn giản: hãy có thái độ đúng đắn với tất cả mọi trạng thái tâm dù là tiêu cực hay tích cực, thì việc thực hành sẽ trở nên trôi chảy và tiến bộ.

Như vậy, chúng ta hãy tinh tấn và rèn luyện chánh niệm để quan sát mọi trạng thái của tâm một cách khách quan, không phán xét, không chấp trước. Bằng cách này, chúng ta sẽ hiểu rõ các trạng thái tâm cũng đều là vô thường, không đáng để chúng ta bám víu. Khi chúng ta buông bỏ được sự dính mắc vào chúng, tâm sẽ được sự bình an và yên tĩnh. Đây là điều mà tôi muốn quý vị nhận ra, thái độ đúng đắn với các trạng thái tâm là nền tảng để một hành giả tiến bộ và đạt được trí tuệ.

Cách đối diện với tâm trí 3

Việc đối diện với một loạt các suy nghĩ hay trạng thái tâm và các kinh nghiệm tâm lý phức tạp mà không bị ràng buộc, vướng mắc hay xao lãng là một phần rất quan trọng trong quá trình thiền định.

Chìa khóa là duy trì sự bình an nội tâm (samatha) mọi lúc. Tập trung vào thực hành với sự nỗ lực. Bạn phải luôn bận rộn theo cách đúng đắn, nuôi dưỡng chánh niệm (sati) để dẫn đến sự hiểu biết sáng suốt.

Năm rồi, chúng tôi đã gặp một người phụ nữ ở Singapore, cô ấy 50 tuổi, thành công trong sự nghiệp và các hoạt động tâm linh của mình. Tuy nhiên, cô ấy mắc phải một căn bệnh bí ẩn khiến cả tứ chi bi liệt và ngồi trên xe lăn trong một thời gian dài và luôn cần người giúp đỡ. Khi chị gái cô ấy đến thăm, tôi khuyên họ đưa cô ấy đến chùa và lần tiếp theo khi hai chị em đến, tôi hướng dẫn cô ấy thực hành thiền, đặc biệt là thiền quán về thân và tâm, sử dụng thiền như một liều thuốc và như một người bạn đồng hành.

Cuộc sống của cô ấy trở nên vô nghĩa từ khi mắc bệnh, mọi sự thành, công thói quen và công việc đều mất giá trị. Tôi giải thích rằng những tình huống như vậy, nguồn an ủi duy nhất đó là thiền định; tuy nhiên, cô ấy thừa nhận rằng khó có thể tập trung vào tâm trí dù chỉ một phút, cô ấy sợ thiền và cố gắng hành thiền nhưng thất bại, chỉ muốn từ bỏ. Đây là một trạng thái phổ biến đối với nhiều người không thể giữ được tâm yên tịnh cho họ vì rằng tâm trí họ không thể kiểm soát.

Chúng ta hiểu rằng bệnh tật và khổ đau (dukkha) là những phần không thể thiếu trong kinh nghiệm của con người, như Đức Phật đã dạy. Tuy nhiên, chính qua sự chánh niệm và lòng từ bi (karuṇā) mà chúng ta có thể đối diện với khổ đau một cách khéo léo, cả đối với bản thân và với người khác.

Trong Phật giáo, chúng ta hiểu rằng tâm không phải là cố định. Nó luôn luôn chuyển động. Tính chất của tâm là sinh và diệt, giống như tất cả các hiện tượng (anicca – vô thường). Để hiểu các trạng thái của tâm, ta cần có ý chí quyết tâm và nỗ lực. Điều cần thiết để tâm hướng đến quyết tâm là gì? Đó là sammā-vāyāma - nỗ lực đúng đắn.

Nếu một người cố gắng với nỗ lực và chánh niệm, ngay cả khi tâm dao động, nó vẫn có thể được hướng về những suy nghĩ và hành động thiện lành. Đây là con đường khéo léo, nơi mà nỗ lực được cân bằng với trí tuệ (paññā) và chánh niệm (sati). Bằng cách duy trì tâm, chúng ta giữ tâm tập trung và ổn định trong từng khoảnh khắc. Nỗ lực này dẫn dắt chúng ta vượt qua phiền não và đạt được samādhi – sự định tâm.

Mong bạn xây dựng được một nền tảng vững chắc trong hành trình thiện lành của mình. Mong cho tất cả mọi người được sự tiến bộ trong thực hành, an lạc trong nội tâm, bình yên và hạnh phúc viên mãn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm chủ căn tai để tâm thanh tịnh sáng suốt

Phật giáo thường thức 11:03 17/03/2025

Làm chủ căn tai là biết chọn lọc, biết lựa chọn, biết nghe những điều hay lẽ phải, biết “bỏ ngoài tai” những lời gian dối, dua nịnh, những lời hằn học, ác độc, khích bác lẫn nhau. Cho nên, ta phải biết huân tập vào mình những âm thanh tốt đẹp và không chất chứa những âm thanh hỗn tạp thì tinh thần mới an ổn, nhẹ nhàng, mà nói và làm vì lợi ích cho mình và người.

Bồ-tát Quán Thế Âm - huyền thoại và lịch sử

Phật giáo thường thức 10:14 17/03/2025

Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu trưng của tình thương, che chở và cứu giúp, gọi là từ bi. Khi trong ta có từ bi, vậy là Bồ-tát đang có mặt trong ta, ta chính là một phần hóa thân của Bồ-tát. Ngài còn biểu trưng cho hạnh lắng nghe. Nghe tiếng đau khổ, lo toan, sợ hãi… của mọi người và mọi loài.

Ý nghĩa của ngày vía đức Bồ tát Quán Thế Âm

Phật giáo thường thức 10:00 17/03/2025

Hằng năm, Phật tử thường làm lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm thật trang nghiêm vào các ngày: 19/2, 19/6 và 19/9 theo âm lịch. Đức Quán Thế Âm Bồ tát còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển của Phật giáo Đại thừa như trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm, kinh Pháp Hoa…

Đức Thế tôn giảng như thế nào về việc "vái tứ phương"?

Phật giáo thường thức 09:48 17/03/2025

Thế Tôn giảng thuyết những lời phương tiện để làm sáng tỏ ý nghĩa vái lạy 4 phương (Đông, Tây, Nam, Bắc) và 2 hướng trên dưới (Trời, Đất) theo tinh thần thực hành Chính pháp trong đời sống con người.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo