Cảm ơn vì những tấm lòng đẹp: Biệt đội cano 0 đồng
Trong đêm 18/10, nước dâng lên nhanh tại Quảng Trị và Quảng Bình, đường dây nóng của Biệt đội cano 0 đồng luôn trong tình trạng "cháy máy", những tiếng kêu cứu xé màn đêm. Anh em lên đường, chạy hết công suất, bằng mọi giá điều động 2 cano lớn, khẩn cấp cứu hộ hàng trăm người bị mắc kẹt.
Ca sĩ Thủy Tiên nhận được hơn 60 tỷ đồng giúp bà con miền Trung
Từ Đội xe 0 đồng vận chuyển lương thực, thuốc men trong tâm dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, anh Trần Đăng Vinh đã thành lập Đội Cano 0 đồng, nhằm giải cứu người dân gặp nạn vì lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
Ngay từ những ngày đầu tháng 10, khi lũ lụt bắt đầu ảnh hưởng tới Quảng Trị, Đội Cano 0 đồng, khi đó vẫn là Đội xe 0 đồng, luôn trong tình trạng trực máy sẵn sàng. Nếu trường hợp nào khó khăn, hộ nghèo cần đi bệnh viện, đi sinh, nhưng không có điều kiện gọi xe ô tô chỉ cần gọi theo hotline, đội của anh Vinh lập tức có mặt.
Biệt đội cano 0 đồng
Ngày 10/10, lũ lụt vẫn còn nghiêm trọng tại Quảng Trị. Anh Trần Đăng Vinh (Đà Nẵng) bắt đầu nghĩ tới biện pháp sử dụng cano và SUP tiếp viện cho bà con tại các huyện Triệu Phong và Hải Lăng - những nơi bị ngập sâu, thiếu thốn lương thực, nước uống. Anh lên mạng xã hội kêu gọi tất cả đội nhóm thiện nguyện Đà Nẵng, các doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay giúp sức.
"Biết là rất khó khi vừa qua cơn đại dịch Covid-19 ai cũng đuối, nhưng phải làm sao khi người dân mình lại gặp nạn cần giúp đỡ. Dù có khó nhưng anh em cũng vẫn sẽ cố gắng hết sức", anh chia sẻ.
Sau khi trò chuyện với cán bộ địa phương, được biết nếu gửi 1.000 thùng mỳ tôm vào các hộ gia đình thì gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Cả xã thiếu trầm trọng ghe thuyền, không đủ để cứu hộ, di chuyển cho nhu cầu cơ bản nhất. Do đó, anh Vinh vận chuyển 2 chiếc cano từ Đà Nẵng ra Quảng Trị, huy động thêm nhiều anh em chèo SUP, để lấy nhu yếu phẩm từ cano và chèo vào ngõ phát từng nhà dân.
Lực lượng SUP tinh nhuệ nhất của Đà Nẵng và 2 chiếc cano được huy động đã có thể tiếp cận bà con bị cô lập 4 ngày qua. Cano nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng liên tục từ nơi bắt đầu ngập đến trung tâm vùng lụt, tập kết hàng rồi quay lại chuyển tiếp hàng. Chiếc cano còn lại đưa hàng từ điểm tập kết đến các thôn xóm có các bạn chèo SUP nhận hàng và đưa đi len lỏi đến tận nhà dân.
Ông Lê Hiền, 64 tuổi, Quảng Trị chia sẻ, "mấy hôm nay không ai ra khỏi nhà, đến tối thì chui một góc nằm trầm mình chứ tối thui không thấy gì, lỡ có chuyện gì đi đâu cũng không biết răng".
"Một ngày anh em dầm trong mưa to gió lớn, một số đoạn nước chảy xiết, ướt sũng đẫm lạnh, không ít lần lật SUP té nhào nước, cano bị sự cố phải kéo rất vất vả. Nhưng tất cả đều an toàn với những phương án được tính toán kỹ và khảo sát tiền trạm trước đó. Và kết quả thật tuyệt cho đoàn, anh em chúng tôi đưa hàng đến tận những gia đình đã bị cô lập nhiều ngày, những món hàng thiết thực nhất trong lúc này đem lại niềm vui cho cả người cho lẫn người nhận", anh Vinh cho biết.
Sang ngày 13/10, 5 chiếc cano tiếp tục được điều động từ Đà Nẵng ra Quảng Trị để cứu trợ toàn huyện Hải Lăng.
Sức mạnh của lòng từ bi trong đạo Phật
Thời điểm đó, Hải Lăng là huyện bị ngập lụt nặng nề nhất tỉnh Quảng Trị, lũ chồng lũ 2 lần liên tiếp, đã 7 ngày nhà cửa của nhiều gia đình bị ngập nặng, cô lập hoàn toàn. Mọi người sống chung với con nước cao, thiếu lương thực, nước uống, không điện, không ánh sáng, không điện thoại. Toàn huyện rộng lớn với 16 xã chỉ có 3 cano, phương tiện cứu hộ là một trong những điều khó khăn và cấp thiết nhất lúc này.
Đến ngày 14/10, Biệt đội cano 0 đồng đã nhận được 460 triệu ủng hộ, cùng đội SUP và cano phát hơn 4.000 phần quà, hỗ trợ điều phối cùng Ủy ban huyện Hải Lăng và các đội nhóm khác. Trong ngày, một lực lượng cano xuồng hơi đã tiến thẳng từ Hà Nội vào, tiếp tục giải cứu người dân mắc kẹt không chỉ ở Quảng Trị, mà mở rộng ra các huyện Phong Điền, Phú Vang, Quang Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kế hoạch cứu hộ cứu trợ các hộ dân nước ngập sẽ thay đổi qua phương án hỗ trợ hậu bão lũ, khi mà bà con bắt đầu xịt rửa nhà cửa, trở lại cuộc sống đầy khó khăn vất vả thiếu thốn, trẻ em trôi ngập hết sách vở, dụng cụ học tập, sẽ còn là một câu chuyện dài với bà con miền Trung...
Những câu chuyện thương tâm trên đường cứu trợ
Bà Hải Thị Lý, 61 tuổi, thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị sống chung với người cha già 85 tuổi. 7 ngày ngập lụt chia cắt, nhà nằm sâu bên trong biển nước bao la, cano phải chạy rất lâu mới tiếp cận được. Sáng 13/10 bà bị té ngã rồi qua đời. Theo anh Vinh, nếu di chuyển quan tài bằng cano, len lỏi qua xóm làng thì rất khó khăn. Tuy nhiên, anh em trong đội đã động viện nhau, cố gắng giúp đỡ người đã khuất.
Ở Huế, trong một gia đình tại thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, ngày 17/10 cả nhà đều đi làm, người cha sau khi dọn lũ, do mệt quá nên ngủ quên, để con trai 3 tuổi ra ngoài sân chơi bị sẩy chân, đuối nước. Thành viên của Biệt đội cano 0 đồng đã hỗ trợ, tìm kiếm và vớt xác cháu bé vào 5h chiều cùng ngày.
Ngoài ra, Biệt đội cano 0 đồng tại Quảng Trị trong ngày 17/10 cũng đã di tản được 91 người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, trong đó có một cụ ông 71 tuổi bị gãy tay.
Ca sĩ Mỹ Tâm có mặt tại miền Trung giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn mùa lũ
"Còn hàng ngàn trường hợp đặc biệt khó khăn đang bị cô lập, những cụ già neo đơn đang co ro trong đêm tối không biết kêu cứu cùng ai giữa mênh mông biển nước. Càng đi sâu, đi thực tế càng thấy hãi hùng trước cuộc sống cô lập không nước uống, không lương thực, không ánh sáng kéo dài đến 7 ngày thì thật là khủng khiếp cho nhiều người", anh Vinh chia sẻ.
Sau vài ngày, đến đêm 18/10, nước lại bắt đầu dâng lên tại Quảng Trị và Quảng Bình. Những tiếng kêu xé màn đêm, Biệt đội cano 0 đồng liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn kêu cứu. Họ lại lên đường, chạy hết công suất, bằng mọi giá điều động 2 cano lớn ra Quảng Trị, cứu khẩn cấp hàng trăm người bị mắc kẹt, nhiều người già trẻ em được di tản lên bờ khẩn trương.
Những chiếc cano tải trọng lớn liên tục được vận chuyển ra vùng rốn lũ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế bổ sung lực lượng Biệt đội cano 0 đồng tham gia cứu hộ cứu nạn bà con bị mắc kẹt lũ lụt. Anh em xuồng hơi cũng đổ về để "chiến đấu".
"Hàng ngàn người dân đang khóc than, leo nóc nhà, những tiếng kêu cứu xé màn đêm. Cả Quảng Bình trắng đêm giữa mưa lạnh. Ước gì có thêm 100 chiếc cano", anh nói.
Đến hiện tại, công việc của anh Vinh cùng Biệt đội cano 0 đồng vẫn chưa kết thúc ở các vùng lũ. Ngay trong tối 19/10, vừa về đến chỗ nghỉ ngơi, nghe tin có vụ chìm thuyền, anh em lại tiếp tục lên xe chạy đi cứu nạn gấp. Họ ăn nhanh phần cơm người dân nấu còn sót lại trên xe để có sức chiến đấu.
Biệt đội cano 0 đồng với sứ mệnh đã, đang và sẽ lên phương án, tiếp cận trực tiếp các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề trong bão lũ những ngày tới.
Minh Nhân - Theo Pháp luật và Bạn đọc
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm