Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 26/05/2016, 12:43 PM

Cần một trung tâm tư liệu Hán Nôm về Phật giáo

Tư liệu Hán Nôm Phật giáo [TLHNPG] là những văn bản được khắc hoặc chép bằng chữ Hán và chữ Nôm của tiền nhân trong nhiều thế kỷ, tập trung dưới các hình thức: sách giấy, ván khắc (mộc bản), bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bài vị, pháp phái hoặc bất cứ tài liệu nào có chữ Hán Nôm. Trong đó tư liệu Hán Nôm [TLHN] dưới dạng sách giấy có khối lượng lớn nhất và đang bị mai một nhanh nhất. Đó cũng là vấn đề chính mà Trung tâm quan tâm.

 
Khoảng 10 năm trước, nhận thấy phong trào trùng tu chùa chiền diễn ra đồng loạt khắp cả nước, tư liệu Phật giáo đặc biệt là tư liệu Hán Nôm mai một tính bằng ngày, Thư viện Huệ Quang [TVHQ] đã bắt đầu tổ chức những chuyến sưu tầm tư liệu Hán Nôm trong các chùa ở Nam bộ. Đầu năm 2010, chúng tôi gởi bức Thư ngỏ về việc sưu tầm tư liệu Phật giáo đến khắp các chùa trong cả nước. Kể từ đó đến nay công tác sưu tầm TLHNPG được tiến hành liên tục. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, công tác sưu tầm còn tản mạn, không theo kịp sự hư hoại quá mau chóng của tư liệu.

Tại sao chúng ta đã có một Viện Nghiên cứu Hán Nôm [VNCHN], là nơi tập hợp các tác phẩm Hán Nôm của cả nước, được bảo tồn và nghiên cứu khá khoa học rồi mà còn sưu tầm TLHNPG? Qua bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, chúng tôi thống kê được số lượng sách HNPGVN (ký hiệu A, AB, AC) tại VNCHN là 309 đầu sách, trong đó sách do các tác giả Việt Nam trước tác (ký hiệu A, AB) là 141. Trong khi sách HNPGVN (ký hiệu A, AB, AC) tại TVHQ đến thời điểm hiện tại là 774, trong đó sách của các tác giả VN (ký hiệu A, AB) là 390. Điều đó cho thấy lượng sách HNPG trong VNCHN còn khá khiêm tốn và chưa đến ½ số sách HNPG mà chúng tôi sưu tầm trong chưa đầy 10 năm. Nguyên nhân có thể là do TLHNPG chỉ là một trong mấy chục thể loại mà Viện phải quan tâm, và có thể (giai đoạn trước) Viện nghĩ rằng Phật giáo thuộc một hệ khác – hệ tôn giáo, nó là công việc của các nhà sư, sưu tầm được chừng nào hay chừng đó. Các sách HNPG trong Viện hầu hết (nếu không nói là tất cả) có xuất xứ ở miền Bắc, chưa sưu tầm rộng ra khu vực miền Trung và Nam bộ. Đó là lý do ta cần phải tiếp tục công tác sưu tầm.

Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã chụp lại được nhiều văn bản HNPG quý mà VNCHN cũng chưa có, hoặc có mà không còn nguyên vẹn, như: Địa tạng kinh thích giải Hoa ngôn bằng chữ Nôm của ngài Minh Châu Hương Hải, được Như Nguyệt khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709); Thiền uyển tập anh, được lưu trữ trong bộ sưu tập của thầy Thích Giác Thành, văn bản còn khá hoàn hảo; Giải oan khoa, thiền sư Minh Chính biên soạn, chùa Bích Động, Ninh Bình khắc ván và tàng bản năm Khải Định thứ 6 (1921); Tì-ni Sa-di Uy nghi Cảnh sách Tứ phần Phạm võng Yết-ma chú giải, văn bản chép tay dày đến 200 trang (400 mặt giấy) của tổ sư Pháp Chuyên, do hai thầy Thích Như Tịnh và Thích Đồng Dưỡng sưu tầm được…

Chỉ xin dẫn ra vài trường hợp như trên để thấy rằng sách HNPG ngoài VNCHN ra còn rất nhiều, là nơi mà tư liệu đã và đang mai một từng ngày, đang đợi sự sưu tầm bằng tâm huyết và cấp bách của chúng ta. Những trước tác HNPG thời hoàng kim Lý Trần đã không còn hi vọng sưu tầm thêm được tác phẩm nào (có chăng chỉ là những tác phẩm may mắn sót lại được triều Lê trùng khắc) do thời gian cách biệt quá lâu, công việc bảo tồn của người xưa ít được quan tâm đúng mức, chưa kể đến chiến tranh, thiên tai… cũng góp phần phá hủy; thì nay, những tác phẩm HNPG cuối thời Lê về sau còn tản mác đây đó trong các tự viện, trong dân gian còn có thể sưu tầm được mà không tiến hành sưu tầm, làm cho di sản của tiền nhân đã mất mát càng thêm nghèo nàn thì là do lỗi vô tâm của chúng ta chứ không phải ai khác.

Lịch sử cũng cho thấy, người đứng ra tổ chức công tác sưu tập, bảo tồn hầu như luôn là người của Phật giáo, hoặc người xuất gia như thiền sư Phúc Điền, những hòa thượng trong Hội Bắc kỳ Phật giáo (HT. Nguyên Biểu chùa Bồ Đề, HT. Thanh Hanh chùa Vĩnh Nghiêm); hoặc là Phật tử tại gia như Trần Anh Tông, Lê Mạnh Thát, Lê Quốc Việt… Các nhà sưu tầm Thích Giác Thành, Thích Như Tịnh, Thích Đồng Dưỡng… được nhiều người thời nay biết đến, cũng không ngoại lệ. Chính sự tín kính, hiểu biết về Phật giáo/ lịch sử và tư liệu của họ đã làm cho công tác sưu tầm được nâng niu thực hiện một cách chu đáo, tỉ mỉ mà các thư viện công khó thể làm trọn vẹn được. 

Để có được một bộ tập đại thành tương đối đầy đủ tác phẩm HNPG, theo chúng tôi, cần tập hợp rộng rãi từ các nguồn có sẵn, như: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Huệ Quang (sách các đời trụ trì để lại, sách/file sưu tầm ở các chùa trong cả nước, sách rập mộc bản ở một số chùa, file chụp các bộ sưu tập cá nhân, file chụp thư viện khác…), Thư viện khác trong nước (trong và ngoài Phật giáo, như: Thư viện Phật học Xá Lợi tại Sài Gòn, Thư viện chùa Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn, Thư viện Nôm Na [chủ yếu sách của Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, gồm 1.249 quyển, trong đó có 60 quyển sách Phật giáo], Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Thư viện chùa Quán Sứ Hà Nội…

Ngoài ra, rất quan trọng, còn phải kể đến các bộ sưu tập cá nhân, như của: thầy Thích Đồng Dưỡng, chùa Ba Phong, Quảng Nam; thầy Thích Như Tịnh, chùa Viên Giác, Quảng Nam; thầy Thích Giác Thành, chùa Linh Ứng, Hải Dương (tổng cộng cả ba thầy, có trên 100 sách/tư liệu Hán Nôm Phật giáo có giá trị nghiên cứu); học giả Lê Mạnh Thát ở Sài Gòn (chủ yếu xuất xứ từ miền Trung, một số ít ở miền Nam). Bên cạnh đó, sách do một số vị tu sĩ trân tàng mà chúng tôi biết được: TT. Thích Lệ Trang (tủ sách nổi trội ở mảng luật và chữ Nôm Nam bộ), TT. Thích Đồng Văn, TT. Thích Chơn Minh đều ở Sài Gòn, HT. Thích Trí Tịnh ở Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Lê Quốc Việt ở Hà Nội (Tư liệu HNPG của anh chủ yếu là các khoa cúng tổ ở miền Bắc, bản rập của hàng trăm bia tháp tổ và hàng ngàn đồ họa cổ Phật giáo do anh rập bản ở nhiều tỉnh miền Bắc trong nhiều năm).

Nhưng theo kinh nghiệm thực tế trong quá trình khảo sát thực địa của chúng tôi, một trong những nguồn sưu tập quan trọng hơn cả có lẽ là các chùa chiền rải rác trên khắp cả nước. Đây là nguồn TLHNPG nằm tản mác các ngôi chùa cổ hoặc chùa mới nhưng có các đời trụ trì từng sử dụng, là nguồn tư liệu “động” đang bị mai một nhanh chóng hằng ngày hằng giờ khi liên tục mấy chục năm qua các chùa được đồng loạt trùng tu hoặc xây mới. Nhu cầu sử dụng chữ Hán cổ không còn như cách đây vài chục năm về trước nên một số nơi “sẵn sàng” hỏa thiêu chúng. Nguồn tư liệu này có rất nhiều tác phẩm không trùng khớp với những tác phẩm trước đó đã sưu tầm được, nhất là các tác phẩm chép tay. Mỗi lần đến một ngôi chùa có tủ sách Hán Nôm hầu như chúng tôi đều luôn sưu tầm thêm được một hai tác phẩm Hán hoặc Nôm mới. Đây là nguồn tư liệu phải mất nhiều tâm huyết, công sức và kinh phí mới mong sưu tầm được nhưng lại là nguồn tư liệu cần được quan tâm sưu tầm cấp thiết, ưu tiên trước nhất.

Tâm huyết là như vậy, nhưng công việc có phần quy mô kể trên thiết nghĩ là trách nhiệm chung không chỉ của mọi Phật tử mà còn của bất kỳ ai có sự quan tâm đến văn hóa nước nhà, mà văn hóa Phật giáo là một bộ phận, nếu chỉ dựa vào sức của Tu viện Huệ Quang thì không thể nào làm nổi. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp về tư liệu của quý tôn đức các tự viện, các nhà sưu tầm trong cả nước. Chúng tôi không ngại khó khăn về nỗi xa gần hay nguồn tư liệu phát hiện được ít nhiều, tốt xấu; hễ muốn đóng góp về TLHN cũng như TLPG nói chung, xin hoan hỉ liên lạc, cộng sự với chúng tôi.

Chúng tôi cũng mong nhận được sự quan tâm của quý thân hữu thiện tri thức có chuyên môn trong việc bảo tồn nhất là lĩnh vực văn bản cổ Phật giáo để công tác được thực hiện tốt hơn.

Một giọt nước nhỏ nhưng sẽ góp phần khơi thông cả đại dương, chúng tôi xin kêu gọi và trân trọng đón nhận mọi sự hỗ trợ tài chánh dù ít dù nhiều của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, miễn là có sự đồng cảm với chúng tôi bằng tâm nguyện muốn giữ lại những di bảo của tiền nhân trong muôn một.

Huệ Quang, xuân Bính Thân 2016

Thích Minh Cảnh - Thích Không Hạnh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học sô 3/2016
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm