Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 19/10/2016, 16:59 PM

Cần Thơ: TT.Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Bửu Trì

Sáng ngày ngày 15/09/Bính Thân (15/10/2016), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm đến chùa Bửu Trì (số 67, Q.Ninh Kiều), trước để dâng hương tưởng niệm cố Ni sư Thích Nữ Tâm Niệm trụ trì chùa Bửu Trì. Sau nữa, Thượng tọa có buổi nói chuyện với các phật tử về chủ đề "Các vị thần thánh trong cõi vô hình".

Bài Pháp thoại đã xây dựng hình tượng, chỉ rõ đặc điểm, vai trò những vị thần thánh, nhằm răn nhắc các phật tử. Từ đó, mọi người có cái nhìn đúng đắn và thái độ ứng xử phù hợp trước những vấn đề tâm linh.  
 
Tham dự và chứng minh buổi pháp thoại có: Chư tôn đức tăng, ni BTS GHPGVN thành phố Cần Thơ và các tỉnh thành khác.
 
Sau khi toàn thể Hội chúng niệm Phật cầu gia bị là một phút mặc niệm để tưởng nhớ Giác linh cố Ni sư TN Tâm Niệm, Phó Ban Kiểm soát BTS GHPGVN Tp.Cần Thơ, Phó Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN Tp.Cần Thơ, trụ trì chùa Bửu Trì, đã thâu thần thị tịch vào lúc 20 giờ 30 phút, ngày 18/07/Bính Thân (20/08/2016), trụ thế 60 năm, hạ lạp 35 năm. Lúc sinh thời, với hạnh nguyện Bồ tát, cố Ni sư TN Tâm Niệm đã làm tốt đạo đẹp đời bằng những phật sự luôn gắn với cuộc sống đời thường.
 
Được biết, cố Ni sư đảm nhận trách nhiệm trụ trì chùa Bửu Trì cho đến nay đã hơn 20 năm. Trải qua một quá trình lâu dài đầy gian khó và được sự giúp sức tận tình của Giáo hội, chính quyền địa phương cũng như quý phật tử mới xây dựng được ngôi già lam khang trang như hôm nay.

Trải qua bao năm gian khó, nơi ngôi già lam này đã là mái ấm cho hơn 100 trẻ em mồ côi, khuyết tật cùng với 8 cụ già neo đơn. Nhìn thấy các cháu nô đùa bên nhau mà ai nấy đều xót xa. Vì giờ đây, còn đâu nữa bàn tay ấm áp của người từ mẫu luôn bên cạnh coi sóc, nuôi dưỡng các cháu lớn lên từng ngày. Các cháu còn quá nhỏ, không thể hiểu được nỗi đau, sự mất mát đang tiếp diễn bên cạnh mình. 

Tại pháp hội, Thượng tọa giảng sư đã dẫn ra nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc đời tu tập và sự cống hiến cho Phật Pháp, cho chùa của ni sư - người đã dành cả cuộc đời mình để dấn thân, để lo cho đạo pháp, sống một cách quang minh chính đại, không lo riêng gì cho bản thân. Một tính cách rất đặc biệt nơi ni sư là nói ít nhưng làm nhiều. Cả con người và cách sống đều rất đẹp, khiến ai cũng kính nể. Do vậy, sau khi hiện thân về với Phật, cố Ni sư đã lưu lại nhiều xá lợi với màu sắc khác nhau. Điều này đã chứng tỏ cả một đời tu hành chân chính của ni sư.

Theo Thượng tọa, để có được một ngôi chùa Bửu Trì khang trang, thanh tịnh như ngày hôm nay, đó là nhờ những giọt mồ hôi, nước mắt; những lo lắng, trăn trở ngày đêm của ni sư. Vậy nên, đâu đâu nơi đây ta cũng thấy hiện hữu hình bóng của Ni sư TN Tâm Niệm. Hôm nay, mọi người có thể đến đây nghe Pháp, đó là một công đức rất lớn của ni sư - một trong những vị chân tu hiếm có trên cuộc đời này. Ai đã từng có duyên gặp gỡ với ni sư thì thật là một điều rất may mắn, hạnh phúc trong cuộc đời. 
 
Giờ Ni sư đã vắng bóng nhưng công đức vẫn tồn tại mãi với thời gian. Một ngày nào đó, khi đã tu chứng A La Hán, ni sư sẽ trở lại nơi đây, mang theo hạnh nguyện Bồ tát cùng những công đức lớn gấp bội phần để độ chúng sinh. Chúng ta mai đây dù có đi đâu về đâu, cũng cố gắng tu hành cho tinh tấn, cố gắng một lần về đây thắp nén hương để đền đáp công ơn to lớn của Ni sư TN Tâm Niệm. Sau này, dù ai đảm nhận vị trí trụ trì thay cho ni sư, chúng ta cũng sẽ hết lòng ủng hộ, thừa sự, tôn trọng giống như với Ni sư TN Tâm Niệm. Đồng thời, một lòng hỗ trợ, cúng dường để vị tân trụ trì có thể làm tốt công việc của mình cũng như các hoạt động phật sự.

Bài Pháp thoại hôm nay là để cúng dường, cảm niệm công đức của ni sư. Đồng thời, Thượng tọa cũng mong chùa Bửu Trì sớm ổn định, sớm có một vị trụ trì mới để các phật tử có nơi nương tựa tâm linh, và yên tâm mà tinh tấn tu tập, gìn giữ đạo Pháp, cũng như ngôi chùa Bửu Trì để báo đáp công lao của ni sư.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại, Thượng tọa đã kể lại, dẫn chứng một số câu chuyện cho thấy con người ta hay bị nhầm lẫn bởi vẻ bề ngoài. Không chỉ bên ngoài cuộc sống mà cả trong đạo Phật cũng vậy. 

Thượng tọa khẳng định rằng: Đạo Phật không đánh giá tâm chứng đạo thông qua tuổi tác, mà thông qua thời gian tu tập, đạo hạnh, đạo lực của người tu. Vậy nên, dù vẻ bề ngoài hiền lành, ít nói nhưng nhiều thầy trẻ tuổi đã là Tỳ kheo rồi, vì bên trong nội tâm của họ đã được khai mở, đạo lực và đạo hạnh thật sự của họ lớn hơn ta rất nhiều.

Tuy quý thầy trẻ tuổi, nhưng có thể họ đã tu rất nhiều kiếp trước đó. Để xuất gia được đã là một việc rất khó khăn rồi. Nhiều lúc tu, có một số việc ta làm không tốt khiến kiếp sau ta bị đọa làm cư sĩ. Hay khi ta đã là một cư sĩ thuần thành, hết sức lo cho đạo, tinh tấn tu hành, nhưng vẫn không xuất gia được vì còn duyên nợ với đời. Chỉ kiếp nào ta gặp được chánh pháp, gặp được minh sư, gieo được duyên lành trở lại thì ta mới xuất gia. Vậy nên, ta phải thật lòng quý trọng, kính nể quý thầy trẻ tuổi thì mới có phước về sau để tiến tu.

Phật giáo Nam tông có truyền thống xuất gia gieo duyên rồi hoàn tục lại, vì cho rằng nếu ai đã mang hình tướng người tu sĩ trong vòng vài tháng thì kiếp sau sẽ được xuất gia trở lại. Nghe có vẻ đúng với Nhân quả, nhưng thật sự người chỉ có ý định xuất gia vài tháng thì trong đầu đã nghĩ gì? Nghĩ đến ngày hoàn tục, muốn thử cạo tóc rồi vài tháng sau bỏ chùa ra đi. Như vậy cái nghiệp nhân của họ là gì? Đó là đùa giỡn với chánh pháp, trong khi vào thời xưa người đã quyết định cạo tóc rồi là thề không bao giờ quay lại con đường thế tục. Xuất gia nghĩa là như vậy, không bao giờ trở lại. 

Ai xuất gia ba tháng sau rồi hoàn tục, đó là người đùa giỡn với Chánh pháp. Điều này nguy hiểm vô cùng. Mà người nghĩ đến ngày hoàn tục rồi thì đâu còn ý chí tu hành. Bởi người xuất gia quyết tâm tu tập rồi mà nhiều khi còn sai lên sai xuống, khổ tới khổ lui chứ đâu đơn giản. Nên khi thấy những vị xuất gia trẻ tuổi lòng ta hết sức kính ngưỡng là vậy. Bởi ý chí, nghị lực của vị đó khi cạo đầu là đi con đường xuất thế không bao giờ trở lại, rất đáng cho ta nể. Với ý chí và quyết tâm đó, nếu có thêm đường lối tu hành chân chính nữa thì chắc chắn vị đó sẽ trở thành vị Thánh trong tương lai.

Để trở thành người xuất gia ta phải biết gieo cái nhân chân chánh. Thứ nhất là kính trọng bậc chân tu. Thứ hai là cố gắng tu tập như người xuất gia từ khi còn là cư sĩ, đó là tập ăn chay, giữ giới kỹ lưỡng không làm điều gì sai lầm, siêng năng lễ Phật, tọa thiền tinh chuyên, v.v… 

Thượng tọa nhấn mạnh: Đã ngồi trong ngôi nhà chánh pháp thì ai cũng muốn hướng về điều thiện tối thượng - là cái phước được xuất gia. Tuy nhiên, từ giờ cho đến ngày ai ai cũng đều là sa môn thì rất lâu, cần có thời gian để chuẩn bị. Để đến ngày Phật Di Lặc ra đời, mọi người đều được xuất gia thì ngay bây giờ, các phật tử phải ráng giữ mình, tinh tấn tu tập, tích cực gieo duyên lành giống như cố Ni sư TN Tâm Niệm. Nếu không, ta cứ làm cư sĩ lang thang mãi thì thật là tội nghiệp.

Tiếp đến, đi vào nội dung chính của bài Pháp thoại, Thượng tọa cho rằng: Những tín ngưỡng trên khắp thế giới đều thờ cúng thần thánh trong cõi vô hình. Tuy nhiên, niềm tin về thần thánh của con người có khi đúng có khi sai. Nếu tin đúng thì ta cư xử đúng và chắc chắn được phước, còn nếu tin sai thì ta cư xử sai, trở thành mê tín, vì thế cũng không có phước. Vậy ta phải tìm hiểu trong thế giới bí mật thần thánh là những ai, có những hạng thần thánh nào.

Quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy, mỗi tôn giáo có một tiêu chuẩn, một quan niệm riêng về thần thánh, nhưng chưa chắc nó đã phù hợp với tiêu chuẩn, quan niệm của xã hội. Theo xã hội thì thần thánh là những người luôn cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào; sống một đời vị tha, ít mắc lỗi. Theo các tôn giáo, một người đã xem là thần thánh rồi thì sẽ được tôn thờ, dần dần được thần thoại hóa, càng lúc càng trở nên cao siêu, mầu nhiệm.

Đầu tiên, có những thần thánh có thật trong lịch sử loài người. Tức những người sống đời phụng sự, cống hiến, có công lao, thành tích, có ảnh hưởng rất lớn, thường được hậu thế thờ như là thần thánh. Ví dụ Khổng Tử của Trung Hoa đã để lại những lời dạy mà đến ngày nay không ai bắt bẻ được. Ông được hậu thế tôn vinh là "Vạn thế sư biểu", tức là "Người thầy của muôn đời", và tôn thờ ông như một bậc Thánh. Hoặc ở Việt Nam có các vị thần thánh như: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương, Thánh Gióng,… Mỗi vị gắn với một truyền thuyết, một chiến tích khác nhau nhưng có điểm chung là đều được nhân dân tôn thờ và xưng lên làm thần thánh.

Hay thực tế hơn như đức Trần Hưng Đạo là một vị tướng chỉ huy quân đội. Dù có cơ hội để chiếm ngai vàng, nhưng ông vẫn nhường cho dòng thứ làm Vua, còn mình chỉ cầm quân đội để bảo vệ đất nước khỏi vó ngựa quân Nguyên. Khi giặc yên rồi, ông lui về lo tu tập, tọa Thiền. Với một người có công lao to lớn, có đạo đức tuyệt vời như vậy đã được người dân tôn lên làm thánh và thờ kính cho đến bây giờ. 

Và lác đác trên khắp thế giới luôn tồn tại những vị thánh thần có thật trong lịch sử như vậy. Nếu thờ những vị đó thì ta không bị rơi vào mê tín mà ngược lại sẽ được đạo đức. Được đạo đức nghĩa là sao? Là ta tăng thêm lòng yêu nước, ta biết ơn người xưa và ta học hỏi được gương hạnh của họ. 

Bên cạnh những vị thần thánh có nguồn gốc lịch sử, còn có một số vị thánh có dấu hiệu linh ứng rồi được hợp thức hóa luôn, dù không có lịch sử nhiều nhưng vẫn được dân ta tin thờ như: Công chúa Liễu Hạnh; đền thờ Ba cô, v.v… Có thể do lúc sống họ đã sống một đời tốt đẹp, tạo thành cái uy lực và uy lực đó tồn tại cho đến mấy chục năm, hay cả trăm năm sau khi họ chết.

Hiện nay, ta vẫn đang tin và thờ một số  vị thần thánh không có nguồn gốc như: ông Hoàng Mười, ông Tám,… Việc làm này khiến ta trở thành người không thực tế, thiếu khôn ngoan, cả tin và không có phước vì thờ vị thần thánh không có thật. Chúng ta phải nhớ một nguyên tắc: Khi ta lễ bái, thờ phụng một vị thần thánh có thật, có nguồn gốc lịch sử, có đạo đức, có công lao với cuộc đời mới đem lại cái phước cho người thờ kính. Ngược lại, ta thời phụng một vị thần thánh mà ta không biết vị này xuất phát từ kinh điển nào, cuốn sách nào, giai đoạn nào, chỉ biết người ta đồn nhau, cứ tin và cứ thờ thì không thể sản sinh ra phước được, vì vị đó không có thật.  Vì vậy, đức Phật đã dạy người phật tử khi quy y Phật - Pháp - Tăng rồi thì không được lễ lạy tôn thờ những vị thần mập mờ không rõ nguồn gốc. Cũng như không có lễ lạy Phật, Pháp, Tăng một cách tùy tiện khi chưa biết nguồn gốc họ là ai. Nhiều người dựng chuyện để lừa ta, nếu ta tin và theo họ thì ta mất đạo, từ chánh kiến bước qua tà kiến liền. Vậy nên chọn người thờ cúng rất quan trọng, vì nó liên quan đến cái phước của ta.

Cũng vậy, ta có nên thờ ông Địa không? Trả lời cho câu hỏi này, Thượng tọa đã kể lại hai truyền thuyết, một ở trong kinh Phật, và một ở trong lịch sử Việt Nam để khẳng định ông Địa là có thật. Theo quan điểm của Thượng tọa, chúng ta thờ ông Địa nhưng không phải thờ dưới đất. Ông Địa là một vị quan có trách nhiệm, có uy đức nên phải được thờ đàng hoàng ở trên cao thì ta mới được phước. Còn ta thờ ông dưới đất, cho nên ta bị quả báo nhỏ con. Vì vậy những ai có thờ ông địa phải đặt lại bàn thờ nơi cao ráo, đó cũng là cái nhân khiến kiếp sau ta được cao ráo. Nhân đây, Thượng tọa cũng khẳng định ông Thần tài không có thật mà chỉ tồn tại trong cái tâm tham của con người. Vậy nên, thờ ông Thần tài sẽ không mang lại phước.
 
Quay lại với đạo Phật, Thượng tọa nhắc nhở rằng: Ngoài việc thờ đức Phật, Quan Âm Bồ tát, các vị Hộ pháp,… ta còn phải thờ cả ông trời nữa. Các tôn giáo khác họ cho rằng ông trời tạo ra tất cả, nên ông trời với họ rất quan trọng. Với những người theo đạo Phật lại quan trọng Luật Nhân Quả, nghĩa là mọi thứ đều do nhân quả mà ra. Tuy nhiên, ta vẫn nên thờ vì ông trời rất đáng kính.

Bằng những câu chuyện, trích dẫn trong kinh Phật, Thượng tọa chỉ rằng ông trời còn được gọi là thiên chủ, có phước đức rất lớn, cai quản cả cõi trời và nhiều cõi khác. Lại nữa, ông cũng là đệ tử của Phật, đã tu chứng Thánh. Vì tin nhân quả quá nên ta quên mất vị Thánh đáng kính này thì thật là một lỗi rất lớn. Dù Chư thiên là một loại thần thánh không có trong lịch sử, nhưng trên khái niệm chung, ta hiểu rằng cõi trời có thật và phải hết sức kính trọng.

Việc thờ trời cũng được nói đến trong 6 phép niệm tưởng của kinh Phật là: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thiên, niệm Thí, niệm Giới. Điều này cho thấy những tác ý tưởng nhớ Chư thiên cũng làm cho ta có phước giống như tưởng nhớ đức Phật và các bậc Thánh. Ngoài ra, các tác ý khác cũng mang lại phước cho ta, đó là làm việc thiện, giúp đỡ người khác, giữ giới đàng hoàng,…

Nhân đây, Thượng tọa còn phân tích những vị thần thánh được tin thờ trong xã hội so với trong đạo Phật có rất nhiều điểm khác nhau là thế nào. Qua đó, Thượng tọa khẳng định: Thần thánh trong đạo Phật không có vị trí cố định mà bao trùm cả ba cõi. Muốn hiểu rõ hơn về các vị đó, chúng ta phải đọc nhiều kinh Phật. Ví dụ muốn biết rõ về các vị Bồ tát, chúng ta phải đọc và hiểu kinh Đại Thừa. Chúng ta thấy Bồ tát chưa bao giờ được sinh ra trên cuộc đời này, nhưng các vị ấy rất linh. Khi ta hướng về một vị Bồ tát thì ta đụng tới mười phương Chư Phật, Chư Bồ tát liền. 

Thêm nữa, các vị Bồ tát không cần tên, chỉ các vị Thần mới có tên. Vậy nên, khi khấn các vị Thần ta phải gọi đúng tên thì các vị ấy mới đến. Còn khi cầu Bồ tát, ta không gọi đúng tên vẫn đến vì các vị ấy đã chứng quả Phật. Chỉ cần kêu Bồ tát là cả mười phương Chư Phật đều đến và chứng cho ta. Thế nên, tên của các vị Bồ tát trong kinh Phật đều do các vị Tổ đặt ra cả. Ta cứ sống đạo đức, cố gắng giúp người, một lòng tin Phật, rồi khi cần gì chỉ cần kêu thêm một chữ “Bồ tát” phía sau thì đều được linh ứng. Ngược lại, các vị thần trong nhân gian phải gọi đúng tên mới đến, vì họ chỉ có uy lực do lúc còn sống đã làm nhiều việc giúp đời thôi, chứ họ không phải Thánh, không đi con đường vô ngã. 

Các vị Thần được chia làm hai loại, đó là: Không biết đạo Phật và theo đạo Phật. Những vị không biết đến đạo Phật chỉ là những người có công với cuộc đời thì uy lực của họ chỉ tồn tại một thời gian rồi tự mất. Còn những vị mà lúc sống tu theo đạo Phật thì khi làm Thần vẫn hướng về Phật. Các vị này có sự bao dung lớn hơn, linh ứng hơn, sự che chở nhiều hơn.

Điều này cho thấy, việc ta thờ cúng Thần thánh là tốt chứ không xấu. Và ta có phước rất rõ nếu may mắn gặp một vị Thần thánh theo Phật. Hiểu được điều này, ta sẽ hiểu tội phước, nhân quả kĩ hơn, để khi nghe đến một cái đền, cái miếu ta không vội bác bỏ để tránh mang tội, và cũng không vội tin để tránh mê tín. Ngược lại, ta biết từ từ tìm hiểu để có cách ứng xử cho đúng đắn. 

Nhân đây, mọi người còn được hiểu thêm “Hầu đồng”. “Đạp đồng” là gì. Từ đó, họ biết ngăn ngừa những hành vi lợi dụng lên đồng, xem bói để trục lợi. Đồng thời, cũng biết phân biệt rõ đâu là hoạt động tâm linh lành mạnh…

Tóm lai, bằng những câu chuyện lịch sử, những điển tích, điển cố và những ví dụ có thực trong thực tế, Thượng tọa đã đem đến một bài Pháp theo cách giảng hoàn toàn mới. Nó không phải là một buổi diễn thuyết mà là một buổi kể chuyện, khiến các phật tử rất thích thú, dễ nhớ. Bắt đầu, mọi người hiểu rõ hơn về khái niệm, đặc điểm, cấp độ về thần thánh. Từ đó, có thái độ ứng xử phù hợp trước những trường hợp có liên quan. Đồng thời, biết phát tâm kính ngưỡng các vị thần thánh để có phước báo, thúc đẩy quá trình tu tập của bản thân.

Đề tài này có nhiều quan điểm, đạo lý đã được nói đến trong rất nhiều các bài Pháp trước đó. Xét thấy, bên cạnh việc tổng hợp những kiến thức cũ, Thượng tọa đã mở rộng, đề cập đến một vài khía cạnh mới, khiến các phật tử thấy vừa lạ lại vừa quen. Vậy nên, để hiểu sâu sắc, trọn vẹn bài Pháp này, đòi hỏi ta phải có sự liên hệ với những kiến thức đã được nghe trước đó. 

Việc phát triển đề này này cho thấy mọi vấn đề, mọi sự việc không bao giờ đứng yên. Nó luôn phát triển theo nhiều mặt. Để hiểu thấu đáo, mọi người cần tìm hiểu, nhìn nhận vấn đề thường xuyên theo nhiều góc độ. Đồng thời có sự liên hệ các thông tin đã tìm được với nhau để đối chiếu, so sánh và đi đến kết luận chính xác, đầy đủ nhất.

Bên cạnh đó, bài Pháp thoại còn cho thấy một bộ phận con người trong xã hội đang lợi dụng tâm linh để mê mị người dân, gây nên những hậu quả xấu, khiến niềm tin với tín ngưỡng, tôn giáo bị ảnh hưởng. Hy vọng, sau bài Pháp này, mọi người có thể phân biệt đúng sai, có thái độ đúng đắn trước một hiện tượng tâm linh để tạo phước đức cho bản thân, tránh những hiểu biết sai dẫn đến tà kiến, và mê tín dị đoan.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm