Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 22/09/2014, 13:35 PM

Cây đèn trí tuệ của nhà Phật

Cách đây 2 năm, khi tôi là một người thanh niên mới đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) để lễ Phật, tụng Kinh cùng đạo tràng trên Chính điện, tôi đã chú ý đến cây đèn Cửu Long treo trước Tam Bảo. 

Đó là một cây đèn chùm có kích thước, khối lượng lớn được thiết kế theo hình dáng một gương sen, đứng trên đó là tôn dung đức Phật Đản sinh, xung quanh gương sen là cửu long tề tựu hướng lên phun nước tắm Phật.

Theo phong tục thờ Phật, cây đèn cúng Phật là tượng trưng cho trí tuệ sáng trong của chư Phật. Phật giáo là nền giáo dục trí tuệ được khai mở nhờ ơn đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một cây đèn đặc biệt mang ý nghĩa vi diệu của thời khắc đất trời hoan hỷ đón mừng bậc vĩ nhân thị hiện đản sinh ở nhân gian, nhờ có Ngài mà tâm hồn nhân thế được thắp sáng bởi ánh sáng của trí tuệ và từ bi suốt hơn 25 thế kỷ nay.
 
Nhân duyên trong Phật pháp thật vi diệu đối với những phật tử hữu duyên. Lúc mới đến chùa Quán Sứ, cây đèn Cửu Long trang nghiêm cảnh Phật đường đã gieo vào tâm khảm phật tử những suy nghĩ thiện lành và thắp sáng tâm hồn người. Đến nay, ánh sáng từ chư Phật Bồ tát, thiện thần đã soi lối cho người viết tìm đến học hỏi vị Hộ pháp Bồ tát đã nghĩ ra ý tưởng, vẽ mẫu, thuê thợ khéo chế tác rồi cúng dường cây đèn đặc biệt ý nghĩa lên chùa Quán Sứ.

Đó là cư sĩ Đặng Như Lan, cụ sinh năm 1897, quê làng Vị Thượng, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh trưởng trong một gia đình Nho học, ông nội là quan võ đầu tỉnh, hồi nhỏ cụ Như Lan học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, và cụ không tốt nghiệp một trường đại học mĩ thuật nào. Năm 1940, cụ Như Lan Quy y Tam Bảo với pháp danh Tuệ Đăng, và cụ say mê nghiên cứu sâu về đạo Phật. 

Chính bởi thiện duyên với Tam Bảo từ nhiều kiếp quá khứ đã giúp cụ tạo nên nhiều tuyệt tác nghệ thuật Phật giáo. Tranh cụ vẽ nhiều nhưng không bán. Hầu hết tranh của cụ được cúng tiến vào các chùa trong Nam ngoài Bắc như: chùa Quán Sứ, chùa Phổ Giác, chùa Chân Tiên, chùa Thiên Mụ, chùa Xá Lợi..v...v... Nên tranh thiền họa cụ Tuệ Đăng đã truyền tải trọn vẹn những thông điệp hiểu biết và yêu thương của đạo từ bi đến với mọi thế hệ những người yêu nghệ thuật.
 
Cây đèn Cửu Long treo trên chính điện chùa Quán Sứ được lấy ý tưởng từ bức tranh Đức Phật đản sinh trên nền chữ của kinh Hộ Quốc Nhân Vương. Đó là bức thiền họa mang màu sắc ấm áp nhẹ nhàng, hình ảnh tôn dung Đức Phật đản sinh làm điểm nhấn trung tâm, xung quanh Ngài là vòng tròn 9 con rồng đang phun nước tắm Phật, vòng tròn ngoài cùng là hình tượng Ngũ Trí Như Lai ở trên cùng, bên phải vòng tròn là Quán Thế Âm Bồ tát, tôn giả Ca Diếp, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát cưỡi sư tử xanh, chư Thiên cõi trời Đâu Suất, bên trái vòng tròn là Địa Tạng Vương Bồ tát, tôn giả A Nan Đà, Phổ Hiền Bồ tát, chư Thiên cõi trời Đâu Suất. Hai bên vòng tròn có tôn dung các vị Bồ tát, Thánh chúng, chư Thiên được đối xứng nhau, và được nối liền với nhau bởi hình tượng Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.

Thông điệp của bức tranh có ý nghĩa: chư Phật hằng nối tiếp nhau thị hiện đản sinh ở Sa Bà, chư Bồ tát vẫn thường hóa thân thành những vị Tỳ kheo, cư sĩ để chung tay hóa độ chúng sinh thoát khỏi phiền não. Hạnh nguyện đó liền mạch và viên mãn như vòng tròn không có điểm kết thúc. 

Thông điệp đó giải thích cho việc vì sao bộ kinh Hộ Quốc Nhân Vương là bộ kinh do đức Thế Tôn chỉ day cho vua Ba Tư Nặc v.v…16 vị Quốc Vương về pháp giữ gìn bảo hộ đất nước đúng như pháp. Nội dung của Kinh Nhân Vương Hộ Quốc được đức Phật lần lượt giảng nói các pháp để giữ gìn Phật quả, gìn giữ các hạnh tu của hàng Thập Địa, các pháp phương tiện để Bồ-tát giáo hóa chúng sinh, nay bộ kinh được cư sĩ viết tỉ mỉ thành hàng chục ngàn chữ Hán đều đặn làm nền cho hình ảnh chư Phật Bồ tát thị hiện, để rồi bức tranh được tiến cúng vào chùa, từ đó ngày càng có nhiều người thấm nhuần Phật Pháp. Tam Bảo cao quý mà cũng thật hòa hợp với thế nhân.

Bởi việc cư sĩ Tuệ Đăng diễn giải ý nghĩa của các bộ kinh Phật đồng hành cùng những hình vẽ chân thật, sống động nghĩa là trợ duyên cho Tam Bảo lan tỏa những giáo lý vi diệu làm thức tỉnh Bồ đề tâm của Phật tử nói riêng, và những người yêu mến đạo Phật và nghệ thuật nói chung.
 
Kho tàng tuyệt tác thiền họa của cư sĩ Tuệ Đăng đều là tranh kiểu trục, khổ lớn, vẽ rất công phu, độc đáo bằng tất cả cái tâm và tài của vị Hộ pháp nhà Phật. Có lẽ hiếm ai có thể điềm tĩnh, tự tại, kiên trì như Cụ để có thể vẽ gần 70.000 con chữ Nho bé nhỏ các loại kinh Phật để viền xung quanh và làm nền cho các hình ảnh chư Phật – Tổ, trong đó phần bố cục chính của tranh và bố cục nền của tranh vô cùng hài hòa, tương xứng, như : bức chùa Một Cột có đường nét vẽ tạo nền từ vài ba hàng chữ Nho chép kinh Kim Cương biến hóa uyển chuyển, Pháp dung Bồ tát Tổ Tế Cát trong bảo tháp xung quanh viền chữ trong kinh A Di Đà, Pháp dung Thiên thủ Thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát trên nền chữ kinh Phổ Môn đang được công nhận là Bản kinh Phổ Môn bằng giấy lớn nhất Việt Nam, bức tranh Kim quy chở núi non viền kinh Khóa hư lục đã được Kỷ lục Việt Nam công nhận là Khóa hư lục viết trên giấy lớn nhất Việt Nam vào năm 2007.

Thiền họa của cư sĩ Tuệ Đăng là sự kết hợp hài hòa giữa Phật pháp và nghệ thuật hội họa, mang lại cho người xem cảm giác yên bình, thư thái. Thông qua những bức thiền họa, những thế hệ người Việt sau này hiểu được, tác giả đã tôn trọng cảm giác của người xem và kính trọng hộ trì Pháp Bảo. 

Sự hoàn thiện của từng nét vẽ, cách phối màu, cách chép kinh vào tranh cho thấy cái tâm sáng trong, và sự tỉ mỉ, tập trung thực sự trong quá trình vẽ. Đó là tinh túy của sống thiền : luôn an trú trong hiện tại để có thể tập trung làm việc thật tỉ mỉ, trọn vẹn, với một tâm thái nhẹ nhàng, tĩnh lặng.

Cư sĩ đã thể hiện thiền họa bằng tâm thiền, kể câu chuyện nhà Thiền bằng hình ảnh, và bức “Thánh dung Sư Tổ Đạt Ma” 9 năm diện bích trên nền tranh là phẩm kinh Báo Ân, rộng 1,8m cao 2,8m được cúng tiến vào chùa Xá Lợi. Bức tranh tái hiện khung cảnh Sư Tổ Đạt Ma đang thiền định, mặt quay về phía dãy núi non hùng vĩ, sau lưng Ngài là Tổ Huệ Khả đang đứng trong tuyết, chắp tay thành kính bày tỏ tâm thanh tịnh cầu đạo.

Trong truyền thuyết, sau khi trở thành Tổ 28, Bồ Đề Đạt Ma đi thuyền đến Nam Trung Quốc năm 520. Sau khi truyền đạo cho Lương Vũ Đế không thành do Vua chưa đủ duyên với Phật pháp, Tổ đến Lạc Dương lên chùa Thiếu Lâm trên rặng Tung Sơn, nơi đây Tổ tu thiền định, 9 năm quay mặt vào vách, không tiếp chuyện với ai. 

Việc cư sĩ Tuệ Đăng tái hiện lại truyền thuyết Tổ Huệ Khả cầu đạo từ Tổ Đạt Ma dưới trời tuyết rơi, trên trùng trùng núi non hùng vĩ, khiến bức tranh phảng phất nét thủy mặc với tông màu thanh nhã , bên cạnh đó còn thể hiện rõ thêm tâm hồn phóng khoáng tự tại cùng thiên nhiên của nhà Thiền, cũng như quyết tâm học đạo của Tổ Huệ Khả.

Thông điệp của bức “Thánh dung Sư Tổ Đạt Ma” trên nền phẩm kinh Báo Ân có nghĩa là trên con đường tu tập, mỗi người con Phật cần kiên trì, không vội vã, và cần thành tâm biết ơn báo đáp Thầy của mình, vì mọi thử thách từ Thầy của mình chính là bài Pháp không lời dành cho những người có thiện duyên lớn với Phật pháp.
 
Đối với Thiền tông, người tu chỉ học và đốn ngộ trong thầm lặng, Phật Pháp được tiếp thu đến đâu trong tâm họ cũng giống như việc uống nước, nóng hay lạnh tự họ biết và cảm nhận; vậy nên Phật lý ở Thiền tông thể hiện ở lối sống hiền hòa, tỉnh thức, chính niệm để mang đến sự bình yên cho người.

Tổ có ý muốn hồi hương, trước khi về, gọi đệ tử trình bày sở đắc: "Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình".

Đạo Phó bạch: "Theo chỗ thấy của tôi, muốn thấy đạo phải chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự."

Tổ đáp: "Ông được lớp da của tôi rồi."

Ni Tổng Trì nói: "Chỗ giải của tôi như cái mừng vui thấy nước Phật (tâm) bất động, thấy được một lần, sau không thấy lại nữa."

Tổ nói: "Bà được phần thịt của tôi rồi."

Đạo Dục, một đệ tử khác, bạch: "Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải thật có, vậy chỗ thấy của tôi là không một pháp nào khả được."

Tổ đáp: "Ông được bộ xương của tôi rồi."

Cuối cùng, đến phiên Huệ Khả. Huệ Khả lễ bái Sư rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Tổ bảo: "Ngươi đã được phần tuỷ của ta." 

Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền y cho Tổ Huệ Khả, vì biết Tổ Huệ Khả đã nắm được tinh túy của tu Thiền. Trong, truyền pháp ấn để khế chứng tâm; ngoài, trao cà sa để định tông chỉ.

Câu chuyện về một người cư sĩ tuy không học mĩ thuật, chỉ có duyên và tâm hộ trì với đạo Pháp mà vẽ nên những bức thiền họa cúng dường chùa chiền, góp phần hoằng dương chính Pháp lợi lạc quần sinh, điều đó càng làm tăng trưởng đức tin của thế hệ đi sau về túc duyên nhiều đời với Tam Bảo của con người có thể làm nên những điều kỳ diệu. Nhờ đó Phật tử ngày nay sẽ cố gắng tu tập tinh tấn hơn. Tấm gương sống và làm việc của cư sĩ Tuệ Đăng sẽ sáng mãi cùng thời gian trong cây đèn Cửu Long trên Chính điện chùa Quán Sứ.
                                                                   
Diệu Hòa

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm