Chết có phải là hết không?
Đối với mọi người nói chung thì lúc chết là khoảng thời gian quan trọng nhất. Dù là người Đông Phương hay là người Tây Phương, dù là Phật tử hay tín đồ của một tôn giáo nào khác, dù là người có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, người ta cũng đều giống nhau ở điểm này.
Khi thần thức rời khỏi thể xác vốn thường được quý trọng của mình, thì đó là khúc quanh quan trọng nhất của đời người, vì cái chết sẽ đưa người ta đi tới một cõi giới bí ẩnTrong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, người ta sẽ đứng ở giữa ngả ba đường. Nếu đã sửa soạn trước, người ta sẽ sẵn sàng đi tới với sự tự tin và thoải mái, giống như con đại bàng vươn cánh bay lên bầu trời. Theo giáo lý Phật Giáo, nếu không có sự chuẩn bị trước, người ta sẽ phải trải qua chu trình sống, chết và tái sinh nhiều lần.Đa số người ta không thích nghe nói về cái chết, cái không thể tránh được của mình vốn có thể tới bất cứ lúc nào. Họ còn không dám nghĩ đến sự chết, và chỉ chú tâm vào những công việc trong đời sống hàng ngày của mình. Những người có tín ngưỡng thì tin rằng còn có một sự sống ở bên kia cửa tử, trong khi nhiều người không có tín ngưỡng thì cho rằng chết là hết, người ta không còn gì cả.
Ngày nay chúng ta đang ở trong thời đại hoàng kim của khoa học kỹ thuật, nhưng kiến thức của chúng ta về sự sống ngừng lại ở chỗ hơi thở chấm dứt. Khoa học và kỹ thuật không thể cho biết là có hay không có sự liên tục của tâm thức sau khi người ta trút hơi thở cuối cùng. Việc nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc bị các nhà khoa học và y học thuộc giòng chính ngạch bác bỏ. Trong thời đại hồ nghi này, người ta thường cảm thấy khó có thể tin là có cuộc sống ở đời sau, vì họ sợ bị người khác xem là người kém trí tuệ, đơn sơ và ngây thơ.
Bất cứ khi nào mở máy truyền hình, chúng ta cũng có thể trông thấy những hình ảnh chết chóc, dù là những cái chết giả trên điện ảnh hoặc những đoạn phim thời sự về những người trên thế giới chết vì bệnh tật, tai nạn hay bạo động. Rất ít khi chúng ta được trông thấy những hình ảnh tự nhiên về những người chết một cách bình thường hay đang trong cơn hấp hối, mà thường được trông thấy nhiều hơn hình ảnh của những tang lễ nhiều màu sắc, với người chết được trang điểm thêm, nằm bên trong quan tài được trang trí bằng nhiều bông hoa xung quanh. Nếu dám nhìn trực tiếp vào sự sống và cái chết, chúng ta sẽ thấy rõ luân hồi sinh tử là quy luật dành cho toàn thể sinh linh, con người sinh ra, chết đi và sẽ tái sinh trở lại.
Lúc chết điều gì xảy ra?
Tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng chết không phải là hết, mà còn có một “cái gì đó” tồn tại, dù giáo lý của các tôn giáo khác nhau trong chi tiết và lối diễn dịch. Dù được gọi là tâm, thần thức, linh hồn hay tinh thần, “cái đó” vẫn tiếp tục hiện hữu trong hình thức này hay hình thức khác. Phật Giáo gọi là “tâm” ( Tiếng Anh “mind”, tiếng Tây Tạng “sem”, tiếng Sanskrit “citta”), là tính chất căn bản, vẫn tồn tại sau cái chết của thể xác vật chất. Thể xác sẽ tan nhập trở lại vào những nguyên tố (tứ đại: đất nước gió lửa), mà từ đó nó đã được tạo ra, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hiện hữu bởi tâm trí và thần thức, và sẽ nhập vào một thể xác khác để sống trong kiếp sau.
Thể xác là “vật chuyên chở” tâm trí và là con người vật chất, gợi ý tưởng về danh tánh, hay ý tưởng “ta”. Như vậy chúng ta cảm thấy mình là một người riêng biệt trong suốt kiếp sống của mình. Những ảnh hưởng của môi trường xã hội và những tập quán văn hóa cũng đóng góp cho sự liên tục của kinh nghiệm đời sống của mỗi người. Chúng ta cảm thấy thể xác của mình cũng như những sắc tướng ở xung quanh là những gì “chắc thật”. Mọi vật và mọi sự việc xuất hiện trong ý thức của chúng ta, được cảm nhận bởi các giác quan của chúng ta, đều có vẻ chắc thật ở bên ngoài, và phân biệt với tâm trí của chúng ta.
Nhưng vào lúc chết, tất cả những sắc tướng này sẽ biến mất. Tâm trí sẽ rời khỏi thể xác, giống như người ta bỏ lại một bộ quần áo cũ. Ngay khi thần thức rời thể xác, những vật mà chúng ta trông thấy cũng như những cảm giác mà chúng ta đã có trong đời sống sẽ thay đổi một cách cực kỳ. Những gì chúng ta trải qua sau khi chết sẽ hoàn toàn tùy thuộc tâm trí của mình, tức là tùy thuộc những thói quen tâm trí và những ý nghĩ mà chúng ta đã tạo ra và dung dưỡng trong đời sống ở cõi vật chất vừa qua.
Nếu tâm ta an lạc thì tất cả những gì chúng ta làm ở cõi vật chất cũng là sự biểu lộ an lạc và tất cả những gì chúng ta nói cũng là những lời an lạc. Như vậy tất cả những hành động của chúng ta sẽ trở nên đạo đức, và chúng ta sẽ là nguồn an lạc đối với tất cả những người nào tiếp xúc với chúng ta. Vào lúc chết, khi chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc của thể xác, thoát khỏi những sự giới hạn văn hóa và những ảnh hưởng của môi trường xã hội, chúng ta sẽ được tự do hưởng an lạc, vốn là thật tánh của tâm trí. Cũng giống như vậy, nếu trong đời sống thế gian, chúng ta tu luyện đúng pháp, thì vào lúc chết, tất cả những hiện tượng xuất hiện với chúng ta sẽ là một cõi an lạc và giác ngộ.
Nhưng nếu tâm trí chìm đắm trong những cảm xúc đau khổ như buồn giận, thì bất cứ điều gì chúng ta nghĩ cũng bị quấy nhiễu bởi những ý tưởng và những cảm xúc sân hận. Bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm cũng là sự biểu lộ mạnh mẽ của sự sân hận. Như vậy trạng thái an lạc sẽ không có cơ hội xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Sự đau đớn với sân hận của chúng ta sẽ có ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh. Vào lúc chết, có thể chúng ta sẽ rơi vào một sự bốc cháy trong lửa địa ngục, sự biểu lộ tâm sân hận của chúng ta.
Luật nhân quả
Các tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy rằng một đời sống lợi ích và tử tế sẽ đưa đến một cõi đầy phúc lạc ở bên kia cửa tử, còn một đời sống đầy sân hận và tai hại sẽ mang lại những hậu quả xấu. Thiên Chúa Giáo ngợi khen những việc tốt và những hành vi bác ái. Do Thái Giáo khuyến khích việc làm theo những điều răn trong Thánh Kinh Torah. Phật Giáo nói tới việc tích lũy công đức bằng cách tạo thiện nghiệp qua ý nghĩ, lời nói và việc làm tốt. Những tôn giáo này cũng như những truyền thống khác đều chấp nhận luật nhân quả tự nhiên và phổ quát trong vũ trụ vạn vật. Luật nhân quả hay nghiệp báo là nhân tố chi phối mọi sự kiện. Mỗi hành vi về thân, miệng và ý, đều sẽ phát sinh ra một hệ quả tốt hay xấu. Phật Giáo đặc biệt dạy tỉ mỉ về nghiệp quả nào sẽ xuất hiện sau những hành vi nào. Nói chung thì những ý nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động tốt sẽ đưa đến phúc lạc, trong khi những hành vi bất thiện sẽ có hậu quả đau khổ trong kiếp luân hồi.
Tất cả những cảm xúc đau khổ cũng như những ý niệm và những ý nghĩ theo thói quen đều có nguồn gốc là ngã chấp, tức là bám giữ vào cái “ta” giả ảo, phân biệt chủ thể và đối tượng, có ý tưởng mình là thực thể phân cách với tất cả các sinh linh khác. Luận Sư Nagarjuna (Long Thọ) viết: “tất cả chúng sanh đều do ngã chấp mà kẹt trong luân hồi” (All beings have come from grasping at self). Tâm trí con người có khuynh hướng bám giữ vào những đối tượng của ý nghĩ và nhận thức, và đó chính là nguyên nhân của kiếp sống trong cõi nhị nguyên này.
Do ngã chấp, phân biệt mình với mọi vật khác, mà người ta xem những đối tượng của tâm trí là những thực thể có sự hiện hữu thực sự. Đối tượng tâm trí là tất cả những hiện tượng xuất hiện trong ý thức của chúng ta, thí dụ như “mình”, “người”, “anh”, “nó”, “tiền” hay “ bàn ghế”, cũng như những ý tưởng, cảm xúc và cảm giác, thí dụ như “đau”. Khi nắm giữ một đối tượng của tâm trí như một vật chắc thật, chúng ta lập một liên hệ nhị nguyên chủ thể và đối tượng. Rồi đến ý tưởng thích hoặc không thích đối tượng của tâm đó, và như vậy xiết chặt thêm sự chấp thủ của tâm trí. Sau cùng là cảm xúc vui thú hoặc đau đớn, đầy kích thích và áp lực.
Ngã chấp bao gồm hai ý tưởng “ta” và cái của ta” và cũng bao gồm cả những hiện tượng xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Nhưng Phật Giáo dạy rằng không có một tự ngã nào có sự hiện hữu thực sự, chắc thật và bất biến. Như vậy tính ngã chấp của chúng ta chỉ dựa trên một ảo tưởng. Và do có luật nhân quả, những ý nghĩ và hành vi vô minh dựa trên ảo tưởng của chúng ta sẽ có hậu quả là đau khổ vốn rất thật đối với chúng ta.
Tính ngã chấp gây ra luân hồi và nghiệp báo. Nó sản sinh ra những cảm xúc, phiền não tham, sân, si, ganh tỵ, kiêu ngạo và lo sợ. Những cảm xúc phiền não này là nguyên nhân của sự tái sinh, vì vậy trạng thái tâm an tĩnh là phương tiện thoát luân hồi đau khổ.
Những giai đoạn sống, chết, và sau khi chết diễn ra một cách tự nhiên đối với mọi người, và không do một người nào khác tạo ra cho chúng ta. Đó là những phản ảnh và những lực phản ứng của chính những ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Vì vậy chúng ta phải tu tập một cách vững chắc để đạt phúc lạc trong sự chết và tái sinh.
Chu trình sống, chết và sau khi chết
Chu trình sống, chết và sau khi chết kéo dài bất tận, được gọi là luân hồi, hay “samsara” trong tiếng Sanskrit. Có khi luân hồi được mô tả tượng trưng bằng một bánh xe quay tròn không ngừng (xem hình vẽ trang 172, bản tiếng Anh). Luân hồi được chia thành bốn giai đoạn và là bốn loại kinh nghiệm khác nhau:
1. Giai đoạn đời sống thế gian bắt đầu từ lúc thọ thai và chấm dứt với “căn bệnh gây tử vong” hoặc nguyên nhân nào khác đưa đến cái chết. Mỗi khoảnh khắc của đời sống cũng được xem là một giai đoạn đời sống xuất hiện và chấm dứt trong một chuỗi bất tận những sự kiện biến đổi giữa lúc sinh ra và lúc chết, lúc thức và lúc ngủ, lúc hạnh phúc và lúc khổ đau.
2. Giai đoạn hấp hối bắt đầu với căn bệnh gây tử vong và đi qua sự phân giải thô đại và vi tế, khi những thành phần, thể xác, trí tuệ và cảm xúc phân rã. Giai đoạn này chấm dứt lúc hơi thở ngừng lại.
3. Giai đoạn tính chất tối hậu hay chân tánh, bắt đầu khi “quang minh căn bản” hay tịnh quang, tính chất thật của tâm trí, xuất hiện. Đặc điểm của giai đoạn này là sự xuất hiện tự nhiên của “ linh ảnh quang minh” và không chỉ có ánh sáng mà còn có những âm thanh và hình ảnh nữa. Giai đoạn này chấm dứt khi những linh ảnh này tan biến. Tuy nhiên những người bình thường không nhận ra linh ảnh quang minh là sự biểu lộ chân tánh của chính mình, mà họ xem đó là những hình ảnh hoặc sợ hãi hay vui mừng. Đối với họ, chứng nghiệm này sẽ chỉ kéo dài một lúc, vì họ sẽ bất tỉnh ngay sau đó.
4. Giai đoạn chuyển tiếp, hay “Bardo”, bắt đầu khi những linh ảnh nói trên tan biến hoặc khi người ta tỉnh táo trở lại và chấm dứt khi người ta nhập vào thai bào người Mẹ ở kiếp sau.
Trong kinh sách Tây Tạng, mỗi giai đoạn đó được gọi là một Bardo, tức là giai đoạn chuyển tiếp hay trung gian, vì mỗi bardo xuất hiện giữa hai giai đoạn khác. Như vậy, cả kiếp sống thế gian cũng được gọi là một bardo, dù nghe có vẻ kỳ lạ, vì đó là giai đoạn chuyển tiếp giữa lúc sinh ra và lúc chết. Tuy nhiên, nhiều người chỉ dùng từ ngữ bardo để chỉ giai đoạn ở giữa lúc chết và lúc tái sinh, một khoảng thời gian có nhiều chứng nghiệm linh động và những cơ hội quan trọng có tính cách quyết định kiếp tương lai của mình. Trong cuốn sách này tôi dùng từ ngữ “bardo” để chỉ giai đoạn thứ tư, ở giữa lúc thoáng thấy tịnh quang chân tánh và lúc tái sinh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà
Tư liệu 16:15 27/11/2024Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.
Xem thêm