Chùa Thập Tháp - ngôi chùa trăm tuổi ở 'xứ Nẫu'
Chùa Thập Tháp hay còn gọi là Thập Tháp Di Đà Tự, là một ngôi chùa được xây dựng từ thời Lê – Nguyễn vào năm Quý Hợi ở phía Bắc Thành cổ Đồ Bàn – Kinh đô của nhà nước Chiêm Thành xưa.
Chùa Thập Tháp là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở miền Trung.
Chùa tọa lạc tại thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xuôi theo hướng quốc lộ 1 từ trung tâm thành phố Quy Nhơn ra sân bay Phù Cát, đi qua phường Đập Đá sẽ đến cầu Vạn Thuận, ở đây có một biển chỉ dẫn đầu con đường đất nhỏ bên trái khoảng 200m từ biển chỉ dẫn đến chùa.
Chùa Thập Tháp do Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập, Chùa được coi là ngôi cổ tự thuộc phái Thiền Lâm Tế. Chùa được xây dựng từ những gạch đá của 10 ngôi tháp Chăm cổ trên một gò tương đối rộng hình mai rùa có chu vi gần 1 km, do đó cái tên Thập Tháp được ra đời. Sách Đại Nam Nhất Thống chí cũng giải thích "vì phía sau có mười ngọn tháp Chiêm Thành nên gọi tên thế”. Tuy nhiên sau này, các ngôi tháp này bị sụp đổ dần. Năm Tân Mùi (1691) nhà Lê, chùa được Vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề "Thập Tháp Di Đà tự".
Với gần 400 năm xây dựng, Chùa Thập Tháp trải qua 16 đời truyền thừa với những vị thiền sư danh tiếng: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ…Thiền sư Phước Huệ là người đã được tôn làm Quốc sư, ông từng được mời giảng kinh trong Hoàng cung nhà Nguyễn và giảng dạy Phật pháp ở Huế năm 1935.
Tên gọi “Thập Tháp” bắt nguồn từ việc trên khu đồi này có 10 ngôi tháp Chăm nhưng sau đó bị sụp đổ và mất dần dấu tích. Tên “Di Đà” là danh hiệu Đức Phật giáo chũ cõi cực lạc, Di Đà ở đây còn được hiểu theo nghĩa lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp những ý nghĩa trên, tổ đình được gọi với cái tên Thập Tháp Di Đà Tự.
Chùa được xây dựng bằng gạch Chàm, lợp ngói âm dương có bốn vày, ba gian, hai chái với lối kiến trúc theo hình chữ khẩu, có hai lớp tường bao bọc chung quanh.
Khu vực chính của chùa gồm có 4 khu: khu chính điện, khu phương trượng, khu Tây đường, khu Đông đường. Chùa có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng có lát gạch vuông và trồng nhiều cây xanh, cây cảnh. Trong đó, khu chính điện là khu được thiết kế tinh xảo và nổi bật nhất bởi kết cấu chủ yếu là gỗ quý được chạm trổ rất công phu với những họa tiết hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu.
Điểm ấn tượng đầu tiên khi bạn đến chùa, chính là hồ sen rộng khoảng 500m2 với mùi hương thơm ngát được thiết kế ngay trước cổng chùa. Cổng chùa là hai trụ biểu vuông cao, phía trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi.
Khi bước qua cổng chùa, bạn sẽ thấy một tấm bình phong được đặt trên bệ chân quỳ, mặt trước đã bị mất một số họa tiết theo thời gian, mặt sau đắp nổi long mã hà đồ.
Qua một khoảng sân trời, sau tấm bình phong chính là khu chính điện của chùa theo kiến trúc kiểu nhà rường, gồm ba gian hai chái được kết cấu bởi 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên.
Phía sau chính điện là các khu nhà phương trượng, Đông đường và Tây đường. Các khu này nằm xung quanh một sân được rợp bóng cây xanh. Nhà phương trượng nằm đối diện với chính điện qua sân trời, được Quốc sư Phước Huệ cho xây vào năm 1924. Nhà tổ của chùa Thập Tháp đặt ở phía Nam, nối ngôi chính điện và nhà phương trượng, nơi đây thờ Tổ khai sơn Nguyên Thiều và chư vị trụ trì, các chư Tăng quá cố và chư Phật tử quá vãng.
Ngoài các kiến trúc trên, chùa Thập Tháp còn có khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc đa dạng, phong phú.
Ở Chùa Thập Tháp lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú ... Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Chùa còn lưu giữ bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan.. Hoặc như các giai thoại về hạt lúa khổng lồ, con bạch hổ ngồi dưới gốc cây bồ đề, chuyện về hòn đá chém (dân gian hay gọi là hòn đá oán hờn) hiện vẫn còn được lưu giữ trong chùa.
Gần 400 năm hình thành, Chùa Thập Tháp chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc. Chùa Thập Tháp là ngôi chùa cổ được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia năm 1990.
Ngày nay Chùa Thập Tháp là một trong những công trình Phật giáo đón tiếp lượng lớn du khách ghé thăm bởi cảnh quan hữu tình, những giá trị văn hóa – lịch sử đích thực của di tích. Chùa Thập Tháp dần trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của Bình Định, của miền Trung và của Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ
Chùa Việt 09:28 19/12/2024Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.
Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ
Chùa Việt 09:37 18/12/2024Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.
Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM
Chùa Việt 10:02 09/12/2024Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.
Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn
Chùa Việt 09:37 07/12/2024Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.
Xem thêm