Chùa tôi, cõi về
Ẩn mình sau lũy tre làng, núp bóng dưới cội Bồ đề, mái chùa quê với ông thầy tu chân quê, đầu tròn áo vuông, đã làm tròn vai trò Sứ giả Như Lai, chung chịu gian nan, chung vui hạnh phúc cùng mười phương thiện tín:
Chùa tôi cõng nắng gánh mưa
Chia cơm sẻ áo cho vừa thương nhau
Chùa tôi vọng tiếng kinh cầu
Thôn trên xóm dưới thuộc câu nhiễu điều.
Hình ảnh mái chùa hiện ra mồn một giữa lòng người dân. Và hình ảnh cố kết với mái chùa ấy là một ông thầy, đầu tròn áo vuông luôn đồng sự với bà con dân dã…
Ông thầy ấy là Hòa thượng Thích Thiện Đạo, tác giả bài thơ này, với ngôn phong bình dị. Hòa thượng nói về ngôi chùa mình:
Chùa tôi bóng ngã về chiều
Khói lam vương nhẹ, bao nhiêu tự tình
Chùa tôi ngập ánh bình minh
Sen từ thơm ngát, đinh ninh lối về
Đẹp thay, sớm trưa chiều tối, mái chùa quyện khói lam chiều lơ lửng trên bầu trời chiều biêng biếc... và cũng như mọi mái nhà trong xóm thôn, mỗi sớm mai chùa cùng chung chia ánh nắng huy hoàng rực rỡ của thiên nhiên từ muôn thuở trước đến nay. Mái chùa làng vẫn ngan ngát hương sen đón hạ về, thu đến… Có thể hương sen ấy đã làm vị sứ giả dắt đường chỉ nẻo cho thiện tín, đinh ninh duy nhất một lối về, lối về cho một chốn nơi duy nhất để về …
Chùa tôi như một con đê,
Ngăn dòng nước đục tràn về lợi danh.
Lại là một thủ thuật tuyệt vời, văn “tải đạo” đấy mà cứ như chẳng chở đạo chút nào… chẳng cần phải đưa ra một lời khuyên, ông thầy mượn thơ, mượn thi ảnh… trỏ cho người đọc thấy ngay được sức mạnh đạo đức tiềm tàng nơi ngôi chùa ấy. Chùa là con đê nhỏ, đủ sức mạnh ngăn bao dòng nước đục tràn về… thứ nước đục cặn bã lợi danh. Phải chăng chính nhờ sức mạnh tâm linh từ mái chùa ấy, người con Phật dễ dàng tìm thấy một nẻo về và ai đã men theo nẻo về ấy thảy đều thấy thảnh thơi, an lạc, thảy đều được an trú trong pháp lạc nhiệm mầu:
Chùa tôi rợp bóng tre xanh
Chở che ấp ủ dân lành sớm khuya
Chùa tôi nhẹ thoảng hương ngâu
Nhẹ điều thương ghét, niệm câu Di Đà
Chuông khuya lay bóng trăng tà
Con chim cánh trắng la đà cõi tâm
Ai về ngọt lịm pháp âm
Ta về tự tánh, thậm thâm suối nguồn.
Năm mươi năm trước, thi sĩ thiền sư Huyền Không - Mãn Giác từng viết bài thơ NHỚ CHÙA. Nhờ có lý tưởng xuất gia, thầy bỏ quê nhà mà đi, bỏ thôn bỏ xóm, xa mái chùa làng, thầy đã lưu lại tuyệt tác NHỚ CHÙA, với hai câu thơ biết bao Phật tử thuộc nằm lòng:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.
Nhưng thầy Huyền Không – Mãn Giác đã phải xa chùa rồi mới nhận ra nỗi nhớ thương da diết. Với HT Thiện Đạo thì khác, Ngài cảm thụ tư tưởng giáo lý Hiện pháp lạc trú, đương xứ tức chân, ngay nơi ngôi chùa mình đang ở. Rõ ràng, thầy đã thấy rõ mặt mũi xưa nay của mái chùa thân thương. Thầy gọi đích xác mái chùa thân thương ấy chính là CÕI VỀ của mình:
Sắc không hiện giữa chân thường
Trời chân như ấy ngát hương cõi về.
Hình tượng ngôi chùa thân thương trong nền thi ca Phật giáo Việt Nam, sau tuyệt tác NHỚ CHÙA của Huyền Không, ngày nay lại có thêm tuyệt phẩm CÕI VỀ của thầy Thích Thiện Đạo.
Thật hạnh phúc thay.
CHÙA TÔI, CÕI VỀ
Chùa tôi cõng nắng gánh mưa
Chia cơm sẻ áo cho vừa thương nhau
Chùa tôi vọng tiếng kinh cầu
Thôn trên xóm dưới thuộc câu nhiễu điều.
Chùa tôi bóng ngã về chiều
Khói lam vương nhẹ, bao nhiêu tự tình
Chùa tôi ngập ánh bình minh
Sen từ thơm ngát, đinh ninh lối về
Chùa tôi như một con đê,
Ngăn dòng nước đục tràn về lợi danh.
Chùa tôi nhẹ thoảng hương ngâu.
Nhẹ điều thương ghét, niệm câu Di Đà
Chuông khuya lay bóng trăng tà
Con chim cánh trắng la đà cõi tâm
Ai về ngọt lịm pháp âm
Ta về tự tánh, thậm thâm suối nguồn.
Sắc không hiện giữa chân thường
Trời chân như ấy ngát hương cõi về.
Lăng Già Tâm
Nguồn: Phật học Từ Quang
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người phụ nữ 16 năm miệt mài trồng thuốc nam làm từ thiện
Phật pháp và cuộc sống 14:33 11/12/2024Suốt 16 năm, bà Lê Thị Ngọc Mai (50 tuổi, ngụ xã Lịch Hội Thượng, H.Trần Đề, Sóc Trăng) miệt mài trồng thuốc nam cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện khắp các tỉnh thành miền Tây.
Sống tỉnh thức giữa “giếng sâu” của cuộc đời
Phật pháp và cuộc sống 19:00 10/12/2024Câu chuyện “Mật ngọt trong giếng độc” được lấy cảm hứng từ ví dụ kinh điển mà Đức Phật dùng để mô tả tình cảnh của con người trong thế gian, chuyện không chỉ là một ngụ ngôn, mà còn là lời cảnh tỉnh về cách chúng ta sống và đối mặt với những cám dỗ của thế gian...
Truyện ngắn: Chồi non
Phật pháp và cuộc sống 14:35 10/12/2024Thy chuyển đến xóm trọ này đã gần hai năm. Hôm đầu đến đây chỉ thấy đàn bà ra đón hớn hở hỏi han đủ chuyện. Người đỡ lấy thằng nhỏ từ tay Thy cưng nựng hôn hít nó.
Chong chóng và gió
Phật pháp và cuộc sống 13:58 10/12/2024Bạn hãy ngắm nhìn những dây chong chóng đủ sắc màu được giăng rợp giữa sân một ngôi chùa. Ngắm nhìn. Chiêm nghiệm.
Xem thêm