Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 30/11/2023, 14:00 PM

Chuẩn bị cho mình mai sau

Quý Phật tử tu có hai việc lợi lạc. Thứ nhất là đem lại sự bình an vui vẻ cho bản thân, cho gia đình và mọi người chung quanh. Thứ hai là vì nghĩ đến sanh tử mà tu hành, để khi nhắm mắt biết đường sáng mà đi, không lo sợ.

Muốn được bình an hạnh phúc thì phải làm sao? Đây là điều chúng ta cần lưu tâm.

Không phải làm được nhiều tiền của là hạnh phúc, cũng không phải có quyền cao chức trọng là hạnh phúc.

Chính trong cuộc sống, trong gia đình, chúng ta cảm thông với nhau, trên dưới thuận hòa, mới là hạnh phúc.

Muốn được sự cảm thông, quý Phật tử phải có cách nhìn đúng đạo lý.

Người chung quanh mình không có ai là thù nghịch hay chống trái.

Chẳng qua hiểu lầm nên có những điều không vui, rồi từ thân thành sơ. Ở đời, không ai là không có lỗi lầm, chỉ nhiều hay ít thôi.

Người vợ có lỗi, người chồng hỷ xả tha thứ; người chồng có lỗi, người vợ hỷ xả tha thứ thì gia đình bình an, hạnh phúc.

Cũng vậy, con cái còn nhỏ chưa đủ trí khôn, hoặc nó có trí khôn rồi nhưng lại nhìn theo hướng khác, không hợp với cha mẹ.

Nếu vì cái nhìn không hợp mà coi nó như kẻ xấu xa, bất hiếu thì không nên.

Dù con có hiểu khác với mình, cũng phải thông cảm bao dung cho nó.

Như bây giờ quý Phật tử từ Việt Nam sang định cư ở Mỹ, sinh con ở xứ này, vậy con cái của quý vị có thuần Việt không?

Mấy đứa trẻ tuy mang nòi giống Việt, nhưng sống theo nếp sống của Mỹ.

Phật tử đã ở Việt Nam hai ba chục năm, nếp sống Việt đã thấm trong xương máu rồi.

Bây giờ thấy nến sống mới của con cái mình khác xa, phải nghĩ rằng đó là điều đương nhiên, không có gì lạ.

Con mình sống ở Mỹ thì phải theo phong tục tập quán của Mỹ. Mình sống ở Việt Nam thì theo phong tục tập quán Việt Nam. Đừng bắt nó sống như mình; nếu bắt nó sống như mình thì tốt nhất là dẫn về Việt Nam cho xong. Muốn ở Mỹ thì phải cho con sống theo Mỹ.

Tôi thấy nhiều người hay lầm chỗ này, cứ cố chấp theo hiểu biết của mình, thành ra có nhiều điều không vui trong gia đình.

Không tu từ căn bản, bạn sẽ vẫn trôi lăn trong sinh tử luân hồi

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quý Phật tử phải thông cảm với con mình. Nếu con có lỗi lầm gì cũng hỷ xả cho nó. Cha mẹ hỷ xả thì con cái mới có tình thương, vui vẻ sống bên cha mẹ.

Nếu con cái sống theo phong tục xứ này, trái với tư tưởng ở Việt Nam, mình bực bội giận hờn là không tốt. Chúng ta phải có cái nhìn thông cảm từ trên xuống dưới, để gia đình được bình yên, vui vẻ.

Người cố chấp, gặp việc gì trái ý thì hờn giận, la lối. Đó là gốc của đau khổ. Tu là thông cảm hỷ xả cho nhau. Biết mình có lỗi thì người khác cũng có khi phạm lỗi, cần thông cảm tha thứ.

Đạo Phật là đạo từ bi hỷ xả.

Muốn sống bình yên vui vẻ thì phải tập đức hỷ xả, chứ còn ôm ấp giận hờn cố chấp thì không bao giờ vui được.

Người sống mà không làm cho gia đình trên dưới thuận hòa là không biết đạo đức.

Vì không biết đạo đức nên khổ sở.

Hiện tại khổ thì mai kia chắc gì được vui.

Là Phật tử, chúng ta không có quyền khổ.

Vì sao tôi nói như vậy? Bởi vì Phật tử không được cố chấp.

Tất cả khổ gốc từ chấp mà ra, bây giờ chúng ta không chấp nữa thì làm gì có khổ.

Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai là chúng ta tu vì sợ sanh tử.

Nhà Phật nói sanh tử là việc lớn, nhưng vì chúng sanh mê muội nhiều đời nên không biết. Đức Phật khi còn làm thái tử, chỉ một lần thấy người già, người bệnh, người chết liền thức tỉnh đi tu.

Chúng ta thấy già, bệnh, chết bao nhiêu lần rồi mà chưa tỉnh. Người kia già bệnh chết thì mình cũng tới lúc già bệnh chết, không sao tránh khỏi.

Thế thì quý Phật tử đã chuẩn bị chưa?

Lo cơm ăn áo mặc, lo gầy dựng nhà cửa, lo cho con cái học thành tài. Tới chừng nhìn lại thì đầu tóc đã bạc, cái chết gần kề.

Chúng ta lo cho sự sống 50% thì cũng phải để dành 50% nghĩ tới cái chết.

Tôi nói như vậy, chắc quý Phật tử không ưng.

Muốn lo cho cái sống 90%, nghĩ tới cái chết 10% thôi, phải không?

Nghĩ vậy là chưa được. Ai cũng phải sống và phải chết. Chúng ta đang sống và lo cho sự sống, thì khi chết ai lo cho mình?

Tự mình phải lo cho mình, đừng để cái chết tới trở tay không kịp.

Suốt một đời chỉ nghĩ đến sự sống, tự nhiên có tranh giành hơn thua, phải quấy tốt xấu.

Tới chừng ngã ra chết, mang bao nhiêu buồn khổ đi theo, không có chút nào an vui.

Cho nên, khi đang sống, chúng ta phải luôn nhớ ngày mai mình sẽ chết.

Ngày mai chứ không phải tám chín mươi tuổi. Tôi nói ngày mai là còn cho Phật tử chút ít hy vọng, chứ còn Phật nói mạng người chỉ trong hơi thở, thở ra không hít vào là chết. Phật tử đã chuẩn bị cho cái chết chưa?

Ví dụ mỗi chiều, quý vị tự hỏi mình đã chuẩn bị gì cho cái chết? Ngày qua ngày cứ nhắc câu đó thì sẽ nhớ hoài không quên. Muốn chuẩn bị cho cái chết là phải tu. Trước hết, đừng làm khổ lụy ai.

Bởi vì làm phiền lụy người là gieo nhân không tốt, nhân không tốt tức quả không tốt.

Quý vị sợ ngày mai ra đi mang quả không lành, vậy phải chuẩn bị ngay bây giờ.

Đã làm gì khiến người khác phiền não thì phải sám hối, đừng để họ oán hận mình.

Hơn nữa, trước khi làm việc gì phải xét xem việc đó có đem đến khổ lụy hay niềm vui cho ai không.

Biết điều đó làm khổ lụy cho người, nhất định không làm.

Người khéo tu là biết chuẩn bị cho ngày ra đi không có nhân oán thù.

Quý Phật tử không tạo tội là điều tốt, nhưng phải biết tạo phước. Muốn đời sau không ai oán thù, phải làm cho người chung quanh thương mến, giúp đỡ mình.

Vì vậy nên chia sẻ buồn khổ với mọi người chung quanh.

Ở Việt Nam, người dân còn nghèo, nên bố thí tiền của giúp người bớt đói nghèo là chuyện dễ thấy.

Ở xứ này không ai đói rét, nhưng nơi nào cũng có buồn khổ từ gia đình, hoặc xã hội, làm ăn thất bại...

Quý vị tùy khả năng của mình, giúp bằng lời hoặc bằng phương tiện nào đó để họ bớt khổ, giảm bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Chúng ta không gây khổ lụy cho người chung quanh, mà còn đem lại nguồn vui cho họ, nhất định họ sẽ có tình cảm tốt đẹp với mình, những điều tốt lành cũng tự nhiên đến.

Như vậy để chuẩn bị cho cái chết, chúng ta phải làm hai việc: Một là đừng làm khổ lụy ai, hai là luôn đem lại niềm an vui cho mọi người.

Nếu chúng ta làm được những việc tốt đối với gia đình xã hội, chuẩn bị cho ngày ra đi tốt, nhưng còn tích lũy những xấu dở len lỏi bên trong thì chưa đầy đủ.

Quý Phật tử phải gạn lọc tâm tư sao cho được trong sạch, đừng ô uế nhiễm nhơ. Vậy ngày ra đi mới được thảnh thơi. Đó là người khéo tu và biết tu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Các tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Kiến thức 21:00 14/11/2024

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau. Tất cả những tôn hiệu này đều xuất hiện sau khi Ngài tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.

“Muốn biết nhân đời trước hãy xem quả đời này”

Kiến thức 15:20 14/11/2024

Ngày nay tai nạn trong đời sống rất nhiều, thường gặp phải những chuyện không vừa ý, quả báo bệnh khổ, chết yểu. Nguyên nhân là gì?

Chúng ta mãi “quanh quẩn trong vòng buồn giận”

Kiến thức 14:45 14/11/2024

Có thể ta đã từng mắc kẹt vào những tranh chấp được mất, thị phi và lao đao trong ghét thương buồn tủi; và ta đã "Xem thường bảo vật trong tay" như sức khỏe, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ... Để rồi "Dày đạp lên trên hạnh phúc" mà đi, thật xót xa vô cùng.

Tâm lìa tướng ngôn ngữ

Kiến thức 13:20 14/11/2024

Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn.

Xem thêm