Thứ ba, 13/08/2019, 18:34 PM

Chuyện vong nhập và cách hàng phục vong nhập

Thời buổi văn minh hiện đại như hiện nay mà còn nói đến ma quỷ, lại còn cả vụ vong nhập, thì có vẻ như mê tín dị đoan. Mê tín là lòng tin mê lầm. Không có mà tin có, gọi là tin mê lầm. Nhưng vụ tin này không phải mê tín.

 Vì niềm tin của mình có cơ sở kinh điển để luận, cũng từng hiện ra thực tế cho mình thấy, đủ để tin những gì Phật nói trong kinh là xác thực. Nên tin đó không phải là mê tín.Các kinh nói ma quỷ có mà không tánh. Không tánh, nên ứng ra thực tế thì “cũng có mà cũng không”.

Có mà không tánh, là có mà cái có này không mang tính phổ quát. Tức không cố định là khi nào cũng có, chỉ là tùy duyên của mỗi người mà thấy có hoặc thấy không. Với người có nhân duyên với ma, hoặc do nguyện lực độ sanh, thì thấy có ma. Người không có nhân duyên thấy ma, cũng không có nguyện lực gặp ma, thì không thấy ma. Nói có mà không tánh là như vậy, là không tánh cố định.

Phật giáo giải thích hiện tượng vong nhập như thế nào?

Phật giáo giải thích hiện tượng vong nhập như thế nào?

Như người có duyên ở trong Nam, khó mà thấy tuyết rơi, trong khi người ở Sapa hay ở các nước Âu Mỹ thì đến mùa là thấy tuyết rơi. Kẻ trong Nam, từng trải qua một lần ở Sapa hay đi du lịch ở các nước Âu Mỹ vào mùa Đông, nghe nói tuyết rơi sẽ tin. Kẻ không đi nhưng được cái duyên nghe người thân nói lại hoặc nhìn thấy nó qua điện thoại di động thì cũng công nhận có tuyết rơi. Thấy có, thấy không là do duyên của từng người. Pháp nhân duyên là như vậy. Chính vì mặt nhân duyên này của pháp mà biết là pháp không tánh. Do tánh pháp là không mà hiển thị thành mặt nhân duyên như vậy. Không tánh, là không tánh cố định, chỉ tùy duyên mà hiện tướng.

Cho nên, người ta nói không có ma mà mình thấy có, cũng không phải là việc lạ để gây tranh cãi. Tại duyên người ta chưa thấy, không thể bắt người ta tin mình. Duyên mình thấy có, không có nghĩa là người khác cũng phải thấy có như mình. Nhưng điều đó không có nghĩa ma đã không, khi Phật đã kể vô số về những câu chuyện ngạ quỷ, từ nhân duyên cho đến hình tướng của chúng. Tất cả là tùy duyên. Kẻ hiểu về duyên khởi, sẽ biết như thế. Đó là lý do kinh luận nói có ma quỷ mà cái có đó không tánh. Tức không phải không có ma quỷ. Không đủ duyên hội tụ thì thấy nó không. Đủ duyên hiện khởi thì nó hiện ra với đủ thứ hình dạng. Nói “có mà không tánh” là như vậy.

Cúng dường hồi hướng có thể giúp vong linh an lạc.

Cũng có dạng người, từng thấy tường tận mọi việc xảy ra, cũng được học, đọc trong kinh luận rằng ma quỷ có, nhưng vẫn khẳng định “không có”. Dạng này thời Phật đã xuất hiện. Đó là ngài Thiện Tinh, thị giả của Phật. Dù thấy tường tận mọi việc xảy ra đúng như những gì Phật đã nói, vẫn khẳng định không có. Do vô minh. Vì có ý đồ bất chính. Thời Phật còn gặp phải, huống là thời mạt pháp này. Chỉ là chuyện bình thường.

Trong cái duyên của tôi, tôi tin có ma quỷ. Vì tôi từng nghe và thấy những việc liên quan đến chúng, chứng kiến luôn cả việc chúng nhập vào người khác thế nào. Cũng từng ra tay tiếp cứu thiên hạ. Việc này không phải là việc lạ. Chư vị tiền bối cũng từng gặp, từng kể ra nghe rất thú vị.

Gần ba chục năm trước…

Ngày ấy em tôi được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn, bị tiêu chảy cấp tính. Con bé chứng kiến toàn bộ mọi sự việc ma nhập hành xác và trả thù người sống thế nào. Việc này, toàn bộ bệnh nhân cùng phòng cũng như bác sĩ phụ trách phòng ấy chứng kiến. Tôi thì chỉ có duyên để nghe. Những lúc tôi vào, “con ma” ngủ yên. Chỉ thấy người phụ nữ lớn tuổi ngồi bên cạnh khóc rấm rứt, đang lẩm bẩm lời gì đó.

Bà ta kể rằng, con trai bà yêu một người con gái. Họ sống với nhau như vợ chồng. Nhưng bà không chấp nhận và bắt cậu ta rời bỏ. Cô ta uất ức và uống thuốc rầy tự tử. Rồi nhập vào con gái bà. Con gái bà đâm đầu vào xe hơi và được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn, nằm đúng ngay cái giường mà cô gái kia đã chết. Mỗi lần lên cơn, cô gái nắm lấy tấm drap siết chặt cổ mình, rồi đánh thùm thụp vào ngực mình, là thân xác của cô em chồng. Tôi hỏi sao bà không thử tụng kinh. Bà nói thử rồi, nhưng vừa cầm chuông mõ lên là nó nhảy tới quơ hết, rồi chạy ra đường đâm đầu vào xe hơi. Bốn người đàn ông lực lưỡng không ngăn được một người phụ nữ nhỏ bé. Nhập viện.

Pháp nếu dùng không đúng duyên thì không có tác dụng dù hình thức mang tính Chánh pháp. Mang Bát-nhã ra tụng để giữ thành thì thành mất là chuyện đương nhiên, vì lực tụng Bát-nhã của người đời, tâm chưa đủ thanh tịnh để quân địch án binh bất động. Phải như Phật hoàng Trần Nhân Tông, quán rõ nhân duyên của chúng sinh mà dụng pháp. Pháp nào có duyên của pháp đó. Đúng thuốc thì bệnh lành. Việc dùng pháp này đòi hỏi phải “cảm ứng đạo giao” mới có tác dụng. Thành có khi một pháp thấy hình thức có vẻ trái với giới luật mà lại cứu được người. Còn thiện lành mà không đúng duyên thì cũng chẳng tới đâu. Vì thế cái gọi là dùng pháp chánh hay tà được xét trên mặt lợi ích chúng sinh hơn là xét trên mặt phương tiện.

Dù phương tiện thế nào, nếu nó đem lại lợi ích cho chúng sinh thì phương tiện ấy vẫn gọi là chánh, chánh trong cái duyên ấy. Kinh Đại Bửu Tích quyển 6, phẩm Pháp hội Đại thừa phương tiện, Phật đã nêu một số ví dụ nói về những gì đang luận bàn đây. Và kết luận: “Bồ-tát hành phương tiện giáo hóa chúng sinh, tùy theo sở dục của họ mà hiện thân… khi biết chúng sinh đã tạo thiện căn không thối chuyển thì liền xả ly, đối với ngũ dục không hề luyến tiếc”.

Vì lý do đó mà thấy Phật hoàng Trần Nhân Tông cầm quân đánh giặc. Hình thức có vẻ như đi ngược với giới luật mà Phật tử đã thọ, không sát sinh, mà thật là không phải. Chánh hay tà không căn cứ trên phương tiện mà căn cứ trên lợi ích của đa số. Lợi ích đó là thái bình và niềm tin được củng cố. Ngài mang Thập thiện đi khắp nơi giáo hóa nhân sinh. Xã hội ổn định, đất nước phát triển. Thành dụng pháp thế nào không quan trọng. Quan trọng là nó mang lại lợi ích gì cho chúng sinh. Đó mới là vấn đề đáng nói.

Nếu pháp dụng đó có thể dẫn người từ bỏ ác nghiệp, hành thiện nghiệp, tin vào nhân quả, an định được xã hội thì dù pháp có trái với giới luật và không có trong kinh điển, trong trường hợp đó, nó vẫn được gọi là Chánh pháp.

Xin nhấn mạnh là “trong trường hợp” đó. Nghĩa là, pháp ấy vẫn được coi là Chánh pháp trong trường hợp đó, trong các duyên khác thì chưa hẳn. Phẩm Pháp hội Đại thừa phương tiện đã nói rõ về việc này.

Nói chung, thứ gì là phương tiện thì nó chỉ mang tính tùy duyên, không mang tính phổ quát như chân lý. Không phổ quát thì không phải là pháp có thể truyền bá rộng rãi, nhất là với những hình thức có vẻ trái với giới luật. Vì không phải ai cũng có thể ứng dụng phương tiện đó, cũng không phải là pháp mà phàm phu, nhất là hạng không hiểu gì về Phật pháp, có thể thấu được thực chất của nó mà không khởi tâm xấu ác, nên trong kinh Phật dạy: “Các phương tiện này phải giữ chặt, cất kín, chẳng nên nói với hạng người hạ liệt, thiện căn kém mỏng…”(1).

Đây đang nói ở mặt dụng pháp của kẻ trí, không nói ở mặt nhân quả. Nhân quả thì nhân nào có quả nấy. Gây nhân, đủ duyên nhất định phải nhận quả. Tùy mức độ tác ý của thân tâm là thiện hay ác mà quả nhận được có mức độ khác nhau. Bồ-tát dụng pháp lợi ích chúng sinh mà không lầm nhân quả.

Đứng ở mặt nhân quả mà nói, việc giết người khi đủ duyên sẽ có quả báo. Song tùy vào tâm thức lúc giết người và tâm thức lúc trả quả mà báo có nặng nhẹ khác nhau. Giết người vì lợi ích của người khác, vì tự vệ, quả sẽ khác với việc giết người do cố ý, do tham hay sân. Khi quả báo tới, kẻ không tu hành nhận quả khác với kẻ có tu hành.

Cho nên, sau chiến tranh Nguyên Mông, một pháp được coi là tốt nhất trong tình thế lúc ấy, vì không thể đòi hỏi một pháp toàn triệt trong thế giới tương đối này, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi, phá các dâm miếu, dùng Thập thiện giáo hóa nhân sinh. Ngoài việc an định xã hội trong hiện tại, việc đó còn giúp nhân sinh xây dựng cái nhân phước thiện trong tương lai, hầu chuyển bớt nghiệp quả mà mình vừa gây nhân trong quá khứ, dù đó chỉ do tự vệ.

Em gái tôi từng nghe người phụ nữ lớn tuổi khóc và năn nỉ cô gái tha thứ cho bà. Cô gái kia đấm thùm thụp vào ngực mình mà khóc uất ức: “Tha thứ cho bà rồi ai tha thứ cho tôi. Bà có biết tôi đau đớn nóng bức thế nào không mà bà đòi tha thứ cho bà …”. Mới thấy tự tử không phải là hết. Ngợp mà chết thì cảm giác ngợp còn mãi. Đau đớn nóng rát mà chết thì đau đớn nóng rát còn đó. Khổ này chồng khổ kia. Đâu phải chết là hết. Rơi vào thân ngạ quỷ với những hận thù đau đớn chưa hết thì cứ nghiệp đó mà theo. Trả thù và tạo bất thiện nghiệp, nghĩ có thể giải quyết được phần nào việc đau đớn của mình mà thật là chỉ đi ngược. Đó là cái khổ muôn kiếp của con người, muốn sướng mà gây nghiệp khổ, muốn có hoa mà trồng nhân cỏ.

Rốt cuộc không biết việc đó thế nào. Vì con em đã đòi ra viện sớm. Dù bệnh chưa hết. Nó mất hồn khi nghe cô gái nói: “Tao không sợ đâu, đừng có niệm Phật…”. Ma nhìn thấu tới nó, nó chuồn gấp cho yên.

Đó là cảnh ma nhập tôi gặp phải mà tôi không biết làm gì cho họ. Vì lúc đó tôi chưa biết gì về Phật pháp.

Lần thứ hai là cháu của một con nhóc trong đạo tràng. Mỗi lần cái vong ấy vào thân thì con bé lại khóc. Cứ ngồi vậy mà khóc. Có khi khóc đến nửa ngày mới ngưng. Ngưng rồi lại khóc. Công việc bỏ hết. Tôi không chứng kiến tận mắt nhưng nghe nó khóc qua điện thoại khi mẹ nó gọi tôi. Tiếng khóc lạ lẫm. Có lẽ để biết ma khóc, chẳng phải người khóc. Hên là cái vong này nó biết Phật pháp, chắc nó muốn gia đình nó đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, nên khi mẹ nó thành tâm niệm Quán Thế Âm là nó ngừng khóc. Phải hứa thêm với nó sẽ đi chùa, tụng kinh mỗi đêm, kết hợp với việc cúng dường, làm công quả phước thiện hồi hướng cho nó.

Tôi thì thành tâm niệm danh hiệu Địa Tạng, cúng dường các loại công đức cho Tam bảo tận mười phương, nguyện Ngài trợ lực để vong nhân nhận được tất cả mà phát niềm tin, buông bỏ. Muốn đầu thai thì đầu thai. Chưa muốn đi thì được an vui. Thế là nó hài lòng, xuất ra và không bao giờ vào quấy nữa. Con bé hiện cũng đã có chồng và sống yên ấm.

Đó là vài chuyện ma quỷ trong đời sống thường nhật mà tôi từng chứng kiến. Còn việc mở mắt thấy bóng trắng đứng đầu võng hay đi lãng vãng trong các giấc mơ, không phải không, nhưng mơ thì không kể ra đây.

Giờ đến việc ma nhập nói trong kinh điển

Chuyện của Tôn giả Mục Kiền Liên. Người bị ma nhập là Tôn giả Mục Kiền Liên. Lúc đó đã đứng trong hàng thánh Thanh văn của Phật, đã có năng lực thấy được ma vào chỗ nào trong thân, còn cảm nhận luôn được những suy nghĩ của ma. Thánh như vậy mà ma vẫn vào thân. Tất cả đều có nhân duyên. Vì trong quá khứ, Tôn giả từng là một ác ma, từng nhập vào thân người khác quấy phá. Giờ là lúc cái quả hiện hình. Nhưng nhờ có năng lực của giới-định-tuệ, ma chỉ lọt vào được bụng ngài, không thể chiếm tâm thức của ngài. Tôn giả có thể nhận biết và khiến nó xuất ra.

Chuyện kể đây, dựa vào bài kinh thứ 50, có tên là Hàng ma, thuộc kinh Trung bộ I2.

Mục Kiền Liên trong kinh này được gọi với cái tên là Mahamoggallana.

Khi ấy Mahamoggallana đang đi kinh hành ngoài trời thì bỗng thấy bụng nặng như có thứ gì trong ấy. Tôn giả liền đi vào tự viện và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau đó bắt đầu chánh tư niệm. Tôn giả thấy ác ma đang ở trong bao tử. Tôn giả nói với ác ma “Hãy đi ra ác ma! Chớ đến phiền nhiễu Như Lai và đệ tử Như Lai, chớ có khiến cho ngươi bị bất hạnh và đau khổ lâu dài”. Nhưng ác ma không ra. Vì nghĩ Bổn sư còn chưa thể biết nhanh như thế, huống là đệ tử.

Biết được tư tưởng của ma, Mahamoggallana lặp lại những ý nghĩ đó cho nó nghe, và khuyến cáo lần nữa “Hãy đi ra ác ma! Chớ đến phiền nhiễu Như Lai và đệ tử Như Lai, chớ có khiến cho ngươi bị bất hạnh và đau khổ lâu dài”.

Ác ma thấy không xong, liền chui ra và đứng ở cửa. Tôn giả thấy vậy bắt đầu thuyết pháp. Ngài kể lại tiền kiếp đã từng làm ác ma như thế nào và có mối liên hệ gì với ác ma bây giờ.

Thuở xưa, thời Phật Kakusandha, Tôn giả là một ác ma có tên là Dusi. Chị của ác ma tên là Kali. Ác ma hiện nay là con của người chị đó, tức là cháu của Dusi.

Thời đó, Dusi chứng kiến cảnh Tôn giả Sanjiva nhập diệt tận định, do không biết, dân làng châm lửa hỏa táng. Sáng hôm sau Sanjiva xuất định, vào thành khất thực tiếp. Tôn giả được mọi người tán thán. Ác ma thấy vậy liền khởi nghĩ: “Ta không biết chỗ đến và đi của chư vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Giờ hãy nhập vào các gia chủ Bà-la-môn và nói như sau: “Những kẻ trọc đầu, Sa-môn giả hiệu, tiện nô, hắc nô, sinh từ gót chân này…”.Thực hiện cách đó, ma hy vọng chư Tỷ-kheo sẽ động tâm vì những lời hủy báng mà thay đổi tâm đạo. Chư vị sẽ khởi tâm sân si, trả đủa v.v… Thế là việc phá hoại thành công. Khởi tưởng rồi, liền theo đó mà thực hành. Những ai bị ác ma nhập vào, liền lớn tiếng phỉ báng, mạ lỵ, thống trách chư Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh.

Nhưng ma không chỉ thực hành một pháp đó. Nó còn cách thứ hai. Đó là dùng lời tán dương. Đối với chư Tỷ-kheo có giới luật và thiện tánh, ác ma nhập vào các gia chủ Bà-la-môn, đến và tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường chư vị Tỷ-kheo. Với cách đó ác ma hy vọng chư vị động tâm, thay đổi tâm, tham đắm danh lợi mà phá hỏng đạo nghiệp của mình.

Đây chỉ nói ác ma phá hoại các bậc tu hành chân chính, không thấy nói đến việc phá hoại những vị không chân chánh. Có lẽ, chư vị ấy không cần ai phá nữa. Tự bản thân đã tạo đủ nhân để có quả. Chỉ tội cho hàng gia chủ Bà-la-môn bị ác ma nhập. Phần lớn các người ấy sau khi thân hoại mạng chung đều sinh vào đường dữ, ác thú và địa ngục. Nói phần lớn, vì vẫn còn những người không bị quả báo ở các đường đó. Là do biết sám hối, tu thiện pháp, nên chuyển được nghiệp.

Cách hàng phục ma

Ở bài kinh này, Phật không dạy pháp hàng phục ma cho hàng Ba-la-môn bị ma nhập mà cho chư vị Tỷ-kheo bị ma quấy phá. Nhưng từ đó, ta vẫn có thể rút ra bài học cho bản thân để tránh việc ma nhập.

Phật dạy chư vị Tỷ-kheo hãy đi đến khu rừng, gốc cây hay chỗ vắng lặng, đầy khắp mười phương cùng với tâm từ mà an trú, cùng với tâm bi, tâm hỷ, tâm xả mà an trú. Quảng đại. Vô biên. Không sân. Không hận. Nghĩa là đối với cảnh đáng sân, đáng giận, không khởi tâm sân, không khởi tâm giận. Dùng từ, bi, hỷ xả đối trị sân hận. Dùng từ bi mà hỷ xả những lời phỉ báng, mạ lỵ, thống trách… Việc này chỉ thực hiện được với điều kiện bình thường người tu có ít nhiều công phu. Giới, định, tuệ đã được huân tập. Đến lúc đó mới đủ tỉnh giác mà kiềm chế lực của tham, sân v.v…, không thì sẽ chao đảo theo cảnh. Tâm loạn là nhân duyên để ma có cơ hội phá hoại hơn nữa. Ngoài đời, nhiều người đã tan thân mất mạng vì không chịu nổi sự phỉ báng của dư luận.

Đối với những lời tán thán hay tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, Phật cũng dạy chư Tỷ-kheo đi đến khu rừng, gốc cây hay chỗ vắng lặng, nhưng “Quán bất tịnh trên thân, quán nhàm chán với các món ăn, quán bất khả lạc đối với tất cả thế gian, quán tánh vô thường đối với tất cả hành”. Dạy quán như thế là để phá tâm tham chấp. Không tham chấp vào những thứ đó thì không bị sai sử bởi những thứ đó. Ma này xem ra nguy hiểm hơn ma trước, vì nó phục vụ bản ngã và đánh trúng ý thích của con người. Thấy hãnh diện hay hứng thú với những người chuyên cúng dường hay các vật phẩm cúng dường, là bước đầu rơi vào ma sự. Chỉ vì được họ tôn trọng, tán thán hay cúng dường mà lời nói của họ trở thành có giá trị với mình, cũng là đang rơi vào ma sự v.v… Nói chung, ma sự xuất hiện vì để tâm chấp dính vào các phân biệt nhị biên. Không chấp thì có thể tùy duyên mà hành xử. Tùy duyên, không phải tùy nghiệp. Tùy duyên được thì ứng duyên liền có pháp, tuy phân biệt mà không rơi vào cái chấp nhị biên phân biệt.

Với cách mà Như Lai dạy cho chư Tỷ-kheo hàng phục ma sự, ta có thể rút ra cách hàng phục ma cho bản thân, là những người có thể bị ma nhập bất cứ lúc nào khi tham sân còn đầy dẫy. Đó là làm sao đừng để tham sân làm chủ lấy mình, cần cẩn trọng với ba nghiệp của mình, nhất là với khẩu nghiệp, một loại nghiệp tưởng chừng như vô tội mà có khi giết người lúc nào không hay.

Ma nhập, chủ yếu là làm sao để mình chửi bới những người có đức hạnh, phá hoại những pháp giúp an định con người và xã hội. Nếu chúng ta tập định tĩnh làm chủ được khẩu nghiệp và thân nghiệp, không để xảy ra các bất thiện nghiệp dù tâm ý có bị xúi giục thì ma có lỡ nhập vào, nhất định cũng tìm đường rút ra. Đã không thể mượn đó tạo tác ác nghiệp thì không ở lại đó làm gì. Việc này đòi hỏi bình thường mình phải tập định tĩnh với mọi cảnh duyên. Đọc, học thêm kinh luận để tăng trưởng trí tuệ. Bớt tham gia những việc không phải là của mình hay mình không phải là người trong cuộc. Có vậy mới mong làm chủ được bản thân khi cần.

Nên nhớ, một lời góp ý chân tình vì đạo hạnh của người khác, đúng lúc, đúng nơi, hoàn toàn khác với các loại chửi bới, nhục mạ, dùng hiệu ứng đám đông hầu đạt cho được mục tiêu thấp hèn của mình. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau, vì xuất phát từ tâm và khẩu khác nhau. Nhân khác thì đương nhiên quả phải khác. Một bên lên thiên đường. Một bên xuống địa ngục. Vì ma nhập, vì bản thân chính là ma vương.

Cúng dường hồi hướng có thể giúp vong linh an lạc

Câu chuyện này kéo dài 184 kiếp. Từ thời Cổ Phật thứ 18 cho đến thời Phật Thích Ca. Được lấy ra từ bài kinh Chuyện ngạ quỷ ngoại bức tường, phẩm Con rắn, thuộc kinh Tiểu bộ (II), do giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt.

Do không ưa thích việc cúng dường tinh xá và phụng sự Đức Cổ Phật thời ấy, một nhóm người đã ngăn cản những vật đóng góp, ăn các phẩm vật cúng dường và nổi lửa phóng đốt trai đường. Do nhân duyên đó, họ bị sinh vào địa ngục. Trải qua 92 kiếp mới được thọ thân vào thế giới ngạ quỷ.

Vào thời đó, người đời thường hay cúng dường vì lợi ích của các quyến thuộc. Họ hướng tâm “Lễ vật này cúng dường cho các quyến thuộc của tôi”. Nhờ đó các vong linh được an lạc. Các ngạ quỷ3 nhận biết điều này, nên thời Đức Phật Kassapa, họ đến hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, giờ làm sao để chúng con được an lạc?” Phật Kassapa trả lời: “Hiện nay chư vị chưa thể nhận được sự an lạc. Nhưng 92 kiếp sau, vào thời Đức Phật Gotama, vua Bimbisāra là quyến thuộc của các vị, sẽ dâng lễ vật cúng dường và hồi hướng công đức ấy cho các vị. Các vị sẽ được an lạc”.

Đến thời Phật Thích Ca (Gotama), nhà vua làm lễ cúng dường, cầu cho quyến thuộc của mình. Tuy vậy, trong khi làm lễ, ông đang bận tâm thắc mắc Phật đang ở đâu, nên không hồi hướng, cũng không hướng tâm về các vong linh quyến thuộc. Chúng không nhận được thí vật. Ban đêm chúng thất vọng và kêu rên thảm thiết. Nhà vua sợ hãi, mang việc này trình lên Đức Phật.

Đức Phật dạy: “Xin Đại vương đừng sợ. Đó là quyến thuộc của Đại vương, đã tái sinh trong cõi ngạ quỷ. Chúng lang thang khắp nơi trong nhiều kiếp, với ước mong điều này: “Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường Phật và hồi hướng công đức ấy cho ta”. Nhưng hôm qua khi Đại vương dâng lễ, ngài đã không hồi hướng công đức. Do đó chúng mất hết hy vọng và kêu la thảm thiết”.

Bài liên quan

Rồi Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu cúng dường của nhà vua vào ngày hôm sau. Sau khi cúng dường, ông hồi hướng phước đức ấy cho các vong linh quyến thuộc.

Lập tức xuất hiện các ao sen cho chúng tắm rửa và uống nước, có thể giúp chúng vơi đi nỗi thống khổ và nóng bức. Cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm, khi được cúng dường với lời hướng nguyện, sẽ xuất hiện vật thực giúp chúng no đủ. Y phục, sàng tọa và tinh xá, khi được cúng dường với lời hướng nguyện, sẽ biến thành thiên y, thiên cung, sàng tọa để chúng thọ nhận.

Đức Thế Tôn đã khiến cho tất cả các điều ấy hiển hiện trước mắt nhà vua. Nhà vua rất hoan hỷ. Việc cúng dường hồi hướng xong, Đức Phật dạy bài kệ, trong đó có những đoạn cần lưu ý:

6. Chốn kia không có cấy cày đâu

Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào

Buôn bán như đây đều chẳng có

Cũng không đổi vật lấy vàng trao.

7. Bên kia thế giới các vong linh

Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh

Như nước đổ từ trên núi xuống

Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.

8. Cũng vậy, những gì người bố thí

Từ đây nuôi sống các vong nhân.

11. Song lễ vật này được cúng dường

Khéo đem an trú ở chư Tăng

Quả này hiện tại và sau nữa

Lợi lạc lâu dài với cổ nhân.

12. Đây là nghĩa vụ của thân nhân

Tôn trọng vong nhân đã cúng dâng

Tăng chúng được thêm nhiều dũng lực

Người làm công đức lớn vô ngần.

Theo bài kinh này thì việc bố thí cúng dường cho Tăng chúng, có thể chưa giúp các vong linh chuyển liền được nghiệp ngạ quỷ (là việc đòi hỏi bản thân phải tự chuyển hóa thân tâm. Tức phải thêm cái duyên thân tâm chuyển hóa mới có thể thoát kiếp ngạ quỷ, như bà Thanh Đề mẹ ngài Mục Kiền Liên), nhưng nó đã có tác dụng giúp ngạ quỷ vơi bớt thống khổ, hưởng chút khoái lạc trong thế giới khổ đau. Cho nên, không thể phủ nhận lợi ích cúng dường Tăng chúng trong việc độ các vong nhân. Chính từ nhân duyên thọ lạc này, niềm tin đối với Phật, Pháp, Tăng mới xuất hiện, là cơ duyên giúp họ chịu tu hành để có cái quả chuyển hóa các khổ nghiệp.

Dựa trên tinh thần này, bất cứ ai cũng có thể giúp các vong linh quyến thuộc của mình vơi bớt sự thống khổ nhờ vào việc cúng dường. Không phải chỉ vong linh mà với cả người sống đây. Phẩm vật có thể là vật thực mà cũng có thể là công đức tu hành của chính mình, những thứ mà không có tiền mình vẫn có thể tạo để cúng dường mười phương Tam bảo, dùng đó hồi hướng cho thân nhân được an ổn. Quan trọng là phải có phần hướng tâm hồi hướng, vong linh mới nhận được.

Đối với các oan gia trái chủ, nếu thành tâm hồi hướng mọi công đức có được trong ba đời cho chư vị, có lẽ chư vị cũng vơi bớt thống khổ mà tha thứ. Cho nên, ở đời, ngoài việc giữ tâm định tĩnh, bao dung, tha thứ v.v… còn nên tạo thiện nghiệp với người trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả với người không tốt với mình, nếu có thể tạo thiện nghiệp với họ thì cũng nên tạo. Để tích lũy thiện nghiệp.

Nhiều người thấy lạ, kiểu như nói tôi ngu, khi thấy tôi cứ cắm đầu làm việc gì đó cho những kẻ đối xử không tốt với mình. Tại chư vị không hiểu, mọi thứ xảy ra trên đời đều có nhân duyên. Không phải tự dưng người ta ghét mình. Là do có cái nghiệp của mình trong đó. Mình làm tất cả không phải để họ thương mình mà chính là để chuyển hóa cái nghiệp của mình. Quan trọng là có công đức để dành dụm. Thứ gì trái nghịch mà làm được, công đức mới nhiều. Khi cần, có thể dùng đó cúng dường mười phương chư Phật và Bồ-tát, hồi hướng cho tha nhân.

Tôi thường dùng cách này để giải quyết những việc vượt quá khả năng cho phép. Dùng nhiều thứ nhỏ hợp với khả năng của mình, cúng dường và hồi hướng cho những thứ lớn hơn mà mình chưa đủ khả năng, hầu giúp người. Đó là lý do việc hồi hướng của tôi đa phần đều thành công. Vì tôi có của để dành. Tôi biết củng cố niềm tin bằng thiện nghiệp và dùng thiện nghiệp để củng cố niềm tin. Không có kiểu hồi hướng suông. Lời hướng nguyện hồi hướng luôn đi kèm với tâm thành và thiện nghiệp đã tích lũy. Tích lũy mà không thấy tích lũy. Chỉ biết trong hiện tại cố gắng làm, làm được gì thì làm.

Tạo phước nghiệp không khó

Tôi thấy không có gì khó để tạo phước đức cho mình. Chỉ cần nhịn được cha mẹ, anh chị em một lời, cũng đã phát sinh phước nghiệp. Chuyện gì chưa tự mình tường tận thì không khởi tâm khen chê, là đã tích lũy được đức nghiệp. Người ta hỏi đường, biết thì chỉ cho hết lòng, đừng làm biếng nói không cho khỏe. Tự mình không xả rác mà còn giúp nhặt rác cho đường phố được sạch đẹp, là đang tạo phước nghiệp. Đã có bảng cấm câu cá thì đừng đứng đó mà câu, đừng tranh cãi ngoài đường phố, chấp hành luật giao thông cho tốt v.v… là đang tạo phước nghiệp.

Thứ gì cũng phát sinh phước báu. Phước báu kiếm không khó. Những phước báu đó, nếu hồi hướng về Bồ-đề vô thượng, liền thành công đức. Chỉ là do mình không có trí tuệ để biết thứ gì phát sinh phước báu, thứ gì mang họa cho mình mà hành động. Mình làm biếng không đúng lúc, nhưng lại tích cực tham gia những thứ không nên tham gia một cách rất nhiệt tình. Nhiệt tình cộng với ngu si mà thành phá hoại. Phước đức biến thành ác nghiệp. Đều ở tự mình. Dựng hay phá đều do chính mình.

Đừng quên hồi hướng

Người đời ít biết được việc hướng tâm hồi hướng quan trọng thế nào trong đời sống thường nhật. Chính vì thế mà thấy bất lực với lũ con không thể dạy, một ông chồng quá thể rượu chè v.v… Không hướng người theo điều tốt được thì hãy sửa lấy chính mình, rồi hồi hướng cho tha nhân. Nếu không tu mà ngồi đó chửi hoài thì chửi đến vạn kiếp cũng chẳng xong, chỉ thêm họa miệng. Trong các loại công đức, công đức phát tâm Bồ-đề là lớn nhất.

Rồi còn công đức tự lợi và lợi tha, không phải chỉ trong một đời mà đến ba thời, vô lượng vô biên không thể nói. Hồi hướng chừng ấy công đức thì thứ gì mà chẳng xong. Không kiếp này thì các kiếp sau, mọi nhân duyên có liên can đều được thanh toán gọn nhẹ mà chẳng mất lòng ai vì cứ muốn dạy họ theo mình.

Vong nhập là gì?

Vong nhập là gì?

Cái đáng sợ là tu thì làm biếng mà muốn hưởng cái quả tốt đẹp. Hồi hướng thì nhiều mà công hạnh thì không. Khổ là ở đó. Không tin “bản thân nếu chịu tu, có thể thay đổi được hoàn cảnh” là điều khá bất hạnh đối với người thời nay. Bác bỏ nhân quả, không dám đối diện với những sự thật đau lòng thông qua nhân quả, cũng là cái nhân khiến ác nghiệp tăng thịnh. Ác nghiệp tăng thịnh thì xã hội không yên, oan gia trái chủ thêm nhiều. Gốc không trị, cứ trên ngọn mà vớt vát thì khó mà an định được xã hội.

Xã hội chỉ an bình khi con người ý thức rõ ràng về nhân quảNói đến nhân quả, hiện nay người tin vào nhân quả không bao nhiêu. Nhất là ở mặt tâm linh và những nơi mà Phật giáo chính thống ít được coi trọng. Vì nhân quả xảy ra trong ba đời nên trở thành khó tin, ngoại trừ những ai từng có kinh nghiệm về nó. Song vẫn có loại nhân quả xảy ra trong hiện tại giúp con người ý thức rõ về nhân quả mà giảm bớt ác nghiệp và thích thú với thiện nghiệp. Việc này có thể y vào pháp luật và giáo dục mà thực hiện. Ác nghiệp phải được xử lý nghiêm khắc và tương xứng.

Một cái nhân như thế sẽ có một cái quả tương xứng và phải được thực thi bình đẳng từ quan đến dân, mới có thể an định được xã hội phần nào. Việc mang trái cây và thịt vào một đất nước, không phải là một ác nghiệp, nhưng quy định của đất nước họ là không được mang vào. Nếu mang vào, hoặc là bị phạt rất nặng (tiền phạt gấp hai mươi lần tiền vé máy bay khứ hồi), hoặc bị cấm nhập cảnh. Không chỉ chừng đó. Vi phạm đó còn được lưu giữ và ảnh hưởng rất lớn đến việc nhập cảnh của bạn vào những lần sau. Việc ấn định này được thực thi nghiêm túc, không có chuyện lo lót. Nhờ đó việc mang đồ cấm vào đất nước họ giảm hẳn. Bởi không ai muốn rơi vào loại nhân quả như thế. Mỗi người phải tự nghiêm túc với bản thân. Với luật pháp trong nước, một hình phạt tương xứng với một tội ác có thể giúp ngăn ngừa bớt tội ác, hình thành nên những thói quen tốt, loại bỏ dần các thói quen xấu, lâu dần thói quen tốt sẽ trở thành tính cách của một con người. Thói quen một khi đã được lập, con người cứ theo đó mà đi.

Con nhóc 5 tuổi, qua Canada mới một năm, nhưng những gì ở xứ người có khả năng làm ảnh hưởng đến tương lai của nó sau này, nó đều được dạy rất kỹ để tuân thủ. Lên xe phải thắt dây. Nó tự làm và nhắc người khác làm. Không làm nó sẽ nhắc cho đến khi nào bạn làm. Nó được dạy như thế để bảo vệ mạng sống của nó, cũng là để không ảnh hưởng đến quyền lợi của mẹ nó. Nó không được đụng bất kỳ thứ gì không phải của nó khi chưa xin phép. Đi bộ băng qua đường lớn, phải tuân thủ nghiêm túc luật đã đề ra v.v… Nó được dạy rất kỹ về những việc như thế ngay từ lúc còn bé. Để thành thói quen khi lớn lên. Vì mọi thứ vi phạm đều được cơ quan có chức năng lưu giữ và ảnh hưởng khá lớn đối với cuộc sống tương lai của nó. Xin việc trở thành khó khăn, tương lai mờ tối, vì những lỗi trong quá khứ. Cha mẹ không muốn việc đó xảy ra với con mình. Bắt buộc, con nít phải được dạy những điều tốt đẹp, trở thành thói quen và thành nhân cách của nó trong tương lai. Tiền bạc không mua được những thứ đó, chỉ có giáo dục và luật pháp.

Ác nghiệp giảm thiểu là nhờ cho thiên hạ thấy cái quả của ác nghiệp ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ thế nào. Biết vận dụng nhân quả như thế thì an định được xã hội. Vấn đề là chúng ta đã không tin vào phần nhân quả tâm linh và để lòng tham lấn át mọi thứ. Pháp luật trở thành lỏng lẻo vì tiền bạc nằm ở thế chủ đạo. Cái phao cuối cùng góp phần an định xã hội bị loại bỏ thì xã hội ngày càng rối ren. Đã tạo ác nghiệp rồi thì càng không muốn tin vào nhân quả, cũng chẳng muốn nhân quả xuất hiện trên đời này. Bác hết cho yên. Tuy vậy, tin hay không tin không ảnh hưởng gì đến quy luật ấy. Vì nhân quả là thực lý chi phối thế giới này.

Phật vào thế giới này còn không thoát được nhân quả chi phối, huống là phàm phu nhân gian. Đã có nhân sinh thì nhất định có quả tử. Đã tạo nghiệp mã mạch, đủ duyên liền có quả của nhân ấy v.v… Muốn hay không muốn, lý đó vẫn hiện diện chi phối tất cả. Mọi lành dữ ở thế gian này đều có nhân duyên từ trước, cũng như mọi hành động hiện tại đều có cái quả trong tương lai khi đủ duyên. Nhân quả chi phối vận hành tất cả, không bỏ sót thứ gì.

Con người nếu không tin vào nhân quả thì tham sân càng tăng thịnh, xã hội càng nhiễu nhương, là cái nhân đen tối cho ra những cái quả bất hạnh kế tiếp. Nhân như thế thì tương ưng với quả thế thôi.

Nhân mùa Phật đản, nguyện thế giới thái bình, nhân sinh an ổn, tham sân không che mờ được Phật trí của mình, nhìn các pháp đúng như chính nó, từ-bi-hỷ-xả với muôn loài, chính là từ-bi-hỷ-xả với chính mình, Sa-bà này trở thành Hoa nghiêm của mười phương chư Phật.

Tài liệu Tham khảo:

1) Kinh Đại Bửu Tích quyển 6, phẩm Pháp hội Đại thừa phương tiện, HT.Thích Trí Tịnh dịch.

(2) Kinh Trung bộ – PL 2536-1992 – Đại tạng kinh Việt Nam. Do HT.Thích Minh Châu dịch từ nguyên bản Pāli.

(3) Kinh ghi là vong linh.

(Nguồn: Giác Ngộ online).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm