Chuyện vua Minh Mạng với những lần ghé Chùa Thiên Mụ
Minh Mạng là vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn, giữ ngôi từ năm 1820 đến năm 1840. Ông nổi tiếng thông minh giỏi giang, quyết đoán và siêng năng. Ở mọi lĩnh vực của đất nước từ nội trị đến ngoại giao đều có dấu ấn trị vì của nhà vua.
Đại Nam thực lục là bộ chính sử do Quốc sử quán biên soạn, gồm 10 tập, riêng chép chuyện triều Minh Mạng đã chiếm hết 4 tập (từ tập 2 đến tập 5). Qua theo dõi bộ sử này, chúng tôi nhận thấy có nhiều chỉ dụ của nhà vua về chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi tiếng của kinh đô Huế; tập trung vào hai việc: vua định dời chùa sang nơi khác và những lần cho lập trai đàn cầu siêu cầu phúc.
Ý định dời văn miếu về chỗ chùa Thiên Mụ
Năm 1830, mùa thu, sau khi đến làm lễ tế thu ở Văn miếu trở về, xa giá qua chùa Thiên Mụ, vua bảo bầy tôi rằng: “Toàn cục chỗ này thực là núi sông tốt. Trẫm từng muốn dời Văn miếu về đây. Nhưng lại nghĩ chùa này là do Thái tổ Gia dụ hoàng đế (chúa Tiên Nguyễn Hoàng) dựng lên, các thánh nhân theo thờ, đến Thế tổ Cao hoàng đế (Gia Long) ta dựng lại cơ đồ, dựng lại nền cũ. Nay nếu dời đổi lòng thực không yên. Cho nên không thể không cứ theo cũ” [1]. Cũng trong một lần đến dự đàn trai ở chùa Thiên Mụ năm 1835, Vua bảo quan hầu rằng: “Ở Thừa Thiên, những nơi danh thắng rất nhiều, nhưng không đâu rộng rãi khang trang bằng (chỗ chùa Thiên Mụ). Nước ta yêu chuộng Nho học, há lại chẳng muốn dựng Văn miếu ở đây. Song chùa này làm từ triều trước cũng đã lâu năm. Ngụy Tây dù bạo ngược vô đạo, thế mà chùa chiền vẫn còn, bia, chuông như cũ, không phải là không có duyên cớ mà được thế đâu. Trẫm sửa sang thêm, cũng là một việc nối chí người trước mà thôi” (707) [2].
Rõ ràng, đó mới chỉ là ý định của nhà vua, và không chỉ xuất hiện một lần. Nhưng vì sao vua không cho thực hiện? Với nguyên tắc vua không nói chơi và bản tính quyết đoán, nếu thực lòng muốn dời Văn miếu về chỗ chùa Thiên Mụ, nhà vua sẽ cho thực hiện ngay. Qua khẩu dụ, ta thấy vua Minh Mạng vừa đánh giá cao giá trị của ngôi cổ tự bậc nhất đất thần kinh, cả về cảnh quan lẫn truyền thống lịch sử – tâm linh; vừa nói rõ vai trò truyền thống “hộ quốc” của Phật giáo đối với sự nghiệp mở cõi và xây dựng triều đình từ thời chúa Nguyễn đến nay. Có lẽ, nhà vua chỉ cốt giảng giải cho các quan hầu phần lớn theo Nho học rằng: Vua – triều đình ta đều yêu chuộng Nho học, việc cho sửa sang chùa chiền là “nối chí người trước mà thôi”.
Những lần cho lập trai đàn
Dù luôn nói yêu chuộng Nho học, song trên thực tế việc làm, vua Minh Mạng cũng yêu chuộng đạo Phật không kém. Nhà vua cho trùng tu, xây mới nhiều ngôi chùa lớn ở nhiều nơi trên cả nước: chùa Hoằng Phúc (1821, Quảng Bình), cho lấy lại tên chùa Báo Quốc và sát hạch chư tăng toàn quốc (1825, Huế), đại trùng tu các chùa trên núi Ngũ Hành Sơn gồm: Tam Thai, Ứng Chơn, Trang Nghiêm và Từ Tâm (1825, Đà Nẵng), trùng tu chùa Khải Tường (1832, Gia Định), xây chùa Thúy Vân (1836, Huế), chùa Thánh Duyên (1837, Huế), chùa Giác Hoàng (1839, Huế), chùa Vĩnh An (Quảng Nam)… Sử cũng chép rõ những lần vua cho lập đàn trai ở chùa Thiên Mụ để cầu siêu cầu phúc.
Lần thứ nhất: Năm Canh Thìn (1820), Minh Mạng nguyên niên, Thái trưởng công chúa Ngọc Tú xin làm trai tiến để trung tiến tiên đế Gia Long. Vua đem việc ấy bàn với các đại thần. Nguyễn Văn Nhân (1753-1822, Tổng trấn Gia Định) cho rằng: “Thái trưởng công chúa đã xin làm thì cấp kinh phí cho tự làm là phải”. Vua lại hỏi Phạm Đăng Hưng (1765-1825,Thượng thư bộ Lễ), Hưng đáp: “Nối chí noi việc là hiếu, việc bệ hạ làm là việc tiên đế đã từng làm, có gì là không thể làm được!”. Vua cho là phải. Sai Tôn Thất Dịch cùng Vệ úy Trần Đăng Long đến trước chùa Thiên Mụ, dựng nhà tranh, sắm đồ vật. Đàn chay diễn ra đến 21 ngày. Thái trưởng công chúa làm chủ đàn chay. Các tước công lần lượt đến dâng hương. Vua thường đến xem. [3]
Lần thứ hai: Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) vua “cho lập đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ, sai bọn Tống Phước Lượng và Vũ Viết Bảo trông coi công việc. Thưởng cho binh và thợ hơn 1000 quan tiền”. Lần này Đại Nam thực lục không ghi chép lý do làm đàn chay và thời gian diễn ra bao lâu. Theo ghi chép trước đó, mùa xuân năm ấy, có sự kiện tấn tôn hoàng mẫu làm hoàng thái hậu. Có lẽ vua làm đàn chay để cầu chúc mẹ vua được “danh lớn chính đáng, phúc tốt dồi dào”. Cũng năm ấy, mùa hạ, tháng 7, vua đến đàn chay ở chùa Thiên Mụ cho các tăng hơn nghìn lạng bạc [4].
Lần thứ ba: Năm Canh Dần 1830, Minh Mạng thứ 11, mùa hạ, vua cho lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ. Vua thương nhớ các tướng sĩ trận vong từ trước và tất cả những ma vô tự, sai lập đàn chay phổ độ dưới nước, trên cạn ở chùa Thiên Mụ. Vua đến xem và bảo các quan đi theo rằng: “Đặt đàn chay chưa biết những u hồn ở âm phủ có được thấm ơn không, chỉ là để tỏ ý trẫm thương nhớ bề tôi mà thôi”. [5]
Lần thứ tư: Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), mùa thu, vua cho lập đàn trai siêu độ ở chùa Thiên Mụ sau việc đánh dẹp ở Bắc Kỳ đã xong. Vua sai quyền thự Thống chế Bùi Công Huyên và Biện lý Công bộ Nguyễn Đức Trinh coi công việc làm đàn đó. “Nghĩ lại: lúc có việc, ở nơi chiến trường, nhiều người không khỏi mắc phải mũi tên, hòn đạn. Đối với những người chết trận hoặc chết bệnh, ta đã từng tùy việc, gia ơn truy tặng và cấp tiền tuất, đầm đìa ưu hậu, vinh quang tận suối vàng. Lại lập đàn, ban lễ tế, để hả hương hồn”. Vua giảng giải thêm rằng: “Đạo Phật lấy tế độ làm trọng, có lẽ giúp cho âm phúc được nhờ. “Vậy sai bộ Lễ sắm vật liệu trước, đến ngày Trung nguyên (rằm tháng bảy âm lịch) truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thủy lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước”. [6]
Triều đình truyền sai vân tập những nhà sư ở chùa các địa hạt, người nào tinh tấn giữ giới đến Kinh, cấp cho giới đao độ điệp. Lại dụ bộ Lễ cấp cho hai trụ trì chùa Thiên Mụ và quán Linh Hựu, một người một đạo văn bằng tăng cương. Đến kỳ lập đàn chay, sắc cho bộ Lại, bộ Binh liệu phái, văn thì chủ sự, tư vụ, võ thì suất đội, tất cả vài mươi người luân phiên đến đàn chay, làm lễ. Vua đến chùa Thiên Mụ, tới trước đàn thờ các tướng sĩ, chính tay rót rượu, sai các quản vệ dâng tế.
Đàn chay thủy bộ ở chùa Thiên Mụ diễn ra được 7 ngày thì quan quân hạ được thành Phiên An, vua lại sai “cho bày thêm bài vị, tiếp tục làm chay siêu độ cho các tướng biền, binh lính vì đánh dẹp Phiên An mà chết trận, chết bệnh”. Vua lại ra chơi xem làm chay ở chùa Thiên Mụ, nhân bảo quan hầu rằng: “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, Khổng Tử chỉ dạy luân thường là món dùng hằng ngày, song tóm lại, chung quy đều dạy người tà làm điều thiện mà thôi. Kể ra người ta sinh ra ở trong vòng trời đất, nên làm điều thiện, tránh điều ác. Đối với đạo Phật dạy người bằng thuyết họa phúc, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan. Một việc khuyên người làm điều thiện của nhà Phật, dầu thánh nhân sống lại, cũng không thể đổi bỏ được”. [7]
Lần thứ năm: Mùa thu năm Ất Mùi 1835, Minh Mạng thứ 16, vua lại cho lập đàn chay để cúng phổ độ cho những người tôn nhân đã chết. “Lại nghĩ đến những người tôn thất đã chết: có người trước đây bỏ mình vì cuộc binh cách, có người nửa vời mà chết trẻ, có người còn trẻ mà chết non, nghĩ đến rất là đau xót! Vậy nên làm lễ truy tiến phổ độ, cầu phúc đường âm để yên ủi hương hồn, nhằm tiết Hạ nguyên tháng 10, lập đàn phổ độ”. Nhưng rồi sợ tiết Hạ nguyên là mùa rét, lại hay mưa gió, binh dịch làm việc nhọc nhằn nên vua đổi sang tiết Thượng nguyên tháng giêng sang năm, lập đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, 21 ngày đêm cúng phổ độ linh hồn cho các tôn nhân xa gần đã quá cố.” Sai cả bộ Lễ cùng bộ Công cùng dự tính làm trước. “Lại sắm nhiều đồ mã như quần áo, đồ dùng và bạc, vàng, tiền giấy để tỏ ý cảm nhớ như còn sống” [8].
Lần thứ sáu: Năm Minh Mạng thứ 17, tức năm 1836, mùa thu, “làm chay ở lăng Anh Duệ hoàng thái tử và trước đền hai quận vương Thiệu Hóa, Vĩnh Tường. Sai Tôn nhân phủ, Lễ bộ hội đồng với quản thị vệ trông coi việc ấy. Đến ngày tết Trung nguyên mời các sư đến tụng kinh 7 ngày đêm, đốt nhiều vàng mã tiền giấy để cầu âm phúc”. [9]
Tóm lại, Minh Mạng là vị vua anh minh, quyết đoán, song không thiếu phần khôn khéo tinh tế. Dù ưu ái đề cao Đạo Phật, dựa vào Phật giáo để gắn kết lòng người, khuyến khích điều thiện; dành nhiều tiền của và tâm lực để góp phần hoằng dương Phật pháp; song cách nói của nhà vua với quan lại là cốt để giới quan lại Nho học không so bì phản ứng, nhất là thời kỳ đầu nhà vua mới lên ngôi. Còn về sau, khi ngôi vương vững chắc, triều đình hùng mạnh, nhà vua càng đề cao Phật giáo, cho xây dựng nhiều chùa mới, sai lập trai đàn không chỉ ở chùa mà còn ở lăng tẩm cầu siêu cho thân nhân của mình.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* Nguyễn Văn Tường, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, Ninh Thuận.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 3, Nxb. Giáo dục, tr.92.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 4, Nxb. Giáo dục, tr.707.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 2, Nxb. Giáo dục, tr.70-71.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 2, Nxb. Giáo dục, tr.130-144.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 3, Nxb. Giáo dục, tr.87.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 4, Nxb. Giáo dục, tr.706.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 4, Nxb. Giáo dục, tr.718.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện sử học dịch, 2007), tập 4, Nxb. Giáo dục, tr.771.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lụcc (Viện sử học dịch, 2007), tập 4, Nxb. Giáo dục, tr.974.
[10] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội sự điển lệ, tập 7, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2014), Đại Nam liệt truyện, tập 1&2, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm