Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Có bao nhiêu loại kinh văn trong Phật giáo?

Kinh điển Phật giáo có số lượng cực kỳ lớn, thậm chí xưa lấy 84000 để ước chừng tượng trưng về số lượng pháp uẩn.

Kinh điển Phật giáo có số lượng cực kỳ lớn, thậm chí xưa lấy 84000 để ước chừng tượng trưng về số lượng pháp uẩn. Kinh văn Phật giáo truyền miệng hoặc được viết ở trên giấy mực được chia theo nội dung làm ba loại là Kinh, Luật và Luận. Phật tử theo các tông phái khác nhau đặt các bộ kinh, luận này ở những vị trí khác nhau. Họ cho rằng các bộ kinh, luận có tầm quan trọng khác nhau đối với họ và giữ thái độ khác nhau đối với kinh điển: từ tôn kính một loại kinh văn nhất định cho đến bác bỏ, xem thường một vài kinh văn nào đó, cho là ngụy tạo. Thế nên, các bộ kinh, luận khó có thể được gọi là Thánh kinh với nghĩa được hiểu như thánh kinh của Kitô giáo hoặc các tôn giáo khác.

Kinh văn Phật giáo có thể chia ra hai loại dựa trên nguồn gốc hình thành kinh như loại tiêu chuẩn (hoặc chủ yếu) và loại ngoài tiêu chuẩn (hoặc thứ yếu). Thuộc về kinh văn tiêu chuẩn là các bài Kinh, nguồn gốc tiếng Phạn, được chép lại lời dạy của chính vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni - "Phật lịch sử" ở đây được hiểu một cách chính xác hoặc như một ẩn dụ. Thuộc loại ngoài tiêu chuẩn là các bài luận giải những bộ kinh hoặc luận, cũng như những văn bản trích dẫn kinh, lịch sử hình thành kinh, văn phạm,... của các Đại sư, Luận sư. 

Tuy nhiên cũng nên hiểu là cách chia loại như thế có phần tùy tiện và một vài kinh văn có thể được xếp vào một trong hai loại nêu trên, hoặc có thể được xếp vào nhiều hơn một trong những loại được kể bên dưới.

Ngài Huyền Trang vác trên lưng những bộ kinh văn

Ngài Huyền Trang vác trên lưng những bộ kinh văn

Kinh điển loại tiêu chuẩn

Tuy có rất nhiều kinh văn loại tiêu chuẩn có nguồn gốc từ chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng các trường phái Phật giáo lại thường không nhất trí với nhau về mặt thể loại tiêu chuẩn của từng kinh văn, và những lần duyệt văn bản của các Đại tạng kinh cho thấy rất nhiều khác biệt về số lượng và thể loại kinh văn. Nhìn chung, kinh văn được chia thành ba loại theo nội dung: Kinh (những bài thuyết pháp, sa. sūtra, pi. sutta), Luật (sa., pi. vinaya, viết về giới luật của Tăng-già) và Luận hoặc A-tì-đạt-ma (sa. abhidharma, pi. abhidhamma, mang tính chất bàn luận, giải thích, phân tích các bài kinh, nói về các pháp). Ba loại kinh văn này được gọi chung là Tam tạng (sa. tripiṭaka, pi. tipiṭaka). Riêng Kinh tạng (sa. sūtrapiṭaka) và Luật tạng (sa. vinayapiṭaka) chứa đựng nhiều kinh văn khác nhau, gồm cả các bài giảng về các pháp, các bàn luận, giải thích về các giáo lý, kinh văn nói về vũ trụ, sự tiến hóa của vũ trụ, nói về tiền thân của Phật-đà (Bản sinh kinh), và các bảng liệt kê các pháp khác nhau.

Một số bài kinh Phật giáo qua quá trình mở rộng dần dần gần như trở thành một bộ kinh riêng, được gọi là kinh "phương đẳng"  hoặc "phương quảng"  là những bộ kinh "rộng lớn bao quát". Như bộ Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh mà nội dung xoay quanh chương trung tâm là chương thứ ba của bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh - cũng được gọi tắt là kinh Hoa Nghiêm - được các nhà nghiên cứu cho là một trường hợp điển hình về một bộ kinh đã đào sâu và chắt lọc được nhiều đạo lý bao quát từ các bộ kinh khác nhau và nhiều phần trong bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh này vẫn được xem như một kinh văn độc lập, nhất là phần Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm và kinh Diệu Pháp Liên Hoa nhắc đến khái niệm Nhất thừa, theo hai bộ kinh này thì nội dung của nó là sự tổng hợp và thống nhất tất cả những giáo lý có trước đó.

Về Kinh tạng:

Kinh phần lớn là các bài giảng của đức Phật hoặc của một trong những Đại đệ tử của Ngài. Tất cả những gì được ghi lại, ngay cả những gì không phải Phật đích thân thuyết, được xem là Phật ngôn, "lời Phật dạy" (sa., pi. buddhavacana). Ban đầu, các bài giảng của Phật được sắp xếp theo dạng chúng được truyền lại cho đời sau chia ra làm 12 thể loại:

  1. Kinh hoặc Khế kinh cũng được gọi theo âm là Tu-đa-la , chỉ những bài kinh chính Phật thuyết;
  2. Trùng tụng hoặc Ứng tụng, gọi theo âm là Kì-dạ, một dạng kệ tụng mà trong đó nhiều câu được lặp đi lặp lại;
  3. Thụ ký chỉ những lời do Phật thụ ký, chứng nhận cho các Bồ Tát, đệ tử mai sau thành Phật, và những việc sẽ xảy ra...;
  4. Kệ-đà cũng được gọi là Ký chú hay Phúng tụng , những bài thi ca không có văn xuôi đi trước (trường hàng), xem Kệ;
  5. (Vô vấn)Tự thuyết hoặc Tán thán kinh, âm là Ưu-đà-na, chỉ những bài kinh mà Phật tự thuyết, không phải đợi người thỉnh cầu mới trình bày;
  6. Nhân duyên hay Quảng thuyết, gọi theo âm là Ni-đà-na, chỉ những bài kinh nói về nhân duyên khi Phật thuyết pháp và người nghe pháp...;
  7. Thí dụ hoặc Diễn thuyết giải ngộ kinh, âm là A-ba-đà-na, chỉ những loại kinh mà trong đó Phật sử dụng những thí dụ, ẩn dụ để dùng việc đời mà gợi mở việc đạo làm người nghe dễ hiểu hơn;
  8. Như thị pháp hiện hoặc Bản sự kinh, âm là Y-đế-mục-đa-già , chỉ những bài kinh nói về sự tu nhân chứng quả của các vị đệ tử trong quá khứ, vị lai;
  9. Bản sinh kinh, gọi theo âm là Xà-đà-già, kể lại sự tích, các tiền kiếp của Phật Thích-ca, nói về các đệ tử và những người chống đối Phật trong các tiền kiếp đó, và chỉ rõ các nghiệp (sa. karma) đời trước đóng vai trò thế nào trong đời này;
  10. Phương quảng, Phương đẳng hoặc Quảng đại kinh, gọi theo âm là Tì-phật-lược;
  11. Hi pháp hoặc Vị tằng hữu, âm là A-phù-đà đạt-ma, kinh nói về thần lực chư Phật thị hiện, cảnh giới kì diệu, hiếm có mà người phàm không hiểu nổi;
  12. Luận nghị, cũng được gọi là Cận sự thỉnh vấn kinh hoặc theo âm là Ưu-ba-đề-xá, chỉ những bài kinh có tính cách vấn đáp với lý luận cho rõ ngay thẳng, xiên vẹo.

Cách sắp xếp bên trên được các trường phái ngoài Đại thừa chấp nhận, tuy nhiên, Thượng tọa bộ loại bỏ ba phần 6., 7. và 12. ra. Cách phân loại trên cũng được tìm thấy trong Đại tạng của các trường phái Đại thừa.

Tuy nhiên, Thượng tọa bộ đã tìm cách sắp xếp Đại tạng kinh theo cách khác, và kinh của Thượng tọa bộ được xếp lại như sau:

  • Trường bộ kinh & Trường A-hàm kinh: Bao gồm các bài kinh dài nhất trong các loại kinh văn hệ Pali. Trường bộ văn hệ Pali có 34 bài kinh mà trong đó, hai bài nổi danh nhất là Đại Bát-niết-bàn kinh  và Phạm võng kinh. Trường A-hàm của Pháp tạng bộ chỉ còn trong bản dịch Hán văn, bao gồm 30 bài kinh.
  • Trung bộ kinh & Trung A-hàm kinh: Trung bộ văn hệ Pali có 152 bài kinh, Trung A-hàm của Thuyết nhất thiết hữu bộ có 222 bài, được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.
  • Tương ưng bộ: Bộ kinh này bao gồm nhiều kinh văn ngắn gọn được gom lại theo chủ đề, nhóm và người nói chuyện. Tương ưng bộ văn hệ Pali có khoảng 2800 bài kinh, Trường A-hàm của Thuyết nhất thiết hữu bộ chỉ có 1300 bài, được lưu lại trong Đại tạng kinh Hán văn.
  • Tăng chi bộ kinh & Tăng nhất a-hàm kinh: Bao gồm những bài kinh có cùng Pháp số, Tăng chi bộ văn hệ Pali có hơn 2.300 bài kinh. Đại tạng kinh chữ Hán lưu lại bộ Tăng nhất a-hàm, được xem là thuộc bộ Đại tạng kinh của Đại chúng bộ.
  • Tiểu bộ kinh & Tạp kinh: Không phải tất cả các trường phái đều có thể loại này, nhưng Tiểu bộ văn hệ Pali có nhiều bộ kinh nhỏ rất nổi danh và được ưa chuộng, bao gồm:
  1. Pháp Cú kinh: gồm 426 câu kệ trong 26 chương về các nguyên lý căn bản đạo Phật, được lưu truyền rộng trong các nước theo Thượng tọa bộ;
  2. Tự thuyết: gồm 80 bài giảng của đức Phật. Điểm đặc biệt ở đây là những lời của đức Phật tự nhiên thốt ra dạy, không phải do được người khác hỏi mà trả lời. Thế nên cũng gọi là Vô vấn tự thuyết.
  3. Tập bộ kinh: một trong những kinh điển cổ nhất, đặc biệt có giá trị văn chương cao;
  4. Trưởng lão tăng kệ: ghi lại 107 bài kệ của các vị Thượng tọa (pi. thera);
  5. Trưởng lão ni kệ: gồm 73 bài kệ của các vị ni trưởng lão;
  6. Bản sinh kinh: ghi chép các mẩu truyện về những kiếp trước của Phật

Nhiều bộ kinh bên trên còn tồn tại các bản gốc dạng nguyên ngữ cũng như các bản dịch. Ví dụ như kinh Pháp cú còn tồn tại dưới dạng Pali, ba bản dịch Hán văn, một bản Tạng văn và một bản tiếng Khotan.

Về Luật tạng

Luật tạng đề cập đến những vấn đề giới luật trong Tăng-già. Tuy nhiên, từ Luật (dịch từ tiếng Phạn vinaya) cũng được dùng với từ Pháp như một cặp đi đôi, với Pháp là giáo lý và Luật mang nghĩa thực hành, ứng dụng. Thực tế, Luật tạng chứa đựng hàng loạt thể loại kinh văn khác nhau. Dĩ nhiên có những kinh văn chuyên chú về quy luật trong tăng-già, chúng được lập, được phát triển và ứng dụng như thế nào. Nhưng Luật tạng cũng bao gồm những bài giảng về giáo lý, nghi lễ, nghi thức thực hiện các buổi lễ, tiểu sử và các bài nói về tiền kiếp.

Có bảy Luật tạng được lưu lại:

  1. Luật tạng của Thượng tọa bộ 
  2. Luật tạng của Đại chúng bộ 
  3. Thuyết nhất thiết hữu bộ 
  4. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ
  5. Luật tạng của Hóa địa bộ
  6. Ca-diếp bộ 
  7. Pháp tạng bộ. 

Về Luận hoặc A-tì-đạt-ma

A-tì-đạt-ma có nghĩa là Thắng pháp hoặc là Vô tỉ pháp, vì nó vượt trên các pháp, giải thích trí huệ. A-tì-đạt-ma có liên quan đến sự phân tích các hiện tượng và có lẽ xuất phát từ những bảng liệt kê số pháp, ví như 37 Bồ-đề phần. Mặc dù được xếp vào kinh văn tiêu chuẩn, được xem như là lời của đức Phật nhưng các nhà Phật học hiện đại cho rằng, kinh A-tì-đạt-ma được phát triển rất lâu sau khi đức Phật Thích ca nhập diệt, và phần lớn của tạng kinh A-tì-đạt-ma là kết quả của 200 năm sau do công của A-dục vương (thế kỉ 1) kết tập.

A-tì-đạt-ma của Thượng tọa bộ được lưu lại bằng tiếng Pali. A-tì-đạt-ma của Thuyết nhất thiết hữu bộ được viết bằng tiếng Phạn, được lưu truyền trong hai Đại tạng kinh tiếng Hán và tiếng Tạng.

A-tì-đạt-ma phần lớn phân tích, xử lý các hiện tượng và mối quan hệ giữa chúng.

Không phải trường phái Phật giáo nào cũng xem kinh A-tì-đạt-ma là kinh văn tiêu chuẩn. Kinh lượng bộ cho rằng, Đại tạng kinh chỉ có Kinh và Luật tạng. Việc chối bỏ các pháp thật sự tồn tại - quan điểm chính của A-tì-đạt-ma - của một số trường phái, được xem là một nhân tố quan trọng của sự hình thành trường phái Đại thừa sau này.

Kinh điển loại ngoài tiêu chuẩn

Trong thời kì đầu của Phật giáo, kinh văn ngoài tiêu chuẩn, hoặc bán tiêu chuẩn, đã đóng một vai trò quan trọng. Nhiều bộ luận quan trọng tồn tại trong Đại tạng kinh tiếng Pali, tiếng Tây Tạng, Trung Hoa và những ngôn ngữ Đông Á khác.

Kinh điển ngoài tiêu chuẩn tiêu biểu có thể kể đến là bộ Thanh tịnh đạo, "con đường dẫn đến thanh tịnh" của đại sư Phật Âm, một tác phẩm gần như bao gồm tất cả giáo lý của Thượng tọa bộ với rất nhiều trích dẫn từ Đại tạng kinh Pali. Na-tiên tỉ-khâu kinh, còn được gọi là Di-lan-đà vấn đạo kinh, là một kinh văn rất nổi tiếng, đúc kết giáo lý Thượng tọa bộ trong những câu hỏi đáp qua lại giữa Tỉ-khâu Na-tiên với một ông vua người Hi Lạp tên là Di-lan-đà, cũng là một kinh văn ngoài tiêu chuẩn tiêu biểu khác.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật pháp trường tồn dưới nhãn quan của bậc minh quân

Nghiên cứu 15:27 15/11/2024

Trong bài kệ “Bát Nhã” vua Lý Thái Tông đã khẳng định, để có được trí tuệ thì bản thân mỗi người phải tự thân tu luyện chứ không phải nhờ cầu viện kiến thức bên ngoài. Trong đạo Phật, để đạt tới cảnh giới giác ngộ thì cũng không có con đường nào khác ngoài chính bản thân phải tu tập.

Thiền sư Vạn Hạnh: Như sương trên cỏ, thịnh suy tĩnh lòng

Nghiên cứu 11:13 15/11/2024

Thiền sư Vạn Hạnh là người rất chăm chỉ đèn sách, “học hỏi không biết mệt” (TUTA). Sau khi Thiền Ông tịch diệt, ông đã chuyên tâm tu về các loại thiền, đặc biệt là tập kinh Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm sự nghiệp.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Cuộc đời vô thường, bướm hoa chỉ là huyền ảo

Nghiên cứu 09:46 14/11/2024

Sự sống và cái chết, sinh lão bệnh tử là sự tuần hoàn không thể thay đổi được của quy luật tự nhiên, là lẽ thường ai cũng phải trải qua. Quan niệm cuộc đời là huyễn ảo một lần nữa được đề cập tới trong bài kệ “Thị tật” - “Dạy khi có bệnh” của Thiền sư Giác Hải khi răn dạy đệ tử.

Xem thêm