Kinh Phật nói về thời kỳ Mạt Pháp
Theo Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, sau khi Ðức Thế Tôn niết bàn, Phật pháp sẽ diễn biến qua năm thời kỳ, từ thạnh đến suy.
Năm thời ấy gọi là Ngũ kiên cố, mỗi giai đoạn là 500 năm. Hai chữ kiên cố trong đây, ý nói tùy mỗi thời, nghiệp duyên và tâm niệm của chúng sanh hướng theo mỗi chiều hướng một cách bền chắc. Ví như gốc cây to rễ bám đã sâu, khó nhổ lên hoặc xô cho lay chuyển. Danh từ kiên cố nầy, các Kinh luận khác cũng thường dùng. Như kinh Pháp Hoa có câu: “Diệu Quang giáo hóa nay kiên cố”. Năm thời kiên cố như sau:
1. Giải thoát kiên cố: Sau khi Ðức Thế Tôn niết bàn, trong 500 năm đầu tiên, đệ tử của Phật có nhiều vị chứng quả; Được vào cảnh an vui giải thoát. Thời kỳ nầy các phương diện học, tu, chứng đều thạnh, hành nhơn hiểu sâu lẽ mầu, giữ gìn giới hạnh. Một trăm người tu có đến sáu bảy mươi vị đắc đạo. Bấy giờ trong nhơn gian đầy dẫy những bậc thánh hiền.
2. Thiền định kiên cố: Sang 500 năm thứ hai, hàng Phật tử xuất gia, tại gia tuy ít kẻ chứng đạo như thời gian trước. Song phần nhiều đều thực hành đúng theo lời Phật dạy, đi sâu vào cảnh giới thiền định. Giai đoạn nầy, trong một trăm người tu, có được sáu, bảy người chứng đạo.
3. Đa văn kiên cố: Qua 500 năm thứ ba, đạo căn của chúng sanh đã cạn cợt hơn trước. Người tu Phật đa số chỉ thích học rộng nghe nhiều; Các phương diện diễn dịch kinh sách, biện luận đạo lý được thạnh hành khắp nơi. Lúc nầy kẻ thiết thật cầu giải thoát thâm nhập thiền định, còn ít có người, huống chi là chứng quả. Tuy nhiên, trong muôn ức người tu, cũng có đôi ba bậc đắc đạo.
4. Tháp tự kiên cố: Sang 500 năm thứ tư, Phật giáo đồ phần nhiều hướng về việc cất chùa, xây tháp, bố thí, tụng kinh để cầu phước báo; Về phương diện văn tự rất ít có người, huống nữa là tu?
Thuở xưa, cũng vào khoảng thời gian nầy, bên Trung Hoa có một bậc cao tăng là Tĩnh Công. Sau khi ngài tham thiền ngộ đạo, một vị tôn túc bảo rằng: “Ngày kia ông ra hoằng hóa, dưới tòa có đến 1.000 tăng chúng, song không kẻ nào là bậc xuất gia”.
Quả nhiên, sau Tĩnh Công đáp lời yêu thỉnh của Tiền công, về trụ trì một ngôi chùa. Tăng chúng quy tụ đến số ngàn, song chỉ toàn là hạng tụng kinh để gieo căn lành phước báo ở tương lai. Không có vị nào tham thiền ngộ đạo. Cổ đức quan niệm rằng: Nghĩa chân thật của “xuất gia” là phải ra khỏi nhà tam giới, hay ít nữa ra khỏi nhà phiền não. Không phải chỉ ra khỏi nhà thế tục vào cửa chùa, cạo tóc mặc áo cà sa là đủ.
Cách bốn mươi năm về trước, những bạn đồng tham với Tĩnh Công, trong 1.000 người cũng được bảy tám mươi vị đại ngộ; Không ngờ qua một thời gian chẳng bao lâu mà lại có sự sai biệt dường ấy! Sự kiện nầy tương tợ các sông rạch gặp cơn nước kém, mỗi ngày mực nước mỗi thấp xuống; Căn cơ của chúng sanh trong thời giảm kiếp cũng như vậy.
5. Đấu tranh kiên cố: Đến 500 năm thứ năm, nhơn loại vì ngã chấp nặng, tự ái nhiều. Chẳng những ngoài đời thường xảy ra cảnh tượng tranh đua giết hại lẫn nhau, mà trong đạo cũng lắm kẻ chen lấn trên đường danh nẻo lợi. Giai đoạn nầy, hàng đệ tử Phật tuy nhiều. Song đối với Tam tạng Kinh điển ít người tin hiểu sâu, ít ai thiết thật vì đạo, đi đúng với đạo trên phương diện tự lợi lợi tha. Kinh Kim Cang nói: “Năm trăm năm rốt sau” chính là thời kỳ nầy. Đây âu cũng chính là thời kỳ mạt pháp vậy!
Khi Ðức Thế Tôn sắp niết bàn, Ngài có huyền ký tình trạng trong đời mạt pháp và lúc chánh pháp sắp diệt. Xin dẫn ra đây ít đoạn để cho hàng Phật tử xuất gia tại gia tự kiểm điểm, gạn bỏ điều ác, tu tập pháp lành.
Đức Phật nói về thời Mạt pháp trong kinh Đại Bi
Trong kinh Đại-Bi, Đức Phật bảo: “Nầy A-Nan! Khi ta niết-bàn rồi. Trong thời gian 500 năm rốt sau, nhóm người giữ giới, y theo chánh-pháp, lần lần tiêu giảm; Các bè đảng phá giới, làm điều phi pháp, ngày tăng thêm nhiều. Do chúng-sanh phỉ báng chánh-pháp, gây nhiều ác hạnh, nên phước thọ bị tổn giảm, các tai nạn đáng kinh khiếp nổi lên.
Bấy giờ có nhiều Tỷ-khưu đắm mê danh lợi, không tu thân, tâm, giới, huệ. Họ tham trước những y, bát, thức ăn, sàng tòa, phòng xá, thuốc men. Rồi ganh ghét tranh giành phỉ báng lẫn nhau, thậm chí đem nhau đến quan ty, lời nói như đao kiếm. Cho nên, A-Nan! Đối với những vị xuất-gia tu phạm hạnh, thân khẩu ý thực hành đạo từ bi. Ông nên cung cấp những thức cúng dường cho đầy đủ.
Vị nào đối với các phạm hạnh hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc tin, hoặc làm, hoặc nhiều, hoặc ít…Ông nên làm thế nào cho họ không khởi lòng não loạn, nên vâng giữ điều nầy! Tại sao thế? Vì trong cõi ngũ trược vào thời mạt kiếp, có nhiều sự khổ nạn như: Đói, khát, giặc, cướp, nắng hạn, bão lụt, các loài trùng phá hại mùa màng. Tóm lại có nhiều nhân duyên làm cho chúng-sanh bị xúc não.
A-Nan! Lúc bấy giờ có các hàng trưởng-giả, cư-sĩ, tuy bị nhiều sự khổ não bức thiết. Song vẫn sanh lòng tịnh tín, cung kính tôn trọng ngôi Tam-bảo: Bố thí, giữ giới, tụng kinh, tu các công đức, khuyên người y theo Phật-pháp làm lành. Do thiện căn đó, khi mạng chung họ được sanh về Thiên-đạo, hưởng các điều vui. Còn các Tỷ-khưu ác kia, ban sơ dùng đức tin, tâm lành, bỏ tục xuất-gia; Nhưng sau khi xuất-gia, họ lại tham trước danh lợi. Không cố gắng tu hành, nên kết cuộc bị đọa vào ác đạo”…
Đức Phật nói về thời kỳ Mạt pháp trong kinh Đại Tập
Kinh Đại-Tập nói: “Trong đời mạt pháp, có những vua, quan, cư-sĩ ỷ mình giàu sang quyền thế; Sanh tâm kinh mạn, cho đến đánh mắng người xuất-gia. Nên biết những kẻ gây nghiệp ấy, sẽ bị tội đồng như làm cho thân Phật ra huyết…”
Đức Phật nói về thời kỳ Mạt pháp trong kinh Ma Ha Ma GiaKinh Ma-Ha-Ma-Gia nói: “Khi đấng Nhất-thiết-trí vào Niết-bàn rồi. Một trăm năm sau, có Tỷ-khưu Ưu-Ba-Cúc-Đa, đủ tài biện thuyết như Phú-Lâu-Na, độ vô lượng chúng. Hai trăm năm sau, có Tỷ-khưu Thi-La-Nan-Đà, khéo nói pháp yếu; Độ mười hai ức người trong châu Diêm-Phù.
Ba trăm năm sau, có Tỷ-khưu Thanh-Liên-Hoa-Nhãn thuyết pháp độ được nữa ức người. Bốn trăm năm sau, có Tỷ-khưu Ngưu-Khẩu thuyết pháp độ được một vạn người. Năm trăm năm sau có Tỷ-khưu Bảo-Thiên thuyết pháp độ được hai vạn người, và khiến cho vô số chúng-sanh phát tâm Vô-thượng-bồ-đề. Đến đây thời kỳ chánh-pháp đã chung mãn.
Sáu trăm năm sau, 96 thứ ngoại-đạo phục hưng, nhiều tà thuyết nổi lên phá hoại chánh-pháp. Lúc ấy có Tỷ-khưu Mã-Minh ra đời, dùng tài huệ biện hàng phục ngoại giáo. Bảy trăm năm sau, có Tỷ-khưu Long-Thọ ra đời, dùng sức chánh trí xô ngã cột phướn tà kiến, đốt sáng ngọn đuốc Phật-pháp.
Tám trăm năm sau, hàng xuất-gia phần nhiều tham trước danh lợi, giải đãi buông lung. Trong trăm ngàn người tu, chỉ có một ít người đắc đạo. Chín trăm năm sau, trong giới tăng ni, phần nhiều là hạng nô tỳ bỏ tục xuất-gia. Một ngàn năm sau, các Tỷ-khưu nghe nói pháp bất-tịnh-quán, pháp-sổ-tức, buồn chán không thích tu tập. Trong trăm ngàn người chỉ có ít người được vào chánh định.
Từ đó về sau, lần lần hàng xuất-gia hủy phá giới-luật; Hoặc uống rượu, hoặc sát sanh, hoặc đem bán đồ vật của ngôi Tam-bảo; Hoặc làm hạnh bất tịnh, nếu có con thì trai làm tăng, gái làm ni. Chỉ còn số ít người biết giữ giới hạnh, gắng lo duy trì và hoằng dương chánh giáo. Khi áo cà-sa của tăng ni biến thành sắc trắng, đó là triệu chứng Phật-pháp sắp diệt…”
Đức Phật nói về thời kỳ Mạt pháp trong kinh Pháp Diệt Tận
Trong kinh Pháp-Diệt-Tận, Đức Phật bảo: “Về sau, khi pháp của ta sắp diệt, nơi cõi ngũ trược nầy tà đạo nổi lên rất thạnh. Lúc ấy có những quyến thuộc ma vào làm Sa-môn để phá rối đạo pháp của ta. Họ mặc y phục như thế gian, ưa thích áo cà-sa năm sắc, ăn thịt uống rượu, sát sanh, tham trước mùi vị; Không có từ tâm tương trợ, lại ganh ghét lẫn nhau.
Bấy giờ có các vị Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán vì bản nguyện hộ trì Phật-pháp, hiện thân làm Sa-môn. Tu hành tinh tấn, đạo hạnh trang nghiêm, được mọi người kính trọng. Các bậc ấy có đức thuần hậu, từ ái, nhẫn nhục, ôn hòa, giúp đỡ kẻ già yếu cô cùng. Hằng đem kinh tượng khuyên người phụng thờ đọc tụng, giáo hóa chúng-sanh một cách bình đẳng; Tu nhiều công đức, không nệ tổn mình lợi người.
Khi có những vị Sa-môn đạo đức như thế, các Tỷ-khưu ma kia ganh ghét phỉ báng, vu cho những điều xấu; Dùng đủ cách lấn áp, xua đuổi, hạ nhục, khiến cho không được ở yên. Từ đó các Tỷ-khưu ác càng lộng hành, không tu đạo hạnh, bỏ chùa chiền điêu tàn hư phế. Chỉ lo tích tụ tài sản riêng, làm các nghề không hợp pháp để sinh sống; Đốt phá rừng núi làm tổn hại chúng-sanh không có chút từ tâm. Lúc ấy có nhiều kẻ nô tỳ hạ tiện xuất-gia làm tăng ni. Họ thiếu đạo đức, dâm dật tham nhiễm, nam nữ sống lẫn lộn, Phật-pháp suy vi chính là do bọn nầy.
Lại có những kẻ trốn phép vua quan, lẫn vào cửa đạo, rồi sanh tâm biếng nhác không học không tu. Đến kỳ tụng giới trong mỗi nửa tháng, họ chỉ lơ là gắng gượng, không chịu chuyên chú lắng nghe. Nếu có giảng thuyết giới luật, họ lược bỏ trước sau, không chịu nói ra hết. Nếu có đọc tụng kinh văn, họ không rành câu, chữ, không tìm hỏi bậc cao minh, tự mãn cầu danh, cho mình là phải. Tuy thế, bề ngoài họ cũng ra vẻ đạo đức, thường hay nói phô, để hy vọng mọi người cúng dường. Các Tỷ-khưu ma nầy sau khi chết sẽ bị đọa vào Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh trải qua nhiều kiếp. Khi đền tội xong, họ thác sanh làm người ở nơi biên địa, chỗ không có ngôi Tam-bảo.
Lúc Phật-pháp sắp diệt người nữ phần nhiều tinh tấn, ưa tu những công đức. Trái lại, người nam phần nhiều kém lòng tin tưởng, thường hay giải đãi khinh mạn. Không thích nghe pháp, không tu phước huệ. Khi thấy hàng Sa-môn thì rẻ rúng chê bai, xem như đất bụi. Lúc ấy, do nghiệp ác của chúng-sanh, mưa nắng không điều hòa, ngũ sắc hư hao, tàn tạ, bịnh dịch lưu hành, người chết vô số. Thời bấy giờ, hàng quan liêu phần nhiều khắc nghiệt tham ô, lớp dân chúng lại nhọc nhằn nghèo khổ, ai nấy đều mong cho có giặc loạn. Trong thế gian lúc ấy khó tìm được người lương thiện, còn kẻ ác thì nhiều như cát ở bãi biển, đạo đức suy đồi, chư thiên buồn thương rơi lệ.
Nầy A-Nan! Lúc đạo pháp ta sắp diệt, ngày đêm rút ngắn, con người đoản mệnh, nhiều kẻ mới bốn mươi tuổi, tóc trên đầu đã điểm bạc. Về phần người nam, bởi nhiều dâm dật nên hay yểu chết, trái lại người nữ sống lâu hơn. Lúc ấy có nhiều tai nạn nổi lên, như giặc cướp, bịnh tật, bão lụt. Nhơn dân hoặc không tin hiểu đó là nghiệp báo, hoặc vì sống quen trong cảnh ấy, xem như là việc thường.
Bấy giờ nếu có bậc Bồ-Tát, Bích-Chi, La-Hán dùng bi tâm ra giáo hóa, do nghiệp ác của chúng-sanh và sức ngoại ma xua đuổi, cũng ít ai đến dự pháp hội. Còn bậc tu hành chân chánh, phần nhiều ẩn cư nơi núi rừng xa vắng, giữ đời sống an vui đạm bạc, được chư thiên hộ trì. Khi nhơn thọ giảm còn 52 tuổi, áo cà-sa của hàng Sa-môn đổi thành sắc trắng. Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm và Bát-Chu-Tam-Muội tiêu diệt trước. Các kinh khác lần lần diệt sau, cho đến không còn văn tự.
Nầy A-Nan! Như ngọn đèn dầu trước khi sắp tắt, ánh đèn bỗng bừng sáng lên rồi lu mờ và mất hẳn. Đạo-pháp của ta đến lúc tiêu diệt cũng có tướng trạng như thế. Từ đó về sau trải qua ức triệu năm, mới có Phật Di-Lặc ra đời giáo hóa chúng-sanh”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xem thêm