Giáo sư Cao Huy Thuần - đóa sen trắng quê hương

Sinh thời khi định cư ở Pháp, giáo sư Cao Huy Thuần gửi nỗi lòng đau đáu nhớ quê hương qua trang sách đậm tinh thần Phật giáo và văn hóa Việt.

Hôm 8/7, người thân, giới văn chương, bạn đọc tiếc thương khi nghe tin giáo sư Cao Huy Thuần qua đời ở tuổi 87 tại Paris. Nhà báo Cao Huy Thọ trích lại những câu viết từ tản văn Giấc ngủ của giáo sư: ''Nhẹ nhàng với cuộc đời. Nhẹ nhàng trong ban ngày. Nhẹ nhàng trước khi ngủ. Thì ngủ''.

Theo giáo sư Huỳnh Như Phương, giáo sư Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca: ''Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà''.

Giáo sư Cao Huy Thuần - đóa sen trắng quê hương 1

Giáo sư Cao Huy Thuần.

Tinh thần xuyên suốt những cuốn sách của ông là ngợi ca văn hóa dân tộc và Phật giáo. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm được bạn đọc yêu mến như Thượng đế, Tôi và Ta, Tôn giáo và xã hội hiện đại, Nắng và hoa, Thấy Phật.

Trong cuốn Nhật ký sen trắng, tinh hoa Phật giáo được tác giả vận dụng để soi chiếu vào thực trạng đời sống, tìm lời giải đáp cho các vấn đề bức xúc của xã hội. Qua đó, ông khuyến khích bạn đọc nói lời hòa ái, thể hiện sự khoan dung. ''Hình thức tự sự của sách đan kết với những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, với những trang nhật ký, những lá thư, những đoạn văn đối thoại kéo người đọc về với thực tại'', giáo sư Huỳnh Như Phương nhận định.

Hay trong Nắng và hoa (2006), giáo sư mượn những triết lý đạo Phật để nói về các chuyện thường ngày của cuộc đời. Ông viết cho mọi gia đình, đủ lứa tuổi, đưa người đọc vào một thế giới thiền tự nhiên.

Hai tác phẩm Thấy Phật, Chuyện trò mang đặc trưng của giáo sư Cao Huy Thuần với các câu chuyện chắt lọc, có tính biểu tượng triết lý, cùng cách truyền đạt như "mũi dệt đưa những sợi tơ đan vào nhau, mảnh dẻ mà chắc chắn''. Nhà văn Trương Quý nhận thấy các chủ đề giáo sư chọn viết thường có độ khó cao, nhưng cách ông diễn giải lại thong thả, ung dung. Chẳng hạn khi nói đến loạt khái niệm Phật giáo, ông không ham trình bày kiểu ''sum suê cành lá'' mà điểm xuyết những ''trái quả'' dễ nhận diện, sau đó để người đọc tự khám phá, tìm ra điều bất ngờ.

 Sống ở Pháp nhiều năm, giáo sư luôn đau đáu hướng về quê hương. Trong lời văn của ông thường mang tâm tình gửi về đất nước. Ông từng nói: ''Người ở xa không chỉ tha thiết với bản sắc như một khái niệm trừu tượng. Người ở xa thấy mình ăn, mặc, thương, ghét, nói, cười với cái bản sắc ấy cụ thể như cái bóng đi theo cái hình''.

Là một Phật tử, ông thấu hiểu đạo Phật góp phần làm nên bản sắc Việt Nam. Trong diễn từ nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2017, ông khẳng định: ''Nếu Phật giáo suy vong, bản sắc của đất nước chúng ta cũng sẽ mất đi một điểm tựa, bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy bơ vơ''.

Giáo sư gửi đến bạn đọc, nhất là người trẻ các câu chuyện nhẹ nhàng nhưng chất chứa nỗi niềm của một người nặng lòng với những gì hệ trọng của nước nhà. Ông từng bộc bạch: ''Như một con én không để mất mùa xuân, tôi không muốn thấy đạo Phật của dân tộc tôi bị lão hóa với thời đại kim tiền, tôi muốn đạo Phật của tôi vẫn là nhựa sống của tuổi trẻ, của các bậc cha mẹ, của mọi gia đình. Nhựa ấy muôn đời vẫn thế, vẫn còn đấy, nhưng hãy làm cho nó chảy trong cành tươi".

Giáo sư Cao Huy Thuần - đóa sen trắng quê hương 2

Bìa sách ''Im lặng, như lời chia tay'' - tác phẩm cuối cùng của giáo sư Cao Huy Thuần - do công ty sách Khai Tâm phát hành tháng 12/2022. Ảnh: Khai Tâm

Những áng văn của giáo sư Cao Huy Thuần được đánh giá mang vẻ đẹp đặc trưng, không thể nhầm lẫn. Giáo sư Thái Kim Lan - người thân thiết với ông từ năm 1962, khi cùng tham gia các phong trào Phật giáo ở Huế - cho biết đọc hết tác phẩm, công trình nghiên cứu của ông, bà cảm nhận một giọng văn đẹp, dung dị, đi vào lòng người.

"Từng sự vật nhỏ bé như chiếc lá, sợi tơ, sợi tóc, cũng được ông nhìn nhận dưới góc nhìn sâu sắc, nhân văn. Ngoài viết văn, ông viết báo sắc sảo, chặt chẽ. Khi ông làm tổng thư ký báo Lập trường thời chống Mỹ, giới trí thức đổ xô mua và đọc", bà Kim Lan nói.

Khoảng năm 1964-1965, ông Cao Huy Thuần và bà Kim Lan lần lượt qua Pháp và Đức du học. Hai người đều là Phật tử xa xứ, đau đáu hướng về quê hương. Họ cùng thành lập hội sinh viên Phật tử ở châu Âu, Hà Nội. Suốt 60 năm qua, hai người giữ liên lạc, trò chuyện về văn chương, triết học, vấn đề xã hội trong nước và quốc tế.

Viết trong lời tựa cuốn Chuyện trò của giáo sư, nhà thơ Nguyễn Duy khẳng định ông Cao Huy Thuần ''có cái duyên tự nhiên, giọng văn mềm mại, dịu dàng, lời văn giản dị, trong sáng, khoáng hoạt mà chuẩn xác''.

Ở lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2017, nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận định mỗi trang viết của giáo sư Cao Huy Thuần đều chan chứa nỗi ưu tư về nhân sinh và thế cuộc, câu chữ ''lúc như thỏ thẻ, lúc như đùa bỡn, không hề lên giọng răn dạy, tạo sức thuyết phục nhẹ và sâu''.

Ông Huỳnh Như Phương nhớ lại thuở thiếu niên, ông từng "kết nối" với tuổi thanh niên bùng nổ của thế hệ Cao Huy Thuần qua sách báo hay những lời kể. Ông tìm đọc lại các bài báo của giáo sư trong mục Chén thuốc đắng trên báo Lập Trường, tiếp cận những lời sôi động, cuộn trào của người thuộc thế hệ đàn anh. Đến Nắng và hoa, Khi tựa gối khi cúi đầu... ông mới cảm nhận được sự đồng cảm trong văn chương với giáo sư.

Trong bài Hoa đào năm ngoái của cuốn Sợi tơ nhện, giáo sư Cao Huy Thuần viết: ''Hãy sống như thử bao giờ cũng là khoảnh khắc cuối cùng, và hãy yêu cuộc đời như một ân huệ tối thượng mà ta phải đền đáp bằng tất cả tốt đẹp, thánh thiện trong lòng". Tình yêu cuộc đời của ông giờ còn lưu lại trong những trang sách, tiếp tục nâng đỡ người đọc, giúp họ rèn luyện phẩm chất tốt đẹp, nhân văn.

Giáo sư Cao Huy Thuần sinh năm 1937 trong gia đình có truyền thống hiếu học tại Huế. Ông tốt nghiệp Đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), giảng dạy tại Đại học Huế (1962-1964).

Là trí thức yêu nước, ông Cao Huy Thuần xuất bản báo Lập Trường, tham gia tranh đấu trong sự kiện đàn áp Phật giáo năm 1963 tại Huế, từng là Phật tử tại chùa Từ Đàm. Năm 1964, ông du học Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris (1969), sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie, có nhiều công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp.

GS Cao Huy Thuần sinh năm 1937, mất ngày 7/7/2024, hưởng thọ 87 tuổi. Ông là một trí thức Phật giáo lớn, pháp danh Tâm Bồ, trong ý nghĩa "tâm Bồ-đề kiên cố". Theo chương trình tang lễ, lễ nhập quan, thọ tang của Giáo sư Cao Huy Thuần diễn ra lúc 8h45 thứ Hai, 15/7/2024, tại Funérarium de Ménilmontant, 7 Boulevard de Ménilmontant, 75011 Paris.

Lễ di quan lúc 9h30. Lễ cầu siêu, hỏa táng lúc 10h30 đến 11h30 cùng ngày, tại Père-Lachaise (Salle de la Coupole).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Quả báo đáng sợ của tà dâm

Nghiên cứu 16:00 18/03/2025

Tôi ân hận vô cùng, giá như ngày ấy tôi bản lĩnh để khước từ mọi cám dỗ thì sẽ không phải gánh hậu quả như ngày hôm nay. Chính tôi đã hủy hoại cuộc đời mình và vợ con. Tôi mong tất cả những người đàn ông đã và đang hoặc có ý định ngoại tình hãy tỉnh ngộ.

Giải thích Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn

Nghiên cứu 10:45 18/03/2025

Phẩm này thuộc về phần lưu thông Kinh Pháp Hoa, là để hoằng dương Diệu Pháp. Bởi vì Quán Âm hóa hiện 32 ứng hóa thân là đối với căn cơ chúng sanh mà thuyết pháp. Tùy bệnh mà cho thuốc, nghĩa là nên dùng thứ thân nào mà hóa độ được chúng sanh, tức liền hiện thân ấy mà nói Pháp.

Đức Quan Thế Âm Bồ tát đản sinh

Nghiên cứu 12:15 17/03/2025

Nhân ngày kỷ niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát (19/02) hiện thân ra đời cứu độ nhân sinh, nhiều người chưa biết nhiều về giáo lý của đạo Phật nhưng họ rất kính mộ tôn sùng lễ bái đức Quán Thế Âm Bồ Tát một cách thuần thành, cho nên hầu hết các chùa ở Á Đông và trên mảnh đất thân yêu này đều có hình tượng của ngài.

Niết-bàn trong tư tưởng Phật giáo: Giải thoát tuyệt đối hay sự chuyển hóa tâm thức?

Nghiên cứu 15:22 13/03/2025

Niết-bàn (Nirvāṇa) là một trong những khái niệm cốt lõi của Phật giáo, được xem là mục tiêu tối hậu của con đường tu tập.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo