Có phải Đạo Phật là yếm thế?
HỎI: Kính thưa Thầy! Người ta cho đạo Phật là yếm thế (tức là chán đời), an phận, thủ thường, thấy ai làm việc ác thì làm ngơ, vậy xin Thầy chỉ dạy?
ĐÁP: Người ta bảo Phật giáo yếm thế là sai, hiện giờ và xưa kia Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông đã và đang xây dựng những ngôi chùa đẹp đẽ, nó trở thành những kỳ quan của thế giới như chùa Đế Thiên Đế Thích. Phật giáo phát triển luôn luôn đã và đang tiếp tục làm việc từ thiện cứu trợ đồng bào bất hạnh, thiên tai hỏa hoạn, bão lụt, v.v.. Như vậy mà gọi là yếm thế hay sao? (Xem thêm Tự điển Phật học: Yếm thế).
Không có người tu sĩ Phật giáo nào bỏ đời trốn trong núi rừng, sống tiêu dao một mình thì mới gọi là yếm thế?
Không lẽ, thấy những người mới học Phật mới vào chùa tu hành chưa xong, còn đang ẩn bóng tu hành mà cho Phật giáo là yếm thế thì lại còn sai quá.
Muốn làm một bác sĩ để đem lại lợi ích cho đời thì phải học, trong lúc đang học có làm bác sĩ được hay không? Trong lúc đang học mà ra trị bệnh thì chỉ giết bệnh nhân hơn là cứu người.
Người tu sĩ Phật giáo cũng vậy, khi đang tu chưa xong mà ra giảng đạo dạy người tu hành, “làm Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh theo kiểu Đại Thừa” là giết người, không phải giết một người mà giết nhiều người; không phải giết một đời người mà giết nhiều đời người; không phải giết một thế hệ mà giết nhiều thế hệ của con người, v.v..
Hiện giờ, người ta đang giết người bằng gươm lưỡi, miệng đao. Đó là việc giới tu sĩ Phật giáo phát triển, tu hành chưa đến nơi, đến chốn, chỉ nhai lại đờm dãi của người xưa chẳng biết đúng sai, thuyết giảng lung tung, giới luật đạo đức thì sống chẳng ra gì, chỉ dùng ba tấc lưỡi lừa đảo những người khác, bằng cách lý luận hoặc bằng mọi hình thức mê tín, dị đoan, v.v.. nhưng luôn luôn tự vỗ ngực xưng tên mình là người tu hạnh Bồ Tát vừa tu vừa độ người như chiếc xe lớn (Đại Thừa), chỉ có Bồ Tát Đạo mới có đại hùng, đại lực, đại từ bi, mới có tâm nguyện độ chúng sanh rộng lớn như vậy. Cứ như kinh sách phát triển dạy thì họ đâu phải là kẻ yếm thế mà là đang nhập thế chứ. Đó là những tu sĩ Phật giáo phát triển đang nhập thế, nhập thế để chạy theo danh lợi, vì vậy họ phải mập béo, cường tráng để vào đời độ chúng sanh.
Hiện giờ quý vị chưa biết rõ mặt thật của những tu sĩ Phật giáo như thế nào, thì làm sao dám bảo là Phật giáo yếm thế. Khi Đức Phật nhập diệt, độ khoảng trăm năm sau, các bậc Thánh Tăng đều nhập diệt cả, chỉ còn lại những tu sĩ danh lợi chia phe nhóm (20 bộ phái) để tạo quyền thế, chiếm giữ danh lợi riêng tư, nên soạn viết kinh sách theo kiến giải riêng của mình, thường chạy theo dục lạc thế gian, nên phải đẻ ra Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh, làm tấm bình phong để che mắt mọi người, khiến không ai biết mình chạy theo dục lạc, những tu sĩ này thường dạy: “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, nghĩa là pháp Phật không lìa pháp thế gian, như vậy đâu thể gọi rằng đạo Phật yếm thế.
Phật giáo ra đời vì sự khổ đau của con người, ra đời để dẫn dắt mọi người thoát ra mọi sự khổ đau của kiếp làm người thì sao gọi là bỏ đời yếm thế? Phật giáo ra đời đem lại cho loài người một nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người thì sao gọi là Phật giáo yếm thế?
Những bậc chơn tu của Phật giáo đang âm thầm triển khai đạo đức nhân bản – nhân quả để loài người không còn tự làm khổ đau cho nhau nữa, để biến cảnh thế gian này thành cảnh Thiên Đàng, Cực Lạc và Niết Bàn trong cuộc sống này, như vậy sao lại gọi là đạo Phật yếm thế được?
Xin quý vị đừng nhìn vào một số tu sĩ tiêu cực của Phật giáo phát triển, dùng những thủ đoạn mê tín, gian xảo, lừa đảo người, để ngồi mát ăn bát vàng, mà cho Phật giáo là yếm thế thì rất tội cho Phật giáo.
Một tôn giáo như Phật giáo luôn luôn lúc nào cũng chỉ dùng sức tự lực để không làm khổ mình, khổ người thì không thể nào yếm thế cho được.
Chỉ có những tu sĩ Phật giáo phát triển thì cầu tha lực, luôn luôn dựa vào Tam Bảo, chư Phật, chư Bồ Tát, gia hộ cứu khổ, cứu nạn, v.v.. thì đó gọi là yếm thế thì chúng tôi cũng còn miễn cưỡng chấp nhận, chứ nói Phật giáo yếm thế thì chúng tôi không đồng ý.
Xưa, đức Phật đã dạy: “Thắng trăm trận không bằng thắng tâm mình, thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt”. Người chiến thắng tâm mình đâu phải là người yếm thế, phải từng chung sống với mọi người mà không làm khổ mình, khổ người thì mới là người chiến thắng tâm mình, Đạo Phật như vậy có giống như nhà thơ yếm thế Nguyễn Bỉnh Khiêm chăng?
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn xôn xao”.
Tinh thần đạo Phật thì không phải là tinh thần yếm thế như vậy, nên thường xông pha vào thế tục, lấy các đối tượng của thế gian mà tu tập tâm mình “ly dục, ly ác pháp”. Nếu bảo rằng, Phật giáo yếm thế vào nơi thanh vắng để cho yên thân của mình, tức là tránh cảnh thì làm sao gọi là ly dục, ly ác pháp.
Vả lại, giới luật của Đức Phật dạy đạo đức làm người rất rõ ràng và cụ thể. Những hành động đạo đức gần gũi và thiết thực cho đời sống của con người thì làm sao yếm thế mà dạy đạo đức này cho con người như vậy được? Một đạo đức từng dạy mọi người sống “không làm khổ mình, khổ người”, thì làm sao gọi là yếm thế?
Xin quý vị cứ suy ngẫm, đừng vội vàng cho đạo Phật là yếm thế thì đó là một sự suy tư chưa chín chắn, còn nông cạn. Chúng tôi xác quyết đạo Phật không bao giờ yếm thế. Người nào tu theo đạo Phật không đi khất thực, cứ ngồi ỳ trong thất (nhập thất), hoặc ở trong rừng sâu núi thẳm không theo hạnh Phật ngày xưa là người tu sai đạo Phật, là người yếm thế, chứ không phải đạo Phật yếm thế.
(Trích sách Đường về xứ Phật – Tập 8, NXB Tôn giáo – 2013, trang 232-237).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Phật giáo thường thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Ngồi thiền có bị vong nhập?
Phật giáo thường thức 17:45 02/11/2024Tôi có tham gia một khóa thiền 10 ngày. Trong thời gian ngồi thiền, có lúc tôi cảm thấy hơi thở của mình trở nên nặng nhọc, khó thở. Có lúc tôi thấy cơ thể mình có hiện tượng lắc lư nhẹ theo hướng ngả về trước hoặc sau. Xin hỏi, các hiện tượng đó xảy ra trong lúc ngồi thiền có bình thường không?
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Phật giáo thường thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Phật giáo thường thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Xem thêm