Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 21/10/2019, 15:09 PM

Con người chân thật

Kinh Phật Sở Thuyết, trang 382 Tiểu Bộ Kinh, tạng Pali, Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỳ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy 

Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi nên có sự trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.” Trong đoạn kinh này đức Phật xác nhận có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Vì có cái đó cho nên mới có xuất ly, tức là có giải thoát. Đức Phật xác nhận rõ ràng có cái không nói tên, nhưng chúng ta ngầm hiểu đó là con người chân thật của chúng ta.

Qua đến kinh điển Đại thừa, con người chân thật được nêu lên rất rõ ràng. Trong kinh Kim Cang, Phật nói kệ:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Dịch:

Nếu do sắc thấy ta

Do âm thanh cầu ta

Người ấy hành đạo tà

Không thể thấy Như Lai

Chữ “Ta” (ngã) trong bài kệ chỉ cái gì ? Nếu “Ta” chỉ hình tướng đức Phật khi còn tại thế ở Ấn Độ, thì hình tướng đó ngày nay không còn nữa. Nếu “Ta” chỉ cái khi đức Phật nhập Niết-bàn thì cũng không hợp lý. Chữ “Ta” chỉ cái ta mà mọi người sẵn có, cái ta đó còn gọi là Pháp thân hay Phật tánh.

Kinh điển Đại thừa nói cái thân hiện có của chúng ta là cái thân tạm bợ giả dối. Ngay trong cái thân tạm bợ giả dối này có cái chân thật bất sanh bất diệt, gọi là Pháp thân hay Phật tánh. Chữ “ngã” là chỉ cho pháp thân. Pháp thân không phải là sắc tướng; cho nên không do sắc mà thấy. Pháp thân không phải là âm thanh, cho nên không do âm thanh mà cầu. Sắc tướng âm thanh là tướng sanh diệt tạm bợ, nếu dùng sắc tướng âm thanh mà cầu gọi là hành đạo tà, không thể thấy được Pháp thân, cho nên nói không thể thấy Như Lai, Như Lai là chỉ cho Pháp thân. Kinh điển Đại thừa đã nêu lên cho chúng ta thấy mỗi người đều sẵn có Pháp thân.

Bài liên quan

Ngày xưa khi còn ở Phật học đường, chúng tôi thắc mắc không hiểu vì sao các nhà tạc tượng ở Việt Nam, khi tạc hình đức Phật lại giống người Việt Nam. Chẳng lẽ các vị ấy không biết đức Phật là người Ấn Độ hay sao ? Ở Trung Hoa cũng vậy, hình đức Phật giống người Trung Hoa, ở Nhật Bản thì giống người Nhật Bản...Vì sao các nhà điêu khắc lại tạc tượng như vậy ? Ngày nay khi học kỹ kinh điển Đại thừa rồi, chúng tôi mới biết tinh thần Đại thừa không chỉ thừa nhận đức Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như ở Ấn Độ, mà luôn luôn đề cao Phật pháp thân. Phật pháp thân là tánh giác mỗi người sẵn có. Dù ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, ai cũng có tánh giác như đức Phật ở Ấn Độ. Nếu khéo tu, khéo chuyển thì tất cả đều giác ngộ thành Phật như Ngài. Các nhà điêu khắc hiểu được lý này, nên tạc hình đức Phật giống như người của nước mình. Đó là để nói lên tinh thần Đại thừa, chỉ thấy Phật là Phật pháp thân. Phật pháp thân thì ở nơi nào cũng có, chớ không riêng ở quốc độ nào. Chỉ có người nhận được cái chân thật nơi mình ngoài âm thanh, ngoài sắc tướng, mới có thể thấy Như Lai, tức là Phật pháp thân.

Trong nhà thiền, con người chân thật còn được gọi là Bản lai diện mục hay ông chủ. Lục Tổ Huệ Năng khi nhận được y bát của Ngũ Tổ rồi, rời Huỳnh Mai ra đi. Có một đoàn người dẫn đầu là Thượng tọa Huệ Minh đuổi theo để đoạt lại y bát… Khi gặp Lục Tổ, Thượng tọa Minh thưa: Tôi đến đây vì cầu pháp, chớ không phải giành y bát. Lục Tổ bảo: Nếu muốn cầu pháp, ông hãy bình tĩnh lắng tâm nghe tôi hỏi. Thượng tọa Minh yên lặng giây lâu, Lục Tổ hỏi: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?” Ngay đó ngài Huệ Minh ngộ, nhận được bản lai diện mục, tức là bộ mặt sẵn có của mình từ xưa đến giờ.

Trung Hoa có Thiền sư Sư Ngạn thường ngồi tu trên tảng đá, ngồi một lát, thấy hơi lơ là, tự gọi: “Ông chủ !” Rồi ứng thanh: “Dạ !” Bèn bảo tiếp: “Tỉnh tỉnh, đừng bị người lừa nghe !” Lâu lâu Ngài tự gọi rồi tự đáp. Tu như vậy, về sau Ngài trở nên một Thiền sư nổi danh thời bấy giờ.

Danh từ ông chủ hay bản lai diện mục, trong nhà Thiền thường hay nhắc đến là để chỉ cái chân thật sẵn có nơi mọi người. Rất tiếc vì chúng ta không nhận thấy, hay vì quên nên không sống được với cái chân thật đó. Bởi thế đức Phật bảo chúng ta mê, mê là quên mình có con người chân thật, rồi đuổi theo, lo lắng cho con người tạm bợ giả dối, đến khi con người tạm bợ sắp tan rã lại hoảng sợ cuống cuồng lên, không biết rồi mình sẽ ra sao ? Ngộ là nhận được và hằng sống với cái chân thật ấy, đó là nguồn hạnh phúc vô cùng, nên gọi là Niết-bàn, an lạc, giải thoát.

Muốn biết được ông chủ hay con người chân thật quả là thiên nan vạn nan. Thiền sư Ngộ Ấn đời Lý ở Việt Nam, khi sắp tịch có bài kệ:

Diệu tánh hư vô bất khả phan,

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,

Liên phát lô trung thấp vị càn.

Dịch:

Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,

Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.

Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,

Lò lửa hoa sen nở thật xinh.

Bài liên quan

Trong lò lửa cháy hực, một đóa sen đang nở tươi thắm, điều đó có tin được hay không ? Thật là khó tin. Tuy khó tin mà có thật, mới là lạ chứ ! Thân chúng ta từ hình thức vật chất đến tinh thần, nghĩ suy tính toán đều luôn luôn sanh diệt đổi thay. Nhưng trong cái sanh diệt đổi thay đó, có cái chưa bao giờ sanh diệt đổi thay. Đức Phật ví cái đổi thay vô thường như là lửa, lửa đốt cháy làm sự vật phải tiêu mòn. Vì vô thường nên con người luôn luôn thay đổi không bao giờ dừng, từ trẻ đến già, từ già đến chết. Thân tâm đều vô thường. Trong cái vô thường đó, muốn tìm cái không vô thường rất khó, chẳng khác nào trong lò lửa mà có một đóa sen nở tươi thắm, không bao giờ bị khô héo. Điều này tuy khó tin mà có thật. Thấy được điều này thật là hãn hữu. Thấy được rồi, chúng ta không còn lo sợ vì trong cuộc sống vô thường còn có cái miên viễn không bao giờ mất. Thân này, cảnh này dù có mất đi, nhưng cái chân thật nơi chúng ta luôn luôn hiện hữu. Đối với sanh tử, các vị đạt đạo xem như trò chơi, chúng ta vì chưa thấy đạo nên khi thân này sắp tan hoại, lại lo sợ kinh hoàng. Lúc ấy nếu cho được sống thêm năm mười năm nữa, chúng ta vui mừng vô hạn. Còn trong vô thường, mất trong vô thường mà mừng sợ làm gì ? Có cái chưa bao giờ vô thường, chưa bao giờ mất, chúng ta lại không thấy. Vì thế cái không vô thường, không tan hoại được ví như viên ngọc quí trên ngọn núi đang cháy, lửa hừng hực mà ngọc vẫn tươi nhuần, cũng như hoa sen trong lò lửa mà vẫn tươi thắm. Hình ảnh trái ngược này, người thế gian không bao giờ tưởng tượng được, nhưng người tu Phật khi công phu viên mãn thì thấy rõ điều đó không nghi ngờ. Vì thế người tu còn gọi là người xuất thế gian, tức là người vượt qua sự tưởng tượng, sự nghĩ bàn của thế gian.Trong hai câu đầu của bài kệ, ngài Ngộ Ấn dạy chúng ta:

Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,

Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.

Tánh nhiệm mầu rỗng không, không thể vin theo hay nắm bắt được. Muốn ngộ được diệu tánh ấy, tâm mình phải rỗng rang, không còn những ý niệm lăng xăng dao động. Nhưng hiện nay tâm mình lúc nào cũng đầy tràn. Muốn tâm được rỗng rang, chúng ta phải buông hết đi, ném sạch hết đi, thì mới thấy cái chân thật rỗng rang đó.

Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,

Lò lửa hoa sen nở thật xinh.

Khi tâm mình được rỗng rang thanh tịnh rồi, chúng ta mới thấy ngay nơi thân vô thường này có cái chân thật không vô thường, giống như trong ngọn núi đang cháy có hòn ngọc tươi nhuần, trong lò lửa hừng hực có một đóa sen xinh tươi đang nở. Điều này rất khó tin nhưng có thật. Nếu chúng ta khéo tu, khéo ứng dụng thì sẽ thấy được, chắc chắn không nghi ngờ. Chính đức Phật đã sống với diệu tánh chân thật ấy nên Ngài ung dung tự tại trước mọi hoàn cảnh. Chư Tổ khi xưa cũng thấy được và sống được với cái chân thật đó, nên xem sanh tử như trò chơi, không có nghĩa lý gì.Ở Trung Hoa, Thiền sư Tỉnh Niệm khi sắp tịch nói kệ:

Bạch ngân thế giới kim sắc thân,

Tình dữ phi tình cộng nhất chân.

Minh ám tận thời câu bất chiếu,

Nhật luân ngọ hậu kiến toàn thân.

Dịch:

Thế giới bạch ngân thân sắc vàng,

Tình với phi tình một tánh chân.

Tối sáng hết rồi đều chẳng chiếu,

Vầng ô vừa xế thấy toàn thân.

Khi Ngài thấy được con người chân thật rồi thì cái thân vô thường bại hoại này có mất đi, chẳng qua như bọt nước dưới biển, tan ra rồi trở về biển chớ có mất mát gì đâu. Cho nên nói Vầng ô vừa xế thấy toàn thân là khi tịch, Ngài thấy được toàn thân chớ không có mất.

Ở Việt Nam, Thiền sư Liễu Quán có nói bài kệ:

Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc diệc dung thông.

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn man vấn tổ tông.

Dịch:

Hơn bảy mươi năm ở cõi trần,

Không không sắc sắc thảy dung thông.

Hôm nay nguyện mãn về quê cũ,

Nào phải bôn ba hỏi tổ tông.

Đối với Ngài khi thân này tan hoại, đó là lúc trở về quê cũ, không có gì mất mát, không có gì phải âu lo buồn khổ. Thấy đạo tức thấy mình có con người chân thật rồi thì sự sống chết chỉ là trò chơi không quan trọng, vì thế Ngài ra đi thảnh thơi tự tại, không sợ sệt.

Trở lại thực tế, như tôi là một phàm tăng, sanh trong thời mạt pháp, lại thêm phước mỏng nghiệp dầy. Nhưng trên đường tu với tâm cố gắng mãnh liệt, tôi vẫn tin rằng mình có con người chân thật, lòng tin của tôi kiên cố không chút nghi ngờ. Chúng tôi không nói vấn đề tu chứng chi cả, chỉ nói lòng tin vững chắc: Nơi tôi có con người chân thật.

Bài liên quan

Ngày trước tôi có mặc cảm là mình không đủ phước duyên như quí Hòa thượng đi tu từ thuở nhỏ, năm bảy tuổi, hay mười một mười hai tuổi. Đến năm ngoài hai mươi tuổi tôi mới xuất gia, kể ra là quá muộn rồi, thật là phước mỏng nghiệp dầy ! Khi vào chùa tôi được biết là mình tu nhằm thời mạt pháp, chắc không sao tiến nổi. Tu là để gieo duyên lành cho đời sau tiếp tục, chớ không có chút hy vọng gì tìm ra đạo lý cao siêu ! Các bậc Thầy Tổ của chúng tôi thường nhắc: “Mình sanh nhằm thời mạt pháp, thôi thì dùng lục tự Di-đà, niệm Phật rồi sau Phật rước về nước của Ngài. Qua được bên ấy, dù là hàng hạ sanh, hạ phẩm cũng còn vui hơn ở cõi Ta-bà đau khổ này.” Yên lòng như vậy, tôi không nghĩ gì hơn là cố gắng gieo chút duyên lành với Phật pháp.

Tuy nhiên tôi có thói quen là làm việc gì cũng không dám tự mãn. Dù Thầy Tổ có dạy như vậy, nhưng khi học kinh điển, thấy đức Phật do ngồi thiền mà thành đạo. Vì thế tôi mò mẫm cố làm sao thấy được điều Phật đã dạy. Rõ ràng đức Phật do ngồi thiền dưới cội Bồ-đề mà được giác ngộ, vì vậy noi gương Ngài, tôi tập ngồi thiền. Nhưng khổ nỗi, ai dạy mình ngồi, đọc sách nào đây? Tôi mới lục trong Tạng Kinh, đọc thêm các sách Thiền tông. Sao mà khó hiểu quá ! Nhưng tôi có niềm tin vững chắc đối với con đường mà Phật và chư Tổ đã đi. Thế nên tôi quyết chí tu thiền, mặc cho sự việc ra sao. Lấy bản thân mình làm thí nghiệm, sống được cũng tốt, mà chết đi cũng tốt. Sau đó khi bắt đầu thực hành, chúng tôi phải dọ dẫm lần hồi vì không có thầy bạn hướng dẫn. Nhờ hồng ân của Phật Tổ chúng tôi thấy được một chút đạo lý để giữ vững niềm tin mình có một con người chân thật. Và chúng tôi khẳng định điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Giả sử bây giờ có bao nhiêu lý luận hay thế mấy mà nói rằng không có con người chân thật, tôi vẫn lắc đầu không chấp nhận.

Tôi tự ví mình như Thiền sư Đại Mai Pháp Thường. Ngài Pháp Thường sau khi tham vấn Mã Tổ, về núi Đại Mai ẩn tu. Mã Tổ nghe tin Ngài ở núi mà không biết Ngài ngộ cái gì, nên sai một vị Tăng đến thăm dò. Vị Tăng đến hỏi:

- Ngài gặp Mã Tổ được cái gì mà về ở núi này ?

Ngài đáp:

- Tôi chỉ nghe Mã Tổ nói “tức tâm tức Phật”, nên về ở núi này.

Vị Tăng nói:

- Gần đây Mã Tổ lại nói “phi tâm phi Phật”.

Ngài nói:

- Ông già mê hoặc người, mặc ông nói “phi tâm phi Phật”, tôi chỉ biết “tức tâm tức Phật” thôi.

Vị Tăng trở về bạch lại Mã Tổ. Mã Tổ nói với đại chúng: - Trái Mai đã chín. Như vậy “chín” là sao ? Tức là được lòng tin không thối chuyển. Chính Mã Tổ là thầy của Ngài, đã nói “tức tâm tức Phật” mà bây giờ đổi lại “phi tâm phi Phật” nhưng Ngài vẫn cả quyết mặc ông già mê hoặc người, ta chỉ biết “tức tâm tức Phật”. Chính lòng tin đó khiến Ngài tu hành không thối chuyển.

Bài liên quan

Tuy chúng tôi tu không bằng ngài Đại Mai, nhưng cũng tin chắc rằng nơi mình có cái không sanh không diệt. Dù có ai nói gì đi nữa tôi vẫn khẳng định niềm tin này. Vì có con người chân thật đó chúng ta mới giải thoát, mới nhập Niết-bàn. Nếu không thì ai giải thoát ? Ai nhập Niết-bàn ? Cái chân thật nơi mình không phải là điều xa xôi huyền bí mà rất thực tế. Nếu chúng ta chịu khó dụng tâm nghiền ngẫm thì sẽ thấy được điều đó không nghi ngờ. Khi thấy được cái chân thật rồi, dù chúng ta chưa làm chủ thân này, chưa được tự tại trong sanh tử, song chúng ta không phải khổ đau khi mất nó. Riêng tôi, tuy chưa làm chủ được thân, nhưng tin chắc rằng mất thân này tôi không lo sợ. Và những ai có chí tu hành cũng đừng mặc cảm như tôi ngày trước, cho rằng mình sanh thời mạt pháp, phước mỏng nghiệp dầy... mà phải thấy rằng chúng ta còn có duyên với đạo, cho nên ngày nay mới phát tâm tu hành, mới được sự nhắc nhở của thầy bạn và đọc được bao nhiêu kinh sách của Phật, chưa phải chúng ta vô phần.

Ngày trước chúng tôi rất bi quan khi nghĩ rằng thời mạt pháp người tu không bao giờ có chứng đắc. Nhưng sau này học sử Phật giáo rồi, chúng tôi mới thấy không hẳn luôn luôn như vậy. Thời chánh pháp, khi đức Phật tại thế, vẫn có nhiều Tỳ-kheo thối Bồ-đề tâm vì không quyết chí tu hành. Còn tuy là thời mạt pháp mà nếu chúng ta quyết tử trên đường tu, thì cũng có thể tiến được. Vì thế chánh pháp hay mạt pháp là cốt ở tâm mình, nếu quyết chí tu hành thì thời mạt pháp coi như là thời chánh pháp, nếu không quyết chí tu hành thì ngay trong thời chánh pháp coi như là mạt pháp. Vậy chúng ta không nên có mặc cảm là mình đang sanh thời mạt pháp rồi thả trôi cuộc đời tu hành. Chúng ta phải nỗ lực tiến tu để có thể chuyển mạt pháp thành chánh pháp. Tinh thần của người tu là, dù sống trong thời buổi nào cũng phải cố gắng vươn lên, tu hành tinh tấn cho đến ngày công hạnh viên mãn. Như vậy, chúng tôi đã dẫn từ các kinh điển Nguyên thủy cho đến Đại thừa và Thiền tông, để quí vị thấy nơi chúng ta đều có sẵn con người chân thật, nếu quyết chí tu hành thì sẽ thấy được điều đó không nghi ngờ.

Trích "Tìm lại mình, biết được mình là trên hết"

HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm

Tư liệu 15:42 27/03/2024

Lần đầu tiên, những câu chuyện chưa kể về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh,TP.HCM) được Hòa thượng Thích Giác Toàn, vị Giáo phẩm Trụ trì nơi đây chia sẻ sau hơn 40 năm tôn tạo và tu sửa, về hạnh nguyện cao cả và sự mầu nhiệm của Bồ-tát giữa thế gian này.

Hoà thượng Quảng Khâm từng nói khi nào vãng sanh Ngài sẽ thị hiện bệnh tướng

Tư liệu 13:57 21/03/2024

Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng.

Thắp sáng hiện hữu

Tư liệu 10:04 19/03/2024

Đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn do Jo Confino thực hiện với Thầy tại thất Da Cóc, Sơn Hạ vào năm 2012. Lúc ấy Jo là phóng viên của báo The Guardian, Vương quốc Anh.

Tư tưởng Phật giáo về xây dựng hòa bình

Tư liệu 21:21 18/03/2024

Thời gian cứ dần trôi, lịch sử lần sang trang mới nhưng đạo Phật vẫn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đạo đức xã hội loài người. Giáo pháp của Ngài đã tạo một dấu ấn vàng son cho lịch sử nhân loại.

Xem thêm