Cụ bà 72 tuổi bắt ốc, hái rau nuôi mẹ già: “Tôi chỉ cần mẹ con có nhau”
Nhà nghèo và chỉ có 2 mẹ con, mỗi ngày, bà Đặng Thị Hai (72 tuổi) đi hái rau, bắt ốc bán lấy tiền chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già 95 tuổi. Theo bà Hai, bà không màng vất vả, chỉ sợ không lo chu toàn cho mẹ như cách mẹ đã từng lo cho mình.
Căn nhà của bà Hai nằm cuối đường nông thôn thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, H.Phong Điền (TP.Cần Thơ). Đường vào nhà bùn đất lầy lội, nhiều cây cối bao quanh nhưng khá dễ tìm, bởi bà Hai "nức tiếng" ở xóm nghèo về lòng hiếu thảo đối với mẹ già.
Khi chúng tôi đến nhà, bà Hai và cụ Nguyễn Thị Lót (95 tuổi, mẹ bà Hai) đang ăn bữa cơm sáng. Hai người phụ nữ tóc bạc trắng, miệng móm mém trò chuyện. Mâm cơm với chén muối tiêu, củ cải muối, tô canh bí và phần thịt kho đã nấu nhiều ngày trước.
Bà Hai lựa phần còn ngon nhất cho vào chén của mẹ. Cụ Lót mắt không còn nhìn rõ, tay run run nhưng trí nhớ minh mẫn, nói năng rành rọt. Hỏi cụ bí quyết giữ tuổi bách niên hiếm thấy, cụ vui vẻ trả lời "nhờ sự chăm sóc tận tình của con gái".
Bà Hai là người con duy nhất của cụ Lót. Năm 1968, cha bà đổ bệnh mất. Mới xong lớp 3 bà phải nghỉ học, lớn hơn một chút thì theo mẹ mưu sinh. Cụ Lót đi làm thuê, cấy lúa hết vùng này sang vùng khác. Thương cụ Lót đơn chiếc nuôi con, người thân khuyên đi thêm bước nữa nhưng cụ từ chối.
Khi bà Hai đến tuổi lấy chồng, nhiều trai tráng ngỏ lời. Cụ Lót cũng muốn con gái yên bề gia thất, không lẻ bóng như mình, nhưng thuyết phục mấy bà Hai cũng không chịu.
Cụ Lót kể: "Nó khóc hỏi tôi 'má gả con rồi má ở với ai, con bỏ má được sao'. Nó lo tôi một thân một mình, tuổi xế chiều không ai cận kề chăm sóc nên gạt bỏ hạnh phúc bản thân để sống cùng mẹ".
Lời Phật dạy sâu sắc về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ
Trước đây, mẹ con bà Hai được bên ngoại cho 3 công đất. Một phần làm ruộng, một phần trồng rau kiếm sống qua ngày. Rồi khu đất vào diện quy hoạch phải giải tỏa, bà được bồi thường 500 triệu đồng, vừa đủ để mua lại đất, cất lại nhà. Không còn kế sinh nhai, hằng ngày, bà Hai đi hái rau, bắt ốc kiếm tiền nuôi mẹ.
Hồi bà Hai còn khỏe, giá mỗi bó rau, mỗi ký chỉ có vài ngàn đồng nhưng một ngày bà có thể bỏ túi khoảng 100.000 đồng. Bây giờ, lưng còng, sức yếu nên số tiền kiếm được chẳng là bao. Với vài chục ngàn đồng, bà Hai mua ít đồ ăn, phần còn lại dành dụm lo thuốc thang cho mẹ già lúc đau ốm.
"Bà cụ ăn ít lắm, 10.000 đồng thịt ăn mấy ngày mới hết. Cụ dễ tính, không đòi hỏi này kia. Gần đây mưa gió, tôi không đi hái rau bán được, cụ bảo chỉ thích ăn cơm với muối tiêu, xoài chín", bà Hai tâm sự.
Hằng ngày, bà Hai dọn dẹp nhà cửa, lau dọn phần mộ ông bà trước sân. Cụ Lót thức thì bà vào pha sữa, tắm rửa cho mẹ, nấu cơm, giặt giũ quần áo.
Buổi trưa, bà Hai dìu mẹ đi nghỉ ở chiếc giường sau nhà, ngồi trò chuyện và quạt mát đến khi cụ Lót chìm vào giấc ngủ mới thôi. Khi mẹ ngủ say, bà Hai cắp nón lá, xách rổ đi bắt ốc, hái rau. Mỗi ngày, bà đều ngồi ngoáy trầu cùng mẹ, nghe kể những chuyện xưa. Buổi tối, bà Hai khẽ khàng đắp chăn cho cụ Lót như một thói quen khó bỏ suốt 20 năm qua.
Có hiếu với mẹ cha tức là kính Phật
Cuộc sống giản dị, bình yên cứ thế trôi đi trong căn nhà nhỏ. Bữa cơm với hai mẹ con bà Hai dù thiếu thốn song vẫn thấy vui. Theo bà Hai, bà không màng vất vả, chỉ sợ không lo chu toàn cho mẹ như cách mẹ đã từng lo cho mình.
Thỉnh thoảng, những người cháu tề tựu về nhà bà Hai thăm hỏi, vui chơi và cho ít tiền. Gần đây, cũng có người gợi ý đưa hai mẹ con vào nhà chung nuôi dưỡng nhưng bà Hai từ chối. "Ngoài hái rau, mỗi tháng tôi còn bán dừa, nhận tiền người cao tuổi của mẹ. Chúng tôi đâu có tiêu xài nhiều, chỉ mua thuốc thang với cơm gạo. Tôi chỉ cần mẹ con có nhau, mỗi ngày nhang khói cho ông bà để căn nhà luôn ấm cúng là niềm vui lúc già rồi", bà Hai bộc bạch.
Mặc dù tuổi cao nhưng cách bà Hai chăm sóc từng li từng tí cho mẹ già 95 tuổi khiến bà con trong xóm trân trọng, cảm phục. Bà là tấm gương để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, nghĩ nhiều về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.
Trong Khế kinh, Phật đã dạy: “Hiếu hạnh đứng đầu trăm hạnh tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa sinh, hiếu cảm đến người thì mọi phúc tăng trưởng”.
Là đệ tử Phật, với nhận thức sâu sắc về công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ vô bờ bến, chúng ta phải thể hiện thành việc vui vẻ phụng dưỡng cha mẹ. Chăm lo cho cha mẹ bằng tất cả niềm thương yêu tôn kính mới thể hiện đúng nghĩa hiếu hạnh theo tinh thần Phật dạy.
Đối với những người con vì hoàn cảnh phải sống xa cha mẹ, không được trực tiếp chăm sóc cha mẹ, thì cũng phải có tâm hiếu là nhớ nghĩ đến cha mẹ và phụng dưỡng cha mẹ bằng tiền bạc, chỗ ở, thuốc men, chăm sóc tinh thần cho cha mẹ.
Nếu cha mẹ còn hiện tiền, chúng ta nên tìm cách cho cha mẹ được quy y Tam bảo, kính tín Tam bảo là chúng ta đã giúp cho cha mẹ thoát khỏi ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ngoài ra, cha mẹ đã quy y Tam bảo, chúng ta nên thường xuyên nhắc nhở cha mẹ không làm việc ác, tạo điều kiện cho cha mẹ làm việc thiện, nhất là hỗ trợ cha mẹ trong việc thường xuyên nghe pháp, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm