Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 08/08/2016, 10:20 AM

“Cúng cô hồn” nhìn từ cửa sổ xã hội

Như vậy có thể thấy, việc “cúng cô hồn” mang tính xã hội rất lớn, kết nối được tình thương giữa người và người, giữa hai bờ sống chết. Kiến tạo nên tình đoàn kết nhằm hướng đến một cuộc sống hoàn mỹ và hoàn thiện hơn. Vậy chớ nên đem cái nhận thức hạn hẹp, biên kiến của mình để đánh giá ý nghĩa cao đẹp của tập tục “cúng cô hồn” ấy của người dân Việt chúng ta.

                                                                                 Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
                                                                           Tháng bảy ngày rằm  xá tội vong nhân. (ca dao)

Trước đây, nhớ mùa Vu lan 2548, khi nhận lời viết bài cho một tạp chí Phật giáo, vị thầy tổng biên tập có yêu cầu tôi là làm sao đừng nói những điều người khác đã thường hay nói hoặc những việc quá cũ để tránh bị trùng lắp, được nhắc đi nhắc lại nhiểu lần, đã trở thành điệp khúc muôn thưở. Nó giống như căn bệnh cố hữu của không ít vị thầy là hay giảng những gì mình thích mà người khác đã biết, dù bản thân không phải là một giảng sư! Tôi chỉ ậm ừ cho qua vì biết chắc chắn rằng tôi sẽ vẫn phải làm như thế! Không phải không có đề tài để viết, nhưng tự trong thâm tâm vẫn cứ thấy những vấn đề mình sẽ nêu ra đây đúng là rất cũ, nhưng cuộc sống bên ngoài cửa sổ xã hội kia, khi bước ra nhìn chung quanh vẫn cuồn cuộn những điều tuy rất cũ ấy với cái nhìn có quán xét tư lương, thì nó lại rất mới, mới liên tục như trong mỗi tế bào thân thể chúng ta từng sát na thay đổi biết bao lần. Vì vậy bài viết này vẫn không đi ngoài cơn lốc ấy, có nghĩa vẫn sẽ là một  chuyện rất... cũ!

Có một thời gian dài, các phương tiện truyền thông tuyên truyền lên án việc “cúng cô hồn” với rất nhiều lý do mang nặng căn bệnh thiên kiến. Người ta dựa vào hình thức cúng trong dân gian gọi là “cúng giựt dàn”, “cúng cô hồn” hay “cúng rằm tháng bảy” v...v… rồi thảy tiền cho trẻ con lượm, hoặc tranh nhau giựt đồ cúng. Thế mới là “cúng cô hồn”! Đó là lý do để kích bác; nào là khinh miệt trẻ em (ý nói nghèo đói phài giành giựt mà ăn) và những thức ăn như khoai, bắp, cóc, đậu, mía, bánh bò... bị rơi vãi trong quá trình “giựt” ấy thì cho rằng lãng phí và khi không xem trọng của cải xã hội của người làm ra nó! v...v... và v…v...
 
Chúng ta không trách họ sao chẳng tìm hiểu tường tận ý nghĩa “cái sự cúng kỳ lạ” ấy và tại sao cá nhân, nhà nhà, tất nhiên cũng không thiếu các cơ quan xí nghiệp, nhà máy (ban đầu phần đông ở lãnh vực tư nhân) cũng đâu phải cúng như vậy, nếu có điều kiện. Nhưng chúng ta tiếc cho họ là tại sao ngay lúc chứng kiến những cảnh tượng “trái tai gai mắt” ấy mà không dừng lại, vào thẳng nhà  người cúng, ngăn cản lại và hỏi tại sao phải cúng như vậy?

Còn nữa, đã nhà nhà, người người cúng cô hồn, mà mỗi chợ, mỗi xóm ấp thậm chí mỗi bác tài xế lái xe cũng đều làm như thế mỗi khi đến rằm tháng bảy hàng năm? Không ai bắt buộc ai phải cúng, người có tiền thì có mâm cúng đầy đủ, người eo hẹp thì một vài cái bánh, chén cháo loãng trước sân nhà cũng ấm lòng nghĩa tình mùa mưa ngâu tháng bảy.

Như vậy, “cái sự cúng kỳ lạ” ấy nghiễm nhiên đã trở thành tập quán cộng đồng nằm trong một góc văn hóa sống của người Việt từ ngàn xưa. Có người lấy làm khó chịu trước việc này mà trách móc tại sao cúng cô hồn, sao không cúng ở chùa, đình làng mà lại cúng ở chợ, ở cơ quan, xí nghiệp và cả các nhà dân, từng khu xóm ấp! 

Nhớ xưa kia, có một lễ hội mang tên “Đổ Giàn” của làng võ An Thái, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định, ngày nay đã được các cấp chính quyền sở tại cho phục dựng và tổ chức lại hằng năm nhân ngày rằm tháng bảy âm lịch. Chính câu ca dao xưa đã thôi thúc trách nhiệm tỉnh Bình Định cho phục hồi lễ hội độc đáo này:

                   Đồn rằng An Thái, Chùa Bà
                  Làm chay, hát bội đông đà quá đông
                  Đàn bà cho chí đàn ông
                 Xem xong “ba ngọ”(*) lại trông đỗ giàn.

Tự hào về vùng đất võ An Nhơn của mình (Trai An Nhơn, gái An Vinh) hoặc (Roi Thuận Truyền, Quyền An Thái) nên có bên cạnh một lễ hội “Đỗ Giàn” như vậy càng mang thêm ý nghĩa giàu truyền thống nhân văn, trong đó ngoài tiêu chí tưởng nhớ công ơn các bậc tiền hiền, giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn cho mai sau, còn có thêm ý nghĩa thắt chặt thêm những mối tương duyên, gắn kết nghĩa tình keo sơn như nhất với nhau.
 
Tất nhiên có được như vậy là  nhờ vào tinh thần hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam đã từng bước thắm đượm vào lối sống, cách sống xã hội, nhưng bài viết này xin không nói nhiều đến ý nghĩa rằm tháng bảy hay tục lệ “cúng cô hồn” có liên quan hay ảnh hưởng tinh thần nhà Phật như thế nào, mà chỉ muốn nhấn mạnh việc ”cúng cô hồn” đã trở thành tập tục - lễ hội dân gian, mang tính xã hội rất cao và như thế đã trở thành tài sản “|phi vật thể” quý giá của dân tộc từ rất lâu đời. Chính yếu tố cộng đồng này mà “cúng cô hồn” phải cúng ở những nơi công cộng, bên vệ đường, bến sông, đầu chợ v...v… và nếu ở tư gia thì nhất thiết phải là ở trước sân. Hướng đến thế giới của người đã mất, để tưởng nhớ và chia sớt ấm lạnh cho họ đó là tinh thần Đại Hùng Lực, Đại Từ Bi to lớn. 

Trong thế giới người đã mất ấy vì nghiệp dĩ vươn mang, khó siêu thoát nên còn vất vưởng đó đây, chờ ngày giờ thọ nghiệp nên mới gọi là “cô hồn” hoặc “oan hồn uổng tử” hay“cô hồn các đản”. Oai linh chư Phật, Bồ Tát hay những Long Thần Hộ Pháp khiến những cô hồn này rất sợ không dám đến gần con người; do đó Bồ Tát Quán Thế Âm dùng hiện thân Đại Sĩ của mình thành Tiêu Diện để thống lĩnh họ trên bước đường vất vưởng nhân ngày “xá tội vong nhân” hằng năm, tiếp nhận từ tấm lòng Từ Bi nơi con người một giọt nước giải oan, một vật thí ăn cho đỡ lòng tháng ngày vất vưởng.

Đến đây, có một điều không thể không nhắc đến là việc “cúng cô hồn “ như vậy họ có ăn được hay không! Trước hết, có lẽ chúng ta nên nhấn mạnh đến tinh thần của thế giới Hoa Nghiêm là hãy nhìn và hiểu trong nhận thức chớ không nên bị mê mờ trong nhận định theo chiều hướng thực dụng đơn điệu. Bởi vì chỉ có cụm từ “cúng có ăn được không” đã ghì chặt tư duy, quanh quẩn miệng chén của quan niệm thực dụng tội nghiệp, khó có cơ hội thoát ra, ghì chặt vỏ bọc vô minh khó có cơ hội thoát ra. Nhớ lại từ hơn hai trăm năm trước, khi đất nước ta  nghiêng ngửa bởi ách nô vong, văn hóa và bản sắc dân tộc đôi phen đứng bên bờ hủy họai bởi làn sóng thực dụng, duy ý chí của phương diện vật lý xâm lấn. Con người muốn bay khỏi mặt đất phải gắn vào lưng đôi cánh của loài điểu thú. Vì bị đè nặng như vậy cho nên khó có thể hiểu được nhân vật Tôn Ngộ Không của cụ Ngô Thừa Ân (1500(?) - 1581) với 72 phép thần thông đi mây về gió  như thế nào chứ chưa nói đến nhiều chuyện ẩn dụ khác! Ông Bụt trong cổ tích, cô tiên trong kho tàng văn học cổ Việt Nam, hay những con người có sức mạnh thần thánh, bay về trời v...v... có ai bay lên khỏi mặt đất mà phải gắn đôi cánh chim bao giờ? 

Chính lối nhìn và hiểu bằng cặp mắt thực dụng nông cạn như vậy đã đẩy con người xa rời nguồn gốc, tổ tiên, xem thường nơi mình cắt rốn chôn nhau, thậm chí dễ dàng phản bội non sông đất nước, đến mức không còn biết phân biệt phải trái. Câu ca dao xưa ông bà mình lên án thành phần bất hiếu, vô nghĩa với mẹ cha cũng vì vậy mà bị hiểu theo tinh thần thực dụng, nghèo nhận thức rất đáng thương “Sống thời chẵng chịu cho ăn/Chết thời cúng tế làm văn tế ruồi”! Để rồi có lẽ chính những lối “suy tư” lệch lạc này cứ ngày càng bổ sung vào đội ngũ “oan hồn uổng tử” để ngày rằm tháng bày, “cúng cô hồn” hàng năm mãi còn? 

Chúng ta đừng quên ở phương Tây, cũng có lễ hội Halloween (All Hollows’ Eve) diễn ra cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch hằng năm. Một lễ hội nặng  về Gia Tô giáo. Theo Wikipedia thì đây là tam nhật mùa các thánh (Allhallowtide) mùa tưởng nhớ các thánh và các tín dồ Gia tô tử đạo. Việc hóa trang đeo mặt nạ để trêu chọc và thách đố thần chết. Bên cạnh đó việc hóa trang mặt nạ chủ yếu dành cho các em bé thiếu nhi đến gõ cửa từng nhà xin thức ăn, kèn trống, lo ó náo động suốt đêm, một hình thức mang rất đậm dáng dấp của một loại “cô hồn” ở phương Đông mà chúng ta đang nói đến, người có óc khôi hài  thì chỉ đích danh đó là “cô hồn sống”! 

Trong thế giới của nhận thức, chuyện cúng có ăn được hay không, không thành vấn đề bận tâm, có chăng là kiến tạo được tinh thần Từ bi, lòng tương thân tương ái cao độ, vượt qua biên giới của sự sống chết, làm biên độ giáo dục vững chắc cho chính xã hội đương thời. Nhiều bậc giảng sư ngày trước đã chỉ rõ cho chúng ta thấy Từ bi khác với Bái Ái hay Tình Thương như thế nào. Nói dễ hiểu là Từ bi được ví như ánh sáng mặt trời rọi chiếu khắp nơi, không phân biệt hèn sang, giàu nghèo. Còn Bác ái chỉ là ngọn đèn phin nằm trong tay tham muốn đối tượng, mục đích của người sử dụng. Đó là Ái Kiến không hơn không kém. Vì thế hai từ Từ Bi hiện nay đã được sử dụng rộng rãi, không còn là của riêng Phật giáo, nhiều nơi khác đã dùng chữ Từ Bi, chọn ánh sáng mặt trời thay vì ánh đèn pin nhỏ mọn và ích kỷ.

Ở trong mỗi ngôi chùa thì không đợi đến rằm tháng bảy mới “cúng cô hồn” mà mỗi ngày vào buổi xế chiều đều có các thời cúng thí thực đều đặn. Lớn hơn thì trong các ngày lễ lớn quan trọng còn có lễ Trai Đàn Chẩn tế quy mô. Các nghi thức Phật giáo mỗi vùng miền có khác nhau nhưng tựu trung vẫn là dựa vào oai thấn Tiêu Diện Đại Sỉ, triệu thỉnh các vong linh để mong cầu giải thoát cho tất cả. Đến với những buổi lễ này, chúng ta dễ dàng cảm nhận giữa hai cõi Âm - Dương bến bờ nào có bao xa! Cũng có thể, qua đó, đôi khi chính mình nhầm lẫn giữa ta và “cô hồn” ai là ai! Và cũng ở đó bạn sẽ hiểu thêm câu thơ trong văn tế thập loại chúng sanh của cụ Tiên điền Nguyễn Du ( 1766 - 1820 ) có đoạn: “Ai đến đây dưới trên ngồi lại/ Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu/ Phép thiêng biến ít thành nhiều/ Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh…” Rất trùng hợp với ý thơ triết lý của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861 - 1941) “Trong sự sống thì nhiều biến thành một/ Trong cái chết thì một biến thành nhiều”.

Như vậy có thể thấy, việc “cúng cô hồn” mang tính xã hội rất lớn, kết nối được tình thương giữa người và người, giữa hai bờ sống chết. Kiến tạo nên tình đoàn kết nhằm hướng đến một cuộc sống hoàn mỹ và hoàn thiện hơn. Vậy chớ nên đem cái nhận thức hạn hẹp, biên kiến của mình để đánh giá ý nghĩa cao đẹp của tập tục “cúng cô hồn” ấy của người dân Việt chúng ta. 

Ở một góc hẹp khác của mặt bằng xã hội, có những sự thật trần trụi như muốn vỗ đôm đốp vào mặt chúng ta buộc phải nhìn và suy ngẫm, cho dù có muốn tin là sự thật hay không. Trong cuộc thi viết mang tên “Sài gòn - TP.Hồ Chí Minh Kỷ Niệm Không Quên” do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2005, anh Thiện Nhân, một nhân chứng sống của cát bụi lầm than giữa đất Sài gòn ngày lang bạt cơ nhỡ, đã có bài viết mang tên cộc lốc “Cúng Cô Hồn”, bài đã đạt giải khuyến khích và đăng trên báo này ngày 02/03/2005. Nội dung bài viết ấy tác giả kể về tháng ngày đói khổ, tìm sự sống mà mùa “cúng cô hồn” hàng năm giúp anh no đủ nửa tháng (“cúng cô hồn” ở tư gia chỉ được bắt đầu từ sau ngày rằm tháng bảy âm lịch cho đến hết tháng). Hết nhà này tới nhà khác, anh và đám bạn lang thang no đủ “nhờ  những vật phẩm “cúng cô hồn “ ấy giữa đất Sài thành hoa lệ này. Sau này khi vượt khó vươn lên, có cuộc sống đủ đầy, hằng năm anh vẫn “cúng cô hồn” ngay trước cửa nhà mình và bố thí lương thực cho người nghèo như để nhớ ơn năm xưa chính những khúc mía, bánh tép, bánh quy, đậu phộng “cúng cô hồn” giúp anh no lòng đỡ dạ của những người  Sài gòn năm xưa.

Dòng sau cùng bài dự thi, anh Thiện Nhân viết: “Giờ đây, mỗi năm cứ đến mùa Vu Lan, lẫn trong hương khói tôi như thấy cha mẹ mình hiện về. Cảm thương cho những thân phận cơ nhỡ. Người Sài gòn luôn nhớ “cúng cô hồn” cho trẻ con được bữa ăn ngon. Tôi cũng bày biện cúng mà nghe mặn đắng trên môi dòng nước mắt hôm nào kiếm ăn giữa xứ người. Sài gòn không không thiếu những tấm lòng, có khi chỉ qua vài cái bánh trên mâm cúng như một thói lệ xa xưa còn truyền lại”.

Trên mặt bằng xã hội, thử một lần đặt chân bước xuống, chúng ta sẽ chạm phải vô số vấn đề, có vấn đề tuy tầm thường nhưng lắm lúc chúng ta sai lầm trong cách nhìn và hiểu (Kiến Hoặc) mà nếu không được lý giải thì sẽ giữ mãi cái sai lầm đó (Tư Hoặc) là điều cũng dễ thấy.

Vâng! Vấn đề “Cúng Cô Hồn”.

(*) Ba đêm hát Bội.

Dương Kinh Thành
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm