Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 21/04/2016, 08:39 AM

Cung thỉnh nhục thân Thiền sư U Pandita Sayādaw về Myanmar

Thiền sư U Pandita Sayādaw đã an nhiên thu thần viên tịch tại Bang Kok, Thái Lan vào lúc 18 giờ 05 phút hôm thứ Bảy, ngày 16/04/2016 (10/03/Bính Thân). Hưởng thọ 95 tuổi. 

Nhục thân của Ngài sẽ cung thỉnh về thành phố Yangon, Myanmar hôm Chủ nhật, 17/04/2016, đã được cung nghinh tại sân bay bởi Tin Oo, do cư sĩ Phyo Min Thein, Bộ trưởng Yangon, một thành viên cao cấp của đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) làm Trưởng đoàn.

Cử hành tang lễ cho đến khoảng 13 giờ ngày 20/04/2016, sau đó di quan đến các Trung tâm Thiền của Ngài, Trà tỳ Hỏa táng vào ngày 22/04/2016 tại một khu rừng, Trung tâm Thiền Lâm Panditarāma.

Thiền sư U Pandita Sayādaw, vị cao Tăng thạc đức tôn kính, Ngài được đánh giá cao là một học giả Pali Phật giáo, một Thiền sư nổi tiếng thế giới, vị thầy tâm linh của nữ cư sĩ  Daw Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), Cố vấn Tổng thống quốc gia Myanmar.

Một cư sĩ tiết lộ rằng Thiền sư U Pandita Sayādaw xem nữ cư sĩ  Daw Aung San Suu Kyi như con gái của mình.
 
Tiểu sử
Thiền sư U Pandita Sayādaw
(1921-2016)

Thiền sư U Pandita Sayādaw sinh ngày 29 tháng 07 năm 1921 (25/06/Tân Dậu) tại thôn Swebosu, làng Tadahgalay, thị trấn Insein, Myanmar. Song thân của Ngài là Cụ ông U Hpe và bà Daw Chit Su. Ngài là con thứ 9 trong 10 người con trong gia đình.

Đất Bồ đề vun đắp nhiều đời, Hoa Bát Nhã ươm nhiều kiếp, nhân duyên Phật pháp sâu dày, Ngài đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng U Jagara xin thế phát xuất gia tại tu viện Kocheh Village Monastery thuộc tỉnh Pegu,  một ngôi tự viện miền quê xa xôi hẻo lánh.  Nơi đây, Ngài  học lớp Phật Pháp dành cho thiếu nhi. Ngài đậu hai kỳ thi sơ cấp và trung cấp của chương trình Phật Học.

Năm 12 tuổi, Ngài được Hòa thượng Bổn sư U Jagara truyền thụ Sadi. Năm 20 tuổi, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thụ Tỳ kheo giới với Trưởng lão Hòa thượng Kelasmhay Thera, trụ trì tu viện Mahabodhi Forest Monastery, Monastery làng Kyauktan Village, tỉnh Pegu.

Năm 1946, Ngài đậu kỳ thi Patama Pan Pali bậc Trung cấp tiêu chuẩn được chính quyền Myanmar tổ chức lần đầu tiên. Một năm sau, Ngài đậu luôn kỳ thi Phật Pháp cao cấp.

Năm 1948, Ngài đến Tu viện New Mahavisuddhyone Monastery đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng U Siyatathera xin thụ giáo tu học. Năm 1949, Ngài đậu kỳ thi Pháp Sư (Dhammacariya) và năm 1952 kỳ thi Cetiyanganaparigiyatti do chính phủ Miến điện tổ chức. Ngài được trao danh hiệu Vibhamsa.
 
Sau đó, Ngài nhận làm Giáo thụ giảng dạy Giáo Pháp toàn thời gian cho tu viện New Shwegyin Monastery. Trong thời gian giảng dạy. Đại hội kết tập Pháp tạng lần thứ 6 được tổ chức tại Myanmar, cách lần kết tập Pháp tạng thứ 5 đúng 83 năm. Phật giáo Myanmar vốn được Chính phủ tán trợ, đã long trọng cử hành đại hội kết tập Tam tạng lần thứ 6 vào dịp đại lễ Phật Đản, nhằm ngày 17 tháng 05 (Visàkha Day), năm 1954, Ngài đã tham dự sự kiện này và Công việc của Ngài là phụ trách phần tổ chức và hiệu đính phần Phạn ngữ Pali. (Đại hội kết tập pháp tạng lần này được tổ chức tại Miến Điện, cách lần kết tập pháp tạng thứ 5 đúng 83 năm. Phật giáo Miến Điện vốn được Chính phủ tán trợ, đã long trọng cử hành đại hội kết tập Tam tạng lần thứ 6 vào dịp đại lễ Phật Đản, nhằm ngày 17 tháng 5 (Visàkha Day), năm 1954).

Kể từ năm 950, Ngài nhận thức rằng Phật Pháp sẽ trường tồn nếu pháp học được đi đôi với pháp hành. Ngài đến học thiền tại Thiền Viện Yangon Sasama Yeiktha hay còn gọi là Thiền Viện Mahasi Sasana Yeiktha (Mahasi Sasana Yeiktha Meditation Centre), Yangon, Myanmar, do Thiền sư Mahasi Sayadaw (1904-1982) sáng lập. Ngài học Thiền Minh Sát dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thiền sư Ashin Vicara. Năm 1955, Ngài rời công việc giảng dạy Giáo Pháp và chú tâm vào việc hành thiền và được Thiền Sư Mahasi Sayadaw Mahasi giao cho nhiều trách nhiệm tại Thiền Viện Mahasi Sasana Yeiktha.

Đầu Xuân năm 1959, vào tháng Giêng Ngài tháp tùng Thiền sư Mahasi Sayadaw sang Sri Lanka và trụ lại Quốc gia Phật giáo này thời gian 3 năm để góp phần Hoằng pháp và giúp thiết lập chi nhánh Thiền Viện Mahasi Sasana Yeiktha tại Sri Lanka. Năm 1961, về lại cố hương Yangon, Ngài tinh tấn Thiền định dưới sự truyền dạy trực tiếp của Thiền sư Mahasi Sayadaw. Sau đó, Ngài phụ tá Thiền sư Mahasi Sayadaw để hướng dẫn Thiền sinh tu tập. Từ đó Ngài được trãi nghiệm trong tu tập trong cả pháp học lẫn pháp hành và đã trở thành một trong những vị thiền sư lỗi lạc nhất theo truyền thống Mahasi Sayadaw. 

Ngài phụ trách hướng dẫn sự tu tập cho chư Tăng và nữ tu tại các Trung tâm Thiền Phật giáo Nguyên Thủy như Thiền Viện Mahasi Sasana Yeiktha, Yangon, Moulmein, và Mandalay. Được sự Tín nhiệm của chư tôn đức Tăng già và chúng Phật tử suy tôn Ngài ngôi vị Thiền Sư Trưởng (Ovadacariya) Thiền Viện Mahasi Sasana Yeiktha (Mahasi Sasana Yeiktha Meditation Centre) vào ngày 22/08/1082, để tiếp tục Trụ trì Thiền viện Mahasi Sasana Yeiktha sau khi Thiền sư Mahasi Sayadaw viên tịch.

Nơi đây Ngài dạy những bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ. Những lời dạy của Ngài, rút tỉa từ trên sáu mươi năm kinh nghiệm bản thân trong đời sống tự viện, thật rất đơn giản và cụ thể rõ ràng, thích hợp với cả hai hạng thiền sinh, hàng sơ cơ và những vị đã tiến bộ thâm sâu.

Năm 1984, nhận thấy nhân duyên xuất dương hải ngoại hoằng pháp lợi sinh được thuận lợi, Ngài bắt đầu chuyến vân du đó đây trên thế giới như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Malaysia để hướng dẫn pháp hành Thiền Phật giáo Nguyên Thủy tại các Quốc gia này.

Năm 1985, Ngài tiếp tục sứ mạng Như Lai sứ giả tại các Quốc gia Nepal, Australia.

Năm 1986, lần thứ hai Ngài sang Hoa Kỳ theo lời mời của tổ chức Buddha Sasana Foundation để hướng dẫn khóa thiền Tứ Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát tại Yucca Valley, Califomia. Ngài đến hướng dẫn thiền cho nhóm thiền tiền thân của Như Lai Thiền Viện lần đầu tiên vào năm 1989 trong một khóa thiền được tổ chức tại tu viện Tuangpulu Monastery ở Santa Cruz, California. Sau khi thiền viện được thành lập vào năm 1991, hầu như năm nào Ngài cũng sang hướng dẫn Khoá Thiền Đặc Biệt Mùa Xuân tại Như Lai Thiền Viện. Ngoài ra, Ngài còn hướng dẫn các khóa thiền cho trung tâm thiền Insight Meditation Society ở Barre, Massachussetts.

Năm 1991, Ngài sáng lập Trung tâm Thiền Paṇḍitārāma tại Yangon và các trung tâm chi nhánh Paṇḍitārāma ở Myanmar, Korea, Nepal , Australia, Singapore, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Một số tác phẩm của Ngài được phát hành bằng tiếng Myanmar, tiếng Anh với những tác phẩm như In This Very Life, On the Path to Freedom, The Way to the Happiness of Peace, và The Meaning of Satipatthana. Sách được dịch ra tiếng Việt có cuốn “Ngay Trong Kiếp Sống Này” do Như Lai Thiền Viện ấn tống.

Hữu sinh hữu diệt, sinh ký tử quy, nhân duyên Ta bà quả mãn, thuận thế vô thường, khi đang giảng dạy cho 100 Thiền sinh tại Thái Lan, Ngài hiện chút bệnh duyên và đưa vào bệnh viện Bumrungrad,  Bangkok chữa trị.

Khi biết được tin Ngài bị bệnh, những đệ tử của Ngài, những thiền sinh khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau cầu nguyện, đọc Kinh Tâm Từ, Kinh Thất Giác Chi  rồi hồi hướng đến cho Ngài, nhưng vì tuổi cao, sức yếu an nhiên thu thần viên tịch tại Bang Kok, Thái Lan vào lúc 18 giờ 05 phút hôm thứ Bảy, 16/04/2016 (10/03/Bính Thân). Hưởng thọ 95 tuổi.

Ngài Joseph Goldstein (Barre, Massachusett), một hành giả thiền minh sát Vipassana nổi tiếng tại Hoa kỳ, trong Lời mở đầu cuốn sách “Ngay Trong Kiếp Sống Này ” (“In This Very Life”) đã viết về Ngài Thiền sư U Pandita Sayādaw, những lời trân trọng như sau:

“Là một Thiền sư, Ngài đã hướng dẫn chúng tôi thực hành một cách tinh tế và vi diệu.

Là một học giả, Ngài đã đem lại sức sống và ý nghĩa mới mẻ về những lời dạy muôn đời của đức Phật.

Và là một người bạn tinh thần vĩ đại, Ngài đã khích lệ chúng tôi nỗ lực tìm đến nơi giải thoát cao thượng.

Ðức Phật xuất thân từ giòng dõi chiến sĩ của xứ Ấn Ðộ cổ xưa. Và ngày nay, Thiền sư U Pandita Sayādaw là một chiến sĩ tâm linh của thời đại chúng ta. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải dũng mãnh tinh tấn và vui mừng tin tưởng là chúng ta có thể giải thoát ngay trong kiếp sống này. Thiền sư U Pandita Sayādaw đã giúp chúng ta nhận ra nguồn năng lực bên trong của chính mình, để chinh phục một con tâm chật hẹp, giới hạn, lệ thuộc vào điều kiện ngoại giới và chấp thủ”.

Lời Giới Thiệu của Ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện. có những lời đánh giá Thiền sư U Pandita Sayādaw như sau: “Trong những lần pháp thoại và hướng dẫn hành Thiền, Ngài như một chiến tướng oai nghi và hùng dũng trên cổ xe từ bi và trí tuệ thúc dục Thiền sinh nỗ lực không ngừng nghỉ để đánh tan các đoàn quân tham lam và sân hận trên chiến trường si mê của kiếp nhân sinh. Ngài luôn luôn nhắc đi nhắc lại để cho chúng ta thấy rõ rằng giải thoát là một việc mà bất cứ ai nỗ lực thiền tập đều có thể thành đạt ngay trong kiếp sống này chứ không phải là chuyện mơ hồ như thường được nghĩ.”

Vân Tuyền (Nguồn: Buddhist News)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bất ngờ phát hiện đầu tượng Phật ẩn trong bức tường của hang đá nổi tiếng ở Trung Quốc

Quốc tế 13:45 16/04/2024

Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ tìm thấy hơn 80 đồ điêu khắc bằng đá tinh xảo, bao gồm đầu tượng Phật, bên trong các bức tường ở miền trung Trung Quốc.

Tết Bunpimay Lào 2567 tại tỉnh Khammoun

Quốc tế 14:45 13/04/2024

Với nhân dân các bộ tộc Lào thì đón ngày Tết trong tiết tháng Tư dương lịch 2024 - Tết Bunpimay năm 2567, lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn thịnh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc, bình an cho con người.

Rà phá bom mìn, phát hiện 51 tượng Phật có niên đại hàng trăm năm

Quốc tế 12:01 08/04/2024

Trong quá trình rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, một đội rà phá bom mìn tình cờ phát hiện một kho lưu giữ 51 bức tượng nhỏ tại làng Kherng, huyện Phoukoud, tỉnh Xiengkhuang, Lào.

Ngôi chùa ở Malaysia và chiếc chuông đồng có bản đồ Việt Nam

Quốc tế 11:39 05/04/2024

Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia (VMBIZ) đã tổ chức lễ cúng tiến chuông đồng cho chùa Ti-Ratana Heights ở thủ đô Kuala Lumpur.

Xem thêm