Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 03/09/2023, 14:27 PM

Cuộc đời Tôn giả Ānanda trong Kinh tạng Nikaya

Trên con đường hoằng hóa, Đức Thế Tôn độ được vô số đệ tử có duyên với Ngài có phẩm hạnh cao quý như: Sāriputta, Moggallāna, Mahākassapa, Anuruddhā, Upāli, Rāhula, Ānanda,… Đặc biệt, Tôn giả Ānanda được kinh điển khắc họa với những công hạnh nổi bật.

Không những là đệ tử đa văn đệ nhất, ngài Ānanda còn hầu cận Đức Phật suốt hai mươi lăm năm. Ānanda còn đóng vai trò quan trọng trong Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Với đức tính khiêm cung sẵn sàng giúp đỡ mọi người, Ānanda cũng góp phần trong việc xin người nữ xuất gia thành lập Ni đoàn. 

Sự xuất gia tu học của Tôn giả Ānanda

Thời niên thiếu của Tôn giả Ānanda được ghi lại trong Tiểu Bộ Kinh: “Ngài sanh trong gia đình Thích-ca Amitedana. Vì các bà con nói Ngài sanh đem hoan hỷ cho gia đình, nên được đặt tên là Ānanda (Khánh Hỷ)” [1]. Tuy nhiên, có thuyết cho rằng Ānanda dịch Khánh Hỷ do sanh nhằm ngày Phật thành đạo. Sự kiện Ānanda xuất gia được Tiểu Phẩm ghi lại rằng: Khi Đức Phật ngụ tại Anupiyā nhiều vương tử của dòng dõi Sākya xuất gia noi theo gương Đức Thế Tôn, trong đó có đức vua Bhaddiya dòng Sākya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimila, Devadatta, với thợ cạo Upāli  người thứ bảy [2]. Những vương tử xuất gia với hảo tâm, từ bỏ những lạc thú trần gian tầm thường, noi theo gương hạnh Thế Tôn cầu đạo giải thoát.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đại Phật Sử có nói đến bảy nhân vật sinh cùng với Đức Phật, trong đó có Ānanda [3]. Thế Tôn thành đạo lúc ba mươi lăm tuổi dưới cội bồ đề. Hai năm sau, Thế Tôn trở về thăm kinh thành Kapilavatthu. Lúc này, Thế Tôn ba mươi bảy tuổi, nên chúng ta biết Ānanda xuất gia năm ba mươi bảy tuổi. Tuy nhiên, tác phẩm Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy của tác giả Vu Lăng Ba cho rằng: “Ānanda nhỏ hơn Thích Tôn ba mươi tuổi… năm hai mươi tuổi xuất gia” [4] nhưng chưa rõ tác giả căn cứ vào đâu? Đức Thế Tôn thế độ cho Ānanda xuất gia, còn Tôn giả Belaṭṭhasīsā [5] giáo thọ hướng dẫn cho Ānanda tu tập. Trên lộ trình tìm cầu chân lý giải thoát, Ānanda tinh tấn thực hành các thiện pháp, sau khi nghe bài thuyết pháp về ngũ uẩn của Puna Mantāni, Ānanda chứng được sơ quả [6].

Trở thành thị giả của Đức Phật

Trong hai mươi hai năm đầu sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài có vài vị thị giả mà Kinh còn kể lại như: Nāgasamàla, Nāgita, Upavàna, Sunakkhatta, Cunda, Sāgala, Meghiya, nhưng Thế Tôn không vừa ý [7]. Vào một dịp nọ, Đức Phật trú tại tịnh xá Kỳ Viên nói với các đệ tử: Ta nay đã già (năm mươi sáu tuổi) [8] cần có một thị giả hầu cận ta [9]. Tăng chúng nghe vậy, lần lượt xin phép Thế Tôn để được làm thị giả hầu cận Ngài. Đầu tiên là những bậc thượng thủ trong Tăng đoàn như: Sāriputta, Moggallāna,… chúng đệ tử ai ai cũng muốn được làm thị giả bậc đạo sư. Trước những lời thỉnh cầu của chúng đệ tử, Thế Tôn đều từ chối. Lúc ấy, Moggallāna vận dụng thần thông nên biết được ý của Thế Tôn chọn Ānanda làm thị giả. Thế nên, Moggallāna đến thỉnh Ānanda xin nhận nhiệm vụ thị giả hầu Phật [10].

Lúc đó, thay vì có tâm hãnh diện được chọn làm thị giả, Ānanda lại từ tốn thỉnh nguyện với Đức Phật. Trong Kinh Tiểu Bộ ghi lại rằng:

Một. Thế Tôn sẽ không ban cho con chiếc y mà chính Ngài đã nhận.

Hai. Thế Tôn sẽ không cho con đồ ăn khất thực của Ngài.

Ba. Thế Tôn sẽ không cho con ở cùng trong hương phòng.

Bốn. Thế Tôn sẽ không cho con cùng Ngài đi đến nơi Ngài được mời [11].

Bốn điều nêu trên được nói ra để tránh sự gièm pha của những vị phàm phu chưa đạt thánh quả nghĩ rằng Ānanda vì lợi dưỡng nên làm thị giả của Đức Phật.

Ānanda lại xin Đức Phật thêm bốn đặc ân nữa:

Một. Xin Thế Tôn đồng ý đi đến những nơi mà con được mời.

Hai. Xin Thế Tôn tiếp kiến những vị khách phương xa ngay khi họ đến.

Ba. Xin Thế Tôn giải thích cho con bất cứ những điểm giáo pháp nào đối với con, cần được làm sáng tỏ. 

Bốn. Xin Thế Tôn nói lại cho con tất cả những bài pháp ngài đã thuyết trong lúc không có sự hiện diện của con [12].

Trong nội dung bốn điều ưu tiên, Ānanda cầu từ Thế Tôn chỉ dạy những điều về pháp còn chưa thông suốt. Đặc biệt, Ānanda xin Đức Phật nói lại những bài pháp khi Ānanda không có mặt. Chính đặc ân đó nên sau này Ānanda đóng vai trò không thể thay thế trong đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Sau khi Tôn giả thỉnh nguyện, Thế Tôn đồng ý tám đặc ân trên, từ đây, Ānanda chính thức đảm nhận nhiệm vụ thị giả hầu cận Đức Phật.

Vị thị giả tân tuỵ của Đức Phật

Suốt hai mươi lăm năm, Ānanda hầu cận túc trực bên Thế Tôn [13]. Hàng ngày, Ānanda đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban đêm, Ānanda cầm đuốc và gậy đi quanh hương thất của Ngài ba lần để kiểm tra cũng như khi Phật cần gọi [14]. Tôn giả đã tự thuật lại vai trò thị giả hầu cận Thế Tôn qua những vần kệ:

“Trải hai mươi lăm năm,

Ta hầu hạ Thế Tôn,

Với thân nghiệp từ hòa,

Như bóng không rời hình.

 

Trải hai mươi lăm năm,

Ta hầu hạ Thế Tôn,

Với khẩu nghiệp từ hòa,

Như bóng không rời hình.

 

Trải hai mươi lăm năm,

Ta hầu hạ Thế Tôn,

Với ý nghiệp từ hòa,

Như bóng không rời hình” [15].

Qua những vần kệ trên, chúng ta thấy rằng các vị thị giả hầu cận Thế Tôn trước đó, không ai có thể sánh bằng Ānanda. Thế Tôn xác nhận Ānanda vị thị giả đệ nhất [16]. Ānanda hết lòng phụng sự Đức Phật như bóng không rời hình, ngay cả những lúc Đức Phật thiền hành hay giảng pháp,… Ānanda dần chuyển hóa thân, khẩu, ý trở nên từ hòa, khả ái. Trong đời sống hàng ngày, Ānanda được sự chỉ dạy tận tình từ bậc đạo sư của mình nên tứ oai nghi trang nghiêm. Mỗi khi Ānanda tiếp xúc với mọi người, ai cũng quý mến. Đức Thế Tôn tán thán Ānanda có bốn đức tánh kỳ diệu, hy hữu. Chúng Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo Ni, chúng nam cư sĩ, chúng nữ cư sĩ đến yết kiến Ananda sẽ được hoan hỷ vì yết kiến Ānanda, nếu Ānanda thuyết pháp họ lại càng hoan hỷ [17].

Bên cạnh đó, Ānanda vừa tế nhị lại vừa thông tuệ, Tôn giả biết đúng thời điểm hướng dẫn cho mọi người đều có cơ hội được gặp Phật: “Nay đúng thời để các Tỳ kheo yết kiến Thế Tôn, nay đúng thời để các Tỳ kheo Ni, nay đúng thời để các nam cư sĩ, nay đúng thời để các nữ cư sĩ, nay đúng thời để các vua chúa, để các đại thần, để các ngoại đạo sư, để các đệ tử các ngoại đạo sư yết kiến Thế Tôn!”[18]. Mọi người đến gặp Phật, nghe pháp, họ đều hưởng được pháp lạc không hề gặp bất cứ trở ngại nào.

Đôi khi, Ānanda hiểu ý từ Thế Tôn chỉ qua ánh mắt, có lần các vương tử Bodhi thỉnh Phật thọ trai tại lâu đài Kokanuda, vì tôn kính Thế Tôn nên trải tấm vải thỉnh Phật bước lên tấm vải đi vào lâu đài, Thế Tôn im lặng không bước lên tấm vải, vương tử Bodhi thỉnh Phật tới ba lần. Khi ấy, Thế Tôn không nói chỉ nhìn sang đại đức Ānanda. Ngay lúc đó, Ānanda hiểu được ý từ Thế Tôn nói với vương tử Bodhi hãy gấp các tấm vải lại, Thế Tôn sẽ đi vào lâu đài thọ trai [19].

Ānanda tôn kính Thế Tôn hết mực, dù phải hy sinh thân mình để bảo vệ Như Lai, trước âm mưu của Devadatta cho voi uống rượu say hại Phật giành quyền lãnh đạo Tăng đoàn. Trong Kinh Tiểu Bộ ghi lại rằng, Ānanda thấy voi say đi về hướng Đức Phật để hại. Lúc ấy, Phật bảo các đệ tử hãy tránh xa tìm chỗ an toàn, Ānanda không nghe lời Phật, ra đứng trước mặt Thế Tôn dang tay ra nói lớn hãy để con voi này giết con trước tiên, Phật ra lệnh ba lần nhưng Ānanda vẫn không đi nên Phật dùng thần thông dời Ānanda về nơi an toàn. Đồng thời, Thế Tôn dùng tâm từ thuần phục voi dữ [20]. Đức hạnh Ānanda được đại chúng khen một việc làm hy hữu, đáng được tán dương.

Ānanda còn nổi tiếng với trí nhớ siêu phàm, nhờ thế, tất cả lời dạy của Đức Phật đều nhớ rõ một cách phi thường. Trong một lần, Ānanda trả lời câu hỏi của người chăn bò Moggallāna học từ Thế Tôn tất cả bao nhiêu bài Pháp, Ānanda từ tốn trả lời: 

“Ta nhận từ Đức Phật,

Tám mươi hai ngàn pháp,

Còn nhận từ Tỳ kheo,

Thêm hai ngàn pháp nữa,

Tổng cộng tám tư ngàn,

Là pháp ta chuyển vận” [21].

Tôn giả Ānanda được Đức Thế Tôn gọi với tên “Thủ kho chánh pháp” [22] (Dhammabhandāgārika). Thử nghĩ, Ānanda có biết bao công việc, vừa đối nội, đối ngoại lại còn thị giả cho Thế Tôn, làm gì có thời gian để học nhớ hết tám mươi tư nghìn bài pháp. Qua đó cho thấy, Ānanda phải có một nghị lực ý chí phi thường, lòng kham nhẫn cùng với tâm chánh niệm mới có thể học thuộc lòng những bài pháp từ Thế Tôn. Trong những vị thánh đệ tử, Ānanda đáng được tôn xưng đa văn đệ nhất. Vào dịp nọ, Thế Tôn trú tại Jetavana tán thán Ānanda là vị Tỳ kheo tối thắng về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì và sự hầu hạ chu đáo [23]. Với những phẩm hạnh đặc biệt, Ānanda xứng đáng để mọi người kính ngưỡng học hỏi. 

Hỗ trợ thành lập Ni đoàn

Tôn giả Ānanda không những làm tròn nhiệm vụ thị giả, ngài còn có công trong việc trợ duyên cho nữ giới xuất gia, thành lập Ni đoàn. Sau lễ trà tỳ của đức vua Suddhodana, di mẫu Mahā Pajāpatī Gotamī đến bạch Thế Tôn xin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mahā Pajāpatī Gotamī xin Thế Tôn xuất gia lần thứ nhất, Phật liền từ chối ngay rồi đến lần thứ hai, thứ ba, Phật đều không nhận. Sau đó, Phật dẫn tăng chúng du hóa đến Vesāli [24]. Bà vẫn không nản chí và tập hợp năm trăm người nữ của bộ tộc Sākya, cạo tóc đắp y hoại sắc đi bộ đến Vesāli để xin Phật xuất gia. Mahāpajāpatī Gotamī với chân bị sưng, tay chân lấm bụi khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc than, đứng ngoài cửa chính [25]. Lòng khao khát tìm cầu chân lý giác ngộ làm động lực khiến Mahāpajāpatī Gotamī quyết tâm trải qua gian khổ không một lời than thở. Qua đó thấy được hảo tâm xuất gia của bà cùng các nữ nhân tộc Sākya đáng được tán dương. 

Lúc ấy, ngài Ānanda thấy bà Mahāpajāpati Gotamī và biết được sự tình, cảm động nên đứng ra xin giúp cho bà cùng các người nữ tộc Sākya có thể xuất gia. Ānanda xin Đức Phật đến cả ba lần, nhưng Thế Tôn đều từ chối, cuối cùng Ānanda thưa với Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả không?” [26]. Thế Tôn trả lời câu hỏi Ānanda rằng: “Trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả” [27]. Vì sợ chưa đủ tính thuyết phục, Ānanda đưa thêm một lý khác rằng lệnh bà Mahāpajāpati Gotamī người dưỡng nuôi Thế Tôn, cho bú sữa thay hoàng hậu Māyā [28]. Lời thỉnh cầu của Ānanda cho thấy sức học uyên bác cùng lập luận mang tính đầy thuyết phục.

Trước những lời thỉnh cầu của Ānanda, Đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia với điều kiện: “Mahāpajāpati Gotamī chấp nhận tám kính pháp, thời Gotamī có thể thọ cụ túc giới” [29]. Vấn đề ở đây cần hiểu rõ, Đức Phật là bậc toàn giác, không cần phải đợi Mahāpajāpati Gotamī thưa đến mấy lần hay Ānanda đứng ra xin xuất gia. Dù Mahāpajāpati Gotamī không thưa, Thế Tôn vẫn sẽ cho người nữ xuất gia vì hạnh nguyện của Phật độ cho tất cả chúng sanh có duyên với Phật, trong đó có Tỳ kheo Ni. Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi lại rằng: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỳ kheo Ni của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật… thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp” [30]. Vì thời điểm chưa đến, Đức Thế Tôn chưa đồng ý cho Mahāpajāpati Gotamī xuất gia còn Ānanda đóng vai trò trợ duyên để Đức Phật thành lập Ni đoàn. 

Đức Phật sở dĩ chưa đồng ý liền khi Mahāpajāpati Gotamī xin xuất gia, có lẽ vì những mục đích sau: Thế Tôn thăm dò dư luận xã hội bấy giờ, bởi trước đó Đức Phật đi ngược lại truyền thống xã hội, cho giai cấp bần tiện đi xuất gia như Upāli thợ cắt tóc [31] hay Sunīta người quét rác,… vấp phải những làn sóng phản đối gay gắt từ xã hội và những quy định khắc nghiệt, cùng định kiến phân biệt giới tính nặng nề khiến phụ nữ bị đối xử tệ bạc. Thế nên, Tăng đoàn mới thành lập cần phải thận trọng, nếu cho người nữ xuất gia sợ rằng xã hội chống đối càng quyết liệt hơn. Phật đưa vị trí Tăng đoàn lên hàng đầu, sợ rằng làn sóng phản đối xã hội gây áp lực đến sự tồn tại của Tăng đoàn. Bởi Tăng đoàn tồn tại được nhờ đi khất thực, thọ nhận cúng dường thập phương dân chúng. 

Đức Phật chế Bát Kính Pháp với nội dung mục đích bảo hộ cho nữ giới, nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua. Cũng vậy, Thế Tôn vì nghĩ đến tương lai nên mới ban hành Bát Kính Pháp cho các Tỳ kheo Ni đến trọn đời không vượt qua [32]. Thế Tôn cho người nữ xuất gia mang lại ý nghĩa quan trọng, qua đó nói lên tinh thần bình đẳng của đạo Phật. Học giả I.B. Horner nhận định rằng những gì Đức Phật làm cho giới phụ nữ “rạng rỡ như một ngọn đèn sáng trong lịch sử tự do”.

Vai trò không thể thay thế trong kỳ kết tập Kinh điển lần thứ 1

Thuận theo quy luật vô thường, Thế Tôn nói với Ānanda rằng Như Lai sẽ diệt độ tại Upavattana ở Kusinnārā, trong rừng cây sa-la của dòng họ Mallā, giữa hai cây sa-la [33]. Ānanda nghe tin từ Thế Tôn liền sầu khổ, lặng lẽ đứng tựa cột cửa đứng khóc. Kinh Đại Bát Niết Bàn có chép: “Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tự lo tu tập. Nay bậc Ðạo Sư của ta sắp diệt độ, còn ai thương tưởng ta nữa!” [34] cho thấy tình cảm Ānanda dành cho Thế Tôn thật sâu sắc, không thể diễn tả bằng lời. Ānanda ý thức được mình còn là bậc hữu học, cần phải nỗ lực tu tập. 

Thế Tôn hay tin Ānanda sầu khổ nên gọi Tôn giả tới gần an ủi rằng: “Ānanda chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Này Ananda, Ta đã tuyên bố trước với ngươi rằng mọi vật ái luyến, tốt đẹp đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt” [35]. Đức Phật gần nhập Niết-bàn còn để ý đến Ānanda, cho thấy Thế Tôn đặc biệt quan tâm đến vị đệ tử thân tín, cũng như an ủi tất cả những Tỳ kheo có mặt còn ở bậc hữu học. Vạn vật ở thế gian đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường, Như Lai cũng vậy đủ duyên hợp, hết duyên tan. Hiểu được như vậy, mọi người chớ có sanh đau khổ. Trước khi nhập Niết-bàn, Thế Tôn sách tấn cho Ānanda: Ngươi là người tác thành công đức, không bao lâu sẽ chứng quả vô lậu [36]. Mặc dù hầu cận Thế Tôn hai mươi lăm năm công đức không ai sánh bằng, Ānanda nếu không tinh tấn tu tập, Thế Tôn cũng không giúp được. Qua đó cho thấy, Đạo Phật mang tính nhân bản nhân văn sâu sắc, chúng ta tự làm bản thân trở nên thanh tịnh hay nhiễm ô cho dù Thế Tôn còn ở đời cũng không thể ban Thánh quả cho chúng đệ tử. Tuy nhiên, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ghi lại Đức Phật thọ ký Ānanda, đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai [37]. 

Ānanda không những góp vai trò trợ duyên để Thế Tôn thành lập Ni đoàn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Duyên khởi để kết tập kinh điển là Trưởng lão Mahākassapa dẫn đoàn cùng với năm trăm vị Tỳ kheo tại Kusinārā, nghe một đạo sĩ lõa thể trên tay cầm cành hoa Mạn-đà-la báo tin Đức Phật đã nhập Vô dư Niết-bàn bảy ngày trước đó [38]. Nghe vậy, các vị Tỳ kheo còn ở bậc hữu học cảm thấy đau khổ vì mất đi bậc đạo sư khả kính nên khóc lóc, sầu khổ. Những vị Tỳ kheo đã đoạn tận ái dục chế ngự tham ưu ở đời, hiểu được vạn pháp vốn vô thường có sanh ắt có diệt bậc đạo sư cũng như thế, nên đã an ủi các vị đang sầu khổ. 

Lúc đó, Tỳ kheo lớn tuổi xuất gia Subhadda sanh tâm vui mừng trong hội chúng nói lên rằng: “Này các vị, thôi đi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Chúng ta được hoàn toàn tự do rồi, chúng ta đã bị vị đại sa-môn ấy làm khó khăn rằng: “Điều này được phép cho các ngươi, điều này không được phép cho các ngươi.” Giờ đây, điều gì chúng ta thích chúng ta sẽ làm điều ấy, điều gì chúng ta không thích chúng ta sẽ không làm điều ấy”[39]. Mahākassapa khi nghe điều đó, dùng thần lực chặn sóng âm lại không cho ai biết. Bởi đệ tử đối với bậc đạo sư hướng dẫn tâm linh cho mình vừa nhập Niết-bàn không biết ơn, lại nói điều này, nếu để lọt ra ngoài mọi người biết, ngoại đạo sẽ chê cười nói đệ tử của Như Lai không ra gì, ảnh hưởng đến uy tín Tăng đoàn. Qua câu nói của Subhadda, chúng ta thấy Subhadda thuộc hạng người thích sống phóng túng, buông lung, tự do theo thói đời tập khí thế gian còn nhiều. Mặt khác, Subhadda được xem như một thiện tri thức nhắc nhở cho trưởng lão Mahākassapa, cần phải trùng tuyên những lời dạy của Thế Tôn đem lại lợi lạc cho nhân loại, để chánh pháp trường tồn. 

Sau ba tháng Đức Phật nhập Niết -bàn, trưởng lão Mahākassapa triệu tập cuộc họp tuyển chọn năm trăm vị để kết tập kinh điển, nhưng mới chọn được 499 vị A-la-hán và còn thiếu một vị. Đại chúng đề cử lên Ānanda, trong Tiểu Phẩm ghi lại rằng: “Đại đức Ānanda này tuy còn là bậc hữu học nhưng không thể nào bị chi phối bởi tham, bởi sân, bởi si mê, bởi sợ hãi. Và vị này thuộc lòng nhiều Pháp và Luật từ đức Thế Tôn” [40]. Ngài Ānanda làm thị giả thân tín túc trực hầu Thế Tôn hai mươi lăm năm, mặt khác Ānanda có trí nhớ siêu việt có thể trùng tuyên lại tám mươi bốn ngàn pháp [41] từ lời dạy Đức Phật nên được trưởng lão Mahākassapa đồng ý. Hội nghị diễn ra cả mùa mưa ba tháng tại thành Rājagaha, hang động Sattapaṇṇi (Thất Diệp), đức vua Ajatasattu – một vị đại hộ pháp đứng ra bảo trợ, chủ xướng là Trưởng lão MahāKassapa [42]. Khi ấy, Ānanda nghĩ rằng ngày mai đại hội sẽ diễn ra, bản thân chưa chứng quả A-la-hán. Chính động lực ấy, Ānanda càng quyết tâm tinh tấn thiền định, chánh niệm. Đến khi thân chuẩn bị nằm xuống và đầu chưa chạm gối, trong khoảnh khắc ấy, Ānanda tâm giải thoát các lậu hậu, không còn chấp thủ, đoạn tận tham ái, chứng đắc thánh quả A-la-hán [43]. Ānanda là người duy nhất chứng quả A-la-hán không nằm trong tứ oai nghi. Ngài Ānanda chính thức tham dự đại hội trùng tuyên chánh pháp của Thế Tôn.

Ngài Mahākassapa thông báo trước đại chúng: hãy lắng nghe, nếu thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi Upāli về Luật. Upāli nói trước đại chúng: Khi Mahākasspa hỏi tôi sẽ trả lời. Sau đó, Ānanda thưa đại chúng sau khi Thế Tôn nhập Vô dư Niết-bàn nói với tôi như vậy: “Này Ānanda, khi ta không còn, hội chúng nếu muốn có thể bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng” [44]. Lúc ấy, đại chúng mới hỏi những điều nhỏ nhặt có thể bỏ những điều nào? Ānanda trả lời lúc đó không hỏi Thế Tôn nên bỏ điều nào. Nhân đây, Mahākassapa cương vị chủ tọa đứng ra cử tội Ānanda, trong Tiểu Phẩm ghi lại năm tội như sau:

Một, Ānanda không hỏi cho rõ Thế Tôn nên bỏ giới nào.

Hai, Ānanda đạp lên y của Thế Tôn trong lúc may vá.

Ba, Ānanda cho người nữ đảnh lễ nhục thân Thế Tôn trước tiên, khóc lóc làm lắm lem nhục thân Phật.

Bốn, Thế Tôn đã gợi ý mấy lần nhưng Ānanda không thỉnh Phật kéo dài thọ mạng.

Năm, Ānanda nỗ lực xin cho phụ nữ xuất gia [45].

Trước đó, đại chúng có những bàn tán về lỗi của Ānanda như: Thế Tôn khát nước và sai ông đi lấy nước đến ba lần thì Tôn giả Ānanda mới lấy nước, rồi lúc tẩm liệm cho nhục thân Đức Thế tôn lại để người nữ khóc lắm lem nhục thân Phật,… Những lời dị nghị đó, Mahākassapa không có mặt để chứng kiến. Nhưng để nhiếp chúng nên Mahākassapa cử tội Ānanda nhằm làm cho Ānanda được thanh tịnh, đồng thời khiến chúng không còn thấy lỗi của Ānanda nữa. Bấy giờ, Ānanda thành tâm sám hối trước đại chúng, đủ tư cách lên pháp tòa trùng tuyên Pháp, bắt đầu bằng câu: “Tôi nghe như vầy…”. Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất với hình thức trùng tụng lời Phật dạy bằng khẩu truyền, chứ chưa được chép lại trên giấy. Ngoài ra danh từ “Dhamma” dùng chung cho pháp và luật. Đại hội mang ý nghĩa vô cùng to lớn, giới luật được đưa lên vị trí hàng đầu để nhiếp phục những Tỳ kheo nào phạm giới. Kinh tạng trùng tuyên truyền bá làm nền tảng để mọi người nương tựa, thực hành nhằm chuyển hóa thân tâm được thanh tịnh giác ngộ, góp phần làm cho chánh pháp trường tồn.

Đại Phật Sử ghi lại rằng, Trưởng lão Ānanda thọ một trăm hai mươi tuổi, khi biết bản thân còn sống thêm bảy ngày nữa, trưởng lão nói cho chúng đệ tử nghe. Thông tin lan nhanh đến hai bộ tộc Sakyan và Koliyan, hai bộ tộc với lòng tôn kính nên thỉnh nguyện Trưởng lão Ānanda viên tịch trên lãnh thổ của họ. Ānanda suy nghĩ không thể để vì ta mà gây ra hiềm khích xảy ra chiến tranh giữa hai vùng nên vào ngày thứ bảy Ānanda bay lên giữa sông Rohiṇī dùng thần thông đốt nhục thân. Xá lợi Ānanda rớt đều hai bên bờ sông Rohiṇī, dân chúng hai bên bờ sông đều khóc than thảm thiết [46]. 

Kết luận

Ngài Ānanda nhập diệt cách đây hai mươi lăm thế kỉ, nhưng đóng góp to lớn của Ānanda sống mãi cho đến ngàn năm sau. Ānanda làm tròn bổn phận thị giả hầu cận Thế Tôn, trải qua hai mươi lăm năm với thân, khẩu, ý từ hòa như bóng không rời hình. Hình ảnh Ngài Ānanda đầy đủ đức tính hy sinh nhưng cũng rất từ tốn, khiêm cung khắc họa trong lòng chúng ta. Ngài Ānanda còn đóng vai trò trợ duyên xin cho người nữ xuất gia thành lập Ni đoàn. Qua đó, chúng ta thấy Ānanda không nỡ thấy người khác chịu đau khổ, nên tận tình giúp đỡ, đó chính tinh thần mà sau này được gọi là đại thừa hành bồ tát đạo, không nghĩ đến lợi ích bản thân chỉ nghĩ lợi ích chúng sanh. 

Hơn nữa, Ānanda đóng vai trò quan trọng trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, ngài cần mẫn siêng năng học thuộc lòng tám mươi tư nghìn pháp từ Thế Tôn, nên đại hội suy cử Ānanda trùng tuyên tạng Dhamma. Ngày nay, chúng ta cầm trên hai tay bản kinh để đọc, tụng những lời Phật dạy, mới biết công lao đóng góp to lớn của Ānanda. Học theo hạnh Tôn giả Ānanda, chúng con với tâm tôn kính hầu cận thầy tổ, người đã thế phát đồng thời hướng dẫn chúng con trên con đường đạo để có thể nếm được vị ngọt của chánh pháp.  

Chú thích

[1] Tiểu Bộ Kinh, tập II, tr.471.

[2] Tiểu Phẩm, tr.178.

[3] Đại Phật Sử, tập 2, tr.34.

[4] Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, tr.279.

[5] Tiểu Bộ Kinh, tập II, tr.203.

[6] Sđd, tr.471.

[7] Sđd, tr.471. 

[8] Sđd, tr.472.

[9] Kinh Tiểu Bộ, tập V, tr.112.

[10] Sđd, tr.112.

[11] Sđd, tr.112.

[12] Sđd, tr.112.

[13] Tiểu Bộ Kinh, tập V, tr 113

[14] Tiểu Bộ Kinh, tập II, tr 472.

[15] Tiểu Bộ Kinh, tập V, tr 113.

[16] Trường Bộ Kinh- Kinh Đại Bổn, tr.229.

[17] Kinh Trường Bộ, Đại Bát Niết Bàn, tr.332.

[18] Kinh Trường Bộ, Đại Bát Niết Bàn, tr.331.

[19] Tiểu Phẩm, tập II, tr.50.

[20] Kinh Tiểu Bộ, tập VI, tr.16.

[21] Kinh Tiểu Bộ, tập II, tr.473.

[22] Kinh Tiểu Bộ, tập III, tr.503.

[23] Kinh Tiểu Bộ, tập II, tr.472.

[24] Kinh Tăng Chi, tập II, tr.342.

[25] Sđd, tr.376.

[26] Kinh Tăng Chi, tập II, tr.378.

[27] Sđd, tr.378.

[28] Kinh Tăng Chi, tập II, tr.378.

[29] Sđd, tr.378.

[30] Kinh Trường Bộ, tr 307.

[31] Tiểu Phẩm, tập II, tr.178.

[32] Kinh Tăng Chi, tập II, tr.380.

[33] Trường Bộ Kinh, tr.328.

[34] Sđd, tr.330.

[35] Sđd, tr.331.

[36] Sđd, tr.331.

[37] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr.261.

[38] Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập II, tr.397.

[39] Sđd, tr.398.

[40] Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập II, tr.398.

[41] Kinh Tiểu Bộ, tập II, tr.473.

[42] Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập II, tr.399.

[43] Sđd, tr.400.

[44] Sđd, tr.403.

[45] Sđd, tr.554-557.

[46] Đại Phật Sử, tập 6.A, tr.308- 310. 

Tài liệu tham khảo:

1. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tiểu Bộ, tập II, III, V, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

2. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

3. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2018), Kinh Tăng Chi, tập II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Tỳ khưu Indacanda (dịch, 2017), Tiểu Phẩm, tập II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

6. Pháp sư Cưu Ma La Thập (Hán dịch), HT. Thích Trí Tịnh (dịch, 2015), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo, TP HCM.

7. Mingun Sayadaw nguyên tác, Tỳ-khưu Minh Huệ (dịch, 2019), Đại Phật Sử, tập II, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

Vu Lăng Ba soạn, Thích Hạnh Bình và Phương Anh (dịch, 2019), Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Nxb. Hồng Đức, TP HCM.

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Công hạnh của tín nữ Visākhā

Nhân vật Phật giáo 15:10 23/02/2024

Thuở Đức Thế Tôn còn tại thế đã có những vị đại đệ tử xuất gia xuất sắc là những bậc thánh Tăng đã chứng đắc quả A-la-hán với những công hạnh nổi bật như 10 vị đại đệ tử của Phật.

Gương hiếu hạnh của Hòa thượng Cua, một nhân vật có thật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 19:20 22/01/2024

Ngài trong lòng mọi người, đẹp đẽ chói ngời muôn thuở, không phải là hình ảnh của vị Thiền sư, càng không phải của một tu sĩ được vua ban chức Ngự Tiền Chi Quân và áo gấm. Đó là hình ảnh của một bậc chân tu tốt đời sáng đạo, lo tròn chữ hiếu với mẹ già một cách vượt thường đầy trí tuệ.

Xem thêm