Cuộc đời và con đường tu tập kỳ diệu của Hòa thượng Quảng Khâm
Làm đến chết, chính là bán mạng mà làm, là biểu hiện của “bố thí”; làm hết mình cho đến hơi thở cuối cùng cũng không tiếc nuối, đòi hỏi phải rất “tinh tiến”; kết quả lại bị người chê ghét, chính là tu “nhẫn nhục”; bị người khác hiềm khích, tâm chúng ta không động, không buồn, chính là “thiền định”;
Hòa thượng Quảng Khâm sinh vào đời nhà Thanh, năm Quang Tự thứ 18 (1892). Ngài họ Hoàng, tên tục là Văn Lai, quê ở Phúc Kiến, Trung Hoa. Gia đình ngài rất nghèo, đến độ anh ruột ngài không có đủ tiền để cưới vợ. Năm ngài bốn tuổi, vì không đủ sức nuôi dưỡng ngài, cha mẹ ngài phải đem ngài bán làm con nuôi cho gia đình họ Lý ở Tấn Giang.
Thật may mắn, bố mẹ nuôi của ngài đều người rất tốt, cả đời sống bằng nghề trồng trọt. Họ thương yêu ngài như con ruột vậy. Bà Lý là người tin Phật sâu xa, suốt đời trường trai. Bà thường đem ngài lên chùa cầu nguyện bởi từ nhỏ ngài thường bệnh hoạn, thân thể yếu ớt.
Xuất gia và lập chí ngủ ngồi
Năm ngài chín tuổi, bà Lý qua đời; hai năm sau dưỡng phụ ngài cũng nối gót từ trần, khiến ngài bỗng chốc trở thành cô nhi. Bấy giờ, bà con họ hàng ai nấy đều tranh dòm, chờ chực để chiếm đất đai ruộng vườn, tài sản của gia đình họ Lý để lại. Ðiều ấy khiến ngài, một trẻ thơ, cảm nhận sâu xa mùi vị chua chát của thói đời và tánh vô thường của mọi sự. Trong đầu ngài nảy sinh ý niệm thoát trần: Ngài đem hết của cải đất đai nhường lại cho bà con, rồi một mình tìm tới Chùa Thừa Thiên ở Phúc Châu xin xuất gia.
Bấy giờ, phương trượng Chùa ThừacThiên là Hòa thượng Chuyển Trần, dạy ngài quy y, tu Khổ hạnh với Thầy Thụy Phương. Ngài được phân phối cho việc lao tác, trồng rau, nhổ cỏ....; đây là những việc công quả tập sự dành cho người muốn xuất gia.
Ðến năm 19 tuổi, do nhiều nhân duyên đặc biệt, Ngài đã qua Nam Dương. Ở đây, vì không có trình độ học vấn nên ngài phải làm việc lao động chân tay. Một hôm, nhân cùng đồng bạn lên núi đốn củi, ngài nói với bạn về trực giác linh cảm của mình rằng chiếc xe vận tải chở củi sẽ lật ở dốc núi, nhưng không ai tin. Không lâu, chiếc xe quả nhiên bị lật thật. Ðiều này khiến bạn ngài ngạc nhiên, bảo rằng: "Có được trực giác như vậy sao anh không chịu tu hành, phát triển tâm linh, sau này độ thế?" Nghe qua, ngài như chợt tỉnh, liền đáp thuyền về lại Trung Hoa. Bấy giờ ngài đã 35 tuổi, sau gần 16 năm sống ở Nam Dương.
Về lại Chùa Thừa Thiên, ngài chính thức xuống tóc, lạy Hòa thượng Thụy Phương làm Thầỵ Pháp danh của ngài là Chiếu Kính, tự Quảng Khâm. Sau khi xuất gia, ngài chuyên chú tu Khổ hạnh, ăn những thức không ai thèm ăn, làm những việc không ai chịu làm, thường luôn ngồi Thiền, một lòng niệm Phật. Có một thời gian Nngài giữ trách nhiệm Hương đăng (thắp nhang, quét tước điện Phật) và đánh bảng thức chúng mỗi sáng. Nhiều lần ngài ngủ say quá nên trễ nãi việc đánh bảng. Ðiều này khiến ngài vô cùng hổ thẹn, sám hối sâu xa trong lòng, rồi từ đó lập chí ngủ ngồi.
Năm 1933, sau sáu năm làm Sa di tu Khổ hạnh, bấy giờ ngài mới đi cầu thọ giới Tỳ khưu nơi Hoà thượng Diệu Nghĩa, Chùa Từ Thọ, Phủ điền. Thọ Giới rồi, Ngài liền xin phép Phương Trượng Chuyển Trần đi ẩn tu; lúc ấy Ngài vừa đúng 42 tuổi. Bấy giờ, một thân một mình, với ít áo quần và hơn 10 ký gạo. Ngài nhắm núi Thanh lương, tỉnh Tuyền Châu, tiến bước.
Nơi ấy, ở giữa sườn núi, ngài tìm thấy một thạch động đủ rộng để an thân tu Ðạo. Ðộng này vốn là nơi mãnh hổ thường lui tới; thế nhưng khi gặp hổ, ngài chẳng hãi sợ. Ngài bảo cho chúng biết ý định muốn dùng động này để tu hành và khuyên chúng hãy tìm nơi khác. Lạ thay, hổ như hiểu ý ngài, rõ lời người. Ngài lại vì hổ mà thuyết Tam Quy y; hổ nghe rồi vẫy đuôi đi mất. Không lâu sau, hổ ấy đem bầy hổ lại: nào hổ mẹ, hổ con... đùa giỡn, gần gũi với ngài như gia súc vậy. Bởi thế, sau này người dân quanh đấy gọi ngài là Phục Hổ Hòa thượng.
Bấy giờ, Hòa thượng ở sơn động ngày ngày tọa Thiền, niệm Phật; chẳng bao lâu lương thực cạn sạch, ngài bèn hái trái cây rừng để ăn. Trong núi, ngoài hổ còn có khỉ, vượn. Bọn ấy, lạ thay, thường hay đến động; chúng lại đem cả hoa quả cây trái lại cúng dường ngài nữa!
Hòa thượng thường hay nhập Ðịnh. Có lần Ngài nhập Ðịnh đến vài tháng, không ăn uống, không động đậy thân thể; thậm chí hơi thở dường như dứt tuyệt. Có người gần đấy thấy vậy thì lầm tưởng rằng ngài đã viên tịch, nên tức tốc cấp báo với Hòa thượng Chuyển Trần để lo việc hỏa táng. May thay, lúc ấy có vị cao tăng là Ðại sư Hoằng Nhất đang ở chùa gần đấy, nghe được tin trên bèn cùng Hòa thượng Chuyển Trần lên núi xem hư thực. Tới nơi, Ðại sư Hoằng Nhất biết ngài đang nhập Ðịnh, liền gõ ba tiếng khánh, đánh thức ngài dậy từ trạng thái Thiền định. Tin ngài nhập Ðịnh lan truyền khắp nơi khiến ai ai cũng tán thán.
Tháng ngày qua như tên bắn, thấm thoát Hòa thượng đã ở trên núi Thanh Lương được 13 năm. Bấy giờ ngài, đã 54 tuổi (1945), trở về Chùa Thừa Thiên. Hai năm sau, 1947, Ngài rời Ðại lục, đáp thuyền tới Ðài Loan. Ở đây, bắt đầu quãng đời hoằng pháp của Ngài:
- 1948, ngài xây một ngôi chùa nhỏ ở Ðài bắc, tên là Quảng Minh Tự.
- 1951, xây Quảng Chiếu Tự.
- 1952, ngài tìm thấy một thạch động ở núi Thành Phước rất đặc biệt: khi mặt trời và mặt trăng mới mọc thì ánh sáng chiếu thẳng vào cửa động. Bởi thế, Ngài đặt tên là Nhật Nguyệt Ðộng và quyết định ở đấy ẩn tu. Nơi ấy xưa nay vốn không có nước, song từ khi ngài vào ở bỗng có một suối nước mát tự nhiên vọt lên kế bên. Trên đỉnh núi ấy, ngài dựng một chòi tranh để ở. Một đêm nọ, có con trăn khổng lồ bò lại chòi tranh cầu pháp; ngài liền vì nó thuyết Pháp và truyền Tam Quy y.
- 1955, tín đồ ở Ðài Bắc cúng dường ngài một cuộc đất do hỏa sơn tạo nên; Ngài bèn xây Thừa Thiên Tự ở đó.
- 1963, Ngài hưng kiến Tường Ðức Tự; xây Quảng Long Tự ở núi Long tỉnh.
Ðến năm 1964, Ngài đã ở Ðài Loan được 17 năm. Trong suốt thời gian ấy, ngài đã nhập định ba lần và mỗi lần lâu hơn cả tháng. Hằng ngày, ngài chỉ ăn một bữa và chỉ ăn trái cây; Ngài không ăn đồ nấu nướng hay chiên xào gì cả. Vì vậy, tín đồ gọi Ngài là Thủy Quả Hòa thượng - Ông Thầy Ăn Trái Cây. Trừ khi trời mưa, thường thì mỗi đêm ngài đều ngồi tọa Thiền cho tới sáng ở ngoài vườn hay trong rừng, chứ không ngủ trong phòng như người khác. Ðấy là những công hạnh đặc biệt của ngài.
Năm ngài 80 tuổi, có lần ngài biểu thị cho Ðại chúng biết ý định "Xả Báo" - nhập Ðịnh - của ngài. Lúc ấy các đệ tử vô cùng khẩn thiết, cầu xin ngài tiếp tục từ bi trụ thế. Bấy giờ ngài vì tùy thuận chúng sanh nên trì hoãn việc nhập Ðịnh, tiếp tục công cuộc độ sinh. Từ ấy Ngài đi Nam đầu, Ðài-trung, Gia nghĩa, Hoa liên... hoằng Pháp độ chúng.
Ðến năm 84 tuổi, ngài bắt đầu cấm túc, ở luôn tại chùa Thừa Thiên trên núi Thanh lương không còn xuống núi nữa. Công cuộc xây chùa vẫn tiếp tục, song do các đại đệ tử của ngài chủ động: trùng tu Chùa Thừa Thiên, xây Quảng Thừa Nham (1974), Diệu Thông Tự (1982).
Năm ngài 94 tuổi (1985), ngài chủ trì Tam Ðàn Ðại Giới, truyền giới cho hơn 2.500 vị Tăng, Ni và cư sĩ; tạo thành một Pháp Hội trang nghiêm vĩ đại nhất ở Ðài Loan lúc bấy giờ.
Bấy giờ tuy đã gần kề trăm tuổi, ngài vẫn sống rất đơn giản, đạm bạc; lời nói của ngài bình dị, khiêm nhường; bước đi của ngài vẫn vững chãi, không cần dùng tới gậy chống, không nhờ người đỡ tay.
Nếu ai gặp ngài lúc ấy sẽ thấy thân ngài vô cùng nhẹ nhàng, linh hoạt; động tác thanh thoát. Ngài vẫn y nhiên ngủ ngồi, không nằm; và vẫn ngồi ngoài vườn lộ thiên tĩnh tọa mỗi đêm. Bấy giờ thức ăn trái cây của ngài phải được nghiền thành chất lỏng để dễ ăn.
Cuối năm 1985, ngài trở về Chùa Thừa Thiên. Ngài thị hiện có bệnh; cự tuyệt mọi thứ ẩm thực, thuốc men; cũng không tiếp kiến tín đồ.
Ngày Tết Nguyên đán năm ấy, 1986, ngài triệu tập tất cả đệ tử ở các chùa và tu viện khắp nơi lại để phú chúc, phân phối hậu sự. Ngài chỉ bảo việc hỏa táng, phân chia linh cốt tại Thừa Thiên Tự, Quảng Thừa Nham, và Diệu Thông Tự, đồng thời trả lời mọi nghi vấn của tín chúng. Sáng ấy, sau giờ thọ trai, Ngài quyết định xuống Diệu Thông Tự ở Cao Hùng. Hôm sau, mồng hai Tết, khí lực của Ngài vô cùng suy nhược.
Mồng ba Tết, thể lực của ngài bình phục. Ngài cùng đại chúng lên điện niệm Phật. Ngài lại nói chuyện một cách thong dong tự tại với các tín đồ đệ tử; tinh thần vô cùng sáng suốt và lạc quan như không có chuyện gì xảy ra.
Sáng mồng bốn Tết, ngài gọi tất cả đệ tử cùng ngài ra bên ngoài điện đón nắng. Ngài nói với một đệ tử, thầy Truyền Văn, rằng: "Ngươi được rồi đấy; song bọn họ - đại chúng - còn chưa xong đâu!"
Mồng năm Tết (ngày 13 tháng 2 năm 1986), ngài ngồi xếp bằng yên định, tinh thần hòa hoãn, chẳng chút xao động; rồi dạy các đệ tử đồng thanh niệm Phật.
Vào hai giờ chiều hôm ấy, Ngài bảo đại-chúng: "Vô lai vô khứ, một hữu sự!" (chẳng đến chẳng đi, chẳng việc gì); rồi nhìn đại-chúng gật đầu, mỉm cười. Không lâu sau, đại chúng thấy ngài ngồi yên bất động liền đến bên quan sát kỹ, mới hay Ngài đã an nhiên theo tiếng niệm Phật, viên tịch rồi.
Nhìn lại cả đời ngài, xuất thân tuy nghèo khổ song bản tánh tự an, ngay thật, bình dị; đến khi xuất gia, ngài thật sự buông bỏ vạn sự, chân thành ẩn tu, thực hành đủ thứ khổ hạnh gian khó. Bởi nhân địa chân thật như vậy, nên kết quả là cảm ứng bất khả tư nghị ; sau khi xuống núi, tới Ðài-loan hoằng dương Phật Pháp, ngài đã tiếp độ không biết bao nhiêu chúng sanh, từ người đến thú, từ dương giới đến âm giới, từ hữu tình đến vô tình... Và, nhất là sự viên tịch vô cùng tự do tự tại của ngài - một minh chứng hùng hồn nhất về sự diệu kỳ của Phật Pháp, cũng như về khả năng thành tựu sự giải thoát, đạt Ðạo của những bậc chân tu, thật hành.
Xá lợi kỳ diệu của HT Quảng Khâm
Hòa thượng Quảng Khâm được tôn vinh là vị Đạo sư tinh tấn của Phật Giáo – đã sống suốt một đời tu khổ hạnh, đồng thời cũng là một đời đầy truyền kỳ. Ngài từng sống khổ tu trong động trên đỉnh núi 13 năm, hàng phục mãnh hổ, cảm hoá vượn linh, nhập định bốn tháng suýt bị hoả thiêu, biết trước bão tố, tránh trước tai nạn xe, trước lúc vãnh sanh tự an bài hậu sự …. Rồi “ vỗ bụng thanh thoát ra đi ”.
Thật ra, Ngài “ không đến cũng không đi, chẳng có việc gì ”; Xá-lợi để lại sau khi trà–tỳ (hoả thiêu) cũng biểu thị tính thần kỳ và linh hiển.
Theo lời kể truyền lại: Sau Lễ trà-tỳ, người ta nhặt được tổng cộng trên một trăm viên Xá-lợi lớn, những viên còn lại tương đối nhỏ hơn được các đệ tử tại gia chia nhau thỉnh hết. Có một Phật tử tới chậm quỳ trước lò hoả táng cầu nguyện suốt đêm, đến khi trời sáng thấy trước chỗ quỳ có một viên Xá-lợi lớn.
Lại có một Phật tử đem một nắm tro linh cốt về thờ trong nhà, sau đó phát hiện ra có mấy viên Xá-lợi.
Hai vợ chồng đệ tử nọ than dự đại lễ trà-tỳ Sư phụ xong, ngay trong ngày đó trở về miền Bắc. Hôm sau (mồng 7 tháng 2) họ nghe nói Hoà thượng để lại nhiều Xá-lợi, liền vội vã lái xe quay vào Nam, đến lò hoả táng, phát hiện trên mái lò có rất nhiều Xá-Lợi.
Một thiếu nữ phật tử tìm thấy trong những hoa Xá-lợi một hoa hình dạng rất giống toà sen của Bồ-Tát Quán Thế Âm.
Một bà già tuổi cao, mắt mờ không biết làm sao tìm kiếm cho ra những hạt Xá-lợi nhỏ li ti, bà liền quỳ xuống cầu xin Sư phụ từ bi, ba lần khấn lạy … được ba viên Xá-lợi! Thật là không thể nghĩ bàn.
Một ông họ Trương bảy mươi tuổi mắt mù, nhà ở Đài Bắc, cũng là đồ đệ của Ngài Quảng Khâm (ông thọ giới trong mùa đông năm trước ). Vì ông bị bệnh phong thấp nên người nhà chưa kịp báo tin về sự viên tịch và lễ hoả táng Hoà thượng. Hay tin Sư phụ vãng sanh, ông liền cùng với đứa cháu gái, trong ngày 7 tháng 3 thuê xe xuống miền Nam. Đến “Hoả hoá trường” chùa Diệu Thông, tất cả Xá-lợi trong lò hoả táng đã được chia hết cho các Phật tử đến trước!
Đau buồn cùng cực, ông khóc ròng vật mình ngã xuống trước lò, hai tay cào vốc hai nắm tro, lấy khăn tay bọc lại, rồi lên chiếc xe cũ ra về; trên đường đi ông không ngừng mặc niệm “Nam-mô A-Di-Đà Phật”. Về tới nhà ông đem ngay nắm tro hoả táng đặt lên một cái dĩa sơn mài… kỳ lạ thay, trong nắm tro có trên 30 viên Xá-lợi - lớn có nhỏ có – lóng lánh sáng trưng, những ai chứng kiến đều cho là kỳ diệu!
Lời dạy của HT Quảng Khâm về tu học
Làm đến chết, chính là bán mạng mà làm, là biểu hiện của “bố thí”; làm hết mình cho đến hơi thở cuối cùng cũng không tiếc nuối, đòi hỏi phải rất “tinh tiến”; kết quả lại bị người chê ghét, chính là tu “nhẫn nhục”; bị người khác hiềm khích, tâm chúng ta không động, không buồn, chính là “thiền định”; không động tâm, không dùng lời đáp trả, gọi là “giữ giới”; nếu muốn xua đuổi những điều không vui trong ý nghĩ, thì phải hạ khẩu khí xuống, chính là biểu hiện của “trí huệ”. Những điều này gọi là Lục Độ Tổng Tu!
Quảng Khâm hòa thượng: “Đúng sai, tốt xấu ngoài miệng không nên nói, trong bụng minh bạch là được rồi”.
Một hôm, những nhà như trẻ đến khách đường để tiếp khách vãng lai đến thăm chùa, họ phải tiếp nhận những phiền não thị phi của người thường. Sau khi khách về, Quảng Khâm hòa thượng liền nói với các nhà sư trẻ: “Bất kể chuyện tốt hay xấu, đúng hay sai, ngoài miệng không được nói bừa, trong tâm minh bạch là được rồi. Miệng lẩm bẩm không ngừng, không có chuyện cũng thành có chuyện, ắt sẽ gây hại cho chính mình. Người không có chuyện gì cũng cằn nhằn cần chú ý, bởi vì nó rất tai hại”.
Quảng Khâm hòa thượng tiếp tục nói:
“Thấy người khác làm việc tốt, tâm chúng ta không được hoan hỉ, họ làm việc xấu cũng không được khởi tâm, phải kiềm chế cho tốt cái tâm này, không được phiền não. Người khác không tốt, những tật xấu của người khác, đó là chuyện của họ, nếu chúng ta phiền não, vậy thì chính là sự ngu dốt của chính mình. Như vậy, bất luận mọi chuyện tốt xấu ra sao, phải giữ được tâm bất động, là phải nhẫn nhục.
Nếu có thể đột phá quan này, thì về sau gặp bất cứ chuyện gì cũng không bị phiền não, cái phải trải qua quá trình học tập và tu luyện chính mình thì mới đạt được, khi nghiệp chướng được tiêu trừ, thì tự nhiên bản thân sẽ tốt lên”.
Bản thân chúng ta phải giống như ánh sáng của mặt trời, đối với vạn vật đều coi như nhau, chiếu sáng cho người tốt, người xấu cũng chiếu sáng.
Tốt xấu là chuyện của thế tục, chúng ta phải đối xử từ bi với tất cả mọi người, nếu so đo với người thường, thì bản thân mình cũng là “tám lạng nửa cân”.
Phật Pháp là trọn vẹn, là vô biên không giới hạn, luôn khoan dung và độ lượng, con người thế gian dù có thay đổi như thế nào thì Phật Pháp vẫn luôn bất biến.
Tu hành chính là quá trình chúng ta ở trong thế tục mà vứt bỏ những điều của thế tục, dùng tâm từ bi để đối đãi với sự việc và con người ở thế gian. Bất kỳ chúng ta ở nơi nào, chỉ cần có tâm nguyện muốn tu luyện, nguyện ở trong khổ nạn, thị phi mà luyện tâm của chính mình, như vậy nhất định sẽ được đề cao.
Tại thế tục, chúng ta đã hình thành thói quen hưởng thụ, đã quen với việc tự đắc, bảo thủ không chịu nổi sự ràng buộc ước chế… đều là những tâm cần phải bỏ.
Bây giờ đã xuất gia rồi, càng phải cần tu bỏ những thói quen không tốt đã hình thành trong chúng ta từ trước đến giờ, và thay vào đó những pháp lý của Phật Pháp. Đây là chuyện không hề dễ làm, nó đòi hỏi chúng ta phải tin, nguyện ý, nỗ lực sửa đổi, tu luyện đến khi đạt được mục đích cuối cùng, khai huệ khai ngộ mới thôi.
Dịch giả: Ni chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng
Hiệu đính: Giáo sư Phạm Phú Thành & Đại Đức Thích Giải Hiền
BBT tổng hợp
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển
Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Xem thêm