Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 02/03/2024, 16:00 PM

Cuộc đời và đạo nghiệp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang

Thiền sư Huyền Quang玄光 (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái[1] 李道載, quê ở hương Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ (khoảng những năm niên hiệu Hồng Đức 1470-1497 đời Lê Thánh Tông đổi tên thành xã Vạn Tư, huyện Gia Định; nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Huyền Quang (1254-1334), vị Tổ thứ 3 của Phật giáo Trúc Lâm triều Trần, vừa là nhà trí thức đỗ đạt quan trường, làm quan ở Viện nội hàn, vừa là người tinh thông Phật pháp, một thi nhân nổi tiếng. Ở tuổi 51, Huyền Quang từ quan, xuất gia tu hành, sống cuộc đời thanh bạch giản dị, đạo hạnh, một lòng phụng đạo. Huyền Quang cùng với các Thiền sư nổi tiếng thời Trần như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa…đã góp phần làm hưng thịnh Phật giáo Việt Nam thế kỉ XIII – XIV.

DẪN NHẬP

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thời Lý - Trần là thời kì đất nước phát triển cực thịnh về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, tư tưởng…Phật giáo thời Trần cũng phát triển lên đỉnh cao, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Phật giáo Trúc Lâm, hoàn tất quá trình thống nhất Phật giáo. Tư tưởng, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm cũng đã góp phần không nhỏ vào giá trị văn hóa của dân tộc, vào hào khí Đông A thời Trần để xây dựng một nước Đại Việt hùng cường, thịnh vượng. Trong đó, ba vị Tổ của Phật giáo Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang là ba vị Thiền sư tiêu biểu cho nền Phật giáo thống nhất, nhập thế, liên hệ mật thiết với chính trị - xã hội thời Trần. Nhân dịp tưởng niệm 690 năm Thiền sư Huyền Quang viên tịch (1334-2024), trong nội dung bài tham luận này, tác giả chỉ tập trung trình bày về cuộc đời và đạo nghiệp của Trúc Lâm Đệ tam Tổ - Thiền sư Huyền Quang.

Tôn tượng Đệ Tam Tổ Huyền Quang.

Tôn tượng Đệ Tam Tổ Huyền Quang.

1. Thân thế

Thiền sư Huyền Quang玄光 (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái[1] 李道載, quê ở hương Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ (khoảng những năm niên hiệu Hồng Đức 1470-1497 đời Lê Thánh Tông đổi tên thành xã Vạn Tư, huyện Gia Định; nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Thân phụ của Ngài là Lý Tuệ Tổ, từ khi còn là học trò, giặc Chiêm Thành sang cướp phá, Tuệ Tổ tòng quân đánh giặc và lập được chiến công nhưng không ra làm quan mà chỉ ưa vui thú điền viên, thảnh thơi ngày tháng, thích đọc sách hay và xem chuyện lạ[2]. Thân mẫu của Ngài họ Lê, là người phụ nữ đức hạnh, biết chăm lo cho chồng con, kính thờ cha mẹ chồng. Đến 30 tuổi mà vẫn chưa có con trai nối dõi nên bà thường đến cầu tự tại chùa Ngọc Hoàng, ngôi chùa này nổi tiếng linh thiêng, cầu nguyện gì đều được ứng nghiệm, sau đó Thiền sư Huyền Quang ứng sinh. Câu chuyện liên quan đến sự ra đời của Tổ cũng mang đậm yếu tố truyền thuyết, và huyền thoại dân gian.

Tam Tổ thực lục cho biết: “Tổ tướng mạo kì dị, có chí khí của một bậc trác việt, được cha mẹ hết lòng yêu thương, dạy dỗ, học một biết mười, có tài được ví như Nhan Tử Á Thánh, nên được gọi là Tải Đạo.”[3] Do bẩm khí thông minh, học giỏi nên Lý Đạo Tái đỗ khoa thi Hương từ năm 20 tuổi, và đến kì thi Hội năm sau thì đỗ thủ khoa. Lúc thiếu thời, cha mẹ có định hôn sự cho nhưng chưa quyết định cưới, lúc đỗ trạng nguyên vua Trần Thánh Tông có ý định gả công chúa Liễu Nữ (cháu của An Sinh Vương Trần Liễu) cho nhưng Tổ khước từ. Sau khi đỗ đạt, Lý Đạo Tái được phân bổ vào làm quan ở Viện Nội hàn, từng phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, bởi Ngài là người thông thạo thư tịch, trích dẫn kinh văn nghĩa lý rõ ràng, ứng đối lưu loát, văn chương còn hơn cả Trung Quốc và các nước lân bang.[4]

Lý Đạo Tái làm quan trong khoảng 20 năm (1275-1305), nổi tiếng đương thời về học vấn và uyên bác, cống hiến hết tài năng, trí tuệ và tuổi trẻ của mình cho triều đình, cho đất nước.

2. Quá trình tu học và hành đạo

Lý Đạo Tái đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường công danh sự nghiệp, khi có tài năng trác việt, đỗ đạt thủ khoa kì thi Hội, rồi làm quan và được triều đình giao phó những công việc văn hàn vô cùng quan trọng liên quan đến quốc gia đại sự. Ngài sống trong thời Phật giáo vô cùng hưng thịnh, vua quan mộ đạo, cao tăng lại nhiều, đạo tràng, pháp hội được mở khắp nơi nên ta cũng không lạ khi Ngài đã am hiểu và thấm nhuần giáo lý đạo Phật ngay từ khi chưa đi xuất gia tu Phật. Khi nhân duyên đầy đủ, Ngài từ bỏ vinh hoa phú quý để đến với cửa Thiền. Lúc Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm, thấy Thiền sư Pháp Loa đang hành đạo thì nhớ lại duyên xưa mà than rằng: “Làm quan thì lên đảo Bồng, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật, phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi mãi!”[1] Rồi dâng biểu 3 lần xin xuất gia, vua Trần Anh Tông chấp thuận, đó là năm 1305, khi Lý Đạo Tái 51 tuổi.

Theo Tam Tổ thực lục, truyện Thiền sư Pháp Loa (tờ 18a) cho biết Huyền Quang ban đầu xuất gia ở chùa Lê Vĩnh, sau đó đến thọ giới với Thiền sư Bảo Phác. Năm 1306, Điều Ngự Trần Nhân Tông đang trụ trì chùa Báo Ân tại Siêu Loại, cử Pháp Loa làm chủ giảng, Huyền Quang cùng với thầy là Bảo Phác đến nghe giảng, nhận thấy căn tính và tài năng nơi Huyền Quang nên Điều Ngự đã chọn Ngài làm thị giả hầu cận để đào tạo thêm. Cũng từ đó, Huyền Quang được tùy tùng Trúc Lâm Điều Ngự và Pháp Loa đi du ngoạn và hoằng hóa khắp các chùa danh tiếng trong nước. Điều Ngự còn ban cho cho Huyền Quang tòa trầm hương để ngồi thuyết pháp, giảng kinh cho học chúng, điều này cho thấy sự tin tưởng và kì vọng của Trúc Lâm Sơ Tổ đối với Huyền Quang.

Trong thời gian này, Điều Ngự bảo Huyền Quang giúp việc biên soạn kinh sách cho đồ chúng học tập, như Chư phẩm kinh[1], Thích khoa giáo[2], Công văn tập[1]… được vị Sơ Tổ của dòng thiền Trúc Lâm hài lòng khen: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, khảo đính thì không thể thêm bớt được một chữ nào nữa” (Tam Tổ thực lục,tờ 52a-52b), lại ban thưởng cho rất nhiều vàng bạc, rồi sai người đem in ấn để truyền bá rộng rãi. Điều này cho thấy Huyền Quang không chỉ giỏi văn chương thơ phú mà còn có nền tảng rất căn bản, vững chắc về Phật học, các thời khóa công phu tu tập hành trì, các khoa nghi ứng phó đạo tràng nên được chọn biên soạn sách để làm chuẩn tắc thống nhất trong bối cảnh số lượng tăng sĩ thời Trần vô cùng đông đảo.

Sau khi Trúc Lâm Điều Ngự nhập Niết bàn (1308) tại Ngọa Vân am, đến năm 1309, Huyền Quang phụng mệnh di chúc Điều Ngự đã dặn dò trước đó theo học với Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) – một thiên tài hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, người đã được Điều Ngự phó thác làm Tổ thứ 2 của dòng thiền Trúc Lâm, nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm ở tuổi 24.

Sau một thời gian tham học với Pháp Loa, Huyền Quang về trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh), đây là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thời Trần, cũng là nơi phát tích của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tam Tổ thực lục cho biết Tổ học nhiều, tinh thông Phật pháp, tăng ni theo về học đạo có đến hàng nghìn người.

Ngày rằm tháng Giêng năm Qúy Sửu 1313, Huyền Quang về kinh đô thăm vua rồi về chùa Báo Ân giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Buổi chiều, sư đang thiền định trong tăng phòng bỗng có đôi chim khách bay đến báo điềm vui, sư nhớ đến ân đức của cha mẹ nên dâng biểu xin về làng thăm viếng. Nhân đó, sư đã cho xây dựng chùa Đại Bi ở phía Tây của nhà mình, phía Đông chùa Ngọc Hoàng, lấy ý từ câu “Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ tát cứu độ cha mẹ quay về đạo Phật”. Lúc Ngài xây chùa thì từ vua quan đến thứ dân đều góp công đức nhiều không kể xiết, điều này cho thấy uy tín và đức độ của Thiền sư Huyền Quang là rất lớn.

Tháng 2 năm Đinh Tỵ 1317, Pháp Loa bị bệnh nặng, đem y và tâm kệ được Trúc Lâm Sơ Tổ truyền lại trao cho Huyền Quang, Huyền Quang trở thành vị Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm. Tuy nhiên, sau khi Pháp Loa lành bệnh, Huyền Quang khước từ vị trí lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm để Pháp Loa tiếp tục đảm đương công tác Phật sự. Mãi đến khi Nhị tổ Pháp Loa viên tịch năm 1330, Huyền Quang mới chính thức kế đăng làm Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm.

Trong thời gian Huyền Quang trụ trì và hoằng đạo ở chùa Vân Yên, Huyền Quang bị vua[1] dùng mĩ nhân kế để thử dục vọng nhưng không thành. Đó là câu chuyện liên quan đến cô cung nữ Điểm Bích mà sách Tam Tổ thực lục đã dành nhiều trang để kể lại nỗi hàm oan của Thiền sư. Vua thấy hạnh pháp của Thiền sư cao siêu như vậy nên sau đó đến tạ lỗi và phạt Điểm Bích làm tì nữ quét dọn một ngôi chùa trong nội điện cung Cảnh Linh, rồi càng thêm tôn kính Thiền sư và gọi là Tự Pháp嗣法 (tức ghi nhận Thiền sư là người thừa tự pháp, nối dòng pháp của Phật giáo Trúc Lâm).

Chùa Hoa Yên ở Yên Tử.

Chùa Hoa Yên ở Yên Tử.

Sau khi trụ trì chùa Vân Yên một thời gian, Huyền Quang về trụ trì chùa Thanh Mai trong 6 năm rồi về trụ trì chùa Tư Phúc ở Côn Sơn. Tại đây, Huyền Quang tiếp tục mở mang chùa cảnh và cho xây dựng tòa Cửu phẩm liên hoa - một tác phẩm nghệ thuật có giá trị về lịch sử và thẩm mỹ thế kỷ XIV. Trong sách Bắc Ninh phong thổ tạp kí cho biết Huyền Quang đã đi thăm nhiều chùa, trong đó có chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp, Bắc Ninh. Tại đây, Thiền sư cũng đã dựng một đài Cửu phẩm liên hoa và cho khắc in nhiều kinh điển. Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa Ninh Phúc là một cái tháp có thể xoay tròn. Vào các dịp lễ lớn, Phật tử, tín đồ tới chùa tay xoay đài, miệng trì chú hay niệm Phật. Tháp xoay có 9 tầng và 8 mặt. Mỗi mặt của tầng dưới cùng được chạm nổi hình ảnh sự tích Phật, trong đó có hình ảnh của thế giới Tây phương cực lạc và Đức Phật A Di Đà.

Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất 1334, Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Đến ngày 24, tin tức mới về đến làng Vạn Tải, nên dân làng lấy ngày 24 tháng Giêng làm ngày giỗ Tổ. Kính trọng tài năng, đức độ và cuộc đời phụng sự của Thiền sư, vua Trần Minh Tông đã ban tên thụy là “Trúc Lâm Đệ tam đại Tự Pháp Huyền Quang Tôn giả”, cúng 10 lượng vàng để xây bảo tháp phía sau chùa Tư Phúc, Côn Sơn và cấp ruộng cho chùa để lo việc kị Tổ hàng năm (Tam Tổ thực lục, 59b).

Thiền sư Huyền Quang trụ thế 81 tuổi, xuất gia năm 51 tuổi, tu đạo và phụng đạo trong 30 năm, làm vị Tổ thứ 3 lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm trong 4 năm.

Đã có những ý kiến nghi ngờ về ngôi vị Đệ Tam Tổ của Thiền sư Huyền Quang, một số học giả cho rằng vị Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm phải là Kim Sơn như quan điểm của Lê Mạnh Thát[1]. Nhưng chúng ta cần phải khẳng định lại, Huyền Quang chính là vị Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm. Vua Trần Minh Tông đã đích thân xác nhận điều Huyền Quang là người nối pháp của Nhị Tổ Pháp Loa, kế truyền mạng mạch dòng Trúc Lâm. Điều này không chỉ được ghi lại trong Tam Tổ thực lục, mà trong cả bài thơ Tặng Huyền Quang Tôn giả khi đến thăm viếng chùa Côn Sơn cũng ghi rõ Huyền Quang nối dòng pháp của Pháp Loa, làm cho dòng thiền Trúc Lâm chảy mãi:

“Côn Sơn đại đạo sư

Vị ngã tác phúc điền

Vương thần tất quy kính

Phật đạo tục hoàn liên

Pháp kế Nhị Tổ hậu

Cứu kính Uy Âm tiền

Bất trước văn tự tướng

Diễn thuyết Như Lai thiền.”

Dịch thơ:

“Côn Sơn bậc thầy lớn

Làm ruộng phúc cho ta

Vương hầu đều kính trọng

Đạo Phật nối dài ra

Tiếp pháp Đệ Nhị Tổ

Rồi sẽ gặp Di Đà

[1] Quan điểm của Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.327, tr. 335, cho rằng Kim Sơn mới là vị Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm chứ không phải Huyền Quang.

Chẳng nệ vào văn tự

Nghĩa thiền vẫn nói ra…”[1]

Các tấm bia chùa Côn Sơn hiện còn là những căn cứ rất rõ ràng. Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định thứ 4 (1604) ghi: “Tích vi Minh Tông hoàng đế Nam Việt Trần triều, học đạo tu thân đắc thành Phật quả, truyền dĩ tông phái Tổ sư Đệ tam Huyền Quang kế thế Côn Sơn Tư Phúc danh lam 昔為明宗皇帝南越陳朝學道修身得成佛果傳以宗派祖師第三玄光繼世昆山資福名藍…”[2] – (Xưa thời vua Trần Minh Tông nước Nam Việt, người học đạo tu hành chứng quả, kế truyền tông phái có Tổ sư đời thứ 3 là Huyền Quang nối đời tu trì tại danh lam Tư Phúc Côn Sơn). Các bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1608), Trùng tu Tư Phúc tự bi dựng năm Hoằng Định thứ 14 (1614)… đều ghi nhận điều tương tự. Bia tháp Đăng Minh được tạo năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719) ghi: “Trúc Lâm Thiền sư Đệ Tam đại đặc phong Tự Pháp Huyền Quang tôn giả 竹林禅師第三代特封嗣法玄光尊者” [3]– “Thiền sư đời thứ 3 dòng Trúc Lâm, được đặc phong Tự Pháp Huyền Quang tôn giả…”.

Không chỉ là Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm, Huyền Quang còn là một thi sĩ tài ba trên thi đàn dân tộc. Thơ của Huyền Quang hiện còn lại 24 bài được chép trong Việt âm thi tập (1459) do Phan Phu Tiên và Chu Xa biên soạn vào đầu thời Lê sơ và Trích diễm thi tập (1497) do Hoàng Đức Lương biên soạn vào cuối thời Lê Thánh Tông. Mặc dù từng là người biên soạn sách Phật học, uyên thâm Phật pháp, đắc đạo, làm Tổ nhưng các bài thơ của Thiền sư đều không nặng nề ngôn từ Phật học, mà rất bình dị, phần lớn hướng đến cảnh thiên nhiên, đề mai, vịnh cúc..., đậm chất phóng khoáng, nhẹ nhàng, bay bổng, an nhiên tự tại.

Dưới thời Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Phật giáo Trúc Lâm đã phát triển lên đến đỉnh cao về mọi mặt, Phật giáo được triều đình ủng hộ mạnh mẽ. Huyền Quang kế thừa Tổ vị khi tuổi đã ngoài 70. Trải qua cuộc đời làm quan, tu đạo và hoằng đạo với nhiều thành công và cũng không ít những sóng gió, Huyền Quang thực sự thấu rõ lẽ đời và thấy được sự ủng hộ từ triều đình, vua quan là không bền vững cho sự phát triển của Phật giáo. Ngay trong thời kì mà vua quan mộ đạo ấy, có không ít những công kích, chia rẽ, nghi ngờ dành cho Phật giáo mà chính bản thân Huyền Quang là đối tượng bị thử thách. Chính vì lẽ đó, Ngài đã hướng Giáo hội Trúc Lâm dần dần thoát ly sự lệ thuộc vào triều đình, đưa Phật giáo phát triển sâu rộng vào trong dân gian. Cho đến các triều đại sau đó, khi Nho giáo thịnh hơn, Phật giáo tuy không hiện diện trên vũ đài chính trị, không còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ triều đình, nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc.

KẾT LUẬN

Cuộc đời của Trúc Lâm Đệ tam Tổ - Thiền sư Huyền Quang là một cuộc đời trọn vẹn với hạnh nguyện cống hiến hết tài năng và trí tuệ cho đạo và đời. Thuở trai trẻ làm quan trong triều thì hết lòng phụng sự triều đình, rồi từ quan xuất gia tu Phật, cùng với Trúc Lâm Sơ Tổ và Nhị Tổ Pháp Loa đi khắp mọi nẻo đường nỗ lực hoằng dương Phật pháp Trúc Lâm. Ngài biên soạn kinh sách, xây dựng đạo tràng, đào tạo tăng tài, đăng đàn thuyết pháp, xây dựng chùa chiền, viết vịnh đề thơ… và hơn hết, Ngài đã làm cho dòng chảy Phật pháp Trúc Lâm lưu truyền mãi mãi trong dân gian, để nhiều đời sau, dù không còn ghi nhận sự truyền thừa chính thức nhưng tinh thần, trí tuệ, tư tưởng và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt./.

CHÚ THÍCH: 

[1] Tên gọi này được nhiều sách chép. Toàn Việt thi lục và Hoàng Việt thi tuyển chép là Trần Đạo Tái 陳道載, do kiêng húy, nên đúng thì Tổ họ Lý. Theo Tam Tổ thực lục thì thế danh của Huyền Quang là李載道Lý Tái Đạo, hoặc Lý Tải Đạo. Chữ 載 có âm “tái” và âm “tải”, thường đọc là âm “tái” với nghĩa là chuyên chở. “Tái đạo” có nghĩa là “chuyên chở đạo”.

[2] Theo Tam Tổ thực lục, tờ 49b: “慧祖祖父也。為學生時,占成入寇,從軍有功除牧民不受,趣樂田園憂遊歲月,喜觀奇書異傳”。

[3] “體貌奇異,卓然有巨人之志,父母鍾愛之,教之以學藝,聞一知十,有顏子亞聖之才”。Tam Tổ thực lục, tờ 51a. “Nhan Tử Á Thánh” là chỉ Nhan Hồi, học trò của Khổng Tử, được đời sau tôn là “Á Thánh”, tức là gần đạt được như bậc Thánh.

[4] Theo Tam Tổ thực lục.

[5] Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Tam Tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr. 80.

[6] Tuyển tập những kinh văn thiết yếu và thông dụng, như ngày nay có Chư kinh nhật tụng.

[7] Sách giáo khoa về đạo Phật, giúp người học hiểu được những điều căn bản nhất về đạo Phật, tương đương như sách về Phật pháp căn bản.

[8] Tập hợp các khoa nghi, sớ sách sử dụng trong ứng phú đạo tràng.

[9] Có lẽ dưới thời vua Trần Minh Tông trị vì (1314-1329).

[10] Quan điểm của Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.327, tr. 335, cho rằng Kim Sơn mới là vị Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm chứ không phải Huyền Quang.

[11] Thơ văn Lý Trần, Tập 2, NXB Khoa học xã hội, 1987, tr. 810.

[12] Sở văn hóa Thông tin tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc (2006), Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 137.

[13] Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn, sđd, tr. 223.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Tam Tổ thực lục三祖實錄, kí hiệu VHv.1800/8 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

2. Thích Phước Sơn (dịch và chú, 1995), Tam Tổ thực lục, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.

3. Thích Thanh Quyết, Trịnh Khắc Mạnh (đồng chủ biên, 2018), Trúc Lâm Yên Tử Phật giáo tùng thư, NXB Khoa học xã hội.

4. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB TP. Hồ Chí Minh.

5. Bắc Ninh Phong thổ tạp kí, kí hiệu A.425 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

6. Bia Đệ tam Tổ Lý Trạng nguyên hành trạng 第三祖李狀元行狀, thác bản kí hiệu 4360, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

7. Sở văn hóa Thông tin tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc (2006), Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Viện Văn học (1987), Thơ văn Lý Trần, Tập 2, NXB Khoa học xã hội.

*Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Bậc Thầy mô phạm

Chân dung từ bi 14:50 25/03/2024

Giản dị nhưng sâu lắng, nghiêm nghị mà từ bi, nhẹ nhàng nhưng vững chãi, uy hùng mà bao dung. Mỗi lời nói của khẩu đều là Pháp ngữ, mỗi động tĩnh của thân đều là Phật hạnh. Tùy duyên nhậm vận, trọn đời thuyết pháp cứu độ quần sinh, hòa quang đồng trần, thuận theo nhân tâm mà hành Phật sự.

“Làm đến Hòa thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ”

Chân dung từ bi 10:15 11/03/2024

Có lúc giữa chúng đông, tôi thường nói, bây giờ làm đến Hoà thượng mà tôi nhận thấy còn thua hồi nhỏ. Ai nấy đều ngạc nhiên!

Cuộc đời và đạo nghiệp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang

Chân dung từ bi 16:00 02/03/2024

Thiền sư Huyền Quang玄光 (1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái[1] 李道載, quê ở hương Vạn Tải, lộ Bắc Giang Hạ (khoảng những năm niên hiệu Hồng Đức 1470-1497 đời Lê Thánh Tông đổi tên thành xã Vạn Tư, huyện Gia Định; nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Thiền sư Vạn Hạnh - Hình tượng ngàn năm

Chân dung từ bi 11:20 06/02/2024

Ngài họ Nguyễn, tên thật và năm sanh chưa thấy tài liệu nào ghi nhận. Ngài viên tịch vào năm 1018. Về sau, khi tham khảo sách Thi văn Lý - Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, có ghi tên thật của ngài là Nguyễn Văn Hạnh, người ở châu Cổ Pháp, làng Dịch Bảng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Xem thêm