Cuộc sống thần tiên của bộ tộc Bishnoi 500 năm không sát sinh
Trong những điều luật của bộ tộc người Bishnoi, Ấn Độ, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã.
Từ hàng trăm năm nay, người Bishnoi ở Ấn Độ vẫn trung thành với những giáo luật nghiêm khắc của bộ tộc.
Họ không chặt hạ những cây đang sống và không ăn thịt động vật.
Họ luôn sẵn sàng cứu giúp những con vật bị thương. Thậm chí, phụ nữ Bishnoi còn nuôi những con thú non bằng chính bầu sữa của mình.
Đối xử tốt với các loài động vật và không sát sinh
Bishnoi là tộc người sinh sống tại vùng sa mạc Thar, bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ. Trong tiếng bản địa, “bish” có nghĩa là 20, “noi” có nghĩa là 9. Bởi vậy, Bishnoi có nghĩa là 29. Cái tên Bishnoi tượng trưng cho 29 điều luật mà các thành viên trong bộ tộc này phải tuân thủ, trong đó có 20 điều luật theo Hindu giáo và 9 điều luật theo Hồi giáo.
Theo những bô lão trong bộ tộc, vị đạo sư Jhambheshwar đã đặt ra những luật lệ này vào khoảng 540 năm về trước. Theo truyền thuyết, khi đang ngồi thiền dưới gốc cây ở ngôi làng Jhamba, vị đạo sư này đã giác ngộ. Ông cũng là người đã tìm ra nguồn nước giúp những người dân ở ngôi làng Jhamba thoát khỏi cảnh hạn hán sau hơn 20 năm.
Tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở sa mạc, cộng với nguy cơ từ những cuộc chiến tranh do phân biệt tôn giáo và chủng tộc, vị đạo sư Jhambheshwar đã nung nấu việc xây dựng một xã hội hòa bình. Trong đó, con người không chỉ chung sống hòa thuận với nhau mà còn với muôn loài. Đạo sư đã thành lập một cộng đồng người, sống theo những quy tắc mà ông đặt ra để không làm tổn hại đến nhau và những loài muông thú, cây cỏ. Xã hội đó chính là tiền thân của bộ tộc người Bishnoi hiện nay và rất nhiều những điều luật do đạo sư đặt ra vẫn được bộ tộc này tuân thủ.
Cuộc sống của người dân ở đây hết sức giản dị. Phụ nữ Bishnoi thường mặc bộ đồ sáng màu, đeo khuyên mũi và các loại trang sức. Còn đàn ông thường mặc quần áo màu trắng, màu sắc tượng trưng cho sự đơn giản và khiêm tốn. Người Bishnoi sống bằng nông nghiệp. Khi một cặp vợ chồng mới lấy nhau, họ phải tự tạo dựng cuộc sống của mình với hai bàn tay trắng trên mảnh đất cằn cỗi. Họ sẽ đào giếng để lấy nước trồng lương thực và các loại rau củ khác.
Một điều đặc biệt là người Bishnoi chỉ ăn những gì do họ tự trồng được và không bao giờ ăn thịt. Trong những điều luật của bộ tộc này, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã. Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ đã dạy cách không được làm đau hay sát hại động vật. Người Bishnoi còn sẵn sàng chia sẻ nguồn lương thực ít ỏi của mình với những loài động vật trên vùng đất sa mạc cằn cỗi. Những bát nước và các loại ngũ cốc hay rau củ được đặt rải rác khắp các con đường trong làng và ven bìa rừng, để những con thú có thể tự do đến ăn.
Bộ tộc hết lòng bảo vệ thiên nhiên
Người Bishnoi cũng luôn ra tay cứu giúp những con vật bị thương. Họ đem chúng về và giao cho những thầy tu chữa trị trước khi thả chúng về với tự nhiên. Những người phụ nữ Bishnoi cũng sẵn sàng nuôi dưỡng những con thú non bị bỏ rơi như hươu, nai hay linh dương. Họ cho những con thú này bú chung dòng sữa với con của mình. Bởi vậy, trong những ngôi làng của tộc người này, hình ảnh những con thú mải mê bú sữa của những người phụ nữ đã không còn xa lạ. Khi những con thú lớn lên, chúng lại trở thành những người bạn thân thiết của những đứa trẻ.
Ngoài trồng trọt, người Bishnoi còn chăn nuôi thêm một số loại gia súc như bò và dê để lấy sữa. Khi những con vật này già yếu, họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng mà không hề giết thịt, cho đến khi chúng chết một cách tự nhiên.
Ngoài việc đối xử tốt và không giết hại các loài động vật, người Bishnoi cũng có những quy định về cách đối xử với các loài thực vật. Họ không bao giờ chặt hay nhổ cây đang sống, cho dù để lấy gỗ làm vật liệu xây dựng hay củi đốt.
Người Bishnoi chỉ chặt những cây đã chết hoặc cành cây khô để làm củi, phục vụ cho việc bếp núc. Nếu không kiếm đủ củi, họ sẽ thu lượm phân trâu bò, phơi khô để làm chất đốt, chứ tuyệt đối không chặt cây rừng.
Năm 1847, khi quân đội của Đức vua đến khu rừng của những người Bishnoi để chặt cây, lấy gỗ xây cung điện, những người Bishnoi đã kiên quyết bảo vệ cánh rừng của mình. Họ không chống đối bằng bạo lực, mà chỉ kêu gọi quân lính hoàng gia hãy dừng việc chặt rừng. Cuối cùng, 363 người Bishnoi đã bị giết chết khi nỗ lực cứu cánh rừng.
Đã hơn 500 năm nay, người Bishnoi vẫn duy trì cuộc sống thuần nông giản dị, thân thiện với muôn loài. Người Bishnoi cho biết, họ hài lòng với cuộc sống bao đời nay của dân tộc mình. Trong khi ở nhiều nơi, những cánh rừng bị đốn hạ, một số loài động vật bị săn bắn đến tuyệt chủng, thì người Bishnoi đang chứng minh cho thế giới thấy con người hoàn toàn có thể chung sống hòa thuận với thiên nhiên.
363 người Bishnoi đã bị giết chết khi nỗ lực cứu cánh rừng. Đã hơn 500 năm nay, người Bishnoi vẫn duy trì cuộc sống thuần nông giản dị, thân thiện với muôn loài.
Người Bishnoi cho biết, họ hài lòng với cuộc sống bao đời nay của dân tộc mình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan
Quốc tế 09:45 21/11/2024Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.
Khám phá ngôi chùa nổi tiếng nhất thế giới nơi Đức Phật giác ngộ
Quốc tế 08:45 16/11/2024Chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ) là một bảo tháp Phật giáo ở Bodh Gaya, Ấn Độ, được biết đến là một trong những Phật tích quan trọng nhất của lịch sử Phật giáo thế giới. Theo UNESCO, ngôi đền hiện tại có công trình kiến trúc sớm nhất và hoành tráng nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vào khoảng thế kỷ thứ 7.
Nghi lễ Xaybath - Lễ cúng dường lớn nhất của người dân Lào
Quốc tế 16:00 15/11/2024Đây là cơ hội cho người dân Lào tích lũy công đức bằng cách cho đi không vị kỷ. Với việc tham gia vào nghi lễ Xaybath, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Phật giáo và cầu mong phước lành.
Bhutan khởi động “thành phố chánh niệm” gần biên giới Ấn
Quốc tế 09:40 13/11/2024Thành phố chánh niệm Gelephu của Bhutan khuyến khích mọi người đi bộ và đi xe đạp, thúc đẩy giáo dục chánh niệm cùng nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe và thể chất, du lịch sinh thái...
Xem thêm