Đại đức Thích Quảng Ngộ: “Chánh niệm giúp ích cho người trầm cảm, tạo nên một cộng đồng lành mạnh”
"Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm cho người trầm cảm" là dự án do viện nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục - trường đại học giáo dục thuộc đhqg hà nội phối hợp với một số chùa trên địa bàn hà nội thực hiện.
Tại chùa Linh Thông, người điều hành dự án này là Đại đức Thích Quảng Ngộ, Thạc sĩ Tâm lý học (chuyên viên Tâm lý) cùng với các cộng sự. Nói về dự án này, Thầy Quảng Ngộ cho biết:
- Dự án “Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm cho người trầm cảm” ra đời nhằm mang lại sự an bình và nâng đỡ tinh thần cho những người đang đối diện với trầm cảm. Trên nền tảng của tâm lý học hiện đại kết hợp với tinh thần Phật giáo, dự án này không chỉ mở ra con đường trị liệu cho những người mắc trầm cảm mà còn khơi dậy sự đồng cảm và ý thức xã hội về sức khỏe tâm thần.
Mục đích đầu tiên là nâng cao nhận thức về trầm cảm - một căn bệnh mà nhiều người vẫn còn e ngại. Bằng cách chia sẻ kiến thức và tổ chức các hoạt động cộng đồng, dự án giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh này, từ đó tạo ra môi trường hỗ trợ, đầy thông cảm và không phán xét. Khi lòng từ bi được lan tỏa, người mắc bệnh sẽ cảm thấy được đón nhận và an ủi, góp phần giúp họ tìm thấy sự bình an trong tâm hồn.
Điểm nổi bật của dự án là áp dụng liệu pháp Mindfulness based Cognitive Therapy (MBCT) - liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm - một phương pháp dựa trên nền tảng chánh niệm của Phật giáo kết hợp với tâm lý học hiện đại đã được chứng minh hiệu quả trong việc hỗ trợ quản lý và giảm triệu chứng trầm cảm.
MBCT khuyến khích người tham gia tập trung vào hiện tại, giải phóng những suy nghĩ tiêu cực và hiểu rõ hơn về chính mình. Không gian thiền định yên bình của các chùa là môi trường rất lý tưởng, tăng thêm tính hiệu quả trong việc thực hành MBCT, giúp người bệnh kết nối với nội tâm, làm dịu tâm trí và đẩy lùi đau khổ.
Bên cạnh đó, liệu pháp chánh niệm mang ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cá nhân và cộng đồng đạt đến sự bình an và sức khỏe tinh thần bền vững.
Đối với người trầm cảm, chánh niệm hỗ trợ họ nhận diện và quan sát những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực mà không phán xét, từ đó giúp giảm bớt áp lực và căng thẳng. Bằng cách sống trọn vẹn với hiện tại, chánh niệm giúp người trầm cảm xây dựng lại niềm tin, cảm giác an lành và cải thiện tâm lý.
Khi được áp dụng rộng rãi, chánh niệm không chỉ giúp người bệnh mà còn tạo nên một cộng đồng lành mạnh, biết lắng nghe, chia sẻ, thấm nhuần tinh thần từ bi và hiểu biết sâu sắc hơn về con đường tâm linh của Phật giáo trong chăm sóc sức khỏe tinh thần.
* Vậy cụ thể, thầy và đội ngũ thực hiện sẽ làm những gì?
- Đại đức Thích Quảng Ngộ: Trong chương trình này, nhóm điều hành sẽ có 7 phiên làm việc theo 7 bài MBCT-VN với nhóm thân chủ. Nội dung bao gồm các hoạt động thực hành tâm lý trị liệu chánh niệm nền tảng, chánh niệm ngắn, giáo dục tâm lý và thực tập các bài tập chánh niệm. Cụ thể:
Phiên 1: Giáo dục tâm lý về trầm cảm, lo âu và thực hành chánh niệm với vật thể.
Phiên 2: Thực hành chánh niệm với hơi thở.
Phiên 3: Thực hành chánh niệm hòa mình với cơ thể.
Phiên 4: Thực hành chánh niệm với suy nghĩ.
Phiên 5: Chấp nhận yêu thương từ bản thân và người khác.
Phiên 6: Thực hành ý thức chánh niệm với cảm xúc.
Phiền 7: Thực hành giãn cơ chánh niệm và chuẩn bị cho tương lai.
“Bắt bệnh” trầm cảm
* Ngày nay, trầm cảm trở thành căn bệnh, vấn nạn của người hiện đại. Theo thầy, nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
- Trầm cảm đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, ở bất kỳ thời điểm nào. Theo đó, có khoảng 5% người trưởng thành trải nghiệm trầm cảm; khoảng 20% người trưởng thành trên thế giới sẽ trải nghiệm trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Căn nguyên trầm cảm có thể nhìn từ hai khía cạnh chính: sinh học và tâm lý.
Trước hết, về mặt sinh học, trầm cảm bắt nguồn từ việc não bộ hoạt động không đúng cách. Cũng như nhiều bệnh lý khác, trầm cảm có yếu tố di truyền, hoặc xuất phát từ những biến cố trong cuộc đời, hoặc từ sự kết hợp cả hai. Những tổn thương sâu sắc từ quá khứ, có thể tạo nên nỗi đau tâm trí, một sự bất ổn trong tâm thức.
Về mặt tâm lý, xã hội hiện đại con người đa số chạy theo cơm áo gạo tiền, đặt ra nhiều kỳ vọng và tạo ra nhiều áp lực. Con người bị thúc đẩy phải liên tục đạt được những cột mốc thành công, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức và mất đi sự cân bằng trong cuộc sống.
Thêm vào đó, mạng xã hội và công nghệ hiện đại tạo nên môi trường so sánh không ngừng, khiến con người dễ cảm thấy tự ti, áp lực. Sự kết nối với thế giới thực cũng trở nên mong manh, khi ai nấy đều quá bận rộn để tìm thấy sự chia sẻ tình thương trong các mối quan hệ gia đình và bạn bè.
Cuối cùng, khi giá trị vật chất và thành công cá nhân được đề cao quá mức, giá trị tinh thần bị xem nhẹ, khiến nhiều người cảm thấy trống rỗng, mất đi ý nghĩa cuộc sống. Khi xa rời sự an lạc từ nội tâm, con người dễ rơi vào trầm uất và những nỗi khổ niềm đau xuất hiện. Nhìn nhận được điều này có thể giúp chúng ta quay về với chính mình, tìm lại niềm an vui và sự thanh thản bên trong.
* “Phòng bệnh hơn trị bệnh”, làm sao để phòng ngừa trầm cảm thay vì đợi tới lúc bệnh mới đi trị liệu?
- Để phòng ngừa trầm cảm một cách hiệu quả đó là một vấn đề hết sức quan trọng mà mỗi con người cần phải quan tâm. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể thực hành những phương pháp nuôi dưỡng thân - tâm, kết hợp giữa khoa học hiện đại và tinh thần nhà Phật để có thể xây dựng cuộc sống nhẹ nhàng, an vui hơn, từ đó tránh đi những nỗi khổ niềm đau.
Trước hết, nuôi dưỡng tâm trí tích cực và thực hành chánh niệm là một cách quan trọng. Chánh niệm như là nghệ thuật sống trong hiện tại, giúp con người quan sát tâm trí mình, nhận biết suy nghĩ và cảm xúc mà không bị cuốn vào những tiêu cực.
Thứ hai, cần phải xây dựng mối quan hệ sâu sắc với mọi người xung quanh. Khi ta duy trì mối quan hệ chân thật với gia đình, bạn bè, tâm hồn sẽ tìm thấy sự ấm áp, niềm vui và được hỗ trợ trong những lúc khó khăn. Điều này giúp chúng ta tránh xa cảm giác cô đơn và lạc lõng trong cuộc sống.
Thứ ba, mỗi người phải tự trau dồi cho bản thân mình nghệ thuật cân bằng cuộc sống, biết hài lòng với những gì đang có, cuộc sống sẽ trở nên thanh thản, và áp lực cũng giảm dần đi.
Ngoài ra, tìm lại giá trị tinh thần và an lạc nội tại là yếu tố cốt lõi. Đọc sách, thiền định, tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp con người cảm nhận hạnh phúc từ bên trong, không còn phụ thuộc vào những gì bên ngoài.
Cuối cùng, chăm sóc sức khỏe thân thể là nền tảng cho tinh thần mạnh mẽ. Một cơ thể khỏe mạnh giúp tâm trí sáng suốt, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Phòng ngừa trầm cảm vì thế không chỉ là tránh xa những nỗi khổ niềm đau, mà còn là hành trình đi đến sự an vui và hạnh phúc.
Liều thuốc chánh niệm
* Thiền tập, chánh niệm giúp gì cho người bệnh trầm cảm?
- Để hiểu một cách rõ nhất thiền tập hay chánh niệm chúng ta cần phải hiểu điều gì gây nên trầm cảm, cốt lõi trầm cảm là gì?
Về mặt tâm lý, có ba yếu tố cốt lõi gây nên trầm cảm. Thứ nhất là chiều hướng suy nghĩ thiên kiến tiêu cực đối với bản thân và thế giới. Thứ hai, suy nghĩ nghiền ngẫm không thể dừng lại. Thứ ba, mất hy vọng, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Dựa trên ba cốt lõi của trầm cảm này, thiền và chánh niệm có thể hỗ trợ sâu sắc giúp thay đổi các trạng thái này như sau:
- Giảm thiên kiến tiêu cực đối với bản thân và thế giới: Chánh niệm giúp ta nhìn nhận bản thân và thế giới một cách trung thực, như nó đang là, không thiên lệch. Khi thực hành chánh niệm, ta học cách quan sát suy nghĩ của mình một cách khách quan, không phán xét. Điều này giúp giảm bớt xu hướng tự chỉ trích, phóng đại vấn đề và cảm giác tiêu cực về bản thân. Qua đó, ta dần thay thế suy nghĩ thiên kiến bằng cách nhìn nhận sự việc đúng đắn và cảm thấy dễ chịu hơn về chính mình cùng những gì xảy ra xung quanh.
- Chuyển hướng khỏi suy nghĩ nghiền ngẫm liên tục: Suy nghĩ không ngừng, lặp đi lặp lại là một trong những yếu tố làm trầm cảm trở nên nặng nề hơn. Thiền và chánh niệm giúp ta có thể quay về hiện tại, tập trung vào hơi thở, từng cử động và cảm giác cơ thể. Nhờ vậy, khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, ta có khả năng nhận biết chúng nhưng không tiếp tục đào sâu hay nghiền ngẫm. Với sự thực hành đều đặn, tâm trí dần dần tĩnh lặng hơn, giảm dần xu hướng “tự hành hạ” qua việc lặp lại những suy nghĩ đau khổ.
- Khơi lại hy vọng và xây dựng niềm tin vào cuộc sống: Thiền và chánh niệm giúp con người kết nối với sự an lạc nội tại, làm dịu tâm trí và cảm nhận được giá trị hiện tại. Những cảm giác bình an và hạnh phúc tự nhiên này có thể giúp người thực hành cảm nhận cuộc sống theo cách tích cực và hy vọng hơn, không còn dựa dẫm vào những thành tựu hay vật chất bên ngoài. Khi thấy được hạnh phúc đơn giản từ nội tâm, người thực hành có thể khôi phục lại niềm tin vào cuộc sống, hiểu rằng mình có khả năng đối diện với thử thách và tìm lại được niềm an vui.
Nhìn chung, thiền và chánh niệm là phương pháp giúp chuyển hóa ba cốt lõi trầm cảm sang các trạng thái tinh thần lành mạnh hơn, giúp con người từng bước xây dựng một tâm trí bình an, sáng suốt và hy vọng trong cuộc sống.
“Chánh niệm hiện nay đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó sử dụng trong trị liệu tâm lý đã được ứng dụng nhiều năm qua ở phương Tây - được đánh giá là vô cùng hiệu quả trong việc giảm và điều trị trầm cảm. Tại Việt Nam, liệu pháp này chưa được ứng dụng nhiều, chưa có nhiều người biết tới và được trị liệu.
Thật may mắn, chúng tôi được tham gia dự án lần đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu ứng dụng tại các chùa, được tập huấn, hướng dẫn bài bản, kỹ lưỡng từ các giáo sư, bác sĩ của Trường Đại học Y Harvard đã thực hành nhiều năm. Bản thân chúng tôi - người điều hành nhóm - thấy được lợi ích, giá trị to lớn sau khi tập huấn và thực hành cùng kết quả sau 2 đợt trị liệu vừa qua cho người bệnh rất tích cực. Người tham gia đã có sự thay đổi trong nhận thức, giảm mức độ bệnh trầm cảm.
Việc truyền thông để mọi người biết tới chánh niệm giúp phòng ngừa bệnh tật, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe thân - tâm mạnh khỏe toàn diện trên truyền hình là rất cần thiết. Đây là kênh truyền tải thông điệp quan trọng đến gần nhất cho mọi người nhằm để họ tự ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đồng thời cũng là phương pháp để mọi người tự nhận diện được trầm cảm, mang về cho mình một công cụ để có thể tự thực hành chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thành chất liệu an vui, hạnh phúc.
Đại đức Thích Quảng Ngộ
Nguồn: Báo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm