Đại đức Thích Vạn Lợi: "Kinh Phật là cốt lõi của đạo Phật"
Nhân duyên lành, Phatgiao.org.vn được vinh hạnh trò chuyện với Đại đức Thích Vạn Lợi – vị dịch giả đã cống hiến tâm huyết cho hơn 30 cuốn sách Phật giáo, cùng vô số tác phẩm được thực hiện với sự chung tay của các thầy cô tại Trung tâm Biên, Phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế.
Lời Ban Biên tập
Kinh Phật là một tạng trong Tam tạng Thánh điển, gồm kinh - luật - luận. Trong loạt bài "Sự diệu dụng của kinh Phật", khởi đăng từ ngày 1/1/2025, Ban Biên tập mong muốn giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về hệ thống kinh tạng Bắc truyền, Nam truyền, những công năng, diệu dụng khi tụng đọc, ứng dụng vào đời sống; sự mầu nhiệm của tâm kinh, tụng kinh Pali/ Nguyên thủy khó không; ấn tống kinh sách và giá trị...
Kính mời quý vị cùng theo dõi loạt bài này và có chia sẻ, góp ý, lan tỏa nếu thấy lợi lạc cho tự thân cũng như người hữu duyên.
Hơn 30 tác phẩm, hàng ngàn trang sách với rất nhiều điều tâm huyết đã được gửi gắm – đó là những dấu ấn mà Đại đức Thích Vạn Lợi để lại trên hành trình lan tỏa ánh sáng Phật pháp. Không chỉ dừng lại ở vai trò của một dịch giả, Đại đức còn là người kết nối, truyền tải và làm mới mẻ tri thức Phật giáo, mang chúng đến gần hơn với mọi tầng lớp xã hội. Trong cuộc trò chuyện này, Đại đức sẽ chia sẻ những quan điểm sâu sắc về giá trị của kinh Phật:
PV: Thưa Đại đức, theo quan điểm của Thầy, Kinh Phật có vai trò và giá trị như thế nào đối với đời sống tinh thần của người Phật tử trong xã hội hiện đại?
Đại đức Thích Vạn Lợi: Kinh Phật là những lời dạy cốt lõi, cốt tuỷ của đạo Phật. Đức Phật giác ngộ, giảng dạy cho đệ tử, đệ tử ghi nhớ những lời Đức Phật dạy, lưu lại những lời đó. Sau này đến ngày Đức Phật chuẩn bị nhập Niết Bàn, thời điểm đó đương thời có vị tên Đại Hùng - Tổ sư của phái Kỳ Na giáo mất, khiến cho các đệ tử của vị này tranh cãi về lời của Thầy mình, lời nào là đúng, lời nào là chưa đúng? Lúc đó, trong Kinh Thập thượng, hàng đệ tử mới lo lắng rằng sau này sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Phật giáo có rơi vào tình trạng như Kỳ Na giáo hay không? Đệ tử Phật căn cứ vào đâu để tu tập vì vậy hàng đệ tử đã mong muốn nhớ lại lời của Đức Phật để tu tập, từ sau đó đã diễn ra các kỳ kết tập kinh điển.

Kinh điển là cái điều cốt lõi trong quá trình tu tập do Đức Phật chỉ dạy, căn cứu vào đó để chúng ta tu tập. Giới luật chính là kết tập từ những điều Đức Phật khuyên dạy, chỉ bảo những việc nên làm và không nên làm, làm như thế nào cho phù hợp. Còn phần lí luận là căn cứ vào kinh điển, lời dạy của Đức Phật nhưng phải phân tích, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể.
Có thể nói kinh Phật là vô cùng quan trọng và quan trọng nhất trong cuộc đời tu học của mỗi con người, muốn đi tìm chân lý thì phải căn cứ vào kinh Phật. Tuy nhiên kinh Phật cực kỳ khó nên chúng ta cần căn cứ vào sự giải thích của các vị Tổ sư, từ đó chúng ta tu học, hiểu được những lời Đức Phật dạy.
PV: Đại đức nhận định như thế nào về khả năng ứng dụng của Kinh Phật trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, như mâu thuẫn, bất bình đẳng hay bảo vệ môi trường…?
- Trong kinh Phật, các nguyên lý và triết lý không chỉ mang tính chất tâm linh mà còn chứa đựng nhiều giá trị thực tiễn, có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề xã hội. Ví dụ, lòng từ bi và trí tuệ có thể giúp hóa giải mâu thuẫn và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau. Tinh thần bình đẳng của Phật giáo nhấn mạnh rằng mọi người đều có Phật tính, giúp giảm thiểu bất bình đẳng và định kiến trong xã hội.
Về vấn đề bảo vệ môi trường, kinh Phật dạy về sự tôn trọng mọi sự sống và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Điều này có thể áp dụng để xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và sống hài hòa với thiên nhiên.
Để hiểu rõ hơn về khả năng ứng dụng của Kinh Phật vào các vấn đề trên, quý vị có thể tìm đọc bộ sách “Quản lý học Phật giáo” - một minh chứng cụ thể cho cách các giá trị Phật giáo được ứng dụng vào đời sống hiện đại. Bộ sách này không chỉ phân tích các nguyên tắc quản lý dựa trên nền tảng Phật học mà còn chỉ ra cách áp dụng chúng để xây dựng xã hội hài hòa và bền vững.
PV: Là một dịch giả, Đại đức có đánh giá gì về vai trò của dịch thuật Kinh Phật trong việc hoằng truyền Phật pháp đến với cộng đồng?
- Việc dịch thuật kinh Phật, kinh sách là dùng ngôn ngữ hiện đại sao cho phù hợp với căn cơ người đương thời, dịch những lời của Đức Phật dạy cho dễ hiểu. Bởi vì như tôi đã nói ở trên, Kinh Phật là vô cùng quan trọng đối với quá trình tu tập cũng như cả hệ thống Phật giáo, đó là nền tảng nên mỗi thời đại đều phải có phương cách sử dụng ngôn ngữ hiện đại nhất để diễn giải kinh Phật, để đưa kinh Phật đến gần với cộng đồng, Phật tử. Từ đó chúng ta thấy được rằng việc dịch thuật kinh điển có vai trò cần thiết, quan trọng trong vấn đề tu tập theo Đức Phật. Bởi vì “văn, tư, tu” – văn là gì? Văn là lắng nghe, học hỏi, chúng ta học hỏi theo Đức Phật tức là phải căn cứ vào lời dạy – kim khẩu của Ngài - từ kinh Phật (kinh điển Nikaya, kinh A Hàm, kinh Bản Duyên, kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa, kinh Niết Bàn….).

PV: Trong các tác phẩm Phật giáo mà Đại đức đã dịch hoặc tiếp cận, có đoạn Kinh nào mà Thầy cho rằng đặc biệt hữu ích trong việc chữa lành thân và tâm cho con người không?
- Kinh Phật tự thân là sự chữa lành tuyệt đối, giúp đoạn trừ phiền não và phát huy trí tuệ. Phật tử có thể tìm đọc ở kinh Nikaya, kinh A Hàm, Đức Phật nói trực tiếp con người chúng ta là bởi vô thường nên khổ, khổ nên vô ngã.
Nếu xét về từng trường hợp: ví dụ như bộ kinh giúp đoạn trừ phiền não, chứng quả vị trong cuộc đời này - chúng ta nên đọc kinh Nguyên thuỷ; các kinh mong muốn cuộc sống về sau thì liên quan đến Đức Phật nói về Kinh A Di Đà; bộ kinh nói về sức khoẻ, bảo vệ sự sống, chúng ta nên đọc kinh Dược Sư; còn nếu muốn biết thế giới hành pháp của mười phương Chư Phật, Bồ tát nên đọc kinh Pháp Hoa; muốn biết thế giới chứng ngộ của Đức Phật nên đọc kinh Hoa Nghiêm…
Kinh Phật được ví như là nhà thuốc lớn, một bệnh viện lớn với nhiều loại thuốc, máy móc và các bác sĩ khác nhau, mỗi bộ kinh lại có một ý nghĩa, tác dụng riêng…
PV: Theo Đại đức, làm thế nào để Kinh Phật đến gần hơn với giới trẻ hiện nay, những người đang sống trong thời đại 4.0?
- Để kinh Phật trở nên gần gũi hơn với giới trẻ, cần thường xuyên tổ chức các buổi giảng pháp và hướng dẫn tu tập, giúp truyền tải rõ ràng và sinh động những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển.
Những tác phẩm như “Kinh Kim Cương từ góc độ kinh doanh” hoặc “Kinh Thắng Man phu nhân” đều là ví dụ sáng tạo để kết nối triết lý Phật giáo với đời sống hiện đại. Ngoài ra, các tác phẩm như Kinh Địa Tạng, Kinh A Di Đà phiên bản truyện tranh hay kinh Pháp Cú minh họa bằng câu chuyện ngụ ngôn cũng rất hiệu quả. Quan trọng là giúp các bạn trẻ tiếp cận kinh điển theo sở thích cá nhân:
• Yêu thích lịch sử: đọc Kinh Trường Bộ.
• Đam mê triết học: đọc Kinh Kim Cương.
• Thích ngụ ngôn: đọc Kinh Bách Dụ.
• Tìm hiểu siêu hình học: đọc Kinh Hoa Nghiêm.
Việc đổi mới cách truyền tải kinh điển chính là chìa khóa giúp Phật giáo đồng hành cùng thời đại.
PV: Xin chân thành cảm ơn Đại đức!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Tác giả Phan Việt: "Đời sống vốn dĩ là cuốn kinh lớn"
Phỏng vấn
Xuất gia nhưng vẫn tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại trường đại học ở Mỹ, từng là gương mặt văn chương mới được độc giả yêu mến nhưng rẽ hướng với dòng sách mới mà cô gọi là sách chia sẻ với mọi người về sống sáng.

Trò chuyện với dịch giả cuốn sách "Tâm tình với đất mẹ" của Thiền sư Nhất Hạnh
Phỏng vấn
Cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang đến góc nhìn riêng về môi trường sống, trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ "Mẹ Đất".

TS.BS Lê Quốc Tuấn nói về nghề y, chuẩn mực giữa bác sĩ, bệnh nhân
Phỏng vấn
TS.BS Lê Quốc Tuấn, giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM nói, bác sĩ cần cả kiến thức tự nhiên lẫn xã hội để thành công trong điều trị, giao tiếp với bệnh nhân.

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc nói về đi đình chùa, cầu cúng đầu năm
Phỏng vấn
Theo TS Dương Hoàng Lộc, đến đình chùa, ngoài việc lễ lạy, cúng kính thì quan trọng hơn là dịp nhắc mình tử tế, khép mình trong suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, cách sống... để xứng đáng với tiền nhân, không hổ thẹn với thần Phật.
Xem thêm