Đại lễ Vu lan báo hiếu: 'Cuộc đời vô thường, đừng giận hờn cha mẹ'
Nhân dịp đại lễ Vu lan báo hiếu, Ni sư Thích Nữ Hương Nhũ chia sẻ: "Cuộc đời vô thường, đừng giận hờn cha mẹ để rồi những giọt nước mắt rơi muộn màng".
Vu lan báo hiếu xuất phát từ câu chuyện Đức Mục Kiền Liên nghe lời Phật dạy đã cứu vong linh mẹ ra khỏi địa ngục. Từ đó, mọi người nhắc nhau về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, kể cả cha mẹ còn hiện tiền hay cha mẹ đã khuất.
Nhân dịp này, PV đã có buổi chia sẻ cùng ni sư Thích Nữ Hương Nhũ, Phó phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì chùa Thiên Quang (TP.Dĩ An, Bình Dương).
Kính chào ni sư, đầu tiên xin cảm ơn ni sư vì đã nhận lời phỏng vấn trong dịp đại lễ Vu lan báo hiếu. Xin ni sư cho biết, những hy sinh của cha mẹ dành cho chúng ta là gì?
Ni sư Hương Nhũ:
Vu lan Vu lan gió muôn phương
Hiếu Mục Kiền Liên khắp nẻo đường
Gối chiếc đêm sương tình con - mẹ
Bóng ai ngồi thức suốt đêm trường.
Chỉ có cha mẹ mới ngồi thức suốt đêm trường vì con. Sự hy sinh của cha mẹ là vô bờ bến. Cả cuộc đời cha mẹ hy sinh tất cả cho con, dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Và điều khó diễn tả nhất trên cuộc đời này chính là những gì cha mẹ đã hy sinh vì con.
Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta chẳng bao giờ nghe cha mẹ kể ra là đã hy sinh cho con cái gì, cực khổ vì con ra sao. Bởi vì với bậc sinh thành, sự hy sinh cho con là tự nguyện, là điều hạnh phúc nhất trên đời.
Cả cuộc đời, thanh xuân cha mẹ hy sinh để nuôi con cái khôn lớn, rồi đến trường học hành. Những kỳ thi vào lớp 10, thi THPT, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh cha mẹ lo lắng đứng trước cổng trường; rồi cha mẹ lại do dựng vợ gả chồng cho con, sau đó chăm sóc cháu để con yên tâm đi làm.
Thật vậy, nuôi con từ ngày còn đỏ hỏn đến khi dựng vợ gả chồng, cha mẹ cũng già đi, quanh quẩn cùng nỗi cô đơn tuổi già vì sợ phiền con cháu. Sự hy sinh của mẹ vô biên như vậy, cả cuộc đời chỉ biết làm những điều tốt nhất cho con, cho cháu.
Trong cuộc sống, chúng ta có đôi lần giận hờn, oán trách cha mẹ như: ngày nhỏ giận cha mẹ vì không cho mình bằng bạn bằng bè, không cho mình coi ti vi trễ hơn một chút, ăn món ngon hơn một chút, lớn lên thì giận cha mẹ vì bất đồng quan điểm. Ni sư nghĩ sao về điều này?
Ni sư Hương Nhũ: Ngày còn nhỏ, chúng ta hay tủi hờn khi không đòi cha mẹ sắm cho được cái mình thích để mình bằng bạn bằng bè. Lớn lên, cha mẹ tuổi già lẩm cẩm, cập nhật kiến thức không bằng ta hay nhắc đi nhắc lại một chuyện khiến chúng ta khó chịu… Có vô số những điều khiến bất đồng quan điểm giữa con và cha mẹ khi chúng ta trưởng thành và một số người lập tức giận hờn oán trách mẹ cha.
Những lúc đó, ta hãy nghĩ đến những điều sau: thứ nhất, dù như thế nào đi nữa thì cha mẹ là người đã đưa chúng ta vào cuộc đời này, không có cha mẹ thì không có ta. Cha mẹ dù thế nào đi nữa cũng đã cố gắng làm những điều tốt nhất cho con.
Thứ hai, đời sống của mỗi một con người đều do nhân quả và nghiệp báo, không phải cái gì cũng do cha mẹ, tại cha mẹ mà do ta. Chúng ta hãy biết ơn cha mẹ đưa chúng ta đến cuộc đời này. Sướng vui hạnh phúc hay khổ đau hãy nghĩ đến ta đã gieo nhân gì trong cuộc đời, ta đã sống tốt hay chưa mà tu tâm dưỡng tính, đừng oán trách mẹ cha.
Thứ ba, khi giận hờn oán trách mẹ cha hãy nghĩ đến quy luật vô thường: cha mẹ của chúng ta có thể ra đi bất cứ lúc nào chứ không phải đợi đến 80, 90 hay 100 tuổi. Nếu chúng ta cứ chủ quan như thế mà sống mông lung tùy tiện thì sẽ có những giọt nước mắt muộn màng.
Có những người con đã ân hận cả cuộc đời chưa làm gì cho cha mẹ vui lòng, chưa một lần ngồi cạnh mẹ cha nấu cơm cho mẹ, đến khi có thể ngồi bên cạnh thì đó là cạnh chiếc quan tài. Nếu có thể bưng bát cơm dâng mẹ đó là bát cơm khói hương khi cha mẹ đã không còn trên đời vì ngọn gió vô thường không hẹn trước một ai.
Mất cha mất mẹ là mất mãi mãi, không có một tình thương nào có thể thay thế được bằng tình thương của cha mẹ nên đừng phũ phàng giẫm chân lên trái tim của mẹ. Khi còn cha mẹ, xin đừng làm cha mẹ khóc, hãy sống như thế nào cho trọn vẹn nghĩa nhân.
Vậy chúng ta làm gì để báo đáp cha mẹ khi cha mẹ còn sinh tiền, thưa ni sư?
Ni sư Hương Nhũ: May mắn thay cho những người con hiếu thảo, những người con Phật mùa Vu lan báo hiếu được suy tưởng về ân nghĩa sinh thành. Hãy thương cha mẹ và khấn nguyện cho cha mẹ khỏe mạnh, an vui. Mùa Vu lan báo hiếu là dịp vô cùng cao quý, thiêng liêng cho ta nhìn lại sự hy sinh, tảo tần của hai đấng sinh thành.
Hãy cố gắng làm những gì tốt nhất cho cha mẹ, quan tâm lo lắng, ân cần, hỏi han bậc sinh thành. Đôi khi chúng ta ngồi lắng nghe mẹ nói chuyện, lắng nghe cha tâm sự đó là một niềm vui, hạnh phúc rất lớn cho cha mẹ chúng ta.
Chúng ta đều có điện thoại, hãy dành những phút giây gọi thăm mẹ cha khi ta ở xa. Hãy sắp xếp thời gian về thăm cha mẹ. Chúng ta không để ý, nhưng trường hợp phải làm ăn xa, tết đến mới về thì mỗi năm chỉ gặp cha mẹ được 1 lần. Mỗi lần về vài ngày rồi vội vàng đi quay trở lại với cuộc sống thị thành. Thậm chí mỗi lần về chỉ thấy cha mẹ rồi lại đi chơi với bạn bè. Nhiều người ở xa xôi có khi còn không về được dịp tết để gặp cha mẹ, mà chúng ta cũng không biết cha mẹ còn sống được bao lâu nữa ở trên đời vì cuộc sống vô thường.
Cuộc sống với nhiều áp lực và chẳng bao giờ thuận buồm xuôi gió. Một ngày nào đó, chẳng may chúng ta gặp thất bại trên đường đời, thất vọng trong làm ăn, thất tình trong tình cảm lúc đó chúng ta lại nhớ đến mái nhà xưa, chỉ e là lúc trở về không còn cha mẹ ở đó nữa.
Cha mẹ không đòi hỏi gì ở con cái, mà chỉ mong con mình sống tốt lành dù ở bất cứ nơi đâu. Cha mẹ sẽ hạnh phúc khi con của cha mẹ đi đến đâu cũng làm những điều lợi lạc, mọi người khen ngợi, có tiếng thơm.
Chúng ta hãy tận dụng thời gian rảnh rỗi về thăm cha mẹ, ngồi bên cha mẹ. Hãy dành thời gian chăm sóc cha mẹ nhiều hơn, những món quà bé nhỏ đơn sơ tùy theo khả năng của mình là cả tấm lòng làm cho cha mẹ hạnh phúc vô cùng. Yêu thương cha mẹ, hòa thuận anh em trong gia đình cũng là điều làm cha mẹ vui.
Mỗi người hãy giúp cha mẹ hiểu Phật pháp, sống tốt hơn để có phúc lành cho hôm nay và ngày mai được nhẹ nhàng khi tuổi già. Làm được việc lành hay tốt có công đức gì các con hãy hồi hướng cho cha mẹ và mỗi một ngày hãy dành một phút thôi. "Đêm đêm con thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con". Việc làm đơn sơ, lời nhỏ nhẹ chân thành trìu mến nhưng là những món quà đầm ấm yêu thương gửi đến cha mẹ trong mùa Vu lan báo hiếu.
Nguồn: Báo Thanh Niên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?
Kiến thức 17:08 24/11/2024Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.
Giải thích các cõi trong lục đạo
Kiến thức 16:00 24/11/2024Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?
Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?
Kiến thức 15:37 24/11/2024Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.
Tứ ân là gì?
Kiến thức 14:50 24/11/2024Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Người Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.
Xem thêm