Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 30/08/2023, 14:51 PM

Vu lan trong bệnh viện

Mặc dù háo hức chờ đợi và có nhiều dự định cho tháng vu lan này, nhưng người tính không qua trời tính, ba tôi lại cấp cứu, nhập viện từ đầu tháng. Mọi kế hoạch và công việc đều phải gác lại, mỗi ngày tôi đi về 2 lượt chăm ông.

Tuy không phải lần đầu chăm sóc ba nằm viện, nhưng trong dịp đặc biệt mùa báo hiếu này, tôi lại có thêm một cảm nhận mới về đạo hiếu của người con Phật tử. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đâu đó tôi đọc được, những lời cầu nguyện tha thiết nhất không phải trong thánh đường hay chánh điện mà ở hành lang chờ của phòng cấp cứu. Tôi hiểu ý nghĩa câu nói đó, nhưng phải đến khi đối tượng trực tiếp là ba mình, tôi mới thấm đẫm cảm giác của câu nói. Khi tâm bị sự hoảng sợ chi phối, những ý nghĩ tiêu cực bắt đầu như ngựa đứt cương chạy loạn. Tôi biết rõ ràng nên bình tĩnh mà niệm Phật cầu an cho ba, nhưng không sao lắng được lửa cháy trong lòng. Vậy mới biết sức tu học của mình non yếu, định lực trước trần cảnh mỏng manh le lói như vệt khói ban ngày. Nếu ở trong chánh điện có cộng lực của đại chúng và tha lực của hộ pháp nâng đỡ, ta có thể dễ dàng hoà tâm niệm Phật thì ở trong bệnh viện, đối trước người thân đang trong nguy hiểm, phải tự lực dằn lại vọng động, dùng niềm tin tha thiết nơi tam bảo và tình thương chí thành dành cho người thân để tịnh hóa chân tâm, đốt thành nén tâm hương ở ta bà dâng lên thập phương chư Phật cầu gia hộ cho ba.

Đó là lí do thầy tổ luôn dạy ta niệm Phật miên mật, vì tranh thủ những lúc tiện nghi thoải mái tập trung niệm Phật để nhiếp phục tâm ý, đến khi vướng vào những lúc bất trắc nguy hiểm có thể dễ dàng chế ngự vọng niệm để giữ vững tinh thần. Nếu ngày thường giải đãi buông lơi thì bản tâm sẽ yếu ớt, dễ bị ngoại cảnh xâm nhập. Mà chính khi chân tâm ta chiến thắng được ma tâm để hướng về tam bảo, định lực tha thiết ấy mạnh mẽ và cảm ứng được chư Phật mười phương. Nên nói lời nguyện cầu tha thiết nhất không nằm ở cảnh (nhà thờ, chánh điện, bệnh viện hay ngoài đường) mà nằm ở trong tâm, cảnh chỉ là đối tượng để ngăn ngại hoặc hỗ trợ sự định tĩnh trong ta mà thôi. 

Mọi năm, Vu lan của tôi là về chùa sư phụ, làm công quả và trò chuyện cùng các cô Phật tử lớn tuổi mà tôi thân thương gọi bằng má 2, má Bích..; khi tới thời tụng niệm tôi lại khoác áo tràng lên đảnh lễ tam bảo, hoà giọng tụng kinh với quý thầy và đại chúng, xong lại xuống phụ sư phụ trưng bông cắm hoa, những phút giây an yên hồn nhiên mà tôi trông chờ giữa chuỗi ngày bộn bề mưu sinh. 

Nhưng năm nay ba bệnh, kế hoạch thay đổi phút cuối. Những ngày vu lan, đường về chùa thay bằng đường vào viện, những công quả phụng sự thay bằng sự chăm sóc, thuốc men, ăn uống cho ba, thời khóa tụng kinh thay bằng những lời trò chuyện tâm sự cùng ông, sự thành kính chư tăng thay bằng sự hiếu kính, kiên nhẫn với những cơn khó chịu, cộc cằn của đấng sinh thành, tôi biết, người già, đau bệnh rất mỏi mệt nên cáu gắt là thường tình. Những lúc này giúp tôi nhớ lại một người bạn từng nói: “Làm con nên kiên nhẫn với ba mẹ mình như cách ba mẹ kiên nhẫn với ta khi ta còn nhỏ, xúc thìa cơm đổ thìa cơm, cầm ly nước ướt cả người, khi ta vụng về tập đứng, tập đi..”.

Ở chùa phụng sự Tam bảo, rất nhiều người khác ý cũng không dám thái độ, về với ba mẹ không vừa bụng liền vô tư nói ra ngay, nhưng khi người thân ngã bệnh, tôi mới thấu hiểu nghĩa của chữ kiên nhẫn - sự kiên trì chờ đợi đong đầy tình thương và tin tưởng. Tôi nghĩ trong đời mình, ta có thể kiên nhẫn với nhiều đối tượng vì nhiều mục đích, nhưng kiên nhẫn với chính ba mẹ tứ thân phụ mẫu là sự kiên nhẫn khó nhất, vì từ khi lọt lòng ta đã quen là hòn ngọc trên tay ba mẹ, quen được ba mẹ nuông chiều theo ý, có mấy khi mà biết đặt ba mẹ lên trên bản ngã mình để suy nghĩ. Nên mới nói, làm được điều đó thì đạo hiếu mới thêm tròn trịa viên mãn, mà Phật dạy, đạo hiếu chính là đạo Phật. 

Vu lan mọi năm, tôi hoan hỉ cùng đại chúng học theo đức Mục Kiền Liên, sắm sanh lễ vật thanh tịnh bày mâm cúng lễ chư tăng để cứu giúp cha mẹ nhiều đời và tổ tiên còn khổ đau ở chốn vô hình. Năm nay, trong phòng bệnh, chứng kiến phụ thân và những bậc cha mẹ của người khác đau khổ trên chính giường bệnh. Những kim tiêm truyền thuốc, máy móc dây nhợ gắn vào người như bị trói bị buộc, những đau đớn trên thân như một thứ hình phạt, tôi bỗng hoảng sợ nhận ra rằng, có phải địa ngục cũng sẽ như thế này, sẽ ghê gớm và đáng sợ hơn thế này. Than ơi, đời người sinh lão bệnh tử đâu chỉ đợi tới khi ba mẹ mất đi, đọa 3 đường ác mới tụng kinh cúng bái để thể hiện hiếu nghĩa, mà khi người ta đi ¾ đoạn đường, bước vào giai đoạn “bệnh” là cổng địa ngục như chờ sẵn cuối đường rồi.

Vậy nên cần sớm hôm phụng dưỡng chăm sóc hướng dẫn song thân về nẻo thiện lành từ khi còn ở thế giới hữu hình, khi ấy dẫu chưa có điều kiện y pháp trai tăng cúng tế thì tâm hiếu của người con cũng có thể cảm ứng với người thân ở cõi vô hình, bởi vì tâm làm chủ các pháp, dù là hình thức phương tiện gì, tiên quyết nhất là tấm lòng thành hiếu của mình với thân sinh và vạn vạn thân tộc nhiều kiếp trong muôn ngàn cõi giới. 

Vu lan năm nay của tôi xa rời cảnh thiền, vắng lặng tiếng chuông, thiếu đi hương trầm, cũng không có hoa hồng cài áo, bù lại, tôi  học được hạnh Hiếu đối thân sinh mình ở chốn hỗn tạp nhân gian. Ví gương năm xưa đại hiếu Mục Kiền Liên và Địa Tạng Bồ Tát dấn thân địa ngục cứu thân mẫu, tôi nguyện không ngại khó, ngại khổ để học tròn chữ hiếu nơi ta bà, vì chữ hiếu mà chư Phật chỉ dạy, đâu phải đến ngày rằm tháng Bảy mới cần học, mà phải tập luyện mỗi giờ mỗi khắc, cho đến khi gặp nhau ở cửu phẩm liên hoa. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con

Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024

Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.

Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời

Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024

Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.

Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi

Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024

Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...

Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây

Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024

Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.

Xem thêm