Đạo hạnh của người xuất gia (I)
Khi nói đến văn hóa của Đạo Phật, chúng ta nghĩ ngay đến đức Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã khơi dòng đầu nguồn cho văn hóa Phật Giáo tại Ấn Độ, để từ đó dòng chảy Phật giáo ngày càng mở rộng và thấm đẫm khắp năm châu.
Một trong những nét đẹp văn hóa của Ngài thường được nhân loại ngợi ca: đó là đời sống phạm hạnh.
Đời sống phạm hạnh của Ngài được xông ướp bằng hương thơm của giới, định và tuệ. Chính vì vậy, sức cảm hóa của Ngài đối với muôn loài thật diệu kỳ chưa từng có. Như Ngài đã dùng khả năng cảm hóa để cảm hoá năm anh em Kiều Trần Như, để sau đó trở thành năm vị đệ tử Tỳ kheo đầu tiên của Ngài.
Nguồn đạo hạnh thanh khiết của Đức Phật đã không ngừng lan tỏa và tưới mát cho hàng đệ tử, từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác…, trở thành một dòng sông đạo hạnh chảy mãi trong đời sống Tăng đoàn.
Nền giáo dục của Phật giáo và sự đào tạo trong chánh pháp không chỉ giúp cho người tu sống đúng với giá trị chân thật của một con người; mà còn là điều kiện tốt cho sự tu tập, trau dồi đức tính thanh cao để tiến đến ngôi vị Hiền Thánh, Bồ-tát và tột cùng là đạt đến sự tròn sáng muôn đức của Phật quả.
Trí tuệ: thực tập giáo Pháp của Đức Phật
Điều tất yếu để có được trí tuệ là phải siêng học. Khác với thế gian, chữ “học” ở trong đạo Phật có nghĩa là thực tập, chẳng những nghe hiểu mà còn phải thực hành. Tu và học phải luôn đi song song với nhau, không thể tách rời trên con đường đưa đến giác ngộ giải thoát. Không phải chỉ học hiểu suông trên kiến thức mà phải biết vận dụng thực tế trong đời sống tu hành.
Ngày nay, sự phát triển về vật chất, khoa học kỹ thuật đã đạt đến trình độ con nhiều việc con người không thể làm được, tuy nhiên, khoa học không thể giúp con người chấm dứt đau khổ! Càng văn minh hiện đại thì càng luẩn quẩn trong vòng não phiền, hệ lụy và ràng buộc. Thế gian chẳng có môn học nào có thể sánh với môn học Phật, ở đây chính là giáo Pháp của Đức Phật.
Chánh Pháp: giúp người tu học đạt được trí tuệ. Chỉ có Chánh Pháp mới có thể giúp cho con người đạt được trí tuệ cứu cánh, thấu suốt được chân lý sự thật của vũ trụ nhân sinh và thoát mọi ràng buộc khổ đau. Từ giá trị đó, siêng năng học Phật pháp. Không những chỉ học trong kinh điển, hoặc qua những lời dạy của thầy Tổ, mà còn khéo học ở tất cả vạn vật, vì muôn loài đều là Thầy của ta.
Từ bi: Làm lợi cho người
Vì là Đạo của tình thương rộng lớn, cho nên cần phải được thể hiện ở ngay trong cuộc sống. Làm những hành động công ích hoặc những việc làm nghĩa lợi để phục vụ, đóng góp trong sinh hoạt hằng ngày cho chúng sinh, đem lại lợi ích cho mình và người mà vẫn cảm thấy được sự vui thích, hạnh phúc. Đó chính là dấu hiệu ban đầu của tình thương phát khởi từ một tâm hồn trong sáng của người đang bước trên con đường thực hành hạnh Bồ tát ban vui cứu khổ.
Tinh thần từ bi của đạo Phật thể hiện không chỉ qua lời giảng dạy mà bằng những việc làm thiết thực, đó là truyền bá Phật pháp đến với tất cả mọi người. Vì có tính chất quan trọng như vậy, nên chúng ta cần phải tìm hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và kết quả đó.
Hổ thẹn: Bước đầu cho sự dũng cảm, dấn thân
Khác với quan niệm của người thế gian, dũng cảm trong đạo Phật không phải là những việc được thể hiện ra bên ngoài như gan dạ, xốc vác hơn người. Biết hổ thẹn và can đảm mạnh mẽ nhìn lại những điều xấu dở, yếu hèn, nhu nhược ẩn sâu bên trong tâm là sự dũng cảm của người tu.
Khi nhìn thấy những hàng tiền bối, các bậc thầy, cũng như các bạn đồng tu của mình đã làm được những việc cần làm của một người xuất gia và tự xét thấy bản thân dù có học hiểu được điều hay, cũng như sự cao thượng trong đạo pháp, nhưng vẫn không làm được thì tự nhiên sẽ phát khởi tâm biết hổ thẹn.
Cần sống chân thật với mình và với người, không nên che giấu lỗi lầm. Phải can đảm nhìn thẳng vào những thói quen tập khí xấu nhiễm (tham, sân, si) chưa thể dứt trừ để tìm cách chuyển hóa. Như vậy mới có thể chiến thắng được bản thân và xoá sạch phiền não. Đây là tinh thần đạo đức căn bản của Phật giáo. Như lời dạy của Đức Thế Tôn:“Thắng được chính mình, đó mới là chiến công oanh liệt nhất”.
Lễ phép: Thực hành cung kính
Lễ phép không phải là rụt rè, sợ sệt mà chính là sự kính trọng, đối xử với nhau lịch sự và có văn hóa. Người biết lễ phép bao giờ cũng cư xử với nhau rất hay, khéo và hòa vui. Ở trong một xã hội nếu thiếu sự lễ phép, thì sẽ chẳng có trật tự trên dưới, thứ tự trước sau, mọi việc trở nên rối loạn và phức tạp.
Dù người lớn hay nhỏ hoặc ở tầng lớp nào đều có giá trị, quyền tự trọng và sự tôn nghiêm riêng của họ. Từ bậc vua chúa quyền uy thiên hạ cho đến kẻ khố rách áo ôm, đi ăn xin cũng đều có phẩm giá về nhân cách. Những người nghèo khi thấy người khác cho tiền với thái độ xem thường như quăng, ném thì người ấy tuyệt nhiên không nhận. Họ tuy là kẻ khốn khó, phải nương nhờ sự giúp đỡ của mọi người, nhưng không vì thế mà họ đánh mất lòng tự trọng của con người. Hoặc những người đi bán vé số, khi được người cho tiền mà không mua vé số, họ liền từ chối vì họ là một người lao động chân chính, làm ra của cải bằng chính sức mình chứ không phải là người ăn xin... Tất cả hành động đó đã thể hiện được lòng tự trọng sẵn có ở nơi mỗi người.
Trong kinh Pháp Hoa có viết:“Chư pháp trụ pháp vị” nghĩa là:”Các pháp ở nơi vị trí của nó”. Mỗi con người, sự vật đều có vị trí riêng của nó. Người Cư sĩ tập sự có vị trí riêng của cư sĩ. Sa-di có vị trí của Sa-di, Tỳ-kheo có vị trí của Tỳ-kheo. Trong hàng Tỳ-kheo còn phân ra: tân Tỳ-kheo mới xuất gia và thâm niên Tỳ-kheo tu hành lâu năm. Hoặc là Thượng tọa, Hòa thượng, Trụ trì đều có những vị trí riêng biệt tương xứng với sự hiểu biết, công phu hành trì và đạo hạnh của từng người.
Người xưa có nói: “Lý tuy bình đẳng, sự hữu tôn ti trật tự”. Nghĩa là về mặt lý tính thì mọi người đều có cùng tính biết sáng suốt và có khả năng thấu rõ sự thật như nhau, nhưng trên sự tướng thì nhân quả chẳng đồng, vẫn có thứ bậc khác biệt, trên dưới và trước sau rõ ràng. Nếu không hiểu đúng đắn về sự bình đẳng trên luật nhân quả sẽ rất dễ nhầm lẫn và sinh tâm oán hận vì người kia được cung kính quý trọng, còn riêng mình thì chẳng ai biết đến.
Người mới xuất gia, tuổi đạo còn nhỏ thì không thể so sánh với những người tu hành lâu năm hoặc có phẩm vị cao hơn mình. Hoặc phân bì với những người bạn đồng tu ngang hàng chỉ vì họ mới tu một thời gian ngắn mà có được trí huệ sâu thẳm, phc đức rộng lớn, tướng hảo trang nghiêm... mà không thấy được hạt giống căn lành đã gieo trồng trong nhiều kiếp trước, nay đã đến thời kỳ gặt hái.
Trong mỗi việc đều phải xét nhân, không nên chỉ xem quả mà đánh giá toàn bộ vấn đề. Chỉ muốn bình đẳng trên quả mà không thấy tính công bằng của nhân là điều không hợp lý. Thấy rõ được đạo lý nhân quả trước sau sẽ làm phát sinh tâm lễ phép, cung kính và biết cư xử đúng phép tắc. Ngược lại, bất cứ ai nếu không có lễ phép thì xem như đã hỏng mất nền tảng đạo đức của con người.
(Còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm