Phật Giáo
Thứ tư, 26/04/2017, 09:37 AM

Đạo làm người (P.1)

Làm người trước tiên chúng ta phải biết giữ tròn đạo làm con, biết kính trên nhường dưới, sống yêu thương chân thành, biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi có việc cần thiết. Không gian dối, sống thành thật là tiêu chí đạo đức để giữ được mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống. Muốn được như vậy chúng ta phải tin sâu nhân quả, mỗi ngày rèn luyện nhân cách sống mà biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, biết giúp đỡ và sẻ chia, biết yêu thương và hiểu biết.

LỜI GIỚI THIỆU

Đạo làm người là cẩm nang xử thế, nền tảng nhân đạo, mà các tôn giáo đều có khuynh hướng huấn luyện tín đồ mình. Vì bản chất các tôn giáo là không đồng nhất, đạo làm người được dạy trong các trong tôn giáo cũng khác nhau. Tác phẩm đạo làm người của thầy Thích Đạt Ma Phổ Giác là sổ tay đối nhân xử thế cho giới trẻ, đặc biệt là giới thanh thiếu niên, theo tinh thần văn hóa Phật giáo.

Tác phẩm gồm có 3 phần: Đạo làm con, Sống hiếu thuận thương yêu mọi người và Sống với trái tim yêu thương và hiểu biết.

Thơ của thầy Đạt Ma Phổ Giác trước tác và bình giải, mỗi câu sáu chữ, gồm 2 vế, mỗi vế 3 chữ. Mang đậm nét ứng xử văn hoá dân gian, đạo làm người nguyên tác đã thành sách gối đầu giường của nhiều gia đình. Tinh thần giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử, nếp sống gia đình, tương quan xã hội theo tinh thần Phật dạy…..là những trọng tâm của tác phẩm. Lời bình giải của thầy Đạt Ma Phổ Giác rất giản dị nhưng chân thành, rất dễ hiểu nhưng có chiều sâu, rất đời thường nhưng thể hiện chất Phật.

Tương quan của đạo làm người từ mối quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Sự tôn kính, cúc cung, vâng lời, chăm sóc cha mẹ,….là ứng xử hiếu thảo, dựa trên nền tảng văn hoá biết ơn và đền ơn được Phật giảng dạy. Quan hệ anh chị em, bà con thân tộc, giao tiếp xã hội dựa trên sự tôn kính, tương nhượng, tương thân, tương ái, đậm chất vô ngã vị tha. Chân thành, trung thực, giản dị, khiêm tốn, vô ngã vị tha,…là những đức tính mà con người cần có để xây dựng một môi trường sống hoà thuận và hoà bình. Cao cả, phụng sự, hy sinh, dấn thân, chia sẻ, giúp đỡ, là những nhân cách cao quý vốn làm cho cuộc sống của ta trở nên ý nghĩa hơn.

Không giết người, bảo vệ hoà bình; không trộm cắp chia sẻ sở hữu, không tà hạnh, ngoại tình, chung thuỷ một vợ một chồng; nói lời chân thật, hoà hợp, lịch sự và có giá trị; không tiêu thụ rượu, ma tuý và các độc tố,…là nền tảng đạo đức, có khả năng xây dựng hạnh phúc và phát triển bền vững. Giữ chữ tín với mọi người, không giao du với kẻ xấu, tiết độ trong ăn uống, làm chủ sự tiêu dùng, không xa hoa, lãng phí, không keo kiệt, ích kỷ; rộng lượng, bao dung…là những đức tính mang lại hạnh phúc….và còn nhiều hơn thế nửa.

Vì là cẩm nang, thơ nguyên tác ngắn gọn mà thấu nghĩa, xúc tích mà sâu sắc, giản dị mà chân thành, khả năng thay đổi nhận thức, làm mới cuộc sống, góp phần mang lại hạnh phúc và an vui cho người trải nghiệm. Mỗi khi đọc tác phẩm, người đọc như được lên dây cốt tinh thần, thấu rõ được chuẩn mực ứng xử, nhờ đó, tránh được các lỗi lầm và sơ xuất không đáng có.

Bằng lời văn giản dị, với kinh nghiệm của một người từng trải, thầy Đạt Ma Phổ Giác phân tích ứng dụng” đạo làm người” theo cách người đọc cảm thấy thấm thía, soi rọi lại chính mình, để giúp mình ngày càng hoàn thiện, nhờ đó, có một tương lai tươi sáng.

Các bậc phụ huynh hãy hướng dẫn con em mình theo cẩm nang làm người này để các thế hệ trẻ trải nghiệm hạnh phúc bây giờ và tại đây.

Ngày 20 tháng 10 năm 2013
Tiến sĩ Triết học Thích Nhật Từ 
ĐẠO LÀM NGƯỜI

Lời nguyện cầu

Chúng con quỳ trước Phật Đài, cúi xin Tam bảo chứng minh lòng thành, xin nghe con trẻ tỏ bày, nguyện cầu hết thảy muôn loài thế gian. Trước là cha mẹ ông bà được nhiều phước đức sống lâu ở đời, sau là tất cả thầy cô thấm nhuần đạo pháp dạy con nên người.

Nguyện cho tất cả mọi người tin sâu nhân quả cùng nhau làm lành, nguyện cho thế giới thanh bình, mọi người vui sống yêu thương chân thành.

Hôm nay, con trẻ nguyện cầu siêng năng học tập mai sau giúp đời. Bây giờ, con trẻ dại khờ nguyện xin chư Phật nhiệm mầu sáng soi, giúp con hiểu biết thâm sâu, phân biệt phải trái đúng sai tỏ tường để con mở rộng tấm lòng, kính trên nhường dưới, thương yêu muôn loài.

Một lòng con trẻ ước mong, cúi xin chư Phật xót thương độ trì.
Một lòng con trẻ ước mong, cúi xin chư Phật xót thương độ trì.
Một lòng con trẻ ước mong, cúi xin chư Phật xót thương độ trì.

Đạo làm con
 
Tiên học đạo đức làm người,
Hậu học chữ nghĩa kiến thức.

Phật dạy:

Đạo làm con, trước hiếu thảo,
Yêu thương mẹ, kính trọng cha. 

Cha mẹ gọi, trả lời ngay,
Cha mẹ dạy, phải vâng lời.
 
Cha mẹ sai, không biếng trể,
Cha mẹ bảo, con làm theo. 

Cha mẹ thích, phải làm ngay,
Cha mẹ phiền, không nên làm.
 
Cha mẹ khuyên, con kính cẩn,
Cha mẹ trách, vui nhận lỗi.

Cha mẹ buồn, con an ủi,
Cha mẹ vui, con san sẻ.
 
Cha mẹ chê, không hờn dỗi,
Cha mẹ khen, không tự đắc.
 
Cha mẹ thương, không ỷ lại,
Cha mẹ ghét, cũng không buồn.
 
Cha mẹ lỗi, nhỏ nhẹ khuyên,
Cha mẹ đúng, nên bắt chước.
 
Lập gia đình, sáng tối thăm,
Sống xa nhà, nên thăm hỏi.
 
Đi phải thưa, về phải trình.
Cha mẹ già, phải nuôi dưỡng,

Cha mẹ bệnh, phải chăm sóc,
Cha mẹ mất, lo đúng lễ.
 
Sống cho tròn đạo làm con,
Sống yêu thương, biết chia sẻ,

Sống chân thành, không gian dối,
Ai làm người, nhớ khắc ghi.
 
Sống cho tròn, đạo ân nghĩa,
Làm người tốt, biết vị tha,

Ơn sinh thành, công dưỡng dục,
Đạo làm con, phải đáp đền.
 
Sống hiếu thuận thương yêu mọi người
Anh chị em nương tựa nhau,
Sống nhường nhịn, biết chia sẻ,
Sống vui vẻ, cùng thuận thảo,
Sống chan hòa cùng mọi người.

Kính chú bác như mẹ cha.
Trọng anh em, quý bạn hữu.
Tình thân quyến phải gìn giữ.
Với mọi người, sống yêu thương.
 
Với người trên phải kính cẩn,
Với kẻ nhỏ phải dung hoà,
Sống tiết độ, biết lễ nghi,
Thương kính người trong bình đẳng.
 
Biết giúp đỡ, không ích kỷ,
Sống khiêm tốn, không phô trương,
Sống giữ mình, không sa ngã,
Sống vị tha, vì mọi người.
 
Hãy sống với trái tim yêu thương và hiểu biết
 
Một kiếp người thoáng qua mau,
Sống cho đúng, không hối tiếc,
Với bản thân, biết điều hoà,
Biết thúc liễm thân-miệng-ý.
 
Sống làm việc, biết hy sinh,
Sống giữa đời, biết phụng sự,
Sống yêu thương trong hiểu biết,
Sống hết mình vì người khác.
 
Siêng học hỏi những điều hay,
Trước học lễ, sau học chữ.
Biết kính thầy, quý trọng bạn,
Biết kính trên, nhường người dưới.

Với thầy cô phải lễ phép,
Với bạn bè phải hòa hợp,
Với cộng đồng phải thuận ý,
Với mọi người biết yêu thương.

Cùng vui vẻ, kết bạn hiền
Cùng học tập, lao động tốt,
Cùng giúp nhau, cùng tiến bộ,
Cùng sẻ chia vì mọi người.
 
Khi học bài phải tập trung,
Học và hành phải đi đôi.
Sách nhảm nhí chẳng nên đọc,
Sách Thánh hiền phải nên xem.
 
Ăn với uống chỉ để sống,
Ăn vừa đủ, không nên quá.
Không cố tâm giết hại vật,
Không xúi bảo người giết hại.
 
Đồ của người không tự lấy,
Nếu không hỏi cũng như trộm.
Không tà hạnh, đỡ hư thân.
Giữ thuỷ chung, đồng hạnh phúc.
 
Sống ở đời cần chữ tín,
Nói chân thật, lời từ ái,
Không nói tục, lời xảo trá,
Không gian dối để hại người.
 
Không dùng chất có độc hại
Gây say sưa, loạn thân tâm.
Không kết tình cùng bạn xấu,
Hãy kết bạn với người tốt.

Luôn gần gũi bậc hiền Thánh,
Để học hỏi những điều hay.
Chi tiêu đúng việc cần xài,
Không xa hoa, hay lãng phí.

Việc không tốt chớ xúi người,
Việc thiện lành nên khuyến khích.
Biết khen ngợi người làm tốt,
Biết khuyên nhủ người làm xấu.

Không chê bai người phạm lỗi,
Nên động viên người làm thiện.
Ai giúp đỡ phải nhớ ơn,
Ai gieo oán cũng chớ buồn,

Không thấy ai là kẻ thù,
Chỉ có người chưa thông cảm.
Cho và nhận phải biết rõ,
San sẻ người, không mong trả.
 
Không cậy quyền, ỷ thế lực,
Tin nhân quả, biết làm lành.
Sống thương yêu người bình đẳng,
Bằng trái tim có hiểu biết.

Đạo làm con
Đạo làm con, trước hiếu thảo,
Yêu thương mẹ, kính trọng cha.
Cha mẹ gọi, trả lời ngay,
Cha mẹ dạy, phải vâng lời.

Cha mẹ sai, không biếng trễ,
Cha mẹ bảo, con làm theo.
Cha mẹ thích, phải làm ngay,
Cha mẹ phiền, không nên làm.

Cha mẹ khuyên, con kính cẩn,
Cha mẹ trách, vui nhận lỗi.
Cha mẹ buồn, con an ủi,
Cha mẹ vui, con san sẻ.

Cha mẹ chê, không hờn dỗi,
Cha mẹ khen, không tự đắc.
Cha mẹ thương, không ỷ lại,
Cha mẹ ghét, cũng không buồn.

Cha mẹ lỗi, nhỏ nhẹ khuyên,
Cha mẹ đúng, nên bắt chước.
Lập gia đình, sáng tối thăm,
Sống xa nhà, thường thăm hỏi.

Đi phải thưa, về phải trình.
Cha mẹ già, phải nuôi dưỡng,
Cha mẹ bệnh, phải chăm sóc,
Cha mẹ mất, lo đúng lễ.

Sống cho tròn đạo làm con,
Sống yêu thương, biết chia sẻ,
Sống chân thành, không gian dối,
Ai làm người nhớ khắc ghi.

Sống cho tròn đạo ân nghĩa,
Làm người tốt, biết vị tha,
Ơn sinh thành, công dưỡng dục,
Đạo làm con phải đáp đền.
Phật dạy:
Nhờ ân dưỡng dục của mẹ cha,
Con được khôn lớn lại an hòa.
Công cha cao cả như núi Thái,
Đức mẹ vô bờ tựa biển xa.

Thật là thống thiết làm sao, chính đức Phật là người con đại hiếu nên trong các bản Kinh Ngài thường nhắc nhở tất cả mọi người sống là phải biết cung kính, hiếu thảo với cha mẹ. Tuy đã xuất gia thành Phật nhưng Ngài vẫn lên cung trời Đao Lợi để thuyếp pháp độ mẹ là Hoàng hậu Ma Da hiểu được đạo lý chân thật để mà tu tâm sửa tính, sống đời an vui, giác ngộ giải thoát. Khi vua cha hấp hối bên giường bệnh, Ngài về an ủi và khai thị giúp vua chứng được quả Thánh mà ra đi tự tại. Khi làm lễ trà tỳ vua cha, đức Phật đích thân gánh linh cửu đi thiêu để làm gương cho người sau biết hiếu dưỡng với cha mẹ. Cho nên:

Đạo hiếu là đạo Phật,
Tâm hiếu là tâm Phật.
- Vậy đạo làm con phải làm sao?
Đạo làm con, trước hiếu thảo,
Yêu thương mẹ, kính trọng cha.

Đạo Phật là đạo của con người nên lúc nào cũng đặt chữ hiếu lên hàng đầu, ai muốn sống có nhân cách đạo đức tốt trước phải biết cung kính, hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu thảo là tình cảm kính yêu của con cái đối với công ơn cha mẹ. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người con đại hiếu, Ngài luôn nêu cao hạnh hiếu, tán dương công đức của mẹ cha. Ngài nói rằng: “Sở dĩ ta tu hành thành Phật là nhờ mẹ sinh, cha nuôi dưỡng. Nếu không có cha mẹ làm sao ta có thân này để tu hành”. Cho nên, Ngài nói:

Vui thay hiếu kính mẹ
Vui thay hiếu kính cha
Vui thay hiếu kính Sa môn
Vui thay hiếu kính bậc hiền Thánh.

Lời nói của Phật làm cho chúng ta phải suy nghĩ, trước tiên ta phải hiếu kính cha mẹ trước rồi sau đó mới hiếu kính tôn trọng các bậc hiền Thánh. Lời dạy của Ngài cách nay đã hơn 2600 năm nhưng cho đến bây giờ vẫn còn vang vọng khắp cả nhân gian. Ai dù bất hiếu đến đâu khi nghe lời dạy này cũng sẽ thức tỉnh mà hồi đầu quay về hiếu kính với mẹ cha.

Vâng! Công ơn cha mẹ chúng ta không thể lấy gì để so sánh được. Đặc biệt, ân đức đó thâm sâu như trời cao biển rộng. Cho nên,

Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kính tình cha.

Trong các thứ tình cảm không có tình nào thiêng liêng và cao quý bằng tình cha mẹ. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” đã thấm nhuần trong lòng dân tộc Việt Nam. Từ ngàn xưa cho đến nay, đạo thờ ông bà tổ tiên, cung kính hiếu thảo với cha mẹ là truyền thống tốt đẹp của xứ sở con rồng cháu tiên. Gia đình là nhân tố nền tảng của xã hội, cha mẹ là thầy cô giáo đầu tiên giúp con cái hình thành nhân cách sống từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Đã làm người ai cũng phải biết hiếu dưỡng cha mẹ, chúng ta không chỉ lo phần vật chất mà quan trọng hơn hết là lo phần tinh thần tâm linh của cha mẹ. Người nào có phước thì gặp cha mẹ biết đạo nên tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc và được chỉ dạy, hướng dẫn lại. Ai chưa đủ duyên thì gặp cha mẹ không biết tin sâu nhân quả nên phải tìm cách khuyên cha mẹ quy hướng Tam bảo, gìn giữ 5 điều đạo đức, không làm các điều xấu ác hại người, hại vật mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp để giúp người, cứu vật.

Chúng ta biết khuyên cha mẹ tu học theo Chánh pháp thì mới là chân thật báo đáp công ơn sâu dày. Cha mẹ biết tin nhân quả, biết tránh ác làm lành thì an vui trong cuộc sống, khi ra đi được sinh về cõi lành mà không bị đoạ vào ba đường ác địa ngục, quỷ đói, súc sinh.

Địa ngục thực tế hay còn gọi là địa ngục trần gian, ai giết người sẽ bị bắt vào đó để chờ ngày hành quyết, nhẹ lắm cũng từ 15 năm tù giam cho đến án chung thân. Kẻ bị tội và người quản lý ngục mới biết rõ địa ngục trần gian này ra sao, cụ thể là đất nước nào cũng có nhà tù cả. Tâm sát sinh hại vật, tâm oán giận thù hằn chính là “địa ngục tâm thức”. Ai có tâm này sẽ bị hành hạ khổ sở liên tục, chịu vô số kiếp chết đi sống lại để trả quả báo sát sinh hại vật.

Loài quỷ đói chịu khổ sở đói khát vật vờ, thấy thức ăn thức uống mà ăn không được; nghe tiếng chén bát khua, nghe mùi chiên kho xào nướng chúng càng khổ đau vô cùng cực. Nhà Phật vì lòng từ bi thương xót nên mỗi khi dùng cơm đều cúng thí thực để hồi hướng cho chúng được no đủ. Ai có tâm địa tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ, có của mà để cho hư mục không đem ra giúp người khi có việc cần sẽ bị đoạ làm loài quỷ đói.

Loài súc sinh do nhân si mê mà bị đọa lạc nên chúng có thiên hình vạn trạng: loài có cánh bay, loài bò bay mái cựa, loài sống dưới nước và loài sống trong lòng đất. Tuỳ theo mức độ ngu si mà chúng có thân hình hiện tại phù hợp với nghiệp báo đã gieo tạo. Hạng người làm biếng, ăn không ngồi rồi sẽ bị đoạ làm heo chỉ để ăn với ngủ và chờ ngày vô lò mổ là một ví dụ điển hình.

Ba đường dữ địa ngục, quỷ đói, súc sinh phải chịu khổ vô số kiếp không có ngày ra. Ai làm người cũng phải nên biết suy nghĩ cho chín chắn, khi gieo nhân thì không sợ, khi gặt quả xấu mới biết mình mang lông đội sừng nên đành phải chịu thôi.

Một kiếp người có được bao lâu, cùng lắm là 80 năm cuộc đời. Nếu chúng ta để mất thân người thì đâu còn cơ hội mà tu tâm dưỡng tính. Khi đọa làm trâu, làm bò, làm heo, làm gà, làm vịt, làm cá, làm cua thì ta đâu có biết mình bị đọa lạc mà tu hành chuyển nghiệp.

Có một cậu bé là con trai chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, mỗi ngày sau khi đi học về cậu thường ra chỗ mẹ chơi, do công việc bề bộn nên cậu tranh thủ chút ít thời gian phụ mẹ. Thoạt đầu cậu phụ lau chùi, quét dọn từ trong ra ngoài. Những khi rãnh rỗi cậu đem hóa đơn đến bưu điện để thanh toán gián tiếp cho các khách hàng ở xa. Cứ như thế mỗi ngày ngoài buổi học cậu thường giúp mẹ các việc lặt vặt, làm được như vậy lâu ngày nên cậu cảm thấy mình cũng là một nhà kinh doanh nho nhỏ.

Một hôm, cậu bé tự nghĩ sao mình không viết hóa đơn cho mẹ để mẹ thanh toán những việc mình phụ giúp mẹ hằng ngày. Vậy là một hôm mẹ cậu nhận được hóa đơn đề nghị thanh toán tiền công như sau: “Mỗi ngày con phụ mẹ các việc lặt vặt: 1 đồng. Tưới và chăm sóc vườn hoa: 2 đồng. Đem hóa đơn đến bưu điện: 1 đồng. Quản lý cửa hàng mỗi khi mẹ có việc: 2 đồng. Chăm chỉ học hành và biết vâng lời mẹ: 2 đồng. Tổng cộng mẹ phải thanh toán cho con là 8 đồng.”

Mẹ cậu xem xong hóa đơn cảm thấy vui vui trong lòng và hứa tối mai sẽ thanh toán cho cậu đầy đủ, lần đầu tiên cậu nghe mẹ hứa như vậy nên cảm thấy rất hạnh phúc.

Y như lời đã hứa, tối hôm sau cậu nhận được 8 đồng từ mẹ. Lòng cậu vô cùng mừng rỡ vì nghĩ đây là số tiền mình đã bỏ công làm ra. Cậu định đút tiền vào túi nhưng không ngờ kèm theo số tiền lại có một hóa đơn khác.

“Con yêu quý của mẹ, hãy thanh toán về công mẹ nuôi con vất vả, nhọc nhằn trong suốt thời gian qua như sau: Con sống hạnh phúc 12 năm nay trong ngôi nhà của mẹ là 0 đồng. Con được dưỡng nuôi và cho ăn uống đầy đủ 12 năm nay là 0 đồng. Con được học hành đàng hoàng và mỗi khi đau ốm mẹ đều lo cho con thuốc men đầy đủ là 0 đồng. Từ đó đến nay con có được người mẹ biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc và thương yêu con không nề hà khó khăn, gian khổ là 0 đồng. Tổng cộng con phải trả cho mẹ tất cả là 0 đồng”.

Cậu bé cầm hóa đơn trên tay đọc đi, đọc lại nhiều lần mà hai hàng lệ rơi. Cảm động vô vàn trước tấm lòng của mẹ, cậu ta ăn năn, hối hận vô cùng vì mới phụ mẹ một chút mà đã đòi hỏi tiền công, trong khi tình mẹ dành cho cậu không có gì có thể so sánh được. Nghĩ thế cậu liền đi đến bên mẹ nói lời xin lỗi và bỏ tiền vào túi mẹ, trong lòng cảm thương mẹ biết dường nào. Thật ra, bà mẹ ấy có được đứa con như thế thì hãy nên mừng thầm trong bụng, vì ngoài việc học cậu ta còn biết tranh thủ thời gian để phụ giúp mẹ. Cậu bé đó chắc chắn sau này khi lớn khôn sẽ là người hữu dụng cho gia đình và xã hội.

Tuổi trẻ ngày nay dễ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu do bạn bè lôi cuốn nên dễ dàng xao lãng việc học, hoặc do sự thiếu quan tâm của cha mẹ vì bận chạy theo công danh sự nghiệp mà không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Lại có một số cha mẹ làm hư con cái bằng cách lúc nào cũng muốn cho con được ăn ngon mặc đẹp, có nhiều tiền tiêu xài, chơi điện thoại đẳng cấp, sắm sửa xe xịn. Con cái hầu như muốn gì được nấy nên vô tình khiến con ỷ lại mà không chịu siêng năng chăm chỉ học hành hoặc tu chí làm ăn, để rồi làm khổ mẹ cha.

Trong khi đó, có rất nhiều em ở các vùng xâu, vùng xa gia đình nghèo khó nên không có đủ tiền để lo cho con ăn học. Một số các em không còn cha mẹ nên phải bán vé số hoặc lượm ve chai để có tiền sinh sống qua ngày. Các em đang đói tình thương, đang chờ các bàn tay rộng mở, nhất là các em trẻ mồ côi.

Trên đà văn minh tiến bộ của xã hội phát triển toàn diện về mọi mặt, tiện nghi vật chất đầy đủ làm con người ta tự do quá trớn. Văn hóa không lành mạnh thâm nhập với hàng loạt các phim ảnh đồi trị, game bạo lực kích thích hận thù, giết hại, hủy diệt lẫn nhau không thương tiếc. Trẻ nhỏ đam mê, sa đà vì thiếu nhận thức sáng suốt nên dễ dàng bị tiêm nhiễm nhanh chóng; nếu không thì cũng ỷ lại vào sự giàu có của cha mẹ mà ăn chơi, hưởng thụ, sa đọa.

Cậu bé trong câu chuyện trên có những suy nghĩ và việc làm phụ giúp cho gia đình, nhờ người mẹ biết quan tâm chăm sóc hướng dẫn chỉ dạy đàng hoàng bằng ý thức trách nhiệm với trái tim yêu thương và hiểu biết. Chính điều đó đã giúp em có thêm nghị lực trong cuộc sống mà biết cách sống có ý thức, trách nhiệm, sống đúng và sống tốt bằng tình người trong cuộc sống.

Một gia đình có được những đứa con như vậy thật là hạnh phúc và sung sướng làm sao. Tuy cậu bé có một chút toan tính, kể công với mẹ; nhưng khi nhận được những lời nói chân thành của mẹ với 12 năm vất vả, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn mà không bao giờ kể lể, tính công, cậu đã biết hổ thẹn mà thầm cám ơn mẹ nhiều hơn.

Phận làm con ta phải biết thương yêu, quý trọng, cung kính, hiếu dưỡng với cha mẹ; ngay khi còn nhỏ phải ý thức được công ơn sâu dày mà cố gắng chăm chỉ học hành, biết vâng lời cha mẹ và còn phụ giúp những việc cần thiết để cha mẹ bớt vất vả, nhọc nhằn.

Cha mẹ gọi, trả lời ngay,
Cha mẹ dạy, phải vâng lời.

Khi cha mẹ gọi chúng ta phải trả lời ngay, đừng để cha mẹ phải gọi nhiều tiếng mà làm cha mẹ buồn phiền, lo lắng. Đó là điều không nên. Cha mẹ dạy những điều hay lẽ phải chúng ta phải biết lắng nghe để học hỏi đạo lý làm người mà cố gắng rèn luyện nhân cách sống, sau này lớn lên sống có ý thức và hiểu biết mà làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội.

Cha mẹ sai, không biếng trễ,
Cha mẹ bảo, con làm theo.

Khi cha mẹ sai biểu, muốn nhờ ta làm điều gì thì mình phải nhanh chóng làm ngay chứ không nên hẹn lần, hẹn lượt. Khi có việc cần thiết cha mẹ mới nhờ đến chúng ta, nếu không như vậy cha mẹ đã tự mình làm vì không cha mẹ nào muốn làm phiền con mình cả. 

Cha mẹ thích, phải làm ngay,
Cha mẹ phiền, không nên làm.

Việc gì cha mẹ thích chúng ta cần nên làm liền. Dù gian khổ, khó khăn, mệt nhọc tới đâu chúng ta cũng phải ráng làm cho bằng được. Việc gì cha mẹ ngăn cản, cấm đoán thì chúng ta không nên làm vì chắc chắn những việc đó sẽ làm tổn hại cho người và vật. Phận làm con chúng ta phải biết những gì cha mẹ thích hoặc không ưa để luôn làm cha mẹ vui lòng.

Cha mẹ khuyên, con kính cẩn,
Cha mẹ trách, vui nhận lỗi.

Cha mẹ khuyên nhủ, chỉ dạy điều gì chúng ta phải kính cẩn lắng nghe. Khi cha mẹ trách hờn cũng phải vui vẻ nhận lỗi, phải biết mình làm sai mà cố gắng sửa sai, hứa với cha mẹ từ nay về sau chừa bỏ không còn tái phạm nữa. Khuyên nhủ, chỉ dạy, trách mắng là điều cần thiết để giúp mỗi người chúng ta từng bước vượt qua những lỗi lầm đáng tiếc mà biết cách khắc phục, sửa sai để ngày càng sống tốt hơn.

Cha mẹ chê, không hờn dỗi
Cha mẹ khen, không tự đắc.

Cha mẹ chê có nghĩa là lời nói, việc làm đó sai trái và có thể làm tổn hại cho mình và người. Ta phải ăn năn, hối lỗi và hứa chừa bỏ, không nên giận hờn, trách móc. Khi được cha mẹ khen ngợi điều gì ta cũng không nên vênh váo tự mãn mà khinh khi, coi thường người khác. Cái gì xấu chúng ta nên cố gắng chừa bỏ, cái gì tốt đẹp, có lợi ích thì phải duy trì, gìn giữ.

Cha mẹ buồn, con an ủi,
Cha mẹ vui, con san sẻ.

Trong cuộc sống với bộn bề công việc phải lo toan, chuyện làm ăn sa sút, thiếu trước hụt sau làm cho cha mẹ phải buồn rầu, lo lắng. Phận làm con phải biết an ủi, sẻ chia, cố gắng phấn khích tinh thần cha mẹ bằng cách siêng học, chăm làm mỗi khi có việc cần thiết. Cha mẹ vui vì đời sống gia đình được ổn định, bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền nên ta càng phải cố gắng hơn trong việc học, việc làm và sống không ỷ lại.

Cha mẹ thương, không ỷ lại,
Cha mẹ ghét, cũng không buồn.

Tình thương của cha mẹ đối với con cái lúc nào cũng bao la, rộng lớn. Khi được cha mẹ thương ta không nên ỷ lại mà không chịu cố gắng học tập, làm việc đàng hoàng, tối ngày biếng nhác chỉ ăn không ngồi rồi hoặc la cà đàn điếm. Trong những gia đình có nhiều con cha mẹ thường thương đứa này nhiều hoặc thương đứa kia ít. Ta cũng không nên vì thế mà buồn rầu, trách móc vì đó là duyên nghiệp của mỗi người mỗi khác.

Cha mẹ lỗi, nhỏ nhẹ khuyên,
Cha mẹ đúng, nên bắt chước.

Nếu cha mẹ có làm điều gì sai trái, bê tha hoặc say sưa, không biết lo lắng, chăm sóc cho gia đình thì ta phải tìm cách an ủi, khuyên nhủ, không được tỏ vẻ khó chịu, bực dọc. Ai có cha mẹ sống tốt, có nhân cách đạo đức, biết lo lắng, dạy dỗ, chăm sóc con cái đàng hoàng thì phận làm con ta phải bắt chước học hỏi và làm theo.

Lập gia đình, sáng tối thăm,
Sống xa nhà, thường thăm hỏi.

Có nhiều người tưởng rằng mỗi tháng chỉ cần cấp dưỡng cho cha mẹ là đủ. Tuy nhiên, chúng ta nên biết người lớn tuổi thường mặc cảm, tự ti nên dễ thấy cô đơn, trống vắng. Cha mẹ dù có nghèo thiếu nhưng vẫn vui khi thấy mình còn con cái quan tâm, chăm sóc, do đó bớt ưu phiền. Dân gian Việt Nam có câu:

“Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới vừa lòng con”.

Nếu chúng ta vì hoàn cảnh mà không thể sớm thăm tối viếng thì cũng phải thường xuyên thư từ liên lạc hay gọi điện thoại, hoặc ít ra cũng sắp xếp công việc về thăm cha mẹ đôi ba lần.

Đi phải thưa, về phải trình,
Cha mẹ già, phải nuôi dưỡng,
Cha mẹ bệnh, phải chăm sóc,
Cha mẹ mất, lo đúng lễ.

Khi đi đâu làm việc gì chúng ta phải thưa hỏi để cha mẹ biết mình đi đâu, khi xong việc trở về cũng phải trình báo để cha mẹ rõ, nếu đi về trễ phải điện thoại hoặc nhắn gửi người khác báo lại để cha mẹ an tâm, không phải bận lòng lo lắng.

Khi cha mẹ bệnh ta phải ân cần chăm sóc, lo lắng thuốc men đầy đủ. Cha mẹ già mình phải cung cấp dưỡng nuôi đàng hoàng. Nếu không ở cùng cha mẹ thì phải thường xuyên thăm hỏi, cấp dưỡng đầy đủ và sắp xếp thời gian về thăm và chăm sóc cha mẹ. Cha mẹ già khi bệnh tật đi đứng khó khăn, mắt mờ tai điếc, trong người mệt mỏi nên dễ cáu gắt, buồn phiền. Phận làm con ta phải chăm lo thuốc thang, an ủi, vỗ về, nuôi dưỡng đàng hoàng.

Khi cha mẹ qua đời phải lo tang lễ, ma chay đầy đủ, cung thỉnh chư Tăng tụng kinh khai thị, không nên bày tiệc ăn thịt uống rượu, hạn chế việc xa hoa lãng phí, nếu đầy đủ phúc duyên thì tổ chức ăn chay. Tiền phúng điếu để làm từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hoặc cúng dường Tam bảo, nếu gia đình có khả năng.

Sống cho tròn đạo làm con,
Sống yêu thương, biết chia sẻ,
Sống chân thành, không gian dối,
Ai làm người nhớ khắc ghi.

Làm người trước tiên chúng ta phải biết giữ tròn đạo làm con, biết kính trên nhường dưới, sống yêu thương chân thành, biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi có việc cần thiết. Không gian dối, sống thành thật là tiêu chí đạo đức để giữ được mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống. Muốn được như vậy chúng ta phải tin sâu nhân quả, mỗi ngày rèn luyện nhân cách sống mà biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, biết giúp đỡ và sẻ chia, biết yêu thương và hiểu biết.

Sống cho tròn đạo ân nghĩa,
Làm người tốt, biết sẻ chia,
Ơn sinh thành, công dưỡng dục,
Đạo làm con phải đáp đền.

Công ơn sinh thành dưỡng dục mẹ mang nặng đẻ đau, cha làm lụng vất vả nuôi ta khôn lớn, cưới vợ lấy chồng rồi còn chia gia tài cho ta. Ơn nghĩa này khó đáp đền trong muôn một, đối với cha mẹ mà ta không biết ơn biết nghĩa thì sao mình có thể thương yêu, giúp đỡ người khác.

Biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây đã thấm nhuần trong lòng dân tộc Việt Nam ta từ ngàn xưa cho đến ngày hôm nay.

Phật dạy: “Cho dù ta hai vai cõng cha, cõng mẹ suốt 100 năm, cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc chu đáo vẫn không thể đền trả hết công ơn cha mẹ”. Muốn trả được ơn khó đền này ngoài việc dưỡng nuôi vật chất đầy đủ ta phải làm sao khuyên cha mẹ biết tin sâu nhân quả, quy hướng Tam bảo, sống hiền lương đạo đức. Nếu khuyên cha mẹ xuất gia sống vui với Chánh pháp để an lạc tuổi già, ít phiền muộn khổ đau thì đó là cách trả ơn cao cả nhất.

Một người con có hiếu là người con biết tự lo cho mình, cha mẹ không phải tốn sức lực lo lắng và theo dõi. Người con có thể tự đi trên đôi chân, làm bằng đôi bàn tay và khối óc, tự kiếm sống và tự quyết định cuộc đời mình mà không cần cha mẹ bên cạnh. Một người con biết tự chăm sóc và nuôi dưỡng mình là đã giúp được cho cha mẹ và biết lo cho cha mẹ.

Một người con mang trong mình các yếu tố của cha mẹ, các gen di truyền, các khát khao, sự hạnh phúc hay khổ đau của cha mẹ. Phận làm con khi còn nhỏ tuy sống với cha mẹ phải nhờ vào sự nuôi dưỡng, dạy dỗ của cha mẹ nhưng bản thân cũng phải tự nuôi dưỡng và tự vươn lên bằng tự lực bản thân. Khi lớn lên người con đi học và làm việc, có thể sống tự lập không còn nương nhờ vào cha mẹ, đến lúc nào đó sẽ giúp đỡ được cha mẹ và biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Buổi tối, cha mẹ thường kêu ta vào phòng khách và dạy dỗ đạo làm người; nào là phải biết kính trọng người lớn, nào là đi đường phải có ý tứ, nào là phải biết vâng lời thầy cô, nào là phải giữ gìn thân thể. Lời cha mẹ dạy sẽ mớm nhân duyên cho người con mai sau khôn lớn trưởng thành làm người có ích cho xã hội. Người con có nên người hay không là do bản thân biết tự vận dụng lời cha mẹ dạy, để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

Trong xã hội mọi người đều có bổn phận và việc làm khác nhau để đóng góp lợi ích thiết thực mà cùng nhau bảo tồn mạng sống. Cây có cội, nước có nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống con người. Cung kính, hiếu dưỡng đối với cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của tất cả mọi người.

Trong các thứ tình trên thế gian không có gì cao quý và thâm sâu bằng tình mẹ, mẹ mang nặng đẻ đau, sớm hôm nuôi dưỡng. Khi con mở mắt chào đời mẹ mớm cho con dòng sữa ngọt, chăm sóc, lo lắng từng giờ, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, những khi trái gió trở trời con đau là mẹ đứng ngồi không yên. Mẹ thức khuya dậy sớm, lao khổ cực nhọc đủ điều, tần tảo nuôi con mong cho con mau khôn lớn.

Ai đã từng mang nặng đẻ đau, ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được ân đức của mẹ, và ai sắp sửa làm mẹ cũng phải bùi ngùi xúc động mà nhớ đến công lao khó nhọc của mẹ cha. Nhất là các đấng mày râu không có thiên chức làm mẹ thì càng phải yêu thương, quý kính mẹ nhiều hơn. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần cấp dưỡng cho cha mẹ mỗi tháng là đủ, nhưng thật ra người lớn tuổi nếu không phải là người phật tử chân chính thì dễ buồn chán, cô đơn, mặc cảm, hay nhớ nghĩ về quá khứ thời son trẻ nên dễ cáu gắt, giận hờn, trách móc.

Bổn phận làm con ta phải thường xuyên quan tâm thưa hỏi, chăm sóc mỗi khi có dịp gần gũi. Nhờ vậy, cha mẹ già dù có nghèo nhưng vẫn vui lòng vì thấy mình còn được con cái quan tâm chăm sóc, lo lắng.

Nếu chúng ta vì hoàn cảnh không thể sớm thăm tối viếng thì cũng phải điện thoại, thư từ liên lạc, vấn an sức khỏe để cha mẹ được an vui, hạnh phúc tuổi già. Nếu cha mẹ chưa biết quy hướng Tam bảo thì ta phải tìm cách khuyên nhủ cha mẹ đi chùa và quy y Tam bảo; khuyên cha mẹ biết làm phước, đi chùa tụng Kinh, niệm Phật-Bồ tát, làm các việc thiện ích; như vậy là cách báo hiếu tốt nhất.

Nhờ tu học Phật pháp cha mẹ cảm nhận được niềm vui từ sự biết buông xả các thói quen chấp trước có hại cho mình và người mà cùng sống vui vẻ bình an, hạnh phúc với cháu con.

Ngày xưa, có 3 anh em người nào cũng có hiếu nên cùng chia nhau nuôi mẹ. Người anh cả giàu có nên mỗi khi đến kỳ nuôi mẹ đều lo chu đáo, đầy đủ. Do đó, người mẹ hồng hào, khỏe mạnh. Người con thứ hai cũng vậy, nhờ khá giả nên anh nuôi mẹ cũng được vuông tròn tốt đẹp. Tới phiên người con út vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nuôi mẹ không được đầy đủ làm bà sụt ký. Khi bước lên cân bà phải bỏ chì trong túi để đứa con út không bị hai người anh quở trách.

Câu chuyện bù chì là một đạo lý thiêng liêng nói về tình mẹ bao la như trời biển, bà không muốn con mình buồn phiền vì tâm so đo, ích kỷ. Hai người anh có tiền nếu biết mở lòng rộng lớn hơn mà cung cấp tiền bạc, phương tiện để em mình lo cho mẹ đầy đủ thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Do đó, câu chuyện trên nói lên ý nghĩa:

Giàu cha, giàu mẹ thì hơn,
Giàu anh, giàu chị khó lòng giúp nhau.

Ở đây nói về phương diện tình mẹ đã cho chúng ta cách nhìn sáng suốt hơn. Người mẹ ấy thật từ bi đáo để, bà không muốn con mình oán trách lẫn nhau nên phải đeo chì để hai người con lớn không phiền lòng. Điều này chứng tỏ tình mẹ bao la như trời cao biển rộng không gì có thể so sánh được. Câu chuyện người mẹ bù chì khi nghe qua ai cũng cảm động nên càng phải cung kính, hiếu dưỡng cha mẹ nhiều hơn.

Cha mẹ giàu có thì lo cho con đầy đủ, ăn học đến nơi đến chốn, biết sống tự lập, không ỷ lại. Ngược lại, cha mẹ nghèo thì tùy thuận hoàn cảnh mà con cái tìm cách nuôi nấng, giúp đỡ để cha mẹ được an vui lúc tuổi già. Tuổi già thường đau yếu, bệnh hoạn, nếu cha mẹ không biết tu tâm dưỡng tính sẽ làm khổ mình và ảnh hưởng đến con cháu.

Thiền sư Tông Diễn ở miền Bắc nước ta đã lo cho mẹ những ngày cuối đời biết quy hướng Tam bảo, tự làm các việc công ích trong chùa và một lòng nhất tâm niệm Bồ tát Quán Thế Âm. Nhờ vậy, khi ra đi bà an nhiên được sinh về cõi lành.

Thoạt đầu, ta thấy khi còn trẻ ngài có vẻ như một người con bất hiếu, mới bị mẹ đánh có một chút mà bỏ nhà đi luôn. Thật ra, ngài đã có chủng duyên sâu dày với Phật Pháp, nơi vùng quê xa xôi hẻo lánh tuổi còn nhỏ thì làm sao ngài ý thức được việc sát sinh.

Chính vì vậy, khi nghe mẹ bảo mần cua lòng ngài cảm thấy thương xót chúng vô cùng nên nhất định thả, ngài thà chịu lỗi với mẹ một chút chứ không nỡ giết hại lũ cua. Nhờ có duyên nhiều đời với Phật pháp nên nhân cơ hội bỏ chạy khi bị mẹ đánh mà ngài vào chùa xuất gia cầu đạo, ngài thà để mẹ chịu khổ nhớ con chứ không để mẹ con cùng nhau mang tội sát sinh hại vật.

Đến khi tu hành chứng được đạo quả, ngài thấy đủ nhân duyên độ mẹ sống quãng đời còn lại để tích công bồi đức nên đã quay về khuyến khích bà đi tu. Dù thương mẹ nhưng ngài vẫn không cho bà biết rõ thân phận để bà cố gắng siêng năng tu hành và không ỷ lại. Nếu để mẹ biết thân phận của mình thì bà sẽ sinh tâm ỷ lại khi nghĩ con mình là thầy trụ trì mà dễ có tâm cống cao ngã mạn khó tu hành.

Nhờ vậy, mẹ ngài đã thành tâm công quả và không chút xao lãng trong việc tụng kinh, niệm Bồ tát Quán Thế Âm; do đó phát tín tâm kiên cố nhờ lời khuyên nhủ, động viên khéo léo của ngài.

Đó là phương tiện thiện xảo để giúp mẹ ngài ý thức việc tu hành được tốt đẹp, đến lúc lâm chung bà mĩm cười ra đi dưới sự hộ niệm của Tăng chúng trong chùa. Ngài là một tấm gương sáng tu hành đạt đạo và độ mẹ biết quy hướng Tam bảo mà sống đời an vui giải thoát trong quãng đời còn lại.

Trong cuộc sống tùy theo hoàn cảnh mà mỗi vị Bồ tát có nhiều tâm nguyện khác nhau để độ cho cha mẹ bằng nhiều cách. Tấm gương hiếu của Thiền sư Tông Diễn đã chứng minh cho đời hương thơm bất diệt nhờ sự biết ơn và đền ơn. Người con Phật chính vì thế trước tiên phải biết hiếu kính với cha mẹ, sau mới quy hướng Tam bảo rồi bố thí giúp đỡ tùy theo khả năng, kế đến phải lánh xa người xấu ác và phóng sinh giúp người cứu vật, ăn chay làm lành.

Một cậu bé đã hỏi cha mình một cây chuối sinh được bao nhiều buồng trong suốt thời gian sống. Người cha trả lời cây chuối chỉ sinh một buồng duy nhất và cậu ấy rất ngạc nhiên. Cậu cứ đinh ninh nghĩ cây chuối ít nhất cũng sinh vài buồng chuối trong suốt cuộc đời của nó. Người cha nói thêm: “Con ạ, khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ từ từ chết đi.”

Quả thực, nếu các em có dịp quan sát một cây chuối đang mang nhiều nải chín thì sẽ thấy những hiện tượng sau. Trước tiên, lá của cây chuối mẹ sẽ bắt đầu tàn héo dần, thân của nó oằn xuống như sắp gãy đi vì sức nặng của buồng chuối, có khi ta phải lấy cây chống đỡ nếu không cây chuối sẽ ngã rạp xuống.

Chỉ một thời gian ngắn khi buồng chuối già chín thì cây chuối mẹ sẽ gục hẳn vì không còn đủ sức để sống. Chúng ta thấy, trong suốt quá trình nuôi dưỡng buồng chuối, cây chuối mẹ phải hy sinh hết những tinh ba của mình từ chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá để dồn vào những nải chuối con, mang đến cho con người những trái chuối chín thơm, ngon ngọt.

Các em có thể hiểu đạo lý được nhắn gửi trong câu chuyện về cây chuối này không? Bấy lâu nay, chúng ta vô tình không thấy hết giá trị của một cây chuối nên nhiều em tuy đã từng thưởng thức những quả chuối thơm ngon nhưng lại không biết chúng được sinh ra như thế nào. Các em biết không, cây chuối là tượng trưng cho một hình ảnh cao đẹp không gì có thể sánh bằng dù là trời đất, núi cao, biển rộng, sông dài.

Cây chuối mẹ nếu mập mạp, tốt tươi thì sẽ sinh ra những nải chuối con tròn trịa, cung cấp cho đời một hương thơm bất diệt. Cây chuối đã dâng hiến cho đời những hương thơm tinh khiết và đã hy sinh để một mầm sống mới được phát triển tốt hơn.

Tính chất của trái chuối không chỉ là thơm ngon, tinh khiết mà còn là chất bổ dưỡng, là những bài học quý báu của tình yêu thương chân thật bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.

Giờ thì các em đã biết cây chuối là hình ảnh tượng trưng cho ai chưa? Đó là cha và mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi ta gian nan cực khổ. Cha làm lụng vất vả, nhọc nhằn, không quản ngại khó khăn. Công ơn cha mẹ như trời cao biển rộng không gì có thể sánh bằng. Do đó, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” luôn là đạo lý chân thật trong truyền thống tốt đẹp của con người dân tộc Việt Nam.

Nếu đạo thờ ông bà tổ tiên được kết hợp hài hòa với lời Phật dạy thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc. Bởi vì sao? Vì đạo Phật là đạo hiếu thảo, là đạo của tình thương, là đạo của con người, vì con người mà sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết cùng với sự an ủi, sẻ chia, nâng đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Nói về tình mẹ thì trong cuộc đời này không có thứ tình nào đậm đà, sâu lắng và thiêng liêng, cao cả như tình mẹ. Mẹ là dòng máu khơi nguồn từ trái tim yêu thương vĩ đại. Tình thương của mẹ bao la không bờ bến, chỉ cho đi mà không cần sự đáp đền. Thật hạnh phúc thay cho những ai đang còn mẹ để được bảo bọc, chở che bằng sự yêu thương chân thành, tha thiết.

Trong kinh Bổn Sự Phật dạy: “Này các thiện nam tín nữ, có hai hạng người ta không thể trả ơn hết được. Đó là mẹ và cha. Cha mẹ đối với con cái luôn thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ không biết mệt mỏi, nhàm chán, luôn muốn cho con lớn khôn mà chẳng muốn rời xa cũng như bóng với hình.

Nếu cha mẹ chưa biết tin sâu nhân quả và quy hướng Tam bảo thì phận làm con phải tìm cách khuyên lơn cha mẹ tu học theo Chánh pháp, không làm các việc ác mà hay làm các việc thiện lành tốt đẹp. Đó mới là chân thật báo ân.”

Chúng ta nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ về vật chất thì chỉ tạm thời giúp cha mẹ an vui trong hiện đời; nếu giúp cha mẹ hiểu biết đạo lý làm người tin sâu nhân quả, thì cuộc sống sẽ được thăng hoa tâm linh đạo đức mà sống đời bình yên, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn
Phật Giáo
Phật Giáo

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm