Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 14/07/2024, 10:59 AM

Đạo lý nhân quả và phẩm chất con người trong truyện cổ tích

Tìm về kho tàng Văn học dân gian Việt Nam - cái nôi văn hóa của cuộc sống con người thời xưa, có vô số những câu chuyện đời thường nhưng lại chứa đựng những điều lớn lao. Đó là những bài học, là những triết lý nhân sinh, là đạo trong đời.

Trong quá trình giảng dạy các tác phẩm Văn học dân gian, đặc biệt là những câu truyện cổ tích, tôi luôn nhấn mạnh về các đạo lý. Mỗi câu chuyện trong truyện cổ tích là một bài học đầy ý nghĩa, mang đậm triết lý nhân sinh. Một trong số đó là đạo lý nhân quả. Với mong muốn các em học sinh hiểu câu chuyện là một phần, nhưng thấm nhuần đạo lý mới là cốt lõi, chỉ khi thấm nhuần đạo lý thì học sinh mới hình thành nên phẩm chất tốt, nhân cách tốt, bởi vậy tôi muốn đi tìm nguồn gốc của đạo lý nhân quả mà truyện cổ tích thể hiện. 

Trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy rằng từ triết học cổ đại như Bà-la-môn giáo, Phật giáo, Đạo giáo đến triết học Mác-Lênin đều thừa nhận quy luật nhân quả. Tuy nhiên, hầu hết trong các đạo cổ đại đều cho rằng có một vị thần linh tối cao chi phối, điều khiển đạo luật này dưới hình thức ban phước giáng họa. Theo triết học Mác-Lê-nin, nhân quả có tiến trình trước sau và tác động qua lại nhưng cũng chưa giải thích được trọn vẹn mọi sự trong đời. Còn theo quan điểm Phật giáo, trong Kinh Đại Niết Bàn có viết “nhân duyên cố sinh, nhân duyên cố diệt” – vì nhân duyên mà sinh, vì nhân duyên mà diệt. Quay ngược thời gian về lại thuở hồng hoang của trời đất, trong sự bừng tỉnh của vạn vật, con người cũng đặt những dấu chân đầu tiên. Có lẽ ngay từ thời khắc ấy, vạn vật hay con người đều bình đẳng như nhau, đều do nhân duyên mà sinh ra. Đạo Phật lý giải vô cùng thấu đáo, thuyết phục về đạo lý nhân quả. Vậy đạo lý nhân quả trong truyện cổ tích có mối liên hệ như thế nào với luật nhân quả trong đạo Phật? 

Mối quan hệ nhân quả quá rõ ràng. Kết cục thê thảm tương xứng với tội ác mà mẹ con Cám đã gieo. Còn Tấm được hưởng hạnh phúc chính đáng. Ảnh minh hoạ.

Mối quan hệ nhân quả quá rõ ràng. Kết cục thê thảm tương xứng với tội ác mà mẹ con Cám đã gieo. Còn Tấm được hưởng hạnh phúc chính đáng. Ảnh minh hoạ.

Định luật nhân quả hay còn gọi là lý duyên khởi, một giáo lý căn bản của đạo Phật đề cập đến tiến trình duyên sinh, duyên diệt của sự vật, con người, mối tương quan giữa nhân và quả để phát sinh một sự vật, sự việc. Định thức tổng quát nhất về lý duyên khởi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni được trình bày trong Kinh Phật tự thuyết, tiểu bộ I, trang 291* như sau:

“Do cái này có mặt, cái kia có mặt

Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt

Do cái này sinh, cái kia sinh

Do cái này diệt, cái kia diệt”.

Lý duyên khởi được hiểu là sự tương tác giữa các duyên (nhân) cùng diệt rồi mới phát sinh (khởi) ra một hay nhiều quả. Duyên (nhân) cũng có thể chính là quả. Nhân trong quả, quả trong nhân, nhân quả đồng thời tồn tại, tương tức tương nhập với nhau. Cũng có thể hiểu khi bạn gieo một hạt giống tốt thì kết quả là tương lai bạn nhận lại mười hoặc một trăm hạt giống tốt. Bạn giúp một người thì tương lai bạn có khả năng giúp nhiều người. Tức là gieo một nhân tốt, tương lai có nhiều nhân tốt. Nhân tốt ở tương lai chính là quả của quá khứ. Nhân trong quả, quả trong nhân chính là như vậy. Theo cách hiểu thông thường thì nhân – duyên – quả là một quy trình rõ ràng. Còn theo quan điểm Phật giáo, nhân là quả, quả là nhân, duyên là nhân, duyên cũng là quả. Quy chung lại vẫn là nhân quả không thể tách rời. Những sự lý giải có phần giải phức tạp này không phải ai cũng có thể hiểu thấu đáo. Để con người hiểu và hành luật, để cuộc sống tốt đẹp hơn, có lẽ bởi vậy, những đạo lý “ở hiền gặp lành”, “thiện giả thiện báo”, “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào gặt quả ấy” trong truyện cổ tích dường như là cách diễn giải dễ hiểu nhất cho định luật này.

Thể loại truyện cổ tích là bộ phận quan trọng nhất trong các thể loại tự sự dân gian, là một thể loại dễ tiếp cận với mọi lứa tuổi trong mọi thời đại, nhất là truyện cổ tích thần kì. Trong mỗi chúng ta, có ai lại không một lần được lắng nghe bà hay mẹ kể chuyện, những câu chuyện luôn luôn được mở đầu hết sức nhẹ nhàng và sâu lắng “ngày xửa, ngày xưa…” để từ đó, biết bao điều kì diệu, thơ mộng dần hiện ra. Chúng ta tìm thấy trong lời kể của bà, của mẹ những cô Tấm, anh Khoai hiền lành, chất phác nhưng gặp nhiều bất hạnh. Tuy nhiên, các câu truyện cổ tích ấy luôn thể hiện sự công bằng với kết thúc có hậu. Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên và lấy được con gái phú ông; Thạch Sanh lấy công chúa và lên làm vua,… Người ở hiền sẽ gặp lành, người sống ác sẽ gặp ác báo. Lý Thông vong ân bội nghĩa, hãm hại người thì kết cục bị trời đọa thành kiếp bọ hung, đời đời chui rúc nơi hôi hám. Đó là quy luật gieo nhân nào gặt quả đó – quy luật bất biến và bao trùm lên mọi quy luật khác trong đời sống. Ở truyện cổ tích thần kì, đạo lý nhân quả như là bộ xương sống xuyên suốt, chi phối kết cấu, nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của truyện. Nếu thiếu đạo lý này, truyện cổ tích thần kì không đứng vững hoặc không còn là nó nữa.

Mọi nhân vật đều bắt đầu câu chuyện với xuất thân, gia cảnh, ngoại hình, tài sản,… đó là nhân, là duyên hay là quả? Lý giải theo lý duyên khởi của nhà Phật thì đó vừa là nhân duyên, vừa là quả. Ta gọi là cái nhân bởi những yếu tố này là hạt giống gieo trồng nên cuộc đời của nhân vật diễn biến về sau, là xuất phát điểm của nhân vật được thể hiện ở trong câu chuyện này. Ta gọi là cái duyên bởi những yếu tố này là chất xúc tác cho nhân vật bộc lộ phẩm chất (thiện, ác) để trổ ra quả mới. Ta gọi là quả bởi những yếu tố này là kết quả của những nhân duyên đã kết thúc từ quá khứ. Theo thuyết luân hồi thì đó là quả của những kiếp trước. Kiếp này nhân duyên đó sẽ kết hợp với phẩm chất của nhân vật để tạo ra quả mới. Tuy nhiên, trong phạm vi truyện cổ tích, chúng ta chỉ nói về nhân quả một đời, một kiếp được thể hiện trong truyện. Còn thuyết luân hồi quả báo trong đạo Phật thì có vô vàn thứ để bàn luận, phạm vi bài viết này không thể viết hết.

Mọi thứ có trong đời này, từ địa vị, tài sản, thứ bậc trong gia đình,… đều là duyên (nhân). Như vậy mọi thứ nhân vật có ngoài thân đều là duyên. Những nhân duyên tương tác để phẩm chất (thiện, ác) bên trong nhân vật được rõ nét. Kết quả là nhân vật phản diện sẽ mất tất cả, nhân vật chính diện sẽ có tất cả. Để thể hiện rõ mục đích này, truyện cổ tích thường sử dụng tính tương phản. Trong truyện “Phượng hoàng và cây khế”, người em nghèo những lại không thiết tha của cải, người anh giàu thì lại tham lam; trong “Thạch Sanh”, Lý Thông gian ác mà hèn nhát, Thạch Sanh chất phác mà dũng cảm,… Sự tương phản này thường giúp cho việc khắc họa tâm lý được sâu sắc hơn vì người ta có hoàn cảnh để đối chiếu các nhân vật với nhau làm nổi bật sự lựa chọn xuất phát từ phẩm chất của nhân vật. Nếu người anh giàu có trong truyện “Phượng hoàng và cây khế” biết thương, biết giúp đỡ người em, không tham lam của cải thì người anh đâu có kết cục là mất tất cả, mất cả tính mạng như vậy. Như vậy có thể thấy, nhân vật chính diện có nhân duyên (xuất thân, gia cảnh, tài sản,…) chưa hẳn là tốt nhưng phẩm chất con người là thứ quyết định trổ ra quả ngọt. Nhân vật phản diện nhân duyên có phần tốt hơn nhưng phẩm chất kém hơn thì trổ quả không lành. Đó chẳng phải là do phẩm chất thiện - ác mỗi nhân vật đã thể hiện ra quá trình nhân quả đó hay sao? Một đặc điểm trong nội dung của truyện là phân biệt ranh giới giữa thiện và ác được sáng rõ cũng là nhờ nghệ thuật tương phản này. Ai đọc truyện cổ tích cũng hiểu ngay một điều hiển nhiên rằng “ở hiền” gắn liền với “gặp lành”, “sống ác” gắn liền với “gặp quả báo”.

Cụ thể, trong truyện Tấm Cám, luật nhân quả thể hiện vô cùng rõ nét. 

Ở nhân vật chính diện là Tấm, nhân duyên của cô không tốt với xuất thân bình thường, thân phận mồ côi. Nhưng phẩm chất hiền lành, lương thiện đã giúp Tấm có được quả lành với những điều tốt đẹp. Trong thời kì sống chung với mẹ con Cám, Tấm hiền lành tới mức yếu đuối, cam chịu, Tấm chỉ biết khóc trước sự đối xử bất công của mẹ con Cám. Khi trở thành hoàng hậu, Tấm vẫn thể hiện bản chất chất phác, lương thiện của mình ở việc không quên ngày giỗ cha, vâng lời dì ghẻ đi hái cau, tin dì ghẻ không chút nghi ngờ khi dì bảo đuổi kiến ở gốc cây. Chỉ khi bị mẹ con Cám giết hại, từ một cô Tấm yếu đuối mới biết vực dậy đấu tranh cho mình. Khi là chim vàng anh, khung cửi, Tấm đã cảnh cáo, đe dọa Cám. Khi trở lại thành người, Tấm đã trả thù. Đó là sự đấu tranh không khoan nhượng để giành lấy hạnh phúc chính đáng của mình. Tuy cái kết chưa thực sự phù hợp với tinh thần từ bi của Phật giáo nhưng lại phù hợp với quan niệm xưa nay của con người “Con giun xéo lắm cũng quằn”, “tức nước vỡ bờ”. Nhân dân ta để cho Tấm trả thù một cách quyết liệt như vậy giống như một cách “thay trời hành đạo” để đem đến kết cục cho mẹ con Cám. 

Ở các nhân vật phản diện là mẹ con Cám, đại cục mẹ con Cám phải nhận rất dã man. Cám bị chết bởi nước sôi. Mẹ Cám thì ăn mắm làm từ chính thịt của con mình. Cái nhân mà mẹ con cám đã gieo là gì mà khiến kết cục thê hại như vậy? Đó là: cướp công, cướp sức lao động của người khác (lừa trút hết giỏ tôm tép của Tấm); cướp đi “người bạn” an ủi tinh thần của Tấm (lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để giết cá Bống ăn thịt); hành hạ, đày đọa Tấm (trộn chung gạo và thóc bắt Tấm ngồi nhặt); dã tâm giết Tấm trong ngày giỗ cha Tấm; khi biết Tấm hóa thân thành những kiếp khác nhỏ bé, yếu đuối, vô hại nhưng mẹ con Cám vẫn không buông tha vì lòng ganh ghét, đố kị và độc ác. Cái ác của mẹ con Cám không ai có thể chấp nhận hay bỏ qua cho được. 

Mối quan hệ nhân quả quá rõ ràng. Kết cục thê thảm tương xứng với tội ác mà mẹ con Cám đã gieo. Còn Tấm được hưởng hạnh phúc chính đáng. 

Bên cạnh đó, vai trò của thần linh trong truyện cổ tích rất đúng với tinh thần Phật giáo. Thần linh chỉ giữ vai trò hỗ trợ chứ không phải là một đáng tối cao ban phước giáng họa. Chỉ khi con người ta yếu đuối, đường cùng thì thần linh xuất hiện để tiếp sức, củng cố thêm niềm tin rằng ăn ở hiền lành sẽ được quý nhân phù trợ. Chẳng có một câu chuyện nào mà thần linh lại giúp đỡ kẻ ác. Cái ác, cái xấu bộc lộ thì thần linh hiện ra trừng phạt với vai trò “thay trời hành đạo”. Cốt truyện chính vẫn là việc người, tình tiết chính vẫn là tình tiết xảy ra trong quan hệ giữa người và người. Hơn nữa, sự diễn biến của tình tiết chủ yếu vẫn do hành động của người quyết định là chính”**. Anh trai cày trong truyện “Cây tre trăm đốt” thắng được phú ông vì nhờ có Bụt giúp đỡ, nhưng có được cây tre trăm đốt cũng phải lao động vất vả, vẫn phải lấy sức người là chính. Con chim phượng hoàng trong truyện “Phượng hoàng và cây khế” có thể giúp người làm giàu, nhưng trở nên giàu có hay mất mạng chủ yếu vẫn do người. Cô Tấm cũng vậy, để đòi lại công bằng, hạnh phúc Tấm phải tự mình đấu tranh với mẹ con Cám. Như vậy, ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Có hay mất đều là do bản thân mỗi người. 

Sẽ có người phản bác rằng “Vì sao ở đời vẫn có trường hợp người ta hiền lành mà trời vẫn không thương? Vì sao có người sống ác mà trời vẫn cho đủ thứ? Đâu phải ai ở hiền cũng gặp lành?”. Đó chính là trong nhân có quả, trong quả có nhân, nhân quả đồng thời tồn tại bởi trong đạo Phật còn có thuyết luân hồi. Chỉ là nhanh hay chậm, chóng hay chầy mà thôi. 

Qua đó, ta thấy nhân quả trong truyện cổ tích thể hiện rõ ràng, bám sát với luật nhân quả trong đạo Phật. Luật nhân quả báo ứng là nền tảng sống của muôn loài vật, không ai có thể tách rời luật nhân quả mà tồn tại, kể cả đó là Đức Phật, thần linh hay đáng tối cao. Từ đời vào truyện, từ truyện ra đạo. Đạo hòa vào với đời. Tóm lại, có thể nói từ góc nhìn Phật giáo, truyện cổ tích như là một phương tiện thể hiện các đạo lý ở đời một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, gần gũi nhất với đời sống nhân dân, hay nói cách khác có thể coi truyện cổ tích như một phương tiện hoằng dương giáo lý Phật giáo.

Hãy cứ tin vào một xã hội công bằng như nhân dân vẫn mơ ước trong mỗi câu chuyện cổ tích. Hãy cứ tin vào phẩm chất cao quý của mỗi con người như các tác giả dân gian đã thể hiện trong truyện cổ tích. Bởi vậy, hãy sống thiện, làm nhiều việc tốt, giúp đỡ nhiều người; thận trong với lời nói, suy nghĩ, việc làm của bản thân, làm gì cũng nghĩ tới kết quả bởi luật nhân quả rất công bằng.

Bài viết dựa theo quan điểm cá nhân trên phương diện mối tương quan về luật nhân quả và phẩm chất con người trong truyển cổ tích với đạo Phật. Bản thân tôi nhận thấy chưa thực sự lĩnh hội được nhiều giáo lí Phật giáo nên việc lý giải còn nhiều thiếu sót. Kính mong các quý bạn đọc gần xa chiêm nghiệm và góp ý.

Tài liệu tham khảo chính:

* Kinh Phật tự thuyết, tiểu bộ I, trang 291, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, NXB Hồng Đức.

**Văn học dân gian Việt Nam, trang 346, Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024

Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.

Xem thêm