Làm thế nào để tạo nhiều phước đức?
Một số anh chị, vì quá yêu quý và mến mộ tôi nên mỗi khi gặp, thường nức nở khen: “Hoàng Anh Sướng tài quá”, “Hoàng Anh Sướng quả là người đa tài”…
Những lúc ấy, tôi thường mỉm cười đáp: “Cảm ơn anh, chị đã ban lời động viên. Thực sự em không có tài năng gì đâu. Có được chút thành công ngày hôm nay một phần là nhờ gặp nhiều may mắn do phúc đức của tổ tiên để lại, một phần là do sự cố gắng, ý chí vươn lên, phấn đấu không biết mệt mỏi”.
Tôi nói vậy không phải là giả vờ khiêm tốn. Sau nhiều năm nghiên cứu về tâm linh, tu tập thiền quán, quán chiếu cuộc đời mình, tôi thấy rằng: mình quả là người gặp quá nhiều may mắn. Đó là nhờ phước đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại. Đó cũng là hoa thơm trái ngọt của những thiện nghiệp mà bản thân tạo tác từ những kiếp trước.
Phước đức giá trị hơn cả vàng bạc, châu báu
Có thể nói, may mắn đầu tiên là cha mẹ sinh ra đã cho tôi một hình hài lành lặn cùng rất nhiều hạt giống thiện. Suốt tuổi thơ cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi được sống trong tình thương của cha mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè. Nhờ thế, những hạt giống thiện lương ấy không bị thui chột mà được nuôi dưỡng, tưới tẩm để nảy mầm, phát triển.
Đến khi trưởng thành, tôi tiếp tục gặp may mắn khi được làm nhiều nghề khác nhau: làm báo, viết sách, làm trà, đi diễn thuyết, làm thiện nguyện..., mà nghề nào tôi cũng đam mê, yêu thích. Vì đam mê, yêu thích nên tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc ngay trong lúc làm việc. Nhờ thế, tôi gặt hái được ít nhiều thành công. Vì làm nhiều nghề nên tôi có rất nhiều trải nghiệm. Đặc biệt, những nghề ấy cho tôi cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc, gần gụi với rất nhiều bậc thiện trí thức. Nhờ thế, bản thân học được biết bao nhiêu điều hay mà không trường lớp, sách vở nào có được.
Một trong những may mắn lớn nhất của đời tôi là biết đến đạo Phật, biết đến Chánh pháp, hơn thế, được gặp, được học những người thầy lớn như Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bởi sự thực, tất cả những chuyển hóa tích cực trong thân và tâm tôi không phải đến từ một phép màu nhiệm nào. Đó là kết quả của sự tu tập. Nhờ tích cực tu tập mà trí tuệ ngày càng phát triển. Nhờ tích cực tu tập mà tình thương trong tôi ngày càng lớn. Nhờ có hai “báu vật” ấy mà tôi luôn biết chế tác khổ đau thành hạnh phúc, biết chế tác “bùn thành sen”. Và mỗi ngày sống với tôi là một ngày vui. Mỗi ngày sống với tôi là một ngày đong đầy hạnh phúc.
Cho nên, với tôi, phước đức ông bà, cha mẹ để lại giá trị hơn cả vàng bạc, châu báu. Bởi nhờ có nhiều phước báu mà tôi gặp nhiều thuận duyên. Trên đường đời, những khi gặp chướng ngại, khó khăn, quý nhân thường xuất hiện để yểm trợ. Cũng nhờ nhiều phước báu mà những dự định, ước mơ dễ thành hiện thực, những lời khấn nguyện dễ linh nghiệm. Thậm chí, nhiều khi tâm vừa khởi thì duyên đã đến.
Cuộc gặp gỡ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2013 là một minh chứng.
Tâm khởi tất ứng
Ngày ấy, sau 20 năm tiếp xúc, làm việc với các nhà ngoại cảm nổi tiếng với mong muốn nghiên cứu, khám phá thế giới tâm linh, có nhiều điều tôi đã thấy, đã ngộ. Song có những câu hỏi lớn cho mình, cho gia đình mình, cho dân tộc mình, các nhà ngoại cảm đã không trả lời được, không giải quyết được. Ví như còn đó mấy trăm ngàn hài cốt đang còn vùi xác thân đâu đó trong rừng sâu, núi thẳm. Ngày ngày, vẫn còn hàng ngàn người mẹ, người vợ, người con đau đáu, khắc khoải, để rồi bằng mọi cách đi tìm hài cốt của chồng, con mình.
Những cuộc đi tìm ấy vô cùng gian nan và tốn kém. Và xin nói thật, rất nhiều hài cốt sẽ không bao giờ tìm được nữa. Vì có những người trúng bom, trúng đạn, thân xác tan thành trăm mảnh. Có những người được đồng đội tận tay chôn cất. Nhưng trong chiến tranh, chôn nông, chôn sơ sài. Đêm, hổ báo đào bới ăn mất xác còn đâu. Nhiều người thân xác chìm dưới sông, suối. Sau mấy chục năm, da thịt đã tan thành đất cát còn đâu.
Và ngay cả những người may mắn tìm được hài cốt, hàng năm, vào ngày giỗ Tết, người thân vẫn khóc thương. Làm thế nào để xoa dịu, chuyển hóa nỗi đau này? Đặc biệt hơn nữa là những nỗi khổ, niềm đau trần thế mà hàng ngày, tôi, những người thân của mình và cả hàng triệu người, trong đó, có cả các nhà ngoại cảm, đang phải đối diện, đang bị đắm chìm. Làm thế nào để đời bớt đi những lo toan, hờn giận, bon chen, đố kỵ, hận thù? Làm thế nào để cuộc sống mỗi ngày thêm nhiều niềm vui, hạnh phúc, tình thương? Các nhà ngoại cảm không làm được. Vốn hiểu biết về tâm linh của tôi trong suốt 20 năm nghiên cứu cũng không giúp em giải đáp một cách thấu đáo, thuyết phục.
Bấy giờ tôi nghĩ, mình cần phải tìm đến đạo Phật với hy vọng, đạo Phật sẽ giúp bản thân giải quyết những vấn đề nhức nhối ấy.
Và thật may mắn cho tôi, đúng lúc khởi lên ý muốn ấy thì tháng 9/2013, tôi được Thiền sư Thích Nhất Hạnh mời đi Mỹ cùng Thầy trong chuyến hoằng Pháp đạo Phật dọc nước Mỹ. Suốt gần 3 tháng theo chân Thầy, được nghe pháp, học giáo lý, thực hành chánh niệm cùng Thầy, màn vô minh giống như màn sương mù che lấp bao năm dần tan, tôi nhìn mọi vật, mọi sự đúng hơn. Trái tim dần rộng mở yêu thương. Những sân hận giảm dần. Lòng bao dung hơn, độ lượng hơn với đời. Mặt hồ tâm dần tĩnh lặng để phản chiếu rõ hơn mây bay, gió thổi, hoa nở, tiếng chim ca. Hạnh phúc đến ngày một nhiều. Ba tháng sống bên cạnh Thầy là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.
Chính Thầy, bằng trí tuệ tuyệt vời và trái tim yêu thương của một đấng giác ngộ đã mở cánh cửa kho tàng tuệ giác của Đạo Phật, trao truyền cho tôi những pháp môn thật quý để chế tác khổ đau thành hạnh phúc, chế tác bùn thành sen.
Tôi hiểu, một trong những thứ quan trọng nhất mà chúng ta cần tích lũy, bồi đắp hàng ngày, đó là trí tuệ, tuệ giác. Bởi có trí tuệ sáng suốt, chúng ta sẽ không có những định kiến, tà kiến, không có những hành động, lời nói, quyết định sai lầm. Từ cổ chí kim, biết bao bi kịch lớn nhỏ xảy ra chỉ vì chúng ta không có trí tuệ sáng suốt, bị màn vô minh che lấp.
Tôi cũng hiểu, điều quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần bồi đắp hàng ngày, đó chính là tình yêu thương trong trái tim mỗi người. Có trái tim đầy ắp tình yêu thương, chúng ta sẽ không hờn trách, oán giận, không bon chen, đố kỵ, hận thù. Chúng ta dễ cảm thông, tha thứ, bao dung, độ lượng với mọi người. Và nếu như tôi, nếu như mọi người có hai “báu vật” ấy trong đời: trí tuệ sáng suốt và trái tim yêu thương, xã hội này sẽ đẹp đẽ biết bao. Khi ấy, Niết-bàn hay Thiên đường không phải ở cõi nào xa xôi. Niết-bàn, Thiên đường chính là ở đây, bây giờ.
Đời người, ai cũng có ít nhiều khổ đau. Khổ đau không chừa ai hết. Cổ nhân có một câu rất hay: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hãy đón nhận những khổ đau như một phần tất yếu của cuộc sống một cách bình thản. Đừng khóc lóc, kêu ca, phàn nàn hay sợ hãi. Hãy dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp nó, nhận diện nó. Hãy dùng tuệ giác và lòng từ bi để tìm cách chuyển hóa nó.
Và tôi tin, từ những vũng bùn tanh hôi của khổ đau ấy, hoa sen của hạnh phúc sẽ nở và tỏa hương thơm ngát. Đức Phật nói: “Không bùn thì không sen”. Hoa sen từ cổ chí kim chỉ nở trên bùn lầy chứ không nở trên kim cương, đá quý. Vì thế, đừng sợ bùn. Hãy biết ơn bùn vì nhờ bùn mới có hoa sen.
Cũng giống như cuộc gặp gỡ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chuyến trở về đất Phật Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) đầu năm 2017 hay chuyến hành hương đến Tây Tạng vào cuối tháng 9/2018 của tôi cũng là những minh chứng sinh động về chuyện: Tâm vừa khởi việc đã ứng.
Chuyện là, từ trước năm 2017, tôi có rất nhiều bạn bè, người thân đi Ấn Độ, Tây Tạng. Ai trở về cũng hoan hỉ, hạnh phúc. Nhiều người chuyển hóa thân và tâm. Đối với các Phật tử, ước mơ được một lần đặt chân đến Ấn Độ, Tây Tạng là khát vọng lớn nhất của đời người. Bởi đó là vùng đất của chư Phật, chư Thánh, chư Thiên. Nhưng với tôi thì không. Đã nhiều lần, tôi băn khoăn tự hỏi: “Tại sao mình là một Phật tử rất mộ đạo Phật, một lòng kính Phật mà trong lòng lại dửng dưng, không hề mong muốn đi Ấn Độ, Tây Tạng? Mỗi khi có ý định đi du ngoạn, mình chỉ muốn đến Châu Âu thôi là cớ làm sao?”.
Cho đến một buổi sáng đầu năm 2017, khi ngồi uống trà ở phòng khách, tôi vô tình mở tivi (tôi rất ít xem tivi, nhất là xem các kênh truyền hình của Việt Nam - HAS), đúng lúc kênh VTV2 phát bộ phim tài liệu “Hành trình về đất Phật”, đúng cảnh quay nơi Đức Phật nhập diệt, trong tôi bỗng dấy lên niềm xúc động rất lớn, nước mắt ứa ra. Một khát vọng bỗng bùng lên, thôi thúc: “Mình phải đi Ấn Độ ngay. Càng sớm càng tốt”. Buổi chiều, về Hiên trà Trường Xuân tiếp khách. Đang ngồi uống trà với những người bạn thân, vừa chia sẻ với họ về đoạn phim mới xem hồi sáng về cuộc đời Đức Phật và mong mỏi đi Ấn Độ thì một người em điện thoại, mời đi khánh thành đường bay thẳng đầu tiên của hãng bay VietjetAir từ Hà Nội đến Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) trong sự ngạc nhiên đến sửng sốt của chính mình và của mọi người. Chẳng cần suy nghĩ nhiều, tôi nhận lời tắp lự.
Chuyến đi Tây Tạng vào cuối tháng 9/2018 cũng thế. Chẳng là cứ vào tháng Bảy âm lịch, mùa lễ Vu lan, tôi thường phát tâm nguyện hằng đêm ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Ở nhà, tôi thường mở nhạc thiền. Buổi sáng nọ, “tìm kiếm” trên YouTube, tôi vô tình nghe được bài Chú Đại Bi do Sư cô nổi tiếng Tây Tạng Ani Choying Dromal tụng. Lời tụng của Sư cô hòa trong tiếng nhạc Tạng nghe êm dịu, sâu lắng như tiếng thủ thỉ của chư Thiên khiến các tế bào cơ thể mình rung động, hồn an lạc, thư thái như bay bổng trên chín tầng mây. Nghe xong, trong tôi bỗng trỗi lên một khát vọng, một mong muốn: “Mình muốn đến Tây Tạng. Mình cần phải đi”. Buổi chiều, ngồi uống trà với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi bảo: “Đầu sang năm em sẽ đi Tây Tạng anh ạ. Vì tháng 10 này em đã lên chương trình đi Châu Âu rồi”.
Ba ngày sau. Buổi tối, trên đường lái xe đưa đoàn phóng viên Đài truyền hình Quốc Hội Việt Nam và VTC10 từ Yên Bái về Hà Nội (làm phóng sự về lễ khánh thành Trường mầm non Lang Thíp do quỹ Tâm Hiểu Thương xây dựng), tôi bỗng nhận được điện thoại từ một người anh thân thiết: “Sướng ơi! Ngày 21/9 này em có rảnh không? Anh muốn mời em đi Tây Tạng”. Trời! Ngạc nhiên chưa? Tâm vừa khởi, trên đã ứng. Suy nghĩ một đêm, tôi quyết định tạm hoãn chuyến đi Châu Âu tháng 10, tạm dừng lại một số kế hoạch cá nhân quan trọng để đến vùng đất Thánh, vùng đất của chư Thiên Tây Tạng. Chuyến đi ấy đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm quý báu.
Làm thế nào để tạo phước đức?
Nhiều anh chị đã hỏi tôi câu hỏi ấy. Xin thưa, điều này đã được Đức Phật dạy rất cụ thể, chi tiết trong Kinh Phước Đức. “Đây là những điều tôi được nghe hồi Đức Thế Tôn còn cư trú gần thành Xá Vệ, tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn Kỳ Đà. Hôm đó, trời đã vào khuya, có một thiên giả hiện xuống thăm Người, hào quang và vẻ đẹp của thiên giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, vị thiên giả xin tham vấn Người bằng một bài kệ: “Thiên và nhân thao thức/ Muốn biết về phước đức/ Để sống đời an lành/ Xin Thế Tôn chỉ dạy”.
Và sau đây là mười điều Đức Thế Tôn đã dạy.
• Điều một: Lánh xa kẻ xấu ác/ Được thân cận người hiền/ Tôn kính bậc đáng kính/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều hai: Sống trong môi trường tốt/ Được tạo tác nhân lành/ Được đi trên đường chánh/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều ba: Có học có nghề hay/ Biết hành trì Giới luật/ Biết nói lời ái ngữ/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều bốn: Được cung phụng mẹ cha/ Yêu thương gia đình mình/ Được hành nghề thích hợp/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều năm: Sống ngay thẳng, bố thí/ Giúp thân bằng quyến thuộc/ Hành xử không tỳ vết/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều sáu: Tránh không làm điều ác/ Không say sưa nghiện ngập/ Tinh cần làm việc lành/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều bảy: Biết khiêm cung lễ độ/ Tri túc và biết ơn/ Không bỏ dịp học đạo/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều tám: Biết kiên trì phục thiện/ Thân cận giới xuất gia/ Dự pháp đàm học hỏi/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều chín: Sống tinh cần tỉnh thức/ Học chân lý nhiệm mầu/ Thực chứng được Niết-bàn/ Là phước đức lớn nhất.
• Điều mười: Chung đụng trong nhân gian/ Tâm không hề lay chuyển/ Phiền não hết an nhiên/ Là phước đức lớn nhất.
Đọc kỹ bản kinh trên, chúng ta thấy Đức Thế Tôn chỉ dạy về “tạo” phước mà không hề có chuyện “xin” phước. Phật không có ban phước cho ta an lành mà Ngài chỉ dạy phương cách diệt khổ. Và chúng ta phải thực tập hành trì để tạo ra phước đức mới được bình an và giải thoát.
Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức của tự thân được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp: thân, khẩu và ý theo hướng thiện lành. Nhờ thế, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây.
Xin cầu chúc cho tất cả các anh chị ai cũng thực hiện trọn vẹn 10 điều Đức Thế Tôn dạy để chúng ta có thể tạo Phước Đức ngay hôm nay cho chính mình và đó cũng chính là tạo Phước Đức cho con cháu chúng ta ngày mai.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Xem thêm