Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 04/04/2023, 07:12 AM

Đạo Phật - con đường ngời sáng trong con!

Gửi bố kính mến! Từ nhỏ đến lớn, con luôn được sống trong tình yêu thương và chăm sóc đầy đủ của cả bố và mẹ. Con luôn là đứa trẻ ngoan ngoãn, luôn nghe lời bố mẹ, chỉ đến năm 17 tuổi, con đã không nghe lời bố mà nhất quyết ăn chay.

Bố còn nhớ? Trong bữa cơm đó, con đã lén giấu con tôm mà bố gắp cho, không chịu ăn mà lén cất vào túi áo để vứt đi. Bố phát hiện ra, ép con ăn mặn, con với bố cứ đối đầu như vậy, người gắp, người lén bỏ,... Giờ nghĩ lại con cũng không hiểu tại sao hồi đó đứa trẻ vốn hiền lành, nghe lời như con lại phản ứng gay gắt đến vậy...

Thời gian trôi qua, con bước chân vào Đại học, ra trường đi làm với sự kỳ vọng của bố mẹ, và vẫn kiên quyết ăn chay. Những ngày về nhà thăm bố mẹ, bố vẫn mắng con suốt, con hiểu vì bố thương con, lo cho con đi học, đi làm xa nhà, ăn uống thiếu chất, gầy gò xanh xao... Nhưng con rất khỏe và bố đã thấy điều đó mà!

Đâu phải ai trong đời cũng đủ mấy lần 10 năm để chứng minh quyết định của bản thân với gia đình, bạn bè và vượt qua những cám dỗ để thực hiện quyết định đó, bố nhỉ? Trong 10 năm này, con vẫn ăn chay, học tập, đi làm như những người bình thường khác.

Nhớ tuổi 18 năm đó, chứng kiến con dậy sớm đi chùa tụng kinh cùng mẹ, bố đã tát con rất mạnh, bắt con lên nhà và đóng sầm cửa lại. Khi đó con đã khóc và oán trách rất nhiều...

Rồi bước vào tuổi đôi mươi, con cứ nghĩ miên man, sao con người ta cứ sinh ra – lớn lên, lấy vợ - chồng, sinh con, nuôi con, con cái lớn lên rồi tiếp tục như vậy, già và chết ...? Vậy sau khi chết, ta sẽ về đâu? Rất nhiều đứa con đã sống cuộc sống của chúng mà chẳng gắn kết với bố mẹ, nhất là khi thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay. Hơn nữa, tài sản hay bất cứ thứ gì tạo ra, ta cũng chẳng ôm theo khi chết. Lúc đó, con thấy con có chút giáo điều với những suy nghĩ đó. Bố đã từng giải thích với con: Đó là quy luật của tạo hóa, là lẽ thường tình. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kiếp sống con người thì ai cũng được sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, phấn đấu, con gái sẽ lấy chồng, nếu gặp người chồng tốt, biết yêu thương, cuộc sống sẽ hạnh phúc với điều kiện là không có những biến số trong cuộc đời; nếu người chồng cặp kè trai gái, về đánh đập vợ con, hay cờ bạc rượu chè, nợ nần,... thì người phụ nữ sẽ chịu đựng hay chia tay? Nếu là con, con sẽ không chấp nhận ngày ngày bị đánh đập, sống trong khổ đau như vậy và con tin lúc đó bố cũng sẽ ủng hộ quyết định của con, nhưng chúng ta thực sự đừng nghĩ đến tình huống đó, vì chỉ nghĩ thôi con đã không thể ép mình sống trong hoàn cảnh mà tất cả hạnh phúc, sướng khổ của một người phụ nữ đều phụ thuộc vào “một tấm chồng”. 

Con cứ miên man nghĩ về những điều này suốt những năm tháng qua. Và khi biết đến Phật Pháp, thì con hiểu ra vợ chồng con cái đó là quy luật của tạo hóa, luật vô thường khiến cho cái gì cũng có sinh – có diệt, có thăng – có trầm, nay còn – mai mất, còn số phận của mỗi con người thì do nhân quả nghiệp báo, tội phúc kết tinh lại từ nhiều kiếp sống. Nhận ra điều đó, con chỉ muốn đời con là một cuộc đời thuần thiện không tạo nghiệp nữa và do vậy con nung nấu ý muốn đi tu bố ạ. Điều này con chưa dám tâm sự cùng ai, kể cả mẹ. Con hiểu rằng giờ đây bố là người con tin tưởng để chia sẻ những điều này. Tuy bố con chúng ta không thường tâm sự, nhưng con tin bố luôn là người hiểu bản sao của bố nhất, con biết mọi hoạt động, cử chỉ của con không qua được mắt bố, chỉ là bố có muốn nói ra hay không thôi. Con nghĩ bố đã biết ý định đi tu của con từ rất lâu!

Nhớ một lần, bố tâm sự với con: “Sinh đứa con ra, nuôi lớn cho ăn học, mong sau này lớn lên biết báo hiếu, vậy mà đi đâu thì mất hết....”. Nghe những lời đó, con buồn lắm, con gạt đi tất cả những ý định trong con, con thương bố mẹ nuôi con vất vả, con nghĩ đến mình còn nhỏ, bồng bột và chặng đường đời còn rất dài....

Rồi 10 năm qua đi, con đã 27 tuổi rồi bố ơi! Con đi làm được 3 năm, có công việc ổn định, tự lo cho bản thân nhưng cũng chẳng phải là giỏi giang xuất sắc để cho bố mẹ một cuộc sống khá giả hơn. Có lúc con đã thấy mình thật kém cỏi trong sự toan tính của thế gian và con đường bon chen giữa đời này thật sự không thuộc về con.

Người ta nói: “Con gái hưởng phúc của cha”. Dù quyết định thế nào con vẫn muốn nói và xin phép bố. Bố từng nói: “Chúng ta đều là những người tri thức...” và con nay đã trưởng thành, con cần phải có trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào của bản thân.

Thưa bố, con đã suy nghĩ một khoảng thời gian không ngắn, từ năm con 18 tuổi đến giờ đây con đã 27 tuổi, đến lúc con phải thật sự đưa ra cho mình một quyết định, con không thể lập lờ nước đôi được. Chẳng lẽ đến 28 tuổi, 30 tuổi, 35 tuổi, 45 tuổi,... con vẫn lập lờ như vậy thì chính bản thân con chắc chắn sẽ hối hận. Cuộc đời còn dài, dù đi hướng nào, cũng sẽ là bắt đầu  học tập và rèn giũa, đó là cả một quá trình phấn đấu và cố gắng. Con không mong phía trước con trải thảm hồng, sẽ có những khó khăn và thử thách nhưng được sống với lý tưởng mà con mong muốn thì sẽ thật hạnh phúc biết bao! 

Hơn lúc nào hết, quy luật Nhân – Quả trong cuộc sống đang diễn ra từng ngày, từng phút từng giây mà chẳng đợi đến kiếp sau. Trước đây, một người làm việc xấu, có khi về già họ mới chịu quả báo, hoặc là đời con cháu sẽ phải gánh; Ngày nay, việc giết người, cướp của, trộm cắp, làm hại lẫn nhau diễn ra từng giờ từng phút, trong từng gia đình, xã hội hay từng quốc gia,... đã tạo nên những động đất, thiên tai, sóng thần, dịch bệnh. Nhân quả càng ngày đến càng nhanh. Con không muốn làm các công việc ngoài đời nữa, cuộc sống này, kể cả khi mình không muốn làm xấu nhưng do nhân duyên đưa đẩy trong công việc, mình bắt buộc phải làm. Con mong muốn một đời sống xuất gia tu học, ngày nào con cũng chỉ tạo phúc mà thôi, con không muốn mất đi sự thuần thiện trong sáng của mình do đời sống cơm áo vợ chồng đưa đẩy. Con  muốn xuất gia, tu hành. 

Đời sống xuất gia con tìm đến không phải là chạy trốn cuộc đời, chạy trốn thiên tai, địch họa, dịch bệnh,.... không phải là con tìm về một ngôi chùa mong đợi sự yên ổn cho bản thân, mà con sẽ tu học để sau này xứng đáng là bậc Thầy của chúng sinh. Cái khổ của kiếp người là vô tận, để làm thầy dạy dỗ muôn người không phải là việc đơn giản.  Rồi con sẽ phải làm những công việc mà có thể trước đây chưa bao giờ làm, nhưng con sẽ được rèn giũa bản thân hoàn thiện hơn, xứng đáng hơn nữa với ơn sinh thành dưỡng dục mà bố mẹ đã sinh con ra đời. Lý tưởng của con là đem đến sự an vui và hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, trong đó có ông bà cha mẹ họ hàng của con, người còn hay đã mất, không thể là hạnh phúc nho nhỏ trong một tổ ấm của hai trái tim vàng mơ ước!

Cuộc sống thiếu thốn vật chất không khổ nhưng hằng ngày đau buồn, khổ não với những căn bệnh trong tâm mới thật sự là khổ. Muốn như thế chính con phải tu tập và thật sự là người thoát khổ rồi con mới chỉ bảo hay giúp đỡ được cho những ai đau khổ! Con đường thoát khổ  duy nhất chỉ có con đường của Đức Phật, chính Ngài cũng từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh mà ra đi cho lý tưởng cao cả của mình – sự ra đi của Đức Phật là một quyết định trí tuệ tuyệt vời. 

Và dù là ai đi nữa, dù làm gì đi nữa, dù ở đâu đi nữa, dù có lý tưởng gì đi nữa,.... con vẫn là con gái của bố mẹ. Con vẫn có trách nhiệm thăm nom, chăm sóc bố mẹ. Bố đừng nghĩ sẽ mất con bố ạ! Giờ đây, con rất cần sự thấu hiểu, bao dung của bố. Con không muốn mất thêm 10 năm nữa…

Con sẽ trở về ngôi chùa 10 năm trước con nhận cuộc điện thoại báo đỗ Đại học từ bố. Ngôi chùa của một vị Thầy đủ trí tuệ, đức độ, nhân duyên với con, sẽ dạy con sống một đời tu chân thật, cao quý theo đúng con đường mà Đức Phật đã đi. Trong 10 năm trưởng thành, ngoài được rèn giũa từ bố, vị Thầy này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của con. Trong rất nhiều người Thầy mà con biết, con chọn vị Thầy này vì con thật sự tin tưởng, quý kính như con đã kính trọng, yêu thương và tin tưởng bố vậy.

Con cảm ơn bố rất nhiều vì 10 năm trước đã ngăn cản con đi xuất gia. Đó là quyết định đúng đắn của bố. Điều đó khiến cho con càng biết quý trọng quyết định hiện giờ hơn, có thể khi đó là sự bồng bột nhưng giờ đây con chín chắn với quyết định của mình và hiểu mình phải làm gì khi đi vào con đường cao thượng này. Con cảm thấy vui và hạnh phúc thật sự khi từ nay được trở thành con gái của đức Như Lai và được sống phạm hạnh trong chốn thiền môn. 

Có được thân thể, trí tuệ này, được thực hiện điều mong ước bấy lâu, con càng tri ân và yêu thương bố mẹ nhiều hơn. Con sẽ sống xứng đáng là con của bố mẹ!

Con gái thân thương của bố!

*Bài viết được gửi từ tác giả: Nguyễn Ngọc Hà; địa chỉ: khu phố Tân Hòa, phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Xem thêm