Đạo Phật - nguồn hạnh phúc
Đức Phật là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài là bậc đại hùng, đại lực, đại từ bi đã đem sự giác ngộ của mình để chỉ dạy cho chúng sanh từ bờ mê đến bến giác, giúp chúng sanh thoát khỏi vòng trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
Ngài thị hiện ở cõi đời không gì khác hơn là cứu khổ độ sanh, những lời dạy của Ngài được kết tập một cách đầy đủ trong Tam Tạng kinh điển. Giáo lý Đức Thế Tôn không phải để bàn luận suông mà chú trọng vào cách thực hành của tự thân mỗi người, phải tự mình tu tập, tự mình chứng ngộ để đạt được sự an lạc và giải thoát không chỉ trong tương lai mà ngay trong cuộc sống tu tập hàng ngày của mình. Cuộc sống của người tu tập chúng ta chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng ta đem lại nguồn hạnh phúc cho tự thân và đem nguồn an lạc ấy cho mọi người.
Đạo Phật chủ trương đưa con người trở về với bản tánh thực tại, vì mọi người đều mang trong mình một khả năng giác ngộ giải thoát, nhưng mấy ai khám phá ra được kho tàng quý báu đó. Bởi vậy, cõi ta bà này đầy dẫy nỗi khổ đau mê muội. Chúng sanh khổ đau vì vô minh gây bao nghiệp ác, không biết đâu là phước thiện, cứ đua chen trong cảnh trần thế, còn chúng ta là những người lìa bỏ song thân, dứt tình ân ái, lẽ nào lại đi xuôi với dòng thế gian? Do đó, giáo pháp Phật luôn là món lương y để giúp ta sống được với vị Phật của chính mình. Ngài chỉ rõ cho ta thấy tất cả cảnh thế gian này đều là tạm bợ, có gì quý báu và tồn tại mà phải tranh đua. Vậy ta phải biết rằng, mình là người đang mang nguồn mạch của Như Lai để truyền thừa Chánh pháp thì chúng ta không nên ghét bỏ cuộc đời, dù đó là nơi bể trần ô trược, tập hợp mọi khổ đau, phiền muộn. Chúng ta sống trong đau khổ nhưng không đau khổ, mà trái lại biến đau khổ ấy trở thành chất liệu sống cho chính tự thân chúng ta. Chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay, tự thân mỗi người đã mang ơn của rất nhiều người, và công ơn nặng nhất đối với chúng ta chính là ơn của mười phương chư Phật.
Sự thị hiện của Đức Phật tại cõi ta-bà với mục tiêu khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, Ngài sống cho muôn loại cũng như vì lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người. Ngài là một con người vĩ đại nhất, tìm hạnh phúc cho nhân sinh, đem ánh sáng chân lý xua đuổi tối tăm, đưa chúng sanh quay về cội nguồn giác ngộ bằng dòng nước từ bi, rửa sạch những oan kiên đau khổ trần đời, giúp chúng sanh sống hài hoà an lạc, từ vực sâu tuyệt vọng đau khổ đã trổi lên khúc khải hoàn.
“Ta là người của chúng sanh,
Người nuôi ta để học gương lành.
Sống đây ta sống cho nhân loại,
Ta có quyền đâu sống lấy mình”.
(Ni trưởng Huỳnh Liên)
Chúng ta lúc nào cũng phải canh cánh bên lòng mang nặng thâm ân của Đức Phật. Mỗi lần lễ Phật, tận chiều sâu của tâm tư, ta phải dấy lên một thái độ cảm ân Đức Phật. Ngài đã giúp chúng ta có cái nhìn sự thật đối với các sự vật và hiện tượng đang diễn ra xung quanh, nhìn thấy tính giả huyễn và khổ đau của cuộc đời, để từ đó ta có đủ nghị lực sống một cuộc đời không bị ràng buộc bởi danh lợi, không bị sự cuốn hút của vật chất trần gian. Và chính cái nhìn đầy trí tuệ này, sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta an vui hơn, hạnh phúc hơn, tự tại với mọi việc đang diễn ra trong cuộc sống.
Chúng ta phải làm gì để báo ơn Phật? Nhưng sự thật Đức Phật chẳng bao giờ mong cầu sự đền đáp. Với tâm lượng từ bi rộng lớn, lúc nào Ngài cũng muốn mọi loài chúng sanh đều có trí tuệ để được giải thoát. Ngoài ý niệm ngăn ngừa tội lỗi, Ngài chế ra giới để làm hàng rào hoá độ theo mỗi căn cơ của từng bậc thích hợp mà tấn tu.
Từ khi phát tâm cho đến khi thành Phật, Đức Phật vẫn sống trong sanh tử vượt qua ba cõi để hoá độ chúng sanh, chịu đủ các khổ mà vẫn tinh tấn để thành tựu hạnh nguyện độ sanh, lấy những nổi khổ của chúng sanh làm nổi khổ cho chính mình. Đây là bậc thầy trí tuệ của trời người, ta không thể nào mà sánh bằng, thật đáng kính trọng ơn đức của Ngài.
Đức Phật từng dạy trên bước đường tu tập, hành giả phải có tuệ, vì có tuệ ta mới phân biệt được đúng sai, thiện và ác, mới đoạn trừ được các mê lầm trói buộc phiền não, nên trí tuệ là hai phạm trù ta cần phải biết:
“Một là người thiếu trí tuệ mà khổ đau,
Hai là muốn hết khổ đau phải có trí tuệ”.
Ngài đã dạy trí là khả năng nhận thức phân biệt sự lý, tuệ là sáng toả thông suốt, làm cho trí nhận chân tướng sự vật rõ ràng. Ở thế gian người có trí tuệ sẽ có cuộc sống đầy đủ, do vậy mà Đức Phật thường nói : “Sự khổ ở tam đồ, chưa gọi là khổ, chỉ có thiếu trí tuệ mới gọi là khổ nhất”. Con người sai sử vạn vật là do con người có trí tuệ, còn loài vật chỉ có lương tri mà thôi, cũng thế, nền văn minh tiến bộ của nhân loại cũng nhờ có trí tuệ của con người.
Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ tám Đức Phật đã trình bày vấn đề sanh tử đại sự. Ngài đã phát tâm đại thừa – tâm đại bi mong chúng sanh ra khỏi bể khổ, cảm thông được nỗi khổ vô tận của mọi người trong dòng sanh tử. Đặc tính của tâm từ bi không phụ thuộc vào không gian hay thời gian, hoặc bất cứ một tôn giáo nào, mà luôn ở trong mỗi con người có cái nhìn tuệ giác. “Có lẽ không gì cao đẹp cho bằng, mỗi chúng ta hãy tự nguyện và hãy thể hiện cuộc sống tự độ thoát cho chính mình bằng con đường giới, định, tuệ, khiến cho mọi người chung quanh kính nể và noi theo, đó là một trong những cách báo ân Phật”.
Hàng xuất gia muốn thấy được nội tâm phải dứt hẳn tham ái, ngã mạn, si mê, danh lợi. Đừng để vật chất bắt nguồn từ tham ái, trở lại trói chặt thân tâm, làm cho con người không thể tu hành tiến triển, xa lìa chơn tánh cũng ví như vết sét trở lại ăn mòn chất sắt. Người xuất gia lấy giáo lý làm trọng tâm, để thấy được như thật, ly dục, ly các bất thiện pháp và chuyển người xấu thành người tốt, ra khỏi vùng chất chứa của tham, sân, si, an trú trong hiện tại. Trong Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Trung Bộ I Đức Phật giải thích rõ: “Khi nào các Thánh đệ tử khéo thấy như thật, với như thật chánh trí tuệ, các dục, các ngọt ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn. Và các vị chứng hỷ lạc, do ly dục, ly bất thiện pháp, hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy vị ấy phải có chánh trí, thấy trí tuệ đi đến thiền định, để hiểu rõ khả năng giải thoát được lòng dục”.
Trên con đường tìm cầu chân lý, nếu chúng ta sanh vào Phật tại thế, đó là túc viên không gì cao hơn cả, bởi gặp Phật, nghe Phật thuyết giảng từ đó loại dứt trần cấu được pháp nhãn mà chứng quả ngay, cho đến phát tâm hành Bồ tát Đạo. Còn chúng ta vì nghiệp chướng nên khi Phật ra đời mãi còn trầm luân, nay được thân người Phật đã diệt độ. Chúng ta hãy mạnh dạn cải tạo đời sống bằng cách nhớ lời dạy của Đức Thế Tôn để sửa đổi nơi tâm ý chính mình, hay nhớ tưởng danh hiệu của Ngài để đối phó với tất cả kẻ thù ác ma, chướng nghiệp. Có như thế chúng ta mới báo được ơn của Phật, đại thành sở nguyện vĩ đại của chính mình.
Đức Phật là vị Bồ-tát đa hạnh. Ngài từ vô lượng kiếp vì chúng ta tu tập đạo Bồ đề, những việc khó làm Ngài làm được, những việc khó nhẫn Ngài nhẫn qua, những nổi khổ của chúng sanh như muốn chịu thay. Sự cao thượng xứng đáng là Bậc Đại Giác, đáng cho ta cúi đầu đảnh lễ, kính phục Ngài. Ta càng vững một niềm tin kiên cố với tâm bất thối chuyển Bồ đề và quyết tinh tấn hơn khi được học và nghe những lời dạy của bậc Đại sư. Ngoài việc thực hành giáo pháp giúp cho chúng ta có được kinh nghiệm tu tập, đời sống an vui hạnh phúc cho tự thân, chúng ta còn góp phần xây dựng cuộc sống an lạc cho tha nhân, đó cũng là một cách báo ân Phật.
Không có phương pháp nào có hiệu quả hơn niệm Phật. Một người thật sự biết niệm Phật, nuôi dưỡng và duy trì hình ảnh của Đức Phật trong nội tâm, người ấy chắc chắn sẽ không hành động bất kỳ việc gì mà Phật tâm không cho phép, sẽ có đủ khả năng phán đoán và thẩm định để đưa đến hành động đúng. Tâm chúng ta vốn sẵn thanh tịnh, nếu biết thanh lọc vô minh thì rõ ràng thực tại các pháp chẳng xa. Đức Thế Tôn cũng đã tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chỉ khi nào cái giác của mình hết nhiễm ô thì Phật tánh sẽ hiển bày. Nếu như hành vi cùng ý nghĩ của ta được đôi phần đức tính ấy mới thật là ta có giác ngộ giải thoát, mới thật an vui và lợi ích cho tất cả mọi người, mọi loài.
Tài liệu tham khảo:
1. HT. Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ I, Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 1992.
2. Diệu Đế Quốc Tự Thiệt Hiền Đại Sư: Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, PL 2538 - 1994.
3. Tuệ Sỹ (dịch), Thiền Luận (Suzuki).
4. Lịch sử Đức Phật Thích Ca.
5 Thích Viên Giác, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, PL. 2546 - DL. 2002.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Xem thêm