Đạo Phật có gì huyền bí, bí mật không?
Giáo pháp của Đức Phật không có cái gì được gọi là huyền bí, bí mật cả. Đức Phật luôn tuyên bố là “Như Lai thuyết pháp với bàn tay mở ra”; có nghĩa là ngài không có pháp nào bí mật để giấu kín chúng ta cả!
Vậy bây giờ tại sao có những điều “bí bí, mật mật” xuất hiện trên đời? Tôi xin kể một câu chuyện:
Năm 1986, tôi vô thăm vị đại sư huynh, ngài Viên Minh, đang trụ trì chùa Kỳ Viên. Ngài có kể lại câu chuyện rất vui: Hôm qua có một tay bùa chú, tình cờ đến chơi chùa Kỳ Viên, ông nghe chư Tăng tụng kinh, một hồi tự dưng ông đến quỳ đảnh lễ rồi nói rằng: Con cũng có luyện chú, nhưng không ngờ rằng nơi đây luyện đại thần chú. Khi hỏi ra mới biết ông này đọc ngày đọc đêm một câu Pāḷi mà phát sanh nhiều khả năng đặc biệt. Bây giờ nghe cả chùa đọc ngôn ngữ như “mật chú” của ông nên ông nghĩ đây là đại thần chú rồi! Ngài Viên Minh cười, nói rằng, đây không phải đại thần chú, đây là kinh Pāḷi, thế câu chú đó thế nào, ông đưa tôi coi thử. Ông mới đưa đoạn chú ra, ngài Viên Minh giải nghĩa từng câu từng chữ cho ông nghe. Ba tháng sau, ông lên lại chùa, mặt mũi buồn xo rồi tâm sự rằng: Từ khi con hiểu nghĩa câu đó thì bùa chú không linh nữa! Hóa ra, khi đọc chú, không hiểu nghĩa, người ta có cảm giác câu chú ấy uy linh, huyền bí… thì nó linh nghiệm, nhưng khi hiểu nghĩa rõ ràng thì nó không còn linh nghiệm nữa. Đấy là nỗi buồn, là tâm sự của người khách lạ. Và đó là câu chuyện thật.
Sở dĩ các câu chú có nhiều uy lực, tạo ra được nhiều năng lực do ba yếu tố: Tưởng + Định + Đức tin. Mình “tưởng” đọc câu chú này phát sinh năng lực, rồi mình đặt “tâm định, nhất như” vào câu chú đó, và có “niềm tin kiên định” rằng là sẽ có hiệu quả, lâu ngày nó phát sanh uy lực.
Ngày xưa, Đức Phật cũng đạt đến tầng thiền định cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng xứ nhưng ngài cũng từ bỏ vì nó không đưa đến giác ngộ, giải thoát. Dưới cội Bồ-đề, ngài nhẹ nhàng đi vào các định, rồi dùng tuệ giác quán chiếu ngũ uẩn, quán thập nhị duyên khởi mà đắc quả Chánh Đẳng Giác. Trên thế gian này chỉ có đức Phật nói đến tuệ giác, bất cứ tôn giáo nào, cao nhất cũng ngang định thôi. Chúng ta tu tập thiền định, trì chú đưa đến định là tạm thời làm lắng dịu tham ưu, phiền não cũng là điều tốt, nhưng mà đừng dừng lại ở đó, phải bước qua tuệ minh sát thì mới tới cái rốt ráo cuối cùng. Đó mới là đạo Phật – con đường giác ngộ – đúng nghĩa.
Bà-la-môn giáo có tứ thiền bát định nhưng không phải đạo Phật. Devadatta (Đề bà Đạt đa) cũng tu luyện đắc định, đắc được ngũ thông vẫn lạc vào tâm tà vạy, độc ác… Nếu có ông sư, ông thầy có tha tâm thông thấy biết chuyện này chuyện kia như phép lạ thì cũng chưa chắc bậc Thánh. Một vị Thánh đơn giản hơn nhiều mà cũng khó khăn hơn nhiều. Đơn giản là vị ấy trông rất bình thường, chẳng có thần thông phép lạ gì hết, chỉ có giảm thiểu lần hồi tham sân, phiền não mà thôi. Khó khăn hơn nhiều là vì dùng tuệ minh sát để cắt lìa tùy miên kiết sử để đạt tứ thánh đạo quả, thành tựu chánh trí, giải thoát, Niết-bàn.
Con người có khả năng này, khả năng kia có thể là tà ma ngoại đạo, dùng cái đó mà câu kéo tín đồ, dùng cái đó để đoạt danh, tranh lợi, để phụng sự cho bản ngã thì nguy hiểm vô cùng. Cho nên, lấy trí tuệ mà nhìn người cho chính xác, coi đời sống thân giáo của họ ra sao? Đôi khi ở đời nhiều vị có tầm ảnh hưởng rộng lớn, có chút năng lực này nọ, ngồi trên ngai vàng điện ngọc, có khi là tà Tăng, quỷ ma hóa Phật cũng không chừng. Và còn có những vị sống đời bình đạm thanh lương, hiền lành đức độ, sống có đạo nghĩa, chẳng có danh vọng, địa vị gì hết …là chân tu thứ thiệt đấy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm