Chủ nhật, 17/09/2023, 13:30 PM

Đầu mối của luân hồi và giải thoát sanh tử

Hôm nay tôi sẽ nói về đầu mối của luân hồi và giải thoát sanh tử. Đây là vấn đề cốt yếu cũng chính là manh mối tu hành của tất cả chúng ta. Ai tu cũng muốn giải thoát, tức là ra khỏi sanh tử. Vậy phải biết đầu mối của giải thoát sanh tử chỗ nào, mới có thể dừng hoặc tránh được.

Đầu mối của luân hồi sanh tử là ở chỗ hữu niệm, đầu mối của giải thoát sanh tử là ở chỗ vô niệm.

Vậy hữu niệm là gì, vô niệm là gì?

Hữu niệm là trong đầu luôn suy nghĩ, tính toán.

Nó là nhân dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử.

Vì thế tu cốt phải vô niệm.

Còn niệm là còn động, động tức loạn nên đi trong sanh tử.

Vô niệm là không động tức định, định thì không đi trong sanh tử, gọi là giải thoát.

Tu thiền mà còn động thì thiền không có kết quả.

Đó chính là gốc của sự tu, chúng ta phải nhìn cho tường tận.

Muốn niệm dừng lặng, đa số chúng ta phải ngồi thiền.

Đây là phương tiện giữ tâm được yên lắng.

Khi các nhà khoa học nghiên cứu về luân hồi, họ tìm thấy gì?

01

Vậy mà nhiều khi ngồi nó không chịu lặng, ngồi nửa giờ một giờ cho tới hai giờ, vẫn còn rất nhiều niệm.

Người xuất gia có thời gian tu tập còn chưa thể dừng được niệm trong một hai tiếng đồng hồ, huống là người tại gia.

Lâu nay chúng ta quen suy nghĩ liên miên hết chuyện này đến chuyện kia.

Bây giờ tập làm sao khi cần mới nghĩ, không cần không nghĩ.

Tập được là bước tiến đáng mừng.

Nếu tập lâu vẫn chưa thành công là do sức tu tập còn yếu.

Muốn dứt niệm thì đi, đứng nằm, ngồi đều phải làm chủ mình.

Nếu chỉ giờ ngồi thiền mới tập làm chủ, còn đi đứng tha hồ cho tâm chạy ngược chạy xuôi, thì tu hoài sẽ chẳng có kết quả.

Cố gắng không để vọng tưởng lôi kéo, lâu ngày thuần thục sẽ thấy giá trị cũng như hiệu nghiệm của sự tu hành.

Nếu buông lung tâm hoài e rằng tu suốt đời cũng chẳng có kết quả chi.

Đó là điều hết sức thiết yếu.

Giải thoát sanh tử nghĩa là dừng niệm, dứt niệm.

Cái gì làm trở ngại sự tu chúng ta phải vượt qua, cái gì làm thành công chúng ta phải đạt đến, khả dĩ đời tu của mình mới có kết quả.

Có những điều chúng ta thấy như thường nhưng làm lại rất khó.

Giả sử khởi nghĩ hay đừng nghĩ đều là quyền của mình.

Vậy mà nghĩ thì cho, mà bảo dừng nghĩ nó không chịu.

Nếu để niệm làm chủ nhất định đi trong luân hồi sanh tử.

Đó là chuyện rõ ràng không phải mơ hồ.

Một khi chúng ta chưa làm chủ được mình thì nhất định lục đạo sẽ kéo lôi.

Ai cũng nguyện tu để giải thoát sanh tử mà không thắng được niệm.

Miệng nói tu giải thoát mà trong đầu nghĩ đủ thứ dừng không được.

Người xuất gia cũng như tại gia, ai quyết tâm dứt khoát không muốn luân hồi sanh tử nữa thì phải cố gắng hết mình.

Tu là bản nguyện lớn, muốn ra khỏi sanh tử phải tập làm chủ tất cả tâm niệm.

Nó không phải một chiều một hướng bởi vì đang nghĩ tốt, bất thần chen vô nghĩ xấu.

Hoặc đang nghĩ điều cao siêu giải thoát bất chợt những điều phàm tục chen vào.

Nó nhanh đến nỗi chúng ta không kiểm soát kịp, nên khó thoát con đường tạo nghiệp sanh tử.

Sự tu là một vấn đề quá ư vi tế lại rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng tối đa, thấu suốt tường tận.

Phật tổ dạy ngồi thiền để được định, ngày xưa có nhiều vị thiền sư lên non lên núi ngồi một mình, dám liều chết để thắng niệm, làm chủ mình.

Ngày nay chúng ta tu nhẹ thôi, ngồi kiết-già nghiêm chỉnh trước bàn Phật, kềm cho yên chứ chưa hoàn toàn thanh tịnh.

Được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, chưa ai bảo đảm vô niệm.

Xuất gia ở chùa chay lạt, tụng kinh, ngồi thiền… chưa chắc giải thoát sanh tử, cốt yếu phải làm chủ được những niệm đang dấy khởi hoặc dừng được niệm tạo nghiệp.

Niệm niệm sanh diệt nối tiếp nhau, nếu không giải quyết được nhất định không thể ra khỏi sanh tử.

Đây là vấn đề hết sức lớn.

Chúng ta nguyện cố gắng tu được giải thoát để cứu độ chúng sanh.

Nguyện là vậy nhưng thành tựu cũng hiếm hoi lắm, trăm người chưa được một người, vì đây không phải chuyện dễ dàng.

Chư Tăng Ni cũng như quý vị Phật tử cố gắng đi đến nơi đến chốn.

Đường dài nguy hiểm mà cứ chần chờ, đi một chút than mỏi mệt đòi nghỉ thì không biết bao giờ đạt tới đích.

Nhiều người cũng quyết tâm nhưng chưa vượt qua các trục trặc trong khi tu.

Vì vậy ngay từ buổi ban sơ phải gan dạ cùng mình, lôi thôi không được.

Chúng ta đã xuất gia vào đạo, ai cũng mong được giải thoát sanh tử.

Nguyện quá cao siêu đáng phục mà làm không được gọi là nguyện suông, không có giá trị.

Một việc làm rất cao quý thì hành động cũng như sự cố gắng phải miên mật mới đi đến nơi đến chốn.

Nếu nguyện lớn mà khi bị vô minh phiền não cột trói, tâm không làm chủ được là tu chưa tới đâu.

Vô minh nghĩa đơn giản nhất là thấy thân này thật.

Phật luôn dạy thân là vô thường, khổ, không, duyên hợp hư giả v.v…

Chúng ta là đệ tử Phật lại thấy nó thật, phải chăng Ngài dạy một đường mình làm một ngả?

Nên cố gắng điều chỉnh mình, nói được học được thì phải thực hành cho được, như vậy trên đường tu mới thành công.

Nói quyết tâm giải thoát sanh tử để cứu độ chúng sanh mà ra không được thì chắc chắn không thể cứu ai.

Vì thế, hiểu Phật pháp càng sâu thì sự tu hành càng phải vững vàng, nghiêm ngặt.

Nếu hiểu nhiều hành ít sẽ mãi lẩn quẩn hết trói buộc này sang trói buộc khác.

Tất cả Tăng Ni đều không ưa ba thứ độc tham, sân, si.

Nếu còn nuôi dưỡng chúng tức chưa xứng đáng người xuất gia thanh tịnh.

Vậy mà chưa ai thực sự can đảm bỏ hết ba thứ độc đó.

Tôi thường tự trách mình, tham sân si là ba thứ độc mà tại sao còn chứa.

Trách như vậy mà muốn bỏ hết lại bỏ chưa được.

Chúng ta phải cương quyết nhất định không để nó bén mảng tới gần mình.

Cương quyết đạt tới mục đích thanh tịnh giải thoát, nếu không ba độc sẽ ám ảnh hoài.

Cái này bỏ chưa xong cái khác lại vây bủa, lẩn quẩn trong đó ra không được.

Tăng Ni có việc đi ra ngoài, bất thần ai chỉ mặt quý vị chửi om sòm, lúc đó giải quyết sao?

Nổi giận tức là sân.

Bị người ta chửi, quý vị vẫn cười tự tại là hết sân.

Hết sân thì tham cũng giảm.

Sở dĩ chúng ta không thể làm được những việc khó làm vì còn thấy thân này thật.

Tuy bản nguyện tu hành rất cao thượng nhưng khi đụng chuyện lại quên hồi nào không hay.

Việc qua rồi hối hận thì quá muộn, đó là điều chúng ta thường vấp phải.

Tôi khuyên tất cả Tăng Ni nên nhớ giữ những giới mình đã thọ nhận.

Khi được đăng đàn thọ đại giới, Tỳ-kheo nguyện giữ 250 giới, Tỳ-kheo-ni nguyện giữ 348 giới.

Quý vị nguyện trước Phật là thế, nhưng hành trọn vẹn chưa hay cũng rơi rớt phần nào?

Nếu không hứa thì thôi, đã hứa lý đáng phải làm cho đầy đủ.

Tam độc chưa thắng thì những thứ khác làm sao thắng nổi.

Người tu phải đặt tam độc là kẻ thù, không cho nó bén mảng tới gần, được như vậy sự tu mới thành công.

Nếu coi tam độc bình thường, ai nói động tới cũng nổi nóng la lối om sòm thì không hơn người thế tục bao nhiêu.

Tu không phải một sớm một chiều có thể tiêu ma hết những cái dở xấu, có khi cả đời vẫn chưa tiến.

Năm rồi người ta nói một câu xúc phạm mình nổi giận.

Năm nay cũng câu đó, mình bớt giận chưa hay cũng y nguyên năm ngoái?

Đó là những việc cụ thể.

Đừng trông mong những gì cao siêu mà phải thấy rõ nội tâm mình có giảm bớt điều xấu dở hay chưa.

Lúc nào cũng xoay nhìn lại mình, không nên chỉ thấy lỗi kẻ khác mà quên lỗi mình.

Người thực tu phải thấy lỗi mình mới tu được, còn thấy lỗi người dễ sanh bực bội, nóng nảy.

Tự sửa lỗi mình, còn lỗi người để họ tự giải quyết.

Không nên ngồi lại nói với nhau, thầy A lỗi này thầy B lỗi kia.

Cứ kể lỗi huynh đệ còn mình không nói động tới, như vậy là chưa tốt.

Trong chúng, nhiều người thật đáng kính. Họ đến trước tôi xin sám hối, hỏi nguyên do liền kể hôm trước con làm chuyện đó sai mà huynh đệ không biết nên không chỉ, hôm nay con thấy đó là lỗi xin sám hối.

Đây là những vị can đảm, đáng khen. Nhiều vị phạm lỗi bị người khác chỉ trích cũng không nhận, thật là quá yếu đuối.

Mỗi ngày chúng ta sống đây là nhờ công ơn của đàn-na thí chủ giúp đỡ.

Chúng ta không làm ra tiền bạc, cơm nước, vải vóc v.v… mà vẫn được ăn no mặc ấm thì phải ra công tu hành để đền đáp lại.

Mỗi người cố gắng thực hiện cho được tâm nguyện tu hành của mình, làm sao phiền não càng ngày càng giảm, tâm càng ngày càng thanh tịnh, đó mới thật là tu.

Nếu cứ thấy huynh này đệ kia lỗi nhiều lỗi ít, nói qua nói lại sanh phiền não cả chùm, là chưa thực sự biết tu.

Mong Tăng Ni nhớ cố gắng ghi nhớ và ứng dụng những điều tôi nhắc nhở.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm

Kiến thức 10:11 23/12/2024

Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Xem thêm