Thứ bảy, 05/02/2022, 11:24 AM

Đêm chùa làng

Đời và đạo cứ trồi lặn miên mật cõi người cõi đời. Đó là lúc tôi cùng sư thầy Thông Đạo ngồi uống buổi trà sớm nơi hiên chùa nhìn ra cánh đồng ngập nước vốn mặn mòi như cái tên Diêm Điền…

Sư thầy Thông Đạo vóc người cao lớn có vẻ khiến cho gian chánh điện diện tích chỉ ngót 20 mét vuông này trở nên "chật chội" hơn. Mưa gió rả rích gõ lên mái tôn hiên chùa, bóng tối đã phủ đầy ngoài đường ngõ. Còn trong này, sư thầy khom người chỉ cho vị khách lạ đường đột là tôi xem đầu tượng Phật lồng trong hộp kính trên ban thờ. Tượng Phật cũng trở thành nạn nhân chiến tranh loạn lạc một thời,khi ngày ấy ngôi chùa bằng tranh tre chỉ còn tàn tro nghi ngút khói, dân làng vội bới nhặt lấy đầu tượng Phật đem giấu, còn phần thân đã hóa vào bụi đất. Phật còn, chùa còn. Ngày ấy, cũng đã ngót bảy tám chục năm rồi với bao biến thiên với ngôi chùa, ngôi làng và những phận người.

Làng đây là Diêm Điền, còn làng tôi ở sát bên cùng chung xã Tịnh Hòa. Ngày ấy ngày của gần bảy chục năm về trước cũng từ con sông trước chùa này đây. Cha tôi cải trang trong bộ đồ dân chài theo thuyền ngược dòng nước để lên đường tập kết. Để lại sau lưng mẹ cha già, người vợ trẻ và hai con thơ… Ngày ấy ngày của hơn trăm năm trước, ông nội tôi vừa đi biển vừa làm muối. Một trong những chuyến ghe chở muối vượt sông Kinh lên vùng núi Ba Gia, Đồng Ké ông đã gặp bà nội tôi. Giờ vẫn như thấy bóng hai người trên những con thuyền cá thuyền muối dọc ngang sông nước này.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Diêm Điền nghĩa là ruộng muối. Làng Diêm Điền, sông Diêm Điền, đến chùa cũng mang cái tên mặn mòi lam lũ Diêm Điền. Xưa nước mặn từ biển ngập vào cổng tam quan. Nay qua thời thế, đập ngăn dựng lên chắn nước nghề làm muối nơi này từ lâu không còn nữa.

Hồi chiều ghé ông Định Công Thương, 78 tuổi nhà dựa bên tường chùa. Ông từng là Chủ tịch xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi) nên biết nhiều về lịch sử vùng đất này. Rằng thời ông còn nhỏ đi thả bò nơi Gò Mang này lạc giữa cây rừng không tìm được lối ra. Chùa và đình làng nằm trên gò cao tựa lưng vào rừng sơn, trâm, cồng và nhìn xuống đầm nước sâu bên những vạt đước, tràm xanh ngắt, cò bay trắng đồng.

Người làng truyền lại từ xa xưa có một nhà sư và chú tiểu từ đâu đến đây vỡ đất, chặt cây rừng dựng nên ngôi chùa bằng gỗ lợp lá dừa nước. Đến thời vua Khải Định chùa nằm sát đình làng. Đình làng Diêm Điền có kiến trúc công phu, chạm trổ tinh vi, cửa tam quan hùng vĩ, là ngôi đình-chùa đẹp nhất vùng đông Sơn Tịnh thời bấy giờ. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1954 đình và chùa cũng "tiêu thổ kháng chiến" tan vào tro bụi. Bom đạn chùa cháy tượng vỡ, dân làng đã đem giấu đầu tượng Phật suốt bao năm, lúc yên bình đã lập tại đây miếu thờ đầu ông Phật. Sau 1954, chùa được bổn đạo tái tạo nhưng cũng lại hư hoại trong thời chống Mỹ. Sau 1968, Khuôn hội Phật giáo Diêm Điền cùng bổn đạo một lần nữa tái lập chùa. Lần lượt các thầy Thích Hạnh Lương, Thích Hạnh Ngữ, Thích Hạnh Chơn, đệ tử hòa thượng Thích Huyền Tế từ Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn về thủ tự, hướng dẫn tu học. Sau hòa bình, đến năm 1977 chùa lại bị hỏa hoạn, đất vườn chùa nhân dân trong thôn vào sản xuất hoa màu. Cũng năm ấy, bổn đạo một lần nữa đồng tâm dựng lại chùa.

Ngôi chùa mang số phận lao lung còn mất như người dân nơi này. Ông Thương bồi hồi nhớ lại tiếng súng tiếng lựu đạn rền vang chát chúa vọng lại từ làng Tư Cung, Mỹ Lai gần bên vào cái buổi sáng định mệnh ngày 18/3/1968. Hôm ấy, lính Mỹ bất ngờ càn vào làng giết hại 504 người dân chủ yếu người già, phụ nữ, trẻ em. Vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày ấy chấn động thế giới, giờ đây từ chùa nhìn ra dòng Khê Hòa Diêm Điền trước mặt kia như còn thấy vệt máu loang… Sau lần ấy, người già trong làng kể lại đêm nào trông thấy những vệt sao băng vụt lên từ nơi chùa Diêm Điền là lập tức gánh gồng nhau dắt trâu bò chạy khỏi làng, vì đó là điềm báo địch sẽ đi càn.

Ông Thương chép miệng "chùa nghèo lắm, thầy ở một mình tự đi làm để sinh sống. Đạo hữu trong làng già hết rồi, lại nghèo khó tiền đâu mà cúng dường…".

Sư thầy Thông Đạo có một cuộc đời khá lạ lùng. Số phận cũng như mảnh đất này, ngôi chùa này. Sinh năm 1949, tuổi Kỷ Sửu ở Thừa Thiên Huế, lên chín, mười tuổi đã vào chùa. Đến năm 1963, sau sự kiện đàn áp Phật giáo ở Huế, chú tiểu cùng nhiều thầy và đồng đạo đã được thầy Thích Trí Thủ gửi vào Nam. Tại Sài Gòn, chú tiểu nhỏ theo học Trung cấp Phật học Đức Minh. Đến 1968, sau sự kiện Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn rốt ráo bắt lính, chàng thanh niên tu hành cũng không thoát phải khoác bộ áo lính ra Vùng I chiến thuật tại Quảng Ngãi và được sung vào địa phương quân với cái tên cha sinh mẹ đẻ Nguyễn Văn Hiệp. Đến năm 1970, người lính trẻ lập gia đình tại tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Sau 1975, anh được đưa đi học tập 7 ngày, chính quyền thấy không có gì nên trả về địa phương, để rồi từ đó bước ra đời bươn chải mưu sinh giữa thời bao cấp để nuôi vợ con…

Câu chuyện về đời về đạo cứ miên man trong gian phòng nhỏ như phòng trọ của thầy Thông Đạo. Trời tối đã lâu, mưa lạnh vẫn đầy trời, thầy cũng vừa mới áo mưa lướt thướt chạy xe máy về, bảo vừa đi đặt thước lỗ ban mở cổng cho người làng bên và đã ăn qua quýt ngoài đường rồi. Rồi thầy xin lỗi về sự bừa bộn của gian phòng, bởi nhà bếp đang sửa lại nền nên đồ đạc chuyển hết vào đây. Nhớ lại cái gian nhà trù cấp bốn cũ kỹ trống trơn hở ngói mà tôi vừa ngó vào, nhớ lại câu nói của ông Thương hồi chiều rằng "chùa nghèo lắm…". Bao nhiêu năm mới có được ít vật liệu để tu sửa cho bớt dột bớt ẩm mốc, mà nom vẫn không khác mấy với ngôi nhà của những người nghèo trong làng. Chỉ có gian chánh điện rộng hai chục thước vuông quét vôi là tươm tất hơn cả. Quảng Ngãi có chừng 280 ngôi chùa lớn nhỏ, đây là một trong vài "chùa nghèo" nhất chăng?

Trở lại với cái thời sau giải phóng đầy khó khăn, nghề đầu tiên người đàn ông 26 tuổi Nguyễn Văn Hiệp học để nuôi vợ con là kế toán. Sau một khóa dạy kế toán ở Nghĩa Bình. Nghề thứ hai là dạy võ. Với vốn võ thuật khổ luyện từ nhỏ khi mới vào chùa cộng với năng khiếu, ngay thời còn đi lính ông đã là huấn luyện viên dạy võ thuật cho đơn vị. Không ngạc nhiên với vóc dáng tráng kiện và gương mặt quắc thước ấy, Nguyễn Văn Hiệp từng giật giải lực sĩ đẹp tại khu 12 Vùng I chiến thuật với bài thi quyền thuật. Sau 1975, ông được cán bộ lớp bổ túc văn hóa mà ông tham gia đứng lớp giới thiệu vào Nghĩa Bình học thêm khóa huấn luyện viên võ thuật để về dạy lại cho lực lượng công an. Rồi dạy tại võ đường Ngọc Cư nức tiếng tại thành phố Quảng Ngãi.

Những năm sau 1979, ông chuyển sang nghề làm vành xe đạp. Ban đầu làm cho mấy cơ sở sản xuất xe đạp như Núi Ấn, Núi Bút, Tiên Hồng, ông lặn lội ra tận xí nghiệp cơ khí Tiền Tiến ở Hà Nam Ninh để học nghề. Chẳng mấy chốc ông trở thành tay thợ làm vành có tiếng ở đất Quảng Ngãi. Thời ấy phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp, xe đạp thồ nhưng phụ tùng lại rất thiếu. Vật liệu làm vành xe là nhôm thu nhặt ở khu vực sân bay quân sự Chu Lai. Vấn đề là thời đó không có điện hoặc có nhưng rất phập phù, nên muốn tiện được thì phải làm sao cho mô tơ quay để phát điện, và ông đã làm được.

Đời và đạo cứ trồi lặn miên mật cõi người cõi đời. Đó là lúc tôi cùng sư thầy Thông Đạo ngồi uống trà buổi sớm hôm sau nơi hiên chùa nhìn ra cánh đồng ngập nước.

Thầy Thông Đạo trầm ngâm, bảo sau bao biến cố đời người ngay sau ngày hòa bình đã muốn cởi áo đời vào chùa trở lại nhưng gánh nặng trách nhiệm con cái gia đình làm sao buông bỏ? Thầy bảo ngày trước quyết định lập gia đình cũng vì cảm thấy không còn quê hương nữa, mà chiến tranh đời lính không biết ra sao. Ngôi chùa trong tâm vì vậy cứ luôn theo suốt những tháng năm của đoạn đời sau này. Cho đến khi nhẹ gánh đời để thọ sa di thì thầy đã vào bước tuổi tri thiên mệnh. Trước khi cụ túc tịnh giới phải làm thủ tục ly hôn, được chính quyền địa phương xác nhận bản thân không có điều tiếng hay nợ nần, được con cái đồng ý. Và sau 10 năm trì tập thọ Tỳ kheo tại Đại giới đàn Pháp Hóa (Tỉnh hội Quảng Ngãi) dưới Đường đầu Hòa thượng Thích Thiện Bình thì đã ở tuổi nhi nhĩ thuận. Đến năm 2013, Đại đức Thích Thông Đạo được cắt cử về trụ trì Diêm Điền tự cho đến nay, khi chùa chưa có thủ tự.

Chùa Diêm Điền

Chùa Diêm Điền

Đời và đạo cứ trồi lặn miên mật cõi người cõi đời. Đó là lúc tôi cùng sư thầy Thông Đạo ngồi uống trà buổi sớm hôm sau nơi hiên chùa nhìn ra cánh đồng ngập nước.

Nhớ về quê mẹ tôi ở Hà Tây nơi chùa làng có vị cao tăng ngoài trăm tuổi vừa viên tịch. Nơi ấy tuổi thơ những năm sơ tán của tôi chứng kiến ông sư bà vãi cấy cày làm ra hạt gạo. Giờ khắp nơi chùa to chuông lớn, còn sư sãi nào biết cấy cày tự nuôi mình? Thầy Thông Đạo chỉ ra rộc ruộng xa xa, nói đó là ruộng tam bảo của chùa thời xưa. Nguyên trước kia chùa có 7 mẫu ruộng tại xứ Đồng Quýt này, phần đất của bà họ Đinh tên Câu lấy chồng họ Phạm ở đây hiến cúng. Bà cũng là người lập ra chợ Chiều, thường gọi là chợ Bà Câu. Hiện rộc ruộng chùa còn lại những cọc mốc địa giới làm bằng đá đen có khắc chữ Nho.

Chùa nghèo, thầy nghèo. Lâu lâu có dịp đi cúng lễ đạo tràng mời cơm. Còn lại thường thì bắc nồi cơm điện, ra hái đọt bí, nắm bồ ngót hoặc cây cải thả gói mì thêm chút bột ngọt là thành bữa. Sáng ra một ly cà phê là xong.Ruộng rộc chùa nằm sát ven đường. Một ao sen cạnh chùa ngày sóc vọng các vị sư ra bẻ bông cắm bàn Phật. Nên có cảnh "Rộc chùa lúa quyện, sen xiêu áo thầy". Câu thơ này xuất ra từ nguyên bài thơ tác giả khuyết danh thời xưa kể về sự tích giếng chùa, mà sư thầy khẳng định đây là giếng chùa đặc biệt nhất không chỉ Quảng Ngãi mà còn cả miền Trung.

Đầy đủ bài thơ dân gian ấy thế này "Nhà sư với chú tiểu con/Giếng đào có nước chẳng còn tăm hơi/Thầy đi để lại cho đời:/Giếng trong nước ngọt, trăng khơi kinh chiều/Rừng xanh thảnh thót chim kêu/Rộc chùa lúa quyện, sen xiêu áo thầy". Những dòng thơ tưởng nhớ công đức hai thầy trò một sư một tiểu đã khai sơn ra chùa Diêm Điền, rồi ngày ngày miệt mài đào giếng, đêm đêm tụng kinh kệ cho đến khi giếng có nước ngọt thì hai thầy trò ra đi không còn ai thấy nữa.

Thầy Thông Đạo tại chánh điệnẢnh: Trần Tuấn

Thầy Thông Đạo tại chánh điệnẢnh: Trần Tuấn

Để rồi hàng trăm năm qua giếng chùa Diêm Điền rộng lớn đường kính tới hơn 2,5 mét ấy đã cấp nguồn nước thanh mát ngọt ngào cho bao đời giữa vùng ruộng muối chua mặn luôn thèm thiếu nước ngọt này, và chưa bao giờ đứt mạch. Nhớ lời kể của ông Thương, giếng chùa cũng như số phận ngôi chùa này, đó là qua bao nhiêu tao loạn chiến tranh nhiều lần bị vùi lấp, có lần địch quăng từng chùm lựu đạn giật sập để cắt nguồn nước nuôi dưỡng chiến sĩ, du kích. Và cũng bấy nhiêu lần dân làng lại hàn gắn giếng bảo tồn nguồn nước thiêng. Còn thầy Thông Đạo kể cứ mỗi buổi sớm thức dậy khai kinh, nhất là mùa hè lại thấy từng đoàn người gồng gánh, rồi xe máy xe đạp đến giếng lấy nước. Người khắp xứ, từ Điền Trung, Điền Thượng, Điền Thủy, Minh Quang, và có cả người từ Tịnh Thiện.

Lòng vòng thế nào tôi chạy lạc sang xã bên cạnh, ngang qua một "đại công trình chùa" đang hối hả xây lên mà riêng chánh điện rộng tới gần 11 ngàn mét vuông cao 37 mét, trên một diện tích hàng trăm héc ta được gọi là "khu văn hóa tâm linh". Để chợt nhớ tới câu trong kinh Pháp Hoa "Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng". Ôi niết bàn nơi đâu, tìm đâu giữa những chánh điện nghênh ngang với cái chùa làng Diêm chánh điện ẩm mốc cũ kỹ rộng có mấy bước chân?…Ngày mới về quản tự ngôi chùa này, thầy kể chùa chỉ có gian chánh điện và gian nhà ở lợp tôn, cỏ ngập sân có cả rắn lục. Sau dân làng gom góp xây giúp gian nhà trù (bếp), sơn sửa lại tam quan. Đem chuyện nghe được rằng chùa xưa nay có truyền thống "không nhận cúng dường từ khách phương xa" ra hỏi, thầy Thông Đạo bảo điều đó là có thật nhưng không hoàn toàn như vậy. Chùa chỉ nhận khi nào có công việc cụ thể, có thiết kế, bản vẽ, bản tính toán thu chi đầy đủ, thông báo rộng rãi công khai. Như chùa đã nhận cúng dường hai tượng Phật Thế chí và Di đà từ Phật tử phương xa ở TP HCM và Quảng Nam.

Đầu tượng Phật chùa Diêm Điền xa xưa từng được dân làng cất giấu gìn giữ mấy chục năm

Chùa nghèo, thầy nghèo. Lâu lâu có dịp đi cúng lễ đạo tràng mời cơm. Còn lại thường thì bắc nồi cơm điện, ra hái đọt bí, nắm bồ ngót hoặc cây cải thả gói mì thêm chút bột ngọt là thành bữa. Sáng ra một ly cà phê là xong. Bà Đinh Thị Lựu, 74 tuổi một đạo hữu trong làng lúc tôi gặp ngang đường hỏi chuyện về thầy, thật thà "chùa cực lắm, thầy phải tự xoay xở một mình, chứ đạo hữu Phật tử trong làng già hết rồi, lại nghèo đâu có phước sương. Nhưng thầy vô tư, rất chan hòa gần gũi với làng xóm".

Ông Đinh Công Thương (đứng) bên giếng chùa Ảnh: Trần Tuấn

Ông Đinh Công Thương (đứng) bên giếng chùa Ảnh: Trần Tuấn

ời chùa vào buổi sớm tôi chạy dọc theo con sông Diêm Điền cảnh sắc nên thơ, vẳng nhớ câu vừa được nghe bên hiên chùa khi nãy "Tu cái tâm cho chính, là thiện rồi"…

Diêm Điền, tháng chạp Tân Sửu

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc

Xuân Muôn Nơi 17:47 25/02/2024

Lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lần thứ VI - năm 2024, diễn ra hôm 23/2.

Hơn 12.000 người dự lễ cầu an tại chùa Viên Quang

Xuân Muôn Nơi 10:44 23/02/2024

Tối 21/2, chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tổ chức lễ cầu quốc thái dân an Xuân Giáp Thìn 2024, hơn 12.000 người tham dự.

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh

Xuân Muôn Nơi 12:29 21/02/2024

Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh (xã Quảng Trung, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khai hội hôm 18/2.

Xuân thung dung

Xuân Muôn Nơi 19:15 20/02/2024

Nắng vắt hiên Đông, đá mỉm cười/ Chừ Xuân năm mới ghé đây chơi/ Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc/ Xơ xác, cành khô nẩy tượt chồi...

Xem thêm