Đi chùa là tìm lại chính mình
Phật giáo là một hệ tư tưởng khoa học và vô thần được truyền vào nước ta rất sớm. Theo sách Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên thì vào khoảng đầu thế kỷ thứ III (TCN) ở nước ta đã có các cao tăng từ Ấn Độ đến truyền giáo và xây tháp.
Có thể nói, đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam ngay từ thời điểm đó hoặc muộn hơn. Đến khi đất nước rơi vào hoàn cảnh Bắc thuộc, bị áp đặt hệ tư tưởng Nho - Lão thì ý thức khao khát tự do trong lòng dân chúng trỗi dậy và đạo Phật được xem là một hệ tư tưởng đối trọng. Phật giáo đã song hành cùng vận mệnh của dân tộc ta trải qua suốt mấy ngàn năm thăng trầm cho đến ngày nay.
Phật giáo ở nước ta hiện nay có nhiều tông phái, hệ phái, chùa viện có mặt ở khắp nơi để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tu học, gửi gắm tâm linh, tìm lành lánh dữ của mọi tầng lớp xã hội. Đi chùa coi như một việc rất phổ biến của người dân, đặc biệt là dịp lễ hội. Nhưng đi chùa để làm gì? Hiểu thế nào là tinh thần chính yếu của Phật giáo để an tâm từ bi giải thoát? Hay đi chùa để quỳ lạy cầu xin, thậm chí sa vào các tệ nạn mê tín dị đoan? Những vấn đề này đang và đã xảy ra ở khắp nơi như một chiều hướng tụt hậu của nhu cầu văn hóa tín ngưỡng.
Chúng ta biết, Phật chính là Đạo, là trí tuệ sáng suốt, là triết lý, là con đường dẫn chúng sinh ra khỏi mê lầm dục vọng để đi đến giải thoát. Đức Phật là người nắm được những nguyên lý đó, thực hành rốt ráo và chứng đắc, Ngài làm tấm gương cho chúng sinh noi theo. Chứ Đức Phật không phải là một vị thần linh có quyền năng ban phúc hay giáng tội cho ai cả. Phúc hay tội do chính bản thân mình gây ra và cũng chỉ có chính mình giải trừ nghiệp của mình mà thôi. Đạo Phật là con đường giúp ta ngộ ra bản chất của thiện ác, nguồn gốc của mọi đau khổ và hướng ta đi đến cái đức lành giải thoát. Mà đạo nào thì phải đức ấy, nếu cái tâm đức mà không có đạo làm bệ đỡ thì nó cũng lênh đênh trôi nổi, sa vào dị đoan mê tín, huyễn hoặc cho mình và người một cách hết sức tai hại. Vì lòng tham không đáy, ngã mạn vô chừng, dục vọng miên man truyền kiếp. Sự ngu tối, cố chấp là chỗ dựa lý tưởng cho những sai lầm và tội ác.
Chính vì vậy, đạo Phật chủ trương phá chấp, ta không phải là ta mà ta cũng chẳng là ai cả. Như câu chuyện một nhà sư đến hỏi Thiền sư Vân Môn “Phật là gì? Trả lời - Cục phân khô (Càn thỉ quyết)”. Triết lý trong câu nói bất hủ kia ta nên hiểu như thế nào? Bất cứ một vật gì nếu đem chia nhỏ ra nhiều lần đến “tế vi sắc tướng” (không thể chia được nữa) thì lúc ấy nó cũng không còn là nó nữa, nó không mang tính chất của cái gì nữa cả, chính vì thế mà nó lại có tính chất của bản thể vũ trụ. Mà bản thể của vũ trụ là hòa đồng, những cái hạt li ti bé nhỏ vô cùng ấy kết hợp với nhau bởi những lý do, những nguyên nhân khác nhau để trở thành muôn loài muôn vật. Vậy giữa “cục phân khô” và vạn vật có gì khác nhau đâu! Muôn vật muôn loài đều có chung một gốc, nên mọi người phải luôn có ý thức thương yêu, tha thứ, bao dung mênh mông tràn ngập vũ trụ, chứ không chỉ dừng lại ở đồng loại. Đó là một tư tưởng hết sức vĩ đại và rất khoa học tự nhiên, không máy móc hay siêu hình gì cả… Cái tâm bình đẳng của nhà Phật nằm ở chỗ đó. Đó là chủ nghĩa nhân loại trung tâm còn cao cả hơn cả chủ nghĩa nhân văn mà hiện nay một số người đang rầm rộ chủ thuyết. Chính con người vì quá phân biệt mới nảy ra vô số chướng ngại mà chướng ngại là đi đến u tối, sai lầm và tội lỗi mà thôi.
Vào chùa, ta thường thấy hình tượng Phổ Hiền Bồ-tát trong Hoa nghiêm Tam thánh cầm bông sen giơ lên, đó là một biểu tượng triết lý vừa sâu thẳm vừa hết sức gần gũi - thế giới của sự dấn thân và giải thoát. Ý nghĩa đó là một thông điệp với mọi người, vào chùa là đi tìm lại chính mình, đi tìm lại cái tâm thất lạc của mình trong chốn bụi bặm xô bồ ngoài kia. Chứ không phải vào chùa để cầu xin, đễ đạt được điều này điều nọ… Vào chùa là ta đi tìm cái bản thể Chân như, đi tìm cốt lõi của bản chất tốt đẹp sâu xa nhất của chính bản thân mình. Đi tìm cái trí tuệ Bát-nhã để vén đám mây mù u tối che đậy cái thân tâm sáng suốt của mình. Hình tượng Đức Phật mang ý nghĩa bao hàm cho ánh sáng của trí tuệ soi tới chúng sinh. Và nhờ chính trí tuệ tuyệt luân vô nhiễm đó mà xóa đi mọi mầm mống của tội ác. Người đến chùa cốt yếu nhất là để nương nhờ tha lực của Phật mà xây dựng điều thiện trên nền tảng trí tuệ Phật chứ không nên nhằm mục đích khác. Vì triết lý của nhà Phật là dạy cho chúng sinh về vũ trụ quan, nhân sinh quan chứ không hề dạy cho chúng sinh đi cầu xin. Tâm ta cũng là tâm Phật, mà cái tâm đó phải vì người khác chứ không chỉ bo bo vì mình. Đạo Phật hoàn toàn không có chỗ nào dành cho vấn đề thần bí hay mê tín dị đoan cả.
Cuộc sống là một quy luật của vô thường, không có cái gì tồn tại vĩnh viễn. Có sinh tức có dị, có dị ắt có diệt. Mà để hiểu được nó thì ta phải chú ý đến nội tâm, tức là phải nội quan chính bản thân mình trên bệ đỡ của trí tuệ. Vì tâm nhờ có tuệ thì tâm mới trong sạch. Nếu tâm mà không tuệ thì dễ dàng trôi nổi vào bến bờ dị đoan mê tín, hại mình hại người. Đi chùa là tìm cái thanh tịnh chứ không phải đi tìm những ngôi chùa to lớn sang trọng để cúng dường cầu phúc cầu lợi hay để được vinh danh trong giấy khen, sổ vàng gì cả. Vì theo Phật giáo, một khi vật chất càng bề thế to lớn thì càng làm cho tâm hồn con người teo lại. Mà tâm hồn bị teo lại thì con người dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. Lòng tin bị khủng hoảng, chướng ngại chất chồng. Lúc ấy tín đồ lẫn Giáo hội chính là những kẻ đào mồ chôn tôn giáo của mình. Người ta gọi là thời kỳ mạt pháp vậy! Vì con người phải chịu nhiều đau khổ nên mới tìm đến đạo để giải thoát những đau khổ ấy, chứ không phải tìm đến đạo để bị thêm những ràng buộc, bị lệ thuộc vào những quy định này kia, vì như thế sẽ làm cho trí tuệ bị bào mòn và đóng cứng. Đạo Phật luôn hướng con người đến với tự do trí tuệ (không phải tự do vô tổ chức), phải biết mềm dẻo và nhẫn chịu để xua đuổi diệt trừ dục vọng thấp hèn, tham sân si…
Đức Phật nói, Ta là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành. Có nghĩa là vạn vật đều hội đủ thanh tịnh, từ bi. Mà muốn khai triển nó để cứu mình cứu người thì phải xuất phát từ trí tuệ sáng suốt, xuất phát từ gốc tâm của chính mỗi con người. Cái đó là tự mình, do mình chứ không ai mang đến để cho mình cả. Nên vào chùa cầu xin là làm chuyện không có nền tảng. Và phải luôn hiểu rằng cứu cánh của Phật giáo là giải thoát khỏi những phiền não để con người thêm tinh tấn mà sống cho đẹp và có ích cho mình cho người, chứ Phật không dạy ta trở thành những con cừu chỉ biết phục tùng một cách thụ động đến mức ngu muội trong tăm tối.
Ngày nay không ít chư Tăng lại tự sa vào dị đoan thần quyền, kêu gọi vong linh, trục hồn, bày vẽ ra đủ trò cúng bái… điều đó thật tai hại. Người đi chùa thì bẻ nhánh bẻ cành cầu phúc cầu lộc một cách hết sức vô duyên, xả rác vô tội vạ trong khuôn viên chùa… Niềm tin, giá trị bị đảo lộn gần như thoái hóa. Có thể ví một câu, làm thầy không giỏi thì dắt trò vào ngõ cụt, làm Tăng mà không thông tuệ mọi yếu lý, yếu nghĩa của Phật thì dẫn chúng sinh vào đường mê, cõi ác!
Đạo Phật lấy từ bi làm đầu, lấy trí tuệ làm gốc. Tinh thần của Phật giáo là hòa giải, không xung đột, chiến tranh. Mấy ngàn năm nay Phật giáo luôn đồng hành với vận mệnh của dân tộc Việt, nó là một phần lớn hiện hữu trong tổng thể văn hóa Việt. Mà đã là văn hóa và Phật giáo thì không bao giờ có chuyện cầu xin để được này nọ. Vào chùa là đi tìm chính cái tâm trong sạch của ta để hòa vào cái tâm trong sạch của người trên cơ sở trí tuệ Phật mà giải trừ phiền não ác nghiệp, những dục vọng thấp hèn, những ganh đua hơn kém… để sống tốt, cùng nhau đi đến bến bờ của hạnh phúc viên mãn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm