Nghĩ về những người Thầy
Xin thành kính dâng tặng những người Thầy đã cho con từng con chữ. Xin trọn đời tri ân những người Thầy đã khai tâm mở trí cho con trên đường tìm về Đạo Pháp! “Người Thầy là ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian” (Ngạn ngữ Ixraen).
Lời dạy ấy đã trở thành kim chỉ nam, là ánh đuốc soi đường cho con trong suốt những tháng năm con làm bạn với bảng đen, phấn trắng. Để rồi hôm nay, khi sắp đi hết quãng đường dạy học, con nhận ra rằng: con may mắn được là học trò của nhiều Thầy Cô tài đức vẹn toàn. Con cũng hiểu rằng, con có duyên lành được là đệ tử của những người Thầy tâm linh khả kính.
20 tháng 11 là ngày của lòng tri ân, ngày của truyền thống tôn sư trọng đạo. Vậy nên, xin cho con những khoảnh khắc lắng lòng, để nghĩ về những người Thầy đã đi qua trong cuộc đời con.
Đó là cô giáo dạy con hồi lớp ba tiểu học. Cô là người đã khổ công rèn bút cho bao lớp học trò. Từng giờ, từng buổi học, cả lớp nắn nót từng con chữ dưới sự tận tâm và kiên nhẫn của cô. Do vậy, ngày ấy, những ai từng học với cô, hầu hết đều có nét chữ chân phương, thanh thoát. Không chỉ dạy chữ, cô còn rèn giũa từng nết người cho con trẻ. Từng cách cầm đồ vật trao cho người lớn tuổi, từng lời chào hỏi, đều được cô giảng giải và thực hành cặn kẽ.
Có một kỷ niệm thật sâu sắc, sau này trở thành phương châm ứng xử, con vẫn thường áp dụng với học trò. Đó là một buổi học do tổ con trực nhật. Mảng lo chơi, con quên nhiệm vụ, cho đến khi tiếng trống báo giờ vào học! Cô chỉ nhẹ nhàng mời tổ trưởng (là con!) đọc lại cho cả lớp nghe bài đạo đức: Giữ vệ sinh chung (bài được học ở tuần trước đó). Không một lời trách mắng, không một biện pháp xử phạt nào, vậy mà gần năm mươi năm qua, bài học ấy, con luôn ghi khắc trong tâm. Để rồi, trước những lỗi lầm của học trò, con vẫn tự nhủ lòng: hãy dạy dỗ các em bằng tâm thái nhẹ nhàng, thương yêu và bao dung. Điều ấy sẽ không gây tổn thương cho trẻ, mà trái lại, càng đạt hiệu quả giáo dục sâu sắc.
Cô giáo ấy đã đi xa từ nhiều năm trước, nhưng nét chữ cô cho, những bài học làm Người cô đã truyền trao, vẫn mãi theo con suốt cả cuộc đời.
Con lớn lên, vào học cấp hai. Cô giáo dạy môn Sinh học có giọng nói dịu dàng, có cách giảng bài thu hút. Con đi tìm cây dương xỉ trong bài học. Con ngâm từng chiếc lá rồi nhuộm màu gân lá khi học về chất diệp lục. Con đọc những trang sách trong Thế giới động vật kỳ thú, chỉ vì mê những bài Sinh học cô giảng, chỉ vì thích nhìn ánh mắt cô hiền từ, chỉ vì thương sự nhiệt tình của cô trong từng tiết dạy. Cô là hình mẫu đẹp về người Thầy trong con, từ ấy!
Lên cấp ba, con được học Văn với một cô giáo nổi tiếng ở trường. Hồi đó, học trò vẫn thích nhìn cô đi giữa sân trường. Dáng cô cao gầy, chiếc cặp trong tay cô bao giờ cũng nặng trĩu, những tiết dạy của cô đầy ắp chất liệu của niềm đam mê văn chương. Đã có biết bao thế hệ học trò từng say sưa nghe cô giảng Truyện Kiều, để cảm nhận một cách tinh tế, sâu sắc tâm và tình của từng nhân vật trong tác phẩm để đời của Đại thi hào Nguyễn Du. Ngày cô đi xa, từng lớp học trò về đưa tiễn. Trong nỗi đau vĩnh biệt, nét đẹp của tình Thầy trò, phải chăng, có một phần nguồn cội từ những giờ giảng văn đậm nét Chân - Thiện - Mỹ ngày xưa?
Con đã chọn nghề dạy học từ ảnh hưởng sâu sắc ở những người Thầy yêu kính ấy. Cách con giảng bài, cách con cư xử với học trò, vô hình chung, có nét phảng phất những gì con đã được nhận từ các cô. Ngọn lửa của trí tuệ, chất liệu của tình thương, một khi đã thấm vào tim, đã in sâu vào óc, sẽ được truyền lưu qua dòng chảy của thời gian, qua nhiều thế hệ.
Kiến thức thế gian cho con nghề để nuôi thân, người Thầy thế học dạy cho con cách sống ở đời. Với các thế hệ học trò, không ít lần con là điểm tựa tinh thần cho các em. Con tự tin vào chính mình, tự tin vào một ít vốn liếng chữ nghĩa, vào cách đối nhân xử thế, vào những trải nghiệm tự thân. Con cứ tưởng đâu bao nhiêu đó đã là quá đủ. Nhưng rồi, đến lượt con, khi đối mặt với những khổ đau, phiền não, con mới chợt nhận ra một khoảng trống mênh mông trong tâm thức.
Sau bao nhiêu thăng trầm, chìm nổi của kiếp người, rồi có một ngày, con được về với Đạo. Con được học với những người Thầy mới. Những lời kinh Sư giảng, những bài Pháp con nghe, ngày từng ngày, khai mở trong con một chân trời mới.
Học Phật, con nhận ra rằng, con may mắn khi chọn nghề dạy học. Nghề giáo với sứ mệnh gieo trồng con chữ, ươm mầm trí tuệ, tưới tẩm nhân cách cho thế hệ trẻ, là một trong những nghề Chánh mạng. Trọng trách cao cả ấy đòi hỏi người Thầy phải trang nghiêm tự thân. Nói cách khác, là phải luôn trau dồi thân giáo. Con tâm đắc lắm lời này của Sư : nhà giáo, cũng có thể được xem như là nhà Sư (đã được cạo nửa đầu). Một cách so sánh hết sức thực tế, mà vô cùng chính xác !
Học Phật, con cũng hiểu rằng, nghề dạy học cần lắm chữ Tâm. Tâm bao dung, vị tha trước những lỗi lầm của học trò, tâm hy sinh, phụng sự tha nhân, mà trước hết là trách nhiệm của người Thầy trong từng trang giáo án, trong từng lời giáo huấn. Con biết, Sư đã từng trăn trở trước những bài Pháp thoại, đã tận tâm giảng dạy Pháp học, truyền trao Pháp hành cho bao môn đồ đệ tử chúng con. Trước tấm gương ấy, con chợt nhìn lại mình, và nhận ra, còn bao điều thiếu sót trong trách nhiệm làm thầy, ở con!
Học Phật, con cũng dần nhận ra những nét tương đồng, những điều khác biệt giữa người Thầy thế học và người Thầy tâm linh. Vẫn là thương yêu, nhưng tình thương ở người xuất gia dành cho đệ tử không mang tính sở hữu, không buộc ràng, dính mắc. Mục đích của giáo dục thế học là truyền đạt tri thức, là dạy nghề, dạy người. Ở một tầng bậc cao hơn, mục đích của giáo dục Phật học, tâm nguyện của người Thầy tâm linh là hướng đệ tử đi trên con đường giác ngộ, giải thoát !
Con cũng nhận ra rằng, những môn học về tâm lý, giáo dục ở nhà trường sư phạm chưa đủ để con có thể giải quyết những tình huống khó trong thực tiễn. Câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” sẽ chính xác khi người Thầy đặt tâm thương yêu vào từng lời dạy bảo, vào từng cách thưởng, phạt học trò.
Vượt lên những kiến thức thế học thông thường, giáo lý của Đức Phật với tinh thần từ bi và trí tuệ đã soi rọi một hướng đi thật sự sư phạm, thực sự nhân văn, theo đúng nghĩa đẹp nhất, của từ này.
Từ suy nghĩ đó, con càng thấm thía hơn tôn chỉ: Tâm - Tuệ - Đức của những ngôi trường Phật học, càng hiểu hơn vai trò của đạo đức học Phật giáo đối với người giáo viên, nhất là trong thực trạng giáo dục hiện nay.
Con đã có được những điều đó sau những tháng năm học Phật, dưới sự chỉ dạy tận tâm của Sư, Người đã dẫn dắt con trong những ngày đầu tiên con đủ duyên về Tịnh xá. Từng trang sách Phật, từng bài Pháp lành, ngày từng ngày, cho con một chút hương vị đạo, cho con niềm an lạc trong đời. Trở thành Phật tử, vai trò người Thầy - trong con, cũng khác xưa. Con vẫn dạy các em những điều hay, lẽ phải, nhưng con đã biết kìm chế hơn trước những lỗi lầm của bọn trẻ. Con vẫn nghiêm khắc, nhưng bao dung và độ lượng hơn. Con luôn tri ân Sư, Người đã gieo duyên lành, Người đã cho con những bài học vỡ lòng trên con đường về với đạo, Người đã chịu khó lắng nghe và tận tình giảng giải cho con biết bao nhiêu câu hỏi trong từng trang kinh Phật!
Con cũng đã gặp nhiều vị Thầy khác nhau. Có người dạy con bằng những trang sách được viết nên từ những trải nghiệm trong tu học. Con đã từng lặng người trước những tấm gương nỗ lực tinh cần của quý Ngài. Với con, đó là động lực quý báu để con noi theo và từng bước tiến tu. Cũng có người dạy con bằng những bài Pháp con vẫn thường nghe trên nhiều phương tiện. Con đã học từ xa với những người Thầy như vậy .
Con cũng xin được tri ân Sư, người Thầy hữu duyên đã cho con cơ hội được trải lòng mình trên từng trang viết, cho con cơ hội được chia sẻ những cảm nhận của con trong việc học và hành những lời Phật dạy. Con cũng được học nhiều lắm về sự dấn thân phụng sự đạo Pháp ở người. Vượt qua những khó khăn của bệnh duyên, người là tấm gương của lòng tinh cần và quyết tâm giải thoát.
Hơn hai mươi năm làm học trò, hơn ba mươi năm sống trọn vẹn với nghề dạy học, con đã có cho mình nhiều bài học làm người, con đã chịu ơn nhiều lắm công ơn dạy dỗ của biết bao Thầy Cô giáo, sự hỗ trợ của biết bao đồng nghiệp. Con cũng xin được cảm ơn các thế hệ học sinh, đã cho con những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng, say sưa trong từng tiết dạy, những nghĩa tình không thể nghĩ bàn.
Ngày về với Đạo, Sư phụ đã khai tâm, mở trí cho con; các bậc thiện tri thức khác đã cho con những kiến giải sâu sắc trong Pháp học, cả Pháp hành. Những duyên lành đó đã tiếp sức, đã truyền cho con ngọn lửa của lòng đam mê học và hành theo Chánh pháp.
Trong âm ba của ngày 20 tháng 11, trong tiết trời se lạnh đầu đông, xin được thắp nén tâm hương, xin được nói lời tri ân với những người Thầy năm xưa, nay đã quá vãng.
Xin được cúi đầu, từ trong tâm, trước những người Thầy tâm linh khả kính. Nguyện mong ơn trên Tam Bảo gia hộ cho quý Ngài sức khỏe an khang, Phật đạo viên thành.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm