Đi tìm hạnh phúc
Có một bài thơ của Xuân Diệu có lẽ ít người biết đến, nói về hạnh phúc. Hạnh phúc được diễn tả bằng một cô gái trẻ: Cô Hạnh Phúc (Mademoiselle Bonheur). Những câu cuối của bài thơ như thế này:
“Cô Hạnh Phúc, gớm, đợi chờ cô mãi”
Chữ gớm ở đây có nghĩa là: Trời đất ơi, mèn đét ơi, ối giời ơi, dữ không, tức là chờ hoài chờ mãi.
“Xây dựng cô sứt mẻ những bàn tay”
Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu. Bao nhiêu bàn tay đã sứt mẻ vì cố công xây dựng hạnh phúc!
“Trật bả vai, rỏ máu những lông mày”
Đi kiếm hạnh phúc gian nan, bị thương tích rất nhiều.
“Nhưng cô đến, cả huy hoàng trên trán”
Cô đến là đến chứ không phải do ta đi tìm hay xây dựng. Ta hình dung cô Hạnh Phúc xuất hiện, trán phóng hào quang.
“Dẫu đã muộn rồi, hãy còn sớm chán”
Cô đến hơi trễ, bây giờ răng tôi đã long, đầu tôi đã bạc, chân tôi đã yếu. Thấy như là đã hết hy vọng. Nhưng nghĩ cho cùng, may mà có cô tới trước khi mình thở hơi thở cuối cùng.
“Hội loài người hỷ lạc lắm hôm nay
Tôi sẽ xin Đời về một buổi mai”
Đời là sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó, nhưng ta quá bận rộn nên không có thì giờ để tiếp xúc. Được ra đời và đáng lý được sống một cuộc đời, nhưng con người không có cơ hội, con người quá bận rộn nên không được sống cuộc đời của mình. Trong lo toan, chạy chọt, tìm kiếm, chúng ta đánh mất sự sống, đánh mất cuộc đời. Bây giờ xin lại, dầu là hơi trễ, nhưng cũng chưa trễ lắm. Buổi mai ở đây là một buổi mai hồng.
“Cũng bởi vì tôi nhớ tôi mong
Một sớm mai hồng tôi sẽ lên đường trở lại”
Trở lại đâu? Trở lại sự sống đích thực mà chúng ta đã đi lạc, đã nhầm lẫn, đã đánh mất. Sự sống đẹp đẽ, mầu nhiệm là cái ta nhớ, ta mong. Và vì còn nhớ mong nên ta còn có cơ hội để trở về.
Rất nhiều người đang trên hành trình đánh mất tự thân và đánh mất luôn sự sống mầu nhiệm. Ta bị những danh vọng, quyền hành, tiền bạc, sắc dục kéo đi mà tưởng chúng là hướng của hạnh phúc. Nhưng cái thật sự sâu thẳm ta mong muốn là sự sống mầu nhiệm. Cái mong muốn đó vẫn còn trong con người của ta, cho nên ta đi xuất gia. Bồ đề tâm, tâm ban đầu đó vẫn còn sống. Đó là một khối lửa, là một nguồn năng lượng có khả năng giúp cho người xuất gia sống trọn đời tu của mình và có hạnh phúc trong từng phút từng giây. Đó là bồ đề tâm, là tâm ban đầu, là cái nhớ mong sâu nhất mà không phải là những cái nhớ mong tầm thường. Người xuất gia không nhớ mong những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Người xuất gia nhớ mong cái lý tưởng, lời đại nguyện phát ra khi quỳ xuống để thầy cắt tóc chấp nhận ta trở thành một sư chú, một sư cô. Tâm ban đầu, khối lửa lúc ban đầu đó là cái nhớ, cái mong.
Cũng bởi vì còn cái nhớ, cái mong đó nên chúng ta có cơ hội quay ngược trở lại (U-turn) để tìm sự sống đích thực. Ta đã đánh mất hầu hết cuộc đời của mình, tại vì ta tìm theo ảo ảnh của hạnh phúc. Có khi đã sứt mẻ hai bàn tay, đã trầy hai vai và đã rỏ máu trên lông mày mà vẫn chưa thấy có hạnh phúc. Chỉ cần có sự tỉnh thức thì hạnh phúc tới rất huy hoàng. Cái người tu cần không phải là tiền bạc hay địa vị, dù là địa vị trong giáo hội, mà là sự tỉnh thức. Tỉnh thức là đủ để cho ta trở về và trở về rồi thì ta liền có hạnh phúc rất lớn. Tự nhiên cô Hạnh Phúc đến.
Xuân Diệu nói: “Thầy ơi, tôi dùng chữ vui vẻ chứ đâu có dùng chữ hỷ lạc trong thơ, tại sao thầy cho vào trong đó?”. Vui tức là hỷ. Bây giờ chúng ta trả lại chữ của Xuân Diệu cho Xuân Diệu:
“Hội loài người vui vẻ lắm hôm nay”
Ta nên trở về với sự sống đích thực của mình, nếu không trở về được thì thật đáng tiếc! Một ngày nào đó ta sẽ nằm trên giường bệnh và lúc ta sắp thở hơi thở cuối cùng thì mọi thứ đã trễ quá rồi, không thể nói “hãy còn sớm chán“ được nữa. Khi đó, cho dù có muốn đứng dậy để đi một bước thiền hành cũng không được. Trong Quy Sơn cảnh sách, Thiền sư Quy Sơn đã gióng lên một tiếng chuông: “Nhất triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách” (Một mai nào đó ta nằm hấp hối trên giường, tất cả những khổ đau bao vây chung quanh). Lúc ấy dù có muốn trở về cũng không còn kịp nữa, có muốn tìm hỷ lạc trong một bước chân cũng không còn được nữa. Bấy giờ, khi đã không còn đủ sức để ngồi dậy hay bước một bước chân, ta mới nuối tiếc rằng tại sao cả một cuộc đời chưa bao giờ ta thử đi một bước chân mà trong bước chân đó có hỷ và lạc. Tại sao? Có phải tại vì thầy không cho đi, hay tại chùa cấm không cho ta đi những bước thảnh thơi. Mới đi khóa tu về, ta tập đi những bước thảnh thơi nhưng thầy nói: “Đi gì mà như người thất tình vậy! Không được đi như vậy, phải đi cho xăng xái! Công việc thì nhiều mà đi rờ rờ như vậy thì làm sao được?”. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội. Nếu khéo léo, chúng ta có thể đem năng lượng của khóa tu về chùa.
Tôi đã từng viết nhiều truyện ngắn như: Bưởi, Tố, Hồng v.v. Một câu chuyện tôi đã có ý lâu rồi nhưng chưa viết ra, đại ý như thế này:
Trong một ngôi chùa đó có hai thầy trò. Chú tiểu rất thông minh. Nếu có được một đệ tử thông minh thì người thầy cảm thấy rất may mắn. Một đệ tử thông minh, rất muốn tu và nhất là hiểu được thầy, đó là niềm vui rất lớn cho một vị thầy.
Ngôi chùa nằm dưới chân núi. Một hôm hai thầy trò đi lên núi. Thầy khám phá ra một vùng đẹp kỳ lạ trên sườn núi. Khoảng đất rất thanh thoát và xanh tốt. Có tiếng chim hót hết sức mầu nhiệm. Hai thầy trò thường đi thiền lên đó, ngồi xuống và không làm gì hết. Một hôm người thầy tâm sự với đệ tử:
– Này con, chùa của thầy là ở đây chứ không phải ở dưới kia!
Ở dưới đó bổn đạo tới đòi hỏi cái này, cái kia. Họ đòi hỏi sự chú ý, họ muốn chụp hình với thầy. Người nào cũng muốn chụp hình riêng với thầy, muốn uống một ly trà với thầy, muốn thầy cho họ thì giờ. Họ đòi hỏi rất nhiều. Họ đóng góp vào chuyện xây chùa, chuyện trả tiền điện, nước, telephone, tiền rau đậu nên họ nghĩ họ có quyền.
Chú tiểu rất thông minh, hiểu được câu nói của thầy. Đây mới đích thực là chùa của thầy, nơi không có ai tới quấy rầy hay đòi hỏi gì cả. Nhiều hôm thầy lên trên núi ngồi rất lâu. Sáng hôm đó trời sương mù, có một ông bổn đạo tới tìm thầy. Sư chú gặp ông ở cội tùng ngoài sân. Ông hỏi, hình như có chuyện gì gấp gáp lắm:
– Sư chú, thầy ở đâu?
Sư chú nói:
– Thưa, thầy con đang ở trên chùa.
Và sư chú tiếp tục quét lá. Ông bổn đạo đi lên chùa mà không thấy thầy, ông đi tìm quanh nhà khách, tới tăng phòng, lên chánh điện cũng không thấy thầy. Ý của sư chú là thầy đang ở trên chùa thật kia, đang thảnh thơi ngồi thiền chứ không phải dưới chùa giả này. Ông khách hình như là trưởng ban quản trị của chùa.
– Chú nói thầy ở trên chùa, tại sao tôi lên tìm không ra? Thầy ở đâu vậy chú?
Sư chú đáp:
– Từ sáng sớm thầy đi vào núi hái thuốc. Tôi cũng ráng tìm thầy nhưng tôi nghĩ khó mà tìm được, sương mù nhiều quá, làm sao mà tìm thầy được.
Câu chuyện đó tôi lấy cảm hứng từ bài thơ Tầm ẩn giả bất ngộ của thi sĩ Giả Đảo đời Đường:
“Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.”
Dịch là:
Dưới cội tùng chú bảo
Thầy vừa đi hái thuốc
Chỉ tại núi này thôi
Mây mù không thấy được.
Chú nói: “Thầy con đi hái thuốc. Chắc cũng quanh quẩn trong núi này thôi, không xa đâu. Nhưng mây mù như vậy làm sao mà tìm cho được”. Đó là cách sư chú bảo vệ thầy mình, không để thầy bị quấy rầy nhiều quá. Nhu yếu của thầy cũng là nhu yếu của sư chú. Thương thầy nên sư chú muốn bảo hộ cho thầy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy thử nhìn “vết thương” của mình như một người thầy
Sống an vui 17:51 23/12/2024Mỗi vết thương đều có một bài học, nếu bạn chịu mở lòng để đón nhận. Hãy tự hỏi: “Điều này dạy mình điều gì về bản thân, về cuộc đời, hoặc về cách mình yêu thương người khác?”
Làm sao thực tập ngồi trong im lặng?
Sống an vui 13:00 23/12/2024Tôi bận việc từ sáng đến tối, không có cơ hội ngồi yên một mình? Làm sao mà tôi có cơ hội thực tập ngồi trong im lặng?
Uống nước đậu đen rang thường xuyên có tốt?
Sống an vui 10:19 23/12/2024Nước đậu đen rang là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy uống nước đậu đen rang thường xuyên có ảnh hưởng gì không?
Cách ngủ của Thần y Hoa Đà dành cho người phải thức khuya làm việc mà vẫn khỏe
Sống an vui 08:27 23/12/2024Thức khuya là chuyện rất bình thường trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhưng thường xuyên ngủ trễ sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể. Tuy nhiên, bạn sẽ không cần phải lo lắng về điều này nếu biết bí quyết ngủ của Thần y Hoa Đà.
Xem thêm