Định hướng đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt Nam
Đạo Phật được ra đời cách ngày nay khoảng hơn 2.500 năm và đã nhanh chóng được truyền bá, phát triển ở rất nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, đến mỗi quốc gia, dân tộc, Phật giáo đã được linh hoạt cải biến để phù hợp với môi trường sinh sống, điều kiện khí hậu, phong tục, tập quán, tín ngưỡng bản địa.
Với lịch sử trên 2000 năm du nhập, định hình và phát triển tại Việt Nam, Phật giáo với tinh thần tùy duyên, nhập thế đã lan truyền tới đời sống của cộng đồng và phù hợp với tâm tính người Việt Nam nên Phật giáo dễ dàng thấm sâu vào đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và dần trở thành “tôn giáo bản địa”, hòa cùng văn hóa bản địa trở thành “mạch ngầm” văn hóa, tạo nền tảng cho sự bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa dạng văn hóa vùng miền, vì vậy, với tinh thần Phật giáo Việt Nam hòa mình, gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt Nam, lan tỏa, chuyển hóa trên khắp các vùng miền của đất nước, tạo nên những đặc trưng, sắc thái hết sức phong phú trên một nền tảng tư tưởng chung của Phật pháp, hình thành nên đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam “thống nhất trong đa dạng” và đó cũng là đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Bản sắc văn hóa, trong đó văn hóa Phật giáo là một phần quan trọng, chính là cội nguồn sức mạnh dân tộc trước xu thế hội nhập quốc tế. Vậy làm thế nào để xây dựng được nguồn sức mạnh đó? Trong bài viết này, tác giả tập trung vào giới thiệu khái quát đặc trưng (bản sắc) văn hóa Phật giáo Việt Nam, thực trạng và định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh một số hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm gần đây nhằm nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo, góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam, sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần vững chắc để Việt Nam vững vàng, sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Mở đầu
Phật giáo được khởi nguồn từ Ấn Độ cách nay hơn 2,5 thiên niên kỷ, với triết lý giáo dục về tinh thần thương yêu, hoà bình, bao dung và đạo đức, lối sống cao đẹp của Phật giáo đã được nhân loại trên thế giới tiếp nhận một cách dễ dàng, có nhiều nước Phật giáo đã trở thành Quốc đạo, như Thái Lan, Miaman, Butan, Lào, Camphuchia, Việt Nam (thời Lý, Trần)… Khi Phật giáo du nhập đến mỗi quốc gia đều tiếp thu và hài hoà với nét đẹp văn hoá bản địa tạo thành nét văn hoá Phật giáo đặc trưng của quốc gia ấy, đó là nét đặc thù của văn hoá của Phật giáo nói chung. Trong quá trình du nhập văn hóa Phật giáo, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo và kết hợp với văn hóa bản địa, tạo nên đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Việt Nam nằm ở vị trí ngã ba đường nên ảnh hưởng, linh hoạt tiếp thu nhiều luồng văn hóa đồng thời Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, vùng, miền văn hóa… đến mỗi dân tộc, vùng miền, với điều kiện, môi trường khác nhau tạo nên sắc thái văn hóa Phật giáo vùng miền, hệ phái Phật giáo khác nhau, thậm chí một hệ phái nhưng ở các vùng miền khác nhau cũng tạo nên những nét văn hóa khác nhau trên các phương diện ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc…
Bên cạnh đó, Việt Nam nằm giữa hai quốc gia, hai nền văn minh, văn hoá lớn và lâu đời, đó là Ấn Độ và Trung Hoa, nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung và văn hoá Phật giáo Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, từ khi du nhập vào Việt Nam, cách nay trên 2000 năm, Phật giáo đã sớm hoà nhập cùng văn hoá bản địa, tạo nên nét riêng về văn hoá Phật giáo Việt Nam.
Vậy, thực trạng đặc trưng văn hoá Phật giáo Việt Nam hiện nay như thế nào? Định hướng và giải pháp bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam như thế nào trên các lĩnh vực: Ngôn ngữ, Pháp phục, Di sản và Kiến trúc…; Những việc làm thiết thực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện trong Đề án định hướng đặc trưng văn hóa PGVN, năm 2015 như thế nào? Đó là vấn đề mà tác giả sẽ đề cập trong phạm vi bài viết này.
1. Thực trạng bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam
1.1. Ngôn ngữ Phật giáo
Đạo Phật khởi nguồn từ Ấn Độ hơn 2500 lịch sử với những tư tưởng và triết lý giáo dục của Phật giáo đã được hàm chứa trọn vẹn trong ba tạng Kinh, Luật, Luận. Sau khoảng 200 năm, nội dung các tạng đó đã được biên tập bằng các ngôn ngữ Sanskrit và Pali bởi chư vị tiền bối Tổ sư. Khi Phật giáo dần được lan toả đến khắp các nước trên thế giới, đến mỗi nước, hệ thống kinh điển Phật giáo đều được biên dịch bằng ngôn ngữ bản địa để tụng niệm và truyền bá tinh thần, tư tưởng, lời dạy của Đức Phật đến với quần chúng. Ở Việt Nam, Phật giáo được du nhập cách nay gần 2000 năm. Dưới sự ảnh hưởng sâu đậm của 2 nền văn hoá lớn Ấn Độ và Trung Hoa, nên hệ thống kinh điển Phật giáo Việt Nam cũng cơ bản ảnh hưởng của 2 dòng lớn: Phật giáo Nam truyền nằm trong tạng Pali và Phật giáo Bắc truyền nằm trong tạng Hán. Khoảng 100 năm gần đây, tạng Pali và tạng Hán dần được chư vị Tổ sư Việt Nam biên dịch sang tiếng Việt, thuận lợi cho các Tăng Ni và Phật tử tụng niệm và nghiên cứu.
Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia thống nhất đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Trải qua lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước, đến nay, tiếng Việt là ngôn ngữ chung của các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là tiếng mẹ đẻ và là công cụ giao tiếp của mỗi dân tộc bên cạnh ngôn ngữ chung là tiếng Việt. Từ năm 1945, khi Việt Nam giành độc lập, với bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt, tiếng Việt được khẳng định là ngôn ngữ quốc gia và đến năm 2013, tiếng Việt được hiến định là ngôn ngữ quốc gia, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng được hiến định chức năng giao tiếp trong nội bộ mỗi dân tộc: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” [Hiến pháp Nước CHXHCNVN, 2013, Điều 5, mục 3].
Tuy nhiên, trải qua quá trình tiếp thu, phát triển, ngôn ngữ được tiếp thu sử dụng khá phong phú: Phạn (Sanskrit), Pali, chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ và ngôn ngữ tộc người thiểu số. Đến nay, việc sử dụng các ngôn ngữ này (Hán, Pali) còn khá phổ biến, nhất là trong hệ thống kinh tụng, trên đồ thờ, pháp khí, biển tên, thông báo… trong khi các Tăng Ni và Phật tử hiện nay, hầu hết không đọc/biết chữ Hán, Nôm, Pali hay Khmer, nên chỉ trì tụng hoặc sử dụng mang tính thiêng nhiều hơn là để hiểu ý nghĩa/triết lý Phật giáo, tư đó dẫn đến hiệu quả truyền bá tư tưởng, triết lý, giáo lý Phật giáo chưa cao.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được ra đời trên cơ sở thống nhất của chư Tăng Ni, Phật tử từ 9 hệ phái Phật giáo cả nước. Tuy nhiên, về hoạt động tụng niệm của mỗi vùng miền, hệ phái đều có nghi thức riêng. Bên cạnh đó, hiện nay, cũng có rất nhiều loại kinh tụng khác nhau, trong đó, mỗi loại kinh cũng có rất nhiều dị bản, dẫn đến khi thực hiện các nghi lễ tập trung của Giáo hội thì hệ phái này tụng thì hệ phái kia không tụng, từ đó tạo ra sự thiếu tính thống nhất và trang nghiêm của buổi lễ. Đặc biệt, khi tham gia các nghi lễ Phật giáo quốc tế, điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến nghi lễ chung mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật giáo Việt Nam trong nhìn nhận của bạn bè quốc tế.
Để đạo Phật có thể phổ độ đến các Phật tử Việt Nam, để Phật giáo Việt Nam có bản sắc Việt trong bản sắc chung Phật giáo, đồng thời có thể song hành cùng đất nước trong tiến trình xây dựng, phát triển và hội nhập thì việc định hướng cho ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam theo tinh thần quy định tại điều 5 của Hiến Pháp 2013 về ngôn ngữ đã sớm được đặt ra. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được hình thành bởi 9 hệ phái và tổ chức Phật giáo, trong đó có 6 tổ chức thuộc hệ phái Bắc truyền và 2 tổ chức thuộc hệ phái Nam tông (Kinh, Khrme) và hệ phái Khất sĩ, mỗi hệ phái đều có một nghi lễ riêng biệt, nên việc phải học thêm một nghi lễ mới khác nữa, cũng là điều khó khăn, nhất là quý Tôn đức lớn tuổi, hay chữ Việt chưa thông thạo.
1.2. Pháp phục Phật giáo
Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn giáo nói chung và pháp phục Phật giáo nói riêng thể hiện tình trạng tôn giáo và xã hội (social and religious status), được sử dụng trong hai hình thức, mặc trong sinh hoạt thường nhật và mặc trong các nghi lễ tôn giáo nói chung.
Quốc phục và lễ phục của một dân tộc là nét đặc sắc của dân tộc đó, đồng thời cũng là sự đóng góp của dân tộc đó vào kho tàng đa dạng và phong phú của văn hóa y phục của nhân loại trên địa cầu này. Pháp phục Phật giáo của các quốc gia khác nhau cũng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa y phục của quốc gia đó nói riêng và của toàn nhân loại nói chung. Do vậy, pháp phục Phật giáo ở mỗi quốc gia, nhất là pháp phục Phật giáo Việt Nam, phải có nét đặc thù, góp phần tạo thành bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam.
Thực tế cho thấy có tới 70% các tu sĩ Phật giáo Bắc truyền đang mặc theo mẫu pháp phục giống Trung Quốc cận hiện đại, với màu vàng đa dạng (đất, nghệ, nhạt, đậm khác nhau) và 80% các tu sĩ hệ phái Nam truyền mặc pháp phục được nhập khẩu từ Thái Lan và Campuchia, với màu vàng nghệ, vàng pha đỏ và vàng pha đất, còn các tu sĩ hệ phái Khất sĩ thì tự chế tác theo dạng bách nạp, với mầu vàng đất đậm và nhạt. Bên cạnh đó, do xu thế hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, các mẫu pháp phục từ nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Camphuchia) tràn vào Việt Nam với mầu sắc, chất liệu đa dạng và giá thành rẻ đã lan toả rất nhanh trong thời gian gần đây…
Qua đánh giá thực trạng thì hiện nay có 2 dòng pháp phục chính là: Pháp phục Phật giáo nguyên thủy mà đại diện là Hệ phái Nam tông Khơme, Nam tông Kinh, Khất sĩ và Pháp phục Bắc tông được kế thừa truyền thống từ các triều đại phong kiến Việt Nam có sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Cả 2 dòng pháp phục này đều vẫn kế thừa được những đặc điểm, tinh thần cơ bản của pháp phục Phật giáo (3 y, hoại sắc…). Cùng với đó, ở mỗi hệ phái, theo vùng miền, địa phương, pháp phục cũng đã được cải biến ít nhiều cho phù hợp với thực tế cuộc sống:
– Pháp phục Phật giáo nguyên thủy vẫn kế thừa được truyền thống, thể hiện được cốt lõi tinh thần của Pháp phục Phật giáo, nhất là pháp phục của hệ phái Nam tông (gồm 2 nhánh) và Khất sĩ còn đảm bảo tương đối được về loại hình (y 5,7, 9… điều), kiểu dáng, màu sắc, được quy định khá rõ và thực hiện, sử dụng khá nghiêm túc. Tuy nhiên, đến nay, các hệ phái này cũng vẫn chưa có được sự thống nhất trong việc phân loại pháp phục theo giáo phẩm, giới phẩm cụ thể. Đặc biệt, trong hệ phái Nam tông Kinh còn tồn tại rất nhiều loại, màu sắc pháp phục (pháp phục tăng có tới 9 màu; ni có 3 màu và đều là lấy theo mẫu từ Thái Lan, Lào, Myanma).
– Pháp phục Phật giáo phát triển mà cụ thể là trong hệ phái Bắc tông, mặc dù cũng đã có sự quy định của Tổng hội Giáo hội Phật giáo (năm 1952) nhưng trên thực tế việc sử dụng pháp phục còn khá tự do với rất nhiều loại, kiểu dáng, màu sắc pháp phục, đặc biệt là thường phục của các tăng, ni, phật tử. Ở miền Bắc chủ yếu là pháp phục màu vàng, nâu; miền Trung và miền Nam chủ yếu là màu vàng, nâu, lam (trong đó riêng màu vàng hay nâu cũng gồm nhiều sắc độ khác nhau)… Đôi khi, các tăng, ni còn mặc theo sở thích của mình; cùng với đó, sự tiện dụng đã đưa đến việc pháp phục Đài Loan, Trung Quốc trở nên khá phổ biến ở Bắc tông. Với những hiện tượng, thực trạng đó mà trong các dịp diễn ra các sự kiện quốc tế đã khiến nhiều nhà sư Việt Nam thường bị lầm tưởng là những nhà sư Trung Quốc, Đài Loan…
Trên cơ sở tìm hiểu, đánh giá cội nguồn, tinh thần, ý nghĩa, truyền thống của pháp phục Phật giáo Việt Nam cũng như thực trạng pháp phục Phật giáo Việt Nam hiện nay. Lần gần đây nhất, năm 1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành quy chế về phẩm phục của chư tăng, ni toàn quốc thi hành toàn cõi Việt Nam đã cho thấy đây luôn là nỗi trăn trở của Giáo hội và cũng là mong mỏi của các tăng, ni, phật tử hướng tâm Phật pháp về việc xây dựng đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa Phật giáo việt Nam nói chung. Chính vì vậy, việc tìm ra đâu là đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam để định hướng đúng thì chúng ta phải xác định được:
Tinh thần cốt lõi/truyền thống của Pháp phục Phật giáoNhững tinh hoa văn hóa được tiếp thu, cải biến phù hợp với tư tưởng, văn hóa, môi trường, khí hậu, … của các hệ phái, vùng miền trên đất nước Việt Nam và đã trở thành truyền thống tốt đẹp.Nhu cầu thực tiễn tu tập, sinh hoạt của các tu sĩ cũng như xu hướng hội nhập chung của văn hóa Phật giáo Việt Nam trong khu vực và thế giới để xây dựng pháp phục Phật giáo hiện đại và mang dấu ấn thời đại.
1.3. Kiến trúc Phật giáo
Ngay sau khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đi vào đời sống nhân dân một cách mạnh mẽ và hầu như đã để lại dấu ấn ở khắp nơi qua những ngôi chùa. Đặc điểm nổi bật của các ngôi chùa Việt là bao giờ cũng có xu hướng gần dân, ngoài một số chùa được dựng ở những điểm thắng cảnh thiên nhiên thì hầu như chùa nào cũng gắn với làng xóm. Phật tử chủ yếu là nông dân nên chùa phản ánh đậm nét tư duy nông nghiệp, từ đó có thể thấy chùa cũng chính là một trung tâm văn hóa của làng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra, khảo sát thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã được thực hiện cho thấy:
Nhiều ngôi chùa đều chưa có quy hoạch tổng thể nên nhiều công trình phụ trợ được xây mới bổ sung không đảm bảo tính niêm luật làm phá vỡ cảnh quan và tính thiêng của các cơ sở tự viện.Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt, tu tập thực tế của Phật tử trong thời kỳ hiện đại nên có tình trạng giảm tỷ lệ không gian thờ tự và mở rộng không gian sinh hoạt cho Phật tử, công chúng; mở rộng hay xây mới nhiều công trình phụ trợ chưa phù hợp với tổng thể không gian chung, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, kiến trúc truyền thống Phật giáo Việt Nam nói riêng cũng như tư tưởng triết lý Phât giáo nói chung.Xu hướng học tập, vay mượn nguyên mô hình kiến trúc tại một số nước để xây dựng những ngôi chùa ở Việt Nam dẫn đến những ngôi chùa không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.Thiếu sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên dẫn đến thực trạng bất cập trong quản lý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và nhu cầu tu tập, sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở tự viện…Chưa có sự nhất quán, chặt chẽ giữa Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Luật di sản Văn hóa Việt Nam với những quy định trong Luật Kiến trúc Việt Nam dẫn đến những khó khăn triển khai trong thực tiễn, quản lý, hoạt động của các cơ sở tự viện.
1.4. Di sản văn hóa Phật giáo
Trong lịch sử phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là thời Lý – Trần, Phật giáo đã trở thành “quốc giáo”, chi phối mạnh mẽ tới tư tưởng, học thuật, văn học và nghệ thuật của đất nước. Mặc dù có lúc thăng trầm, song Phật giáo vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, thậm chí, Phật giáo đã và đang cùng văn hóa bản địa trở thành mạch ngầm văn hóa, tạo nền tảng cho sự bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam. Để có được sức sống mãnh liệt suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, tinh thần Phật giáo, mọi lúc, mọi nơi, dưới nhiều hình thức luôn được tan tỏa trong đời sống người dân và trở thành những giá trị, đặc trưng văn hóa Việt Nam.
Trải qua quá trình phát triển ấy, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ, pháp khí, hệ thống kinh sách, công trình nghiên cứu về Phật giáo… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo. Vì thế, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp lớn vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Mặc dù chưa có một sự thống kê/kiểm kê chính thức nhưng có thể nói rằng, không phải ở quốc gia nào cũng lưu giữ được khối di sản văn hóa lớn như ở Việt Nam, trong đó di sản văn hóa Phật giáo là một phần quan trọng với loại hình, chất liệu, đề tài trang trí vô cùng phong phú, thuộc các nền văn hóa khác nhau (Đại Việt, Champa, Óc Eo) và niên đại cũng trải dài suốt quá trình lịch sử du nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam, từ những thế kỷ đầu Công nguyên cho đến ngày nay. Hiện nay, khối di sản văn hóa Phật giáo đó đã, đang được lưu giữ tại các bảo tàng, di tích, trung tâm văn hóa, nhà truyền thống, các sưu tập tư nhân… và được quản lý, bảo tồn, phát huy khá hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết di sản văn hóa Phật giáo đã, đang được lưu giữ tại các bảo tàng, di tích, trung tâm văn hóa, nhà truyền thống, các sưu tập tư nhân… và được quản lý, bảo tồn, phát huy khá hiệu quả. Nhiều tăng, ni Phật giáo tham gia nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo (Bảo tàng văn hóa Phật giáo (Đà Nẵng). Đặc biệt là nhiều di sản được bảo tồn thừa kế và phát huy khá tốt tại các di tích (chùa di tích). Các sư trụ trì đã nhận thức được và tự có ý thức bảo tồn, phát huy: nhiều chùa khi cải tạo, trùng tu, nhiều di sản được sư trụ trì lưu giữ (hoặc là phối thờ hoặc lưu giữ trong kho, đặc biệt còn có những vị sư trụ trì còn sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu tới Phật tử, công chúng qua các hình thức bảo tàng, phòng trưng bày di sản Phật giáo ở một số chùa, những sưu tập cổ vật được lưu giữ ở một số chùa…). Bên cạnh đó, các sư trụ trì cũng chính là những người trực tiếp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bởi đó là người truyền bá tư tưởng, giáo lý, thực hành các nghi lễ, lễ hội Phật giáo, hướng dẫn Phật tử…
Tuy là một tôn giáo lớn, có lịch sử lâu đời, có vai trò, đóng góp to lớn vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử; văn hóa Phật giáo với khối di sản văn hóa Phật giáo đồ sộ, là một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam như vậy… nhưng cho đến nay, đặc biệt là qua 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam được hình thành và phát triển lớn mạnh, đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước thì ở Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng vẫn chưa có một thiết chế, địa chỉ văn hóa để giới thiệu chuyên sâu về Phật giáo Việt Nam (lịch sử, văn hóa, di sản… Phật giáo). Trong khi đó, nhiều di sản văn hóa Phật giáo còn đang lưu giữ tản mạn ở nhiều nơi, nhất là các tự viện, sưu tập tư nhân… còn chưa được hệ thống hóa và phát huy giá trị một cách hiệu quả. Cùng với đó là một khối lượng lớn những tài sản Phật giáo, đặc biệt là những tài sản (bao gồm cả hệ thống kinh sách, công trình nghiên cứu Phật giáo) thuộc giai đoạn lịch sử cận-hiện đại, chưa được công nhận là cổ vật, bảo vật nhưng chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa đang trong tình trạng mai một nhanh chóng, nhất là qua những đợt trùng tu, tôn tạo công trình thờ tự (hạ giải công trình, thay đổi thiết kế, quy mô, kết cấu công trình, đồ thờ tự, pháp khí…). Tất cả những khối tài sản đó đều rất có giá trị, trở thành cổ vật, bảo vật trong tương lai và sẽ trở thành một phần quan trọng trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Những thực trạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc và di sản đang ngày càng trở thành vấn đề nóng của Giáo hội và của toàn xã hội. Việc tìm giải pháp khắc phục và định hướng phát triển đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam đã và đang là nỗi trăn trở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là mong mỏi của Tăng Ni, Phật tử, công chúng nhiều năm qua.
2. Nghiên cứu, xây dựng, thực hiện Đề án định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam
2.1. Khái quát sự hình thành và quá trình thực hiện Đề án
Trên cơ sở tìm hiểu, đánh giá cội nguồn, tinh thần, ý nghĩa, truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng như thực trạng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam và nhận thấy những bất cập, “lai căng” văn hóa đang ngày càng “xâm nhập” sâu, rộng vào đời sống, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng tăng ni, phật tử; sự chuyển hướng lệch lạc một số tăng ni, cơ sở thờ tự của hệ phái/vùng miền… Hơn nữa, trong lịch sử, đã bao lần Phật giáo được chấn hưng để góp phần đồng hành, phát triển nền văn hóa dân tộc, do đó, việc định hướng đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp thiết và là nỗi trăn trở của GHPGVN trong nhiều năm quan. Vì vậy, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Ban Văn hóa trung ương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thực hiện Đề án “Định hướng đặc trưng sắc phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và Đề án được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt (Quyết định số 271/2015/QĐ.HĐTS ngày 14/7/2015).
Để triển khai Đề án đảm bảo khoa học và đạt chất lượng, hiệu quả, ngay sau khi phê duyệt Đề án, Ban Văn hóa TW GHPHVN đã triển khai các bước như: tổ chức cuộc họp các ban, ngành, viện trong Giáo hội để thống nhất giao Ban Văn hóa trung ương thực hiện Đề án; tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về cách thức triển khai thực hiện Đề án; phối hợp với 4 đối tác ký kết thỏa thuận thực hiện 4 nội dung Đề án; tổ chức triển lãm “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam” nhằm cung cấp những cơ sở lý luận, khoa học thông qua một số tài liệu, hình ảnh về văn hóa Phật giáo Việt Nam để bước đầu triển khai Đề án… Khi nhận được nhiệm vụ, Ban Văn hoá Trung ương đã chủ động tổ chức triển khai xin ý kiến thống nhất với Ban Tăng sự Trung ương về đề án pháp phục và Ban Nghi lễ Trung ương về khoá tụng thống nhất thuộc Đề án Ngôn ngữ; Đồng thời, phối hợp với Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng nghiên cứu về Đề án Ngôn ngữ; với Hiệp hội dệt may Việt Nam về Đề án Pháp phục; với Hội kiến trúc sư Việt Nam về Đề án Kiến trúc và với Viện Bảo tồn di tích về Đề án Di sản.
Sau khi thống nhất với các ban ngành liên quan, Ban Văn hoá Trung ương cùng các đơn vị phối hợp tổ chức các đoàn nghiên cứu gồm các chuyên gia, giáo sư, các nhà khoa học và chư tôn đức đại diện các hệ phái Phật giáo đã có 4 lần đi điền dã với hàng 100 ngôi tự viện, nghiên cứu, tìm hiểu và tổ chức 3 cuộc triển lãm, 15 cuộc toạ đàm khoa học, 2 cuộc hội thảo khoa học về thực trạng và định hướng bảo tồn về văn hoá Phật giáo Việt Nam tại các vùng miền và các hệ phái Phật giáo. Tiêu biểu là tổ chức Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”; tổ chức các cuộc khảo sát, tọa đàm với các hệ phái tại thành phố Hồ Chí Minh (lần 1, tháng 4/2016), với các hệ phái (lần 2) và Ban Trị sự GHPGVN một số tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ (tháng 8/2016); cuộc khảo sát, tọa đàm về Kiến trúc, Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam tại 8 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (tháng 4,5/2021); các cuộc tọa đàm từng chủ đề do các đơn vị đối tác thực hiện Đề án (Viện Ngôn ngữ, Viện Bảo tồn di tích) chủ trì tổ chức để nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu khoa học, trưng cầu ý kiến các tăng ni nhằm đảm bảo sự đồng thuận, tính khoa học, tính khả thi khi thực hiện Đề án. Các bước thực hiện đều đạt kết quả tốt đẹp, tiêu biểu là cuộc Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng” tổ chức ngày 2, 3/7/2016 tại chùa Yên Phú, Thanh Trì Hà Nội và các cuộc tọa đàm về 4 nội dung của Đề án.
2.2. Kết quả thực hiện Đề án
Giai đoạn từ năm 2015 – 2019, Ban Văn hóa trung ương đã tập trung triển khai 2 Đề án Ngôn ngữ Phật giáo, Pháp phục Phật giáo và đạt được kết quả ban đầu:
Về Ngôn ngữ Phật giáo:
Sau 5 năm tích cực triển khai thực hiện, Ban Văn hoá Trung ương đã phối hợp với Ban Nghi lễ Trung ương tổ chức nghiên cứu, toạ đàm, hội thảo và lấy ý kiến Tăng Ni các hệ phái Phật giáo, các chuyên gia, nhà khoa học… và thống nhất biên tập cuốn “Khoá tụng thống nhất” bằng ngôn ngữ Việt, gồm 6 bài kinh được chư tôn đức các hệ phái phiên dịch từ tạng Pali, tạng Hán và thành 7 nghi thức tụng niệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tụng chung trong các nghi thức quốc lễ và quốc tế lễ. Nội dung các kinh trong “Khóa tụng thống nhất” đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua và chuẩn y năm 2020 (Quyết định số 139/QĐ.HĐTS ngày 20/7/2018 của Chủ tịch HĐTS GHPGVN phê duyệt bài khóa tụng thống nhất của Phật giáo Việt Nam và Quyết định số 76/QĐ.HĐTS ngày 14/4/2021 của Chủ tịch HĐTS GHPGVN về việc phê duyệt nội dung khóa tụng hàng ngày sử dụng trong nghi lễ của GHPGVN), bao gồm:
1. Kinh Chuyển pháp luân (sử dụng trong các nghi lễ Chung của Giáo hội, nghi lễ Quốc tế, lễ Phật Đản cho các hệ phái).
2. Kinh Vô Ngã Tính (sử dụng trong nghi lễ Cầu Siêu theo truyền thống Nam Truyền và Khất sĩ)
3. Kinh A Di Đà (sử dụng trong nghi lễ Cầu Siêu theo truyền thống Bắc truyền).
4. Kinh Từ Bi (sử dụng trong nghi lễ Cầu An theo truyền thống Nam truyền và Khất sĩ)
5. Kinh Dược sư (sử dụng trong lễ Cầu An theo truyền thống Bắc truyền).
6. Kinh Vu Lan báo hiếu (sử dụng trong Lễ Vu Lan cho các hệ phái).
Như vậy, với kết quả đạt được của Đề án Ngôn Ngữ Phật giáo Việt Nam và thực tế tình hình sử dụng ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam ở các vùng miền, hệ phái hiện nay đã cho thấy, việc sử dụng Kinh Chuyển Pháp Luân và các khóa tụng thống nhất bằng ngôn ngữ tiếng Việt trong các nghi lễ (quốc lễ Phật giáo) không chỉ đảm bảo được việc tuân thủ Hiến pháp của ngôn ngữ Phật giáo, mà còn bảo tồn, phát huy giá trị của ngôn ngữ Phật giáo truyền thống.
Pháp phục Phật giáo:
Việc định hướng đặc trưng Pháp phục phật giáo Việt Nam trong Đề án định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam được tiến hành một cách khoa học, bám sát thực tiễn (nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng, tổ chức tọa đàm, hội thảo, xây dựng mô hình mẫu…) với sự tham góp của các chư tăng thuộc các hệ phái, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này. Được sự chỉ đạo và tạo điều kiện về mặt pháp lý của Hội đồng Trị sự GHPGVN; sự phối hợp giúp đỡ nhiệt tình của các ban, viện, quý tôn đức, các giáo sư, các nhà khoa học, các chuyên gia trong giáo hội và ngoài xã hội; và sự hưởng ứng đồng hành của đại đa số Tăng Ni, Phật tử và quần chúng nhân dân các vùng miền, hệ phái. Trong quá trình thực hiện, Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với các đơn vị đối tác tiếp thu rất tích cực ý kiến góp ý của các hệ phái, chuyên gia, nhà nghiên cứu, Phật tử, công chúng… để chỉnh sửa, bổ sung đồng thời triển khai thử nghiệm trong một số nghi lễ quốc gia, quốc tế quan trọng, đặc biệt là trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 8 (2017) hay Đại lễ Tam hợp Liên Hiệp quốc (VESAK 2019), tất cả tăng ni đã “mặc đồng phục, tụng đồng thanh” (mặc bộ pháp phục thống nhất, tụng một bài kinh thống nhất, kinh Chuyển Pháp Luân) và nhận được sự đánh giá, đồng thuận cao. Ban Văn hóa trung ương cũng đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất bằng văn bản của các hệ phái Phật giáo. Đến nay, bộ pháp phục Phật giáo Việt Nam (thuộc Đề án Pháp phục) đã hoàn thành và đảm bảo đủ điều kiện ứng dụng vào thực tiễn (được Hội đồng Trị sự GHPGVN phê chuẩn (Quyết định số 140/QĐ.HĐTS ngày 20/7/2018 của Chủ tịch HĐTS GHPGVN phê duyệt triển khai thực hiện mẫu Pháp phục Phật giáo Việt Nam và Quyết định số 77/QĐ-HĐTS ngày 14/4/2021 của Chủ tịch HĐTS GHPGVN về việc đăng ký Bản quyền tác giả cho tác phẩm và thực hiện phát huy pháp phục Phật giáo Việt Nam) và Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận bản quyền (Giấy Chứng nhận đăng ký Bản quyền tác giả số 4591/2021/QTG ngày 05/07/2021 của Cục Bản quyền tác giả chứng nhận Tác phẩm: Hình thức thể hiện trên bộ catalog giới thiệu về pháp phục Phật giáo Việt Nam).
Bộ pháp phục Phật giáo và Khoá tụng thống nhất đạt được kết quả đó là cả một quá trình không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng Trị sự GHPGVN, sự nhận thức đúng đắn, sự đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống giáo hội Tăng Ni, Phật tử, các nhà khoa học. Kết quả của đề án đã tạo sự thống nhất cho đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam và từng bước được ban hành, phổ cập, lan tỏa tới các vùng miền, hệ phái trên cả nước và một số hệ phái Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài.
Việc hoàn thành bản kinh tụng và pháp phục chung cho các hệ phái trong các nghi lễ quốc gia, quốc tế không chỉ là hoàn thiện một sản phẩm chung cho Giáo hội mà đồng thời nó còn là một trong những cách thức gìn giữ, kế thừa, phát huy di sản ngôn ngữ, pháp phục Phật giáo Việt Nam bởi quá trình thực hiện rất bài bản, khoa học từ công tác nghiên cứu các tư liệu lịch sử, khảo cổ và thực tiễn; tổ chức hội thảo, xin ý kiến tăng, ni các hệ phái Phật giáo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý; áp dụng thử nghiệm lấy ý kiến Phật tử, công chúng rồi mới hoàn thiện để triển khai vào thực tiễn. Từ năm 2020 đến nay là các Đề án Kiến trúc Phật giáo và Di sản văn hóa Phật giáo tiếp tục được triển khai với kết quả ban đầu, nhận diện được đặc trưng di sản, kiến trúc Phật giáo ở ba miền Bắc, Trung, Nam và một số hệ phái: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ… Được quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Giáo hội cũng như sự tham gia nhiệt thành, có trách nhiệm của tăng, ni các hệ phái Phật giáo đã cho thấy, chính tăng, ni Phật giáo là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy di sản Phật giáo, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, các hoạt động của các ban, viện thuộc Giáo hội, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng đều góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như các hoạt động nghi lễ, giáo dục tăng, ni, phật tử…
3. Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam
Từ đánh giá thực trạng các lĩnh vực ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc và di sản Phật giáo nêu trên, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Phật giáo Việt Nam đã được đặt ra đó là:
3.1. Định hướng chung: xây dựng, phát triển đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam “thống nhất trong đa dạng”, theo đó:
– Duy trì sự đa dạng, phong phú văn hóa Phật giáo các hệ phái, vùng miền, dân tộc (tộc người).
– Cần thống nhất: trên nền tảng tư tưởng, triết lý Phật giáo + truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam + phù hợp thời đại, đăc biệt đối với nghi lễ quốc gia, quốc tế: kinh tụng, pháp phục, ngôn ngữ chung; biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam …)
3.2. Định hướng cụ thể
* Về Ngôn ngữ Phật giáo:
Căn cứ vào Hiến pháp 2013 về việc hiến định ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt thì việc Việt hóa và sử dụng tiếng Việt cùng với chữ Quốc ngữ theo hướng chuẩn mực, hiện đại của tiếng Việt là một hướng tất yếu của ngôn ngữ Phật giáo hiện nay:
– Từ thực tế về tình hình ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam hiện nay, cần xây dựng cơ sở khoa học cho việc xác lập ngôn ngữ Phật giáo hiện đại nhằm một mặt đảm bảo được việc tuân thủ Hiến pháp của ngôn ngữ Phật giáo, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của ngôn ngữ Phật giáo truyền thống.
– Tôn trọng, duy trì truyền thống các hệ phái (sự đa dạng góp phần tạo nên nét đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam). Tôn trọng ngôn ngữ Pali, Ngôn ngữ Phật học Hán Việt nhưng cần Việt hóa để thuận lợi trong việc truyền bá Phật giáo.
+ Trước hết là trong hệ thống kinh tụng, giáo lý Phật giáo: thống nhất xây dựng một bài kinh tụng chung bằng tiếng Việt cho các hệ phái trong các nghi lễ chung quốc gia, quốc tế (đã hoàn thành kinh Chuyển Pháp Luân và 6 bài khóa tụng thống nhất); nghiên cứu, xây dựng các bài kinh tụng bằng tiếng Việt (nhật tụng của các hệ phái) phổ biến cho các tăng ni, Phật tử đảm bảo khoa học và tư tưởng của Đức Phật; tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn, biên dịch bộ Đại tạng kinh (tiến hành lâu dài).
+ Tiếp theo là trên các đồ thờ, pháp khí, biển hiệu và ứng xử, giao tiếp: thống nhất sử dụng Việt ngữ hay song ngữ/chú thích cho các biển tên, bia ký, hoành phi câu đối, minh văn lạc khoản… đối với các di sản đã và đang tồn tại (Hán – Việt, Pali/Khmer – Việt…). Nên chuyển dần sử dụng chữ Quốc ngữ (Việt) trong các công trình Phật giáo xây mới (nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến, truyền bá tư tưởng Phật giáo tới Phật tử, công chúng).
* Về Pháp phục Phật giáo:
Việc lựa chọn bộ pháp phục truyền thống mang đặc trưng bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở:
– Đảm bảo mang ý nghĩa/tinh thần cốt lõi của pháp phục Phật giáo.
– Phù hợp với văn hóa Việt Nam: thống nhất trong đa dạng
– Thực hiện nghiêm túc Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: tôn trọng truyền thống, kết hợp giữa truyền thống lịch sử và truyền thống các hệ phái. Tôn trọng truyền thống pháp phục của các hệ phái song cần xây dựng, quy định pháp phục theo giới phẩm, giáo phẩm trong từng hệ phái để thuận lợi cho việc nhận dạng (tăng, ni, Phật tử).
– Thuận lợi cho việc quản lý tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội các tỉnh, thành.
– Phù hợp với khí hậu từng vùng, miền về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, phụ kiện.
– Phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt trong các nghi lễ, đặc biệt là quốc gia, quốc tế, đối ngoại (đảm bảo tính trang nghiêm, thuận tiện,…) và theo quy định chung của Giáo hội.
– Văn minh, lịch sử trong ứng xử.
– Trang trọng, thuận tiện, thân thiện, hài hòa.
Nhận thức được tầm quan trọng của đặc trưng pháp phục Phật giáo Việt Nam, đề án Pháp Phục đã được Ban Văn hóa Trung Ương GHPGVN triển khai thực hiện. Bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra đặc trưng chung nhất cho Pháp phục Phật giáo từ màu sắc, kiểu dáng, biểu tượng nhận diện…
* Về Kiến trúc Phật giáo:
Việc định hướng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam thực hiện và thống nhất đặc trưng kiến trúc chung để các hệ phái, vùng miền có thể ứng dụng vào thực tiễn tu bổ, xây mới cơ sở tự viện của mình trên cơ sở:
– Đảm bảo: Tính truyền thống, Tính dân tộc (hay tính đặc thù, tính ứng dụng) và Tính thời đại.
– Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị vật thể và phi vật thể của kiến trúc trong việc bảo tồn, xây dựng kiến trúc Phật giáo Việt Nam, từ cảnh quan không gian, bố cục, kết cấu, trang trí, bài trí tượng pháp, đồ thờ… đối với các công trình kiến trúc Phật giáo đã và đang tồn tại. Trong đó, chú trọng yếu tố phi vật thể/ý nghĩa trong kiến trúc và từng chi tiết kiến trúc Phật giáo Việt Nam nói chung cũng như kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng miền, dân tộc (tộc người) trong trùng tu hoặc xây dựng mới công trình kiến trúc Phật giáo.
– Nghiên cứu, xây dựng bộ nguyên tắc và thiết kế một số mẫu kiến trúc ứng dụng trong một số trường hợp cụ thể để tham khảo quy chuẩn/làm cơ sở cho các công trình kiến trúc Phật giáo khi tiến hành bảo tồn, trùng tu hoặc xây dựng mới đảm bảo tạo nên đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
– Sự phối hợp chặt chẽ giữa GHPGVN với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo tồn, xây dựng kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
– Đối với các công trình kiến trúc Phật giáo hiện đại, khi xây dựng, cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn và phải được xác định là một công trình văn hóa mang bản sắc Phật giáo.
Việc ý thức – tôn trọng, gìn giữ – phát huy giá trị nét văn hoá đặc trưng của các hệ phái Phật giáo là phù hợp với nét đẹp của văn hoá Phật giáo Việt Nam, đúng với hiến chương và chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Định hướng đặc trưng văn hoá Phật giáo Việt Nam trên tinh thần “Văn hoá Phật giáo Việt Nam, thống nhất trong đa dạng”, đó chính là kim chỉ nam trong suốt quá trình khảo sát, nghiên cứu, triển lãm, toạ đàm, hội thảo, cho đến kết quả nghiên cứu đệ trình Hội đồng Trị sự GHPGVN phê duyệt, ban hành.
* Di sản văn hóa Phật giáo
Di sản văn hóa Phật giáo được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực vực: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc và được quan tâm định hướng bảo tồn, phát huy xuyên suốt trong quá trình thực hiện các nội dung Đề án. Theo đó, các giải pháp được đề cập đến như sau:
Tăng cường nhận thức, bổ sung kiến thức về di sản, bảo tồn, phát huy di sản cho trước hết là các sư trụ trì (qua các chương trình của các trường đào tạo, lớp học hạ hoặc lớp bồi dưỡng định kỳ hàng năm…) và trách nhiệm của các sư trụ trì trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo. Ban Văn hóa TƯ lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan, chuyên gia tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức.Theo Luật di sản văn hóa thì tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, “ngăn chặc hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa” [Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều, 2009, Chương 2, Điều 4, Mục 3, 5). Vì vậy, mỗi một vị tăng, ni Phật giáo trước hết là một công dân Việt Nam, đều phải thực hiện nhiệm vụ theo quy định, pháp luật chung của nhà nước, đặc biệt các tăng, ni Phật giáo là người trụ trì ở những ngôi chùa, đặc biệt là chùa di tích thì hơn ai hết, họ lại càng đóng vai trò quan trọng, trực tiếp trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản đó.
Cần xác định, đặt đúng vai trò (mà cụ thể là quyền và nghĩa vụ) của sư trụ trì trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo: Trước những thách thức của thời đại, vấn đề nhận diện, xây dựng phương pháp bảo vệ giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam là một việc làm cần thiết. Quan điểm nhìn nhận vai trò của sư trụ trì như một bên liên quan quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo là một giải pháp hiệu quả. Vai trò sư trụ trì cần đặt trong mối tương quan với các bên liên quan khác, nhất là cộng đồng, chính quyền địa phương, cũng như cần được tạo điều kiện hoạt động thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước, Giáo hội. Nếu như quyền và nghĩa vụ của tăng, ni Phật giáo được nhận thức đầy đủ và có sự phối hợp tốt của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa thì chắc chắn sự đóng góp của họ trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy sẽ hiệu quả và khả thi hơn rất nhiều.Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan trong quản lý di sản.Tăng cường nghiên cứu, khai thác giá trị từ di sản Phật giáo để kế thừa, phát huy, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại, đồng thời định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu bài bản hệ thống kinh, sách hướng dẫn và di tích, di vật (là những tư liệu quý giá) để xây dựng những tiêu chí, chuẩn mực bổ sung công cụ cho sự kiểm soát, quản lý việc bảo tồn, phát huy di sản. VD: tập hợp/xây dựng hệ thống về kiến trúc (không gian cảnh quan, bố cục, công năng sử dụng…); về biểu tượng, trang trí, mỹ thuật và ý nghĩa của chúng; về tượng pháp, đồ thờ, pháp khí (nhất là hệ thống hoành phi, câu đối, đại tự, bia ký, chuông, khánh…); về các cách thức thực hành nghi lễ, tổ chức lễ hội Phật giáo.Cần xây dựng kế hoạch/đề án tổng thể cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo, trong đó phân tách từng lĩnh vực, vấn đề cần xử lý, thực hiện theo lộ trình, khoa học nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thực hiện triệt để, hiệu quả, khả thi cao hơn.Di sản văn hóa Phật giáo là một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của các cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, cần xây dựng một trung tâm di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam để giới thiệu một cách đầy đủ, toàn quốc, toàn diện, thống nhất trong đa dạng về Phật giáo Việt Nam, giúp cho Tăng Ni, Phật tử, công chúng trong và ngoài nước hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, vai trò của Phật giáo; những giá trị, ý nghĩa của những di sản Phật giáo đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo. Hoặc xây dựng những trung tâm văn hóa/bảo tàng để lưu giữ, giới thiệu về Phật giáo Việt Nam (có thể theo vùng, miền hoặc theo hệ phái…).
Kết luận
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam cách ngày nay khoảng 2000 năm. Với triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc, tính chất từ bi, hỉ xả, bao dung, độ lượng, phù hợp với tâm tính người Việt Nam nên Phật giáo dễ dàng thấm sâu vào đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và dần trở thành “tôn giáo bản địa”. Trong lịch sử phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chi phối mạnh mẽ tới tư tưởng, học thuật, văn học và nghệ thuật của đất nước. Mặc dù có lúc thăng trầm song Phật giáo vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, thậm chí, Phật giáo đã trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam, có sự ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, hòa quyện cùng văn hóa bản địa trở thành “mạch ngầm văn hóa” tạo nền tảng cho sự bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam.
Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa Phật giáo Việt Nam với sự phát triển của đất nước, dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, gần 40 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chủ động, nỗ lực để khẳng định vai trò của mình và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn hóa Phật giáo và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo, trong đó việc tăng cường vai trò của tăng ni đã có tác dụng giáo dục rất lớn, hiệu quả trong bảo tồn phát huy giá trị văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự nhận thức đúng đắn, sự đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống giáo hội Tăng Ni, Phật tử, cùng với đó là sự tập hợp được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị các cấp, các ngành liên quan…trong định hướng bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo khoa học, hiệu quả, phù hợp thực tiễn nên những kết quả bước đầu đã được lan tỏa, mang lại hiệu ứng tốt, góp phần tăng cường vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Phật giáo Việt Nam vào quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại mới./.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm