Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 24/05/2017, 16:18 PM

Định luật nghiệp của con người (P.3)

Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa một chiều, hễ nói nghiệp thì phải là điều xấu, điều ác. Kỳ thật, nghiệp cũng có xấu và cũng có tốt, nghiệp cũng có nghiệp thiện và nghiệp ác. Nghiệp tuy không có hình tướng cụ thể, nhưng nghiệp có khả năng chi phối sai sử làm cho con người khốn khổ và si dại vì nó.

Tiền bạc làm không chân chính bị 5 nhà cuốn trôi

Tiền bạc nếu làm ra không chân chính thường hay bị năm nhà cuốn trôi: lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cướp, bị vua quan tịch thâu và con cái bất hiếu phá sản.

Nhà lũ lụt: Chiến tranh, thiên tai, sóng thần, động đất, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra trên thế gian này. Nó đã tàn phá tài sản, vật chất của con người dưới mọi hình thức, bởi do nhân xấu mà ta đã gieo tạo từ vô thủy kiếp đến nay.

Nói đến lũ lụt, đất nước Việt Nam ta năm nào cũng có, nhiều nhất là hai tỉnh miền Trung, Bắc, luôn gây thiệt hại về tài sản và mất mát con người. Trong những tình huống như vậy, ai mà không ngậm ngùi, thương xót với sự mất mát, đau thương đó. Nhiều người không hiểu nên cho rằng số trời đã định, hay ông trời đang trừng phạt. Chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng thấu đáo, ông trời ở đây là chỉ cho luật nhân quả đang vận hành theo nguyên lý duyên khởi.

Ta khai thác tàn phá thiên nhiên một cách bừa bãi, nên tạo ra sự mất cân đối, và ai làm như vậy thì sẽ bị gió nghiệp cuốn vào vòng quỷ đạo đó mà chịu quả báo, cho nên có người bị, có người không. Thậm chí, có nhiều người đến sáu mươi bẩy tuổi mới xây cất được căn nhà khang trang, tậu được miếng vườn nho nhỏ để an hưởng tuổi già. Đùng một cái, một trận lũ xảy ra cuốn trôi hết tất cả, nên cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Sự mất mát đau thương đó ai mà không buồn khổ, kẻ tin theo truyền thống có ông trời tạo ra thì chấp nhận số phận đã an bài mà oán trách đấng tối cao. Người tin sâu nhân quả thì ngay nơi mất mát đó, họ cố gắng nhiều hơn để làm các việc có lợi ích cho nhân loại. Do đó, không có chuyện gì đương nhiên khi không mà xảy ra, mọi thứ đều có nguyên nhân tốt xấu của nó. Hiểu được như vậy rồi thì ta sẽ cố gắng tránh xa những việc làm xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp.

Nhà hỏa hoạn: Tất cả mọi tai nạn hầu như đều do con người gây ra. Trong sự vô ý tình cờ hay trong lúc giận dữ, ta có thể hủy phá hết tất cả. Lũ lụt hay hỏa hoạn là những tai nạn bất ngờ chỉ trong chớp mắt cuốn trôi tất cả, hoặc thiêu rụi sạch sành sinh. Mọi việc xảy ra không có gì là đương nhiên khi không, hay ngẫu nhiên, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Trong quá khứ, ta có thể phá hủy thiên nhiên, khai thác tài nguyên quá mức, hoặc vô tình làm cháy sạch tài sản của người khác. Nói cho rõ hơn, nhân vô tình có quả vô tình, nhân gian tham trộm cướp thì bị mất mát trở lại theo sự diễn biến của nhân quả.

Nhà trộm cướp: Kẻ ăn không ngồi rồi, lười biếng lao động, ham thích hưởng thụ nhiều, nên dễ sinh tâm trộm cướp, lường gạt của người khác. Trộm là lén lấy, cướp là công khai giành giựt lấy. Phạm vào tội trộm thì nhẹ hơn, một cái là lén lấy vì còn sợ người khác thấy. Còn cướp là hiên ngang công khai lấy trước mặt mọi người, dùng thế lực trấn lột, và có sự đe dọa, hoặc lợi dụng quyền thế để bắt buộc người đưa. Xã hội lúc nào cũng lên án hai hành động này, và có luật pháp hẳn hòi để xử phạt.

Nguyên nhân chính để xảy ra tệ nạn xã hội này là do lòng tham của con người. Từ lòng tham đó, con người muốn ăn không ngồi rồi để hưởng thụ, do quan niệm chết là hết, không có nhân quả, nghiệp báo. Một số người vì suy nghĩ lầm lẫn như vậy nên suốt cả cuộc đời rơi vào vòng tệ nạn xã hội, nhẹ thì nghèo cùng khốn khổ, nặng thì tù tội, bệnh tật, chết yểu.

Nhà vua quan tịch thu: Thời phong kiến độc tôn, vua là trên hết, thay trời trị vì thiên hạ, nên có quyền sinh sát trong tay. Khi làm vua thì theo tập cấp cha truyền con nối, được quyền ăn trên ngồi trước hưởng thụ mọi nhu cầu tối cao theo ý muốn riêng tư của mình. Ngày xưa, có những luật lệ lạ đời, không có con trai kế thừa thì khi chết đi, gia sản phải được sung vào công quỷ của nhà vua. Hoặc một người làm sai bị tịch biên tài sản, và nặng hơn thì chu di cả ba họ theo cách diệt cỏ phải diệt tận gốc. Nếu ta không gian tham, trộm cướp, lường gạt của người khác bằng nhiều hình thức, thì làm gì ta bị vua quan tịch thu hoặc chế tài.

Thế giới con người ngày nay tuy không còn chế độ phong kiến vua quan như xưa kia nữa, nhưng luật pháp vẫn có điều lệ rõ ràng, ai có công thì thưởng, ai có tội thì trừng. Tuy nhiên, vẫn có những người không phạm tội, nhưng mà tình ngay lý gian, hoặc do thiếu trách nhiệm, nên phải bị tù tội và chịu bồi thường tiền bạc. Những trường hợp oan nghiệt như vậy là do quả xấu của quá khứ còn xót lại, nay hội đủ nhân duyên đến hồi phải trả.

Nhà con cái bất hiếu phá sản: Trong các sự mất mát đau thương của nghiệp trộm cướp, bị con cái bất hiếu, phá sản là nặng nề nhất. Bởi vì cha mẹ nào mà lại không thương con cái của mình, chính vì lẽ đó mà có nhiều gia đình phải tán gia bại sản, chịu tù tội và khổ sở vì con cái.

Nhiều khi cha mẹ vì quá thương con nên chiều chuộng, cấp dưỡng quá mức mỗi khi có yêu cầu. Vì mải mê lo công danh sự nghiệp, buôn bán làm ăn, nên không cần quan tâm, chăm sóc, con cái muốn gì được nấy. Thực tế trong cuộc sống, có rất nhiều gia đình cha mẹ làm lụng nhọc nhằn vất vả cả đời, vì thương con không đúng cách mà phải chịu cảnh tan nhà, nát cửa, khổ đau, nghèo đói.

Tóm lại, tiền bạc của cải làm ra không chân chính sẽ bị năm nhà cuốn trôi và phá sạch, nhưng nặng nề nhất là bị con cái bất hiếu phá sản. Cha mẹ vì thương con một cách mù quáng, chỉ biết làm ra tiền để chu cấp thôi, do đó làm cho con cái ỹ lại và lười biếng. Ai có thói quen như thế thì suốt cả cuộc đời chỉ báo cha, báo mẹ mà thôi, chẳng bao giờ thành công trong cuộc sống.

Gia đình người thân là nền tảng sống của xã hội

Con người ta ai cũng quý trọng thân này vì cho rằng nó là ta, thật của ta, nên cứ mãi chạy theo vào trường đời danh vọng, để làm sao cho có thật nhiều tiền bạc, của cải, vật chất sung túc, đầy đủ, dư dã. Từ chỗ bám víu lo cho thân này, nên tìm cách vơ vét, bóc lột về cho riêng mình thật nhiều, đã lo cho ta rồi đến của ta, vợ ta, con ta, cha mẹ ta, người thân của ta, đất nước ta v.v…

Chính vì quan niệm sai lầm trên, nên Phật thí dụ bà vợ thứ ba là gia đình người thân. Khi ta giàu có, quyền cao chức trọng thì ai cũng đến chúc mừng, tán thán, rồi nhờ vã, ăn theo để được giúp đỡ và kiếm chác chút đỉnh. Gia đình, người thân là nền tảng để phát triển hình thành nên một xã hội nếu trong gia đình biết sống hiếu thuận với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới, vui vẻ, thuận thảo với anh em và sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia khi gặp người bất hạnh. 

Có ông lão đã gần 90 tuổi, nhưng không bao giờ biết lo tu tâm dưỡng tính, nên suốt cả cuộc đời nhọc nhằn, lao khổ trăm bề. Lúc còn trẻ thì lo gầy dựng sự nghiệp để lo cho thân này, nên ráng làm thật nhiều tiền rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái, con cháu, chắt chít đầy nhà. Đông con, đông cháu nên suốt ngày ông cứ vì thế mà bận rộn, lo hết việc này lại đến việc kia, không có thời gian nghỉ ngơi.

Hôm đó, trên đường đi giáo hóa, Phật biết ông sắp hết duyên phần, vì lòng từ bi nên Phật ghé nhà muốn ông thức tỉnh về sự vô thường, không dính mắc vào tình cảm, gia đình, người thân, để ông hồi tâm thức tỉnh trở lại, khi ra đi được an ổn, nhẹ nhàng mà sinh về cõi lành. Do đó, Phật đọc bài kệ vô thường cho ông nghe nhằm nhắc nhở và cảnh tỉnh. Ông nói bài kệ hay quá chừng, nhưng bây giờ tôi chưa rãnh để học bài kệ đó được, phải lo coi thợ thầy, nhân công, để làm cho xong căn nhà mát năm gian, phiền Phật khi khác ghé lại để ta cùng nhau tham khảo nghĩa lý bài kệ.

Chiều hôm đó, người nhà chạy đến tịnh xá báo tin ông đã bị cây rớt trúng vào đầu, chết liền tại chỗ. Câu chuyện trên là một bài pháp sống nhằm nhắc nhở hàng phật tử chúng ta phải ý thức việc tu hành của mình. Khi còn trẻ thì ta phải nương nhờ sự lo lắng, giúp đỡ của cha mẹ về mọi phương diện, đến khi lớn khôn, trưởng thành thì ta có vợ có chồng và sinh con đẻ cái, gầy dựng giống nòi nhân loại. Sau khi lo tròn trách nhiệm chu toàn cho con cháu rồi, ta phải biết sắp xếp thời gian để tu tập chuyển hóa, sống vui vẻ hạnh phúc tuổi già để chuẩn bị cho đời sống kế tiếp được vuông tròn tốt đẹp hơn.

Trường hợp của ông già trên thật là diễm phúc mới có nhân duyên gặp Phật, nhưng vì ông ta cứ mải mê gầy dựng sự nghiệp thế gian mà cuối cùng bị tai nạn, chết bất đắc kỳ tử. Chết như vậy thì ba thứ thân thương nhất mà mình hằng ngày phải lo lắng cưu mang; trước tiên là lo cho thân này nên cố gắng phải làm ra thật nhiều tiền bạc của cải để đáp ứng mọi nhu cầu cho thân, rồi kế đến là cho con ta, cùng với những người thân thuộc, bà con hai bên.

Nhưng đến khi ra đi, những thứ đó đâu thể giúp được cho mình, cụ thể như ông trưởng giả đó kêu ba bà vợ phát tâm đi theo, có bà nào chịu đâu. Duy chỉ có bà vợ thứ tư khỏi cần phải hỏi, bởi bà đại diện cho việc làm và những thói quen của ta mỗi ngày, ta làm tốt hay xấu, đúng hay sai, có phước hay có tội, nhiều ít gì thì nó vẫn sẽ theo ta trong cuộc hành trình của đời sống kế tiếp.

Vậy chủ yếu cuộc sống của thế nhân hằng ngày ngoài công việc lo tròn trách nhiệm, bổn phận với gia đình người thân, ta cần phải sắp xếp thời gian tu hành để gầy dựng cho đời sống kế tiếp được tốt đẹp và hoàn chỉnh hơn. Hiện tại, ta phải biết gieo tạo nghiệp lành thuần thục khi còn mạnh khỏe, đến lúc gần chết, tâm niệm cũng phải lành thì mới chắc chắn bảo đảm đi đến cõi lành. Còn nếu bình thường tạo nghiệp lành mà lúc gần chết tạo nghiệp dữ thì chưa bảo đảm đi đến cõi an vui, tốt đẹp. Còn nếu hiện tại khi ta chưa biết tu, lỡ gây tạo nghiệp dữ nhiều, lúc gần chết tâm niệm biết thay đổi thì cũng có thể chuyển đổi được phần nào nghiệp xấu ác trước kia, vì nghiệp không cố định.

Phật vì lòng từ bi thương xót, muốn giúp cho ông lão ý thức việc sống chết mà lo thúc liễm thân tâm, chuẩn bị cho đời sống kế tiếp được tốt đẹp hơn, nên đến nhà khuyên nhủ, chỉ dạy, nhưng ông lão nào có hay biết gì. Ông còn hẹn Phật chờ đến khi nào rãnh rỗi thì hãy đến rồi cùng bàn luận nghĩa lý của bài kệ. Do đó, ông phải chịu chết bất đắc kỳ tử, chết như vậy thì khó lòng siêu thoát, vì đang còn dính mắc vào việc làm dang dỡ. Nhiều khi, thần thức của ông phải chịu loanh quanh, lẫn quẩn trong nhà, vì luyến tiếc việc làm chưa xong, chính vì vậy mà ông có thể trở thành con ma vất vưỡng. Vì ông nghĩ thân này lâu dài bền chắc, bám víu vào sự nghiệp tài sản và lo lắng, cưu mang cho gia đình, người thân quá mức mà bị họa chết bất đắc kỳ tử như vậy. Người cư sĩ tại gia hãy suy tư, nghiền ngẫm lời Phật dạy qua câu chuyện trên, để chúng ta ý thức việc tu hành, biết cách sắp xếp hài hòa trong mọi công việc mà có thời gian hoàn thiện chính mình.

Nghiệp báo theo ta như bóng với hình

Nghiệp báo nói cho đủ là nghiệp quả báo ứng, tức đã gây nhân thì có kết quả tương xứng, và quả đến sớm hay muộn khi hội đủ nhân duyên, hội đủ điều kiện. 

Nghiệp là năng lực, là hành động từ những suy nghĩ rồi phát xuất ra lời nói có cố ý, cố tâm, được lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu ngày trở thành thói quen. Chính thói quen đó có sức mạnh chi phối, cuốn hút chúng ta làm theo. Nói đến nghiệp là nói đến sự toàn quyền quyết định của chúng ta, không ai có thể ban phước giáng họa và định đoạt, sắp đặt, mà chính ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

Nghiệp là thói quen huân tập tạo thành sức mạnh chi phối tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống của con người, từ khi mở mắt chào đời, cho đến khi nhắm mắt và những đời sống kế tiếp. Nếu người phật tử tu mà không hiểu rõ về nghiệp thì khó mà ứng dụng tu hành để đạt được tới chỗ an lạc, hạnh phúc trọn vẹn.

Chính chúng ta là chủ nhân tạo nghiệp, và cũng chính chúng ta là chủ nhân chịu thọ quả báo. Chúng ta thừa nhận nghiệp do mình tạo ra, được sinh ra từ nghiệp, và bị nghiệp trói buộc trở lại. Bởi nghiệp là hành động, là thói quen, nên chúng ta có thể thay đổi được, chỉ cần mọi người cố gắng, nỗ lực và kiên trì, bền chí.

Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa một chiều, hễ nói nghiệp thì phải là điều xấu, điều ác. Kỳ thật, nghiệp cũng có xấu và cũng có tốt, nghiệp cũng có nghiệp thiện và nghiệp ác. Nghiệp tuy không có hình tướng cụ thể, nhưng nghiệp có khả năng chi phối sai sử làm cho con người khốn khổ và si dại vì nó.

Báo là đền trả một cách công bằng và xứng đáng, không thiên vị, không sai lệch, không tiêu mất. Ai có cố ý, cố tâm hành động hoặc tốt, hoặc xấu sẽ gặt quả một cách bình đẳng. Nghiệp đã gieo dù trăm kiếp, ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện.

Hình ảnh bà vợ thứ tư là chỉ cho nghiệp riêng của mỗi người chúng ta. Thường thì cuộc sống ở thế gian ít ai quan tâm đến vấn đề này, ta chỉ một bề trau chuốt làm đẹp, bồi bổ cho sắc thân, làm cho thật nhiều tiền nên bất chấp mọi thủ đoạn, miễn sao để có lợi cho mình, người thân, và bảo vệ họ hàng gần xa.

Ta lo lắng làm sao cho có thật nhiều tiền và tìm đủ mọi cách bảo bọc, che chở cho những người thân thuộc mà quên rằng, những gì ta đang làm đến khi chết không mang theo được một thứ gì dù là cái nút áo cũng bị cắt lại. Xưa có một gia đình nọ, người vợ thì sống hiền lương đạo đức, biết bổn phận và trách nhiệm, siêng năng làm việc, nuôi dạy con cái đàng hoàng, ngược lại ông chồng thì suốt ngày bê tha, rượu chè, cờ bạc.

Mỗi lần ông cờ bạc thua về nhà là ông kiếm chuyện chửi mắng, đánh đập để bà phải xì tiền ra đưa cho ông. Con cái, người thân, láng giềng, hàng xóm, ai thấy cũng đau lòng, thắc mắc tại sao bà không chịu ly dị cho rồi, cứ để ông hành hạ khổ sở như thế? Nhưng khi hỏi bà thì bà nói không thể ly dị vì bà còn thương, sợ ông khổ. Có nhiều gia đình có những đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu, phá gia sản, cầm cố nhà cửa, làm hại đủ thứ. Vậy mà gia đình vẫn thương, không thể từ bỏ, vì cha mẹ có cái nghiệp riêng với con cái. Để thấy cái nghiệp riêng của người, mình là kẻ ngoài cuộc không có nghiệp đó thì không thể chấp nhận, không chịu nổi. Còn người đã có nghiệp, có nợ nần với nhau, dù bị chửi mắng, đánh đập, phá phách, đối xử tàn tệ, người ta vẫn chấp nhận chung sống, không thể xa rời nhau được.

Như vậy, nếu biết được mỗi người có cái nghiệp riêng thì chúng ta có thái độ sống hết sức dung hòa, không thắc mắc, không trách cứ những hoàn cảnh khó khăn, rắc rối mà người trong cuộc không thể giải quyết dứt khoát được, vì nghiệp riêng của họ. Cho nên, nghiệp theo ta như bóng với hình từ đời này sang kiếp nọ, đến khi hết nợ nần với nhau mới thôi.

Ấy thế mà, đa số chúng ta lại hay lãng quên mà giống như ông trưởng giả, chỉ lo lắng, quan tâm đến ba bà vợ trước, chờ khi quả khổ đến mới than vãn, trách móc, đổ thừa tại, bị, thì, là…, rồi kêu Phật trời cứu cho. Trời Phật nào giúp cho ta được chỗ này, bụng làm thì dạ chịu chứ cầu cứu ai thế cho mình được dù là thân thương như cha mẹ. Ta có niềm tin, ta có hiểu biết, ta có quán chiếu, ta có trái tim, mà không ai chịu vận dụng để thừa hưởng cái tinh hoa đó, ta cứ suốt ngày chạy theo công danh sự nghiệp, gia đình, người thân, cho đến khi ra đi chỉ mang theo nghiệp tốt hoặc xấu mà thôi. Tốt thì đi ba đường trên hưởng phước báo cõi trời, người và thần A Tu La, xấu thì bị đọa ba đường dưới địa ngục, quỷ đói và súc sinh, chịu nhiều ngu si và khổ đau vô cùng.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Xem thêm